Nói lắp là gì?
Nói lắp, đôi khi được gọi là nói cà lăm, là một sự gián đoạn lặp đi lặp lại trong cách phát âm bình thường. Nói lắp có thể có nhiều hình thức. Ví dụ, một người nói lắp có thể lặp lại một âm thanh hay một âm tiết, đặc biệt là âm ở đầu của từ, như “bờ-bờ-ba”. Hoặc nói lắp là sự kéo dài của âm thanh như “con tê-ê-ê-ê-ê-ê-ê-ê-n là.” Đôi khi nói lắp là sự ngập ngừng khi nói hoặc khi bỏ sót một âm thanh nào đó. Nói lắp cũng có thể là lặp đi lặp lại trong câu nói những âm thanh gián đoạn như “à ờ”.
Bất cứ ai cũng có thể nói lắp, nhưng phổ biến nhất là ở trẻ em đang tập nói và thường gặp ở bé trai nhiều hơn. Các bé từ 18 đến 24 tháng tuổi thường bắt đầu nói lắp và đến 5 tuổi sẽ hết.
Cứ 20 trẻ thì sẽ có 1 trẻ nói lắp liên tục và kéo dài hơn sáu tháng. Tuy nhiên điều này không có nghĩa là trẻ sẽ nói lắp suốt đời. Nếu bạn tìm hiểu thông tin về tật này và biết cách phản ứng lại với tật nói lắp của con, bạn sẽ giúp con rất nhiều trong việc phòng ngừa bệnh cho con đấy.
Sự khác biệt giữa nói lắp bình thường và bệnh nói lắp?
Không phải là lúc nào bạn cũng sẽ đoán trước được tật nói lắp của trẻ sẽ phát triển thành một chứng bệnh nghiêm trọng trong tương lai. Sau đây là những dấu hiệu bạn cần lưu ý:
- Cơ mặt của con bị căng thẳng và khó chịu khi nói;
- Tông giọng của con cao hơn mỗi lần nói lắp;
- Trẻ trở nên căng thẳng và phải nỗ lực rất nhiều mỗi khi nói;
- Trường hợp nghiêm trọng hơn trẻ thường tránh nói lắp bằng cách cố gắng thay đổi các từ hay dùng thêm những âm thanh khác để nói chuyện. Đôi khi, trẻ sẽ né tránh không muốn phải nói chuyện.
Nguyên nhân con nói lắp?
Theo các chuyên gia, có 4 yếu tố hình thành nên tật nói lắp ở trẻ:
Trong gia đình cũng có người nói lắp. Có nhiều ý kiến trái chiều về việc này vì vẫn chưa thể tìm ra được gen mang tật nói lắp. Tuy nhiên, gần 60% trẻ nói lắp là do gia đình cũng có người nói lắp.