Nói lắp thường phổ biến ở trẻ em trong độ tuổi từ 2 đến 5. Đối với nhiều trẻ em, điều này chỉ đơn giản là bé đang học cách sử dụng ngôn ngữ và học cách liên kết các từ với nhau để tạo thành câu hoàn chỉnh. Nói lắp có thể xảy ra trong một khoảng thời gian ngắn từ vài tuần cho đến vài năm. Hầu hết trẻ sẽ tự ngừng nói lắp mà không cần sự can thiệp chuyên sâu gì. Nhưng đối với một số bé, nói lắp có thể trở thành tật suốt đời gây ảnh hưởng đến học tập và cuộc sống khi đã lớn.
Là cha mẹ, bạn không thể không quan tâm khi đột nhiên thấy con nói lắp. Liệu bạn có thể làm gì để giúp con vượt qua việc nói lắp này? Nói lắp như thế nào là bình thường và như thế nào là cần được đi khám? Hello Bacsi sẽ cho bạn biết một số thông tin để có cách xử lý thích hợp khi trẻ bắt đầu nói lắp nhé.
Nói lắp là gì?
Nói lắp, đôi khi được gọi là nói cà lăm, là một sự gián đoạn lặp đi lặp lại trong cách phát âm bình thường. Nói lắp có thể có nhiều hình thức. Ví dụ, một người nói lắp có thể lặp lại một âm thanh hay một âm tiết, đặc biệt là âm ở đầu của từ, như “bờ-bờ-ba’. Hoặc nói lắp là sự kéo dài của âm thanh như “con tê-ê-ê-ê-ê-ê-ê-ê-n là.’ Đôi khi nói lắp là sự ngập ngừng khi nói hoặc khi bỏ sót một âm thanh nào đó. Nói lắp cũng có thể là lặp đi lặp lại trong câu nói những âm thanh gián đoạn như “à ờ’.
Bất cứ ai cũng có thể nói lắp, nhưng phổ biến nhất là ở trẻ em đang tập nói và thường gặp ở bé trai nhiều hơn. Các bé từ 18 đến 24 tháng tuổi thường bắt đầu nói lắp và đến 5 tuổi sẽ hết.
Cứ 20 trẻ thì sẽ có 1 trẻ nói lắp liên tục và kéo dài hơn sáu tháng. Tuy nhiên điều này không có nghĩa là trẻ sẽ nói lắp suốt đời. Nếu bạn tìm hiểu thông tin về tật này và biết cách phản ứng lại với tật nói lắp của con, bạn sẽ giúp con rất nhiều trong việc phòng ngừa bệnh cho con đấy.
Sự khác biệt giữa nói lắp bình thường và bệnh nói lắp?
Không phải là lúc nào bạn cũng sẽ đoán trước được tật nói lắp của trẻ sẽ phát triển thành một chứng bệnh nghiêm trọng trong tương lai. Sau đây là những dấu hiệu bạn cần lưu ý:
- Cơ mặt của con bị căng thẳng và khó chịu khi nói;
- Tông giọng của con cao hơn mỗi lần nói lắp;
- Trẻ trở nên căng thẳng và phải nỗ lực rất nhiều mỗi khi nói;
- Trường hợp nghiêm trọng hơn trẻ thường tránh nói lắp bằng cách cố gắng thay đổi các từ hay dùng thêm những âm thanh khác để nói chuyện. Đôi khi, trẻ sẽ né tránh không muốn phải nói chuyện.
Nguyên nhân con nói lắp?
Theo các chuyên gia, có 4 yếu tố hình thành nên tật nói lắp ở trẻ:
Trong gia đình cũng có người nói lắp. Có nhiều ý kiến trái chiều về việc này vì vẫn chưa thể tìm ra được gen mang tật nói lắp. Tuy nhiên, gần 60% trẻ nói lắp là do gia đình cũng có người nói lắp.
Sự phát triển của trẻ. Trẻ em mắc các chứng bệnh về ngôn ngữ và tiếng nói có nhiều khả năng nói lắp hơn so với các trẻ em khác.
Sinh lý thần kinh. Ở trẻ bị nói lắp, phần não dùng để xử lý ngôn ngữ thường không giống với các trẻ khác. Điều này có thể gây trở ngại cho sự tương tác giữa não bộ với các cơ điều khiển giọng nói.
Áp lực từ gia đình. Nói lắp ở một số trẻ em một phần là do những áp lực từ gia đình cũng như nhịp sống vội vã ngày nay.
Nhiều người thường tin rằng nói lắp thường là do các chấn thương về mặt thể chất hay tâm lý gây nên. Mặc dù có một số trường hợp nói lắp xảy ra sau sang chấn tâm lý, nhưng tình trạng này rất hiếm gặp và thường có liên quan đến các chấn thương thể chất hay bệnh tật sau này. Đồng thời vẫn chưa có bằng chứng nào cho thấy tật nói lắp xảy ra là do biến cố tâm lý.
Khi nào thì bạn nên đưa con đến bác sĩ?
Nếu bạn thấy lo lắng về vấn đề nói lắp của con, hãy đến gặp bác sĩ. Bác sĩ có thể giới thiệu bạn đến một chuyên gia âm ngữ trị liệu (SLP), người này sẽ đánh giá các biểu hiện của con bạn để kết luận con bạn có bị nói lắp hay không. Trong hầu hết các trường hợp liên quan đến trẻ em, việc điều trị chủ yếu tập trung vào việc hướng dẫn và phối hợp với cha mẹ để phát triển các kỹ thuật giúp trẻ đối mặt và vượt qua tật nói lắp của mình.
Đối với trẻ em có vấn đề về nói lắp nghiêm trọng, việc phát hiện và can thiệp sớm là vô cùng hữu ích. Sau đây là những dấu hiệu cho thấy bạn cần đưa con đi khám.
- Con bạn nói lắp nhiều hơn và tật này trở nên tệ hơn;
- Khi nói lắp, cơ mặt hoặc cơ thể con có các biểu hiện lạ;
- Trẻ nói một cách khó khăn;
- Không muốn nói;
- Nâng cao tông giọng mỗi khi nói;
- Con vẫn nói lắp dù đã được 5 tuổi.
Có thuốc nào để giúp con khỏi nói lắp không?
Thật tiếc là vẫn chưa có “cách chữa bệnh’ cũng như không có thuốc để điều trị tật nói lắp. Ở một số trường hợp, chuyên gia nghiên cứu bệnh học về âm ngữ sẽ tiếp xúc trực tiếp với trẻ để phát triển các kỹ thuật hành vi cá nhân và giúp trẻ học cách không nói lắp. Liệu pháp này thực tế có thể khác nhau tùy thuộc vào hoàn cảnh cụ thể của từng trẻ.
Bạn có thể làm gì để giúp con?
Có rất nhiều thứ bạn và các thành viên khác trong gia đình có thể làm để giúp trẻ nói lắp có thể vượt qua các vấn đề của mình:
- Tạo cơ hội cho trẻ được nói chuyện thoải mái và vui vẻ;
- Giúp con chuyên tâm trò chuyện mà không bị ảnh hưởng bởi các tiếng ồn khác. Ví dụ như tạo cho con thói quen nói chuyện với mọi người trong bữa ăn;
- Đừng quá quan trọng đúng sai trong câu nói của trẻ hoặc sửa lỗi mỗi khi con nói sai;
- Đừng bắt trẻ phải nói chuyện. Thay vào đó hãy tạo cơ hội cho trẻ tham gia các hoạt động không đòi hỏi trẻ phải nói chuyện;
- Chăm chú lắng nghe những gì con bạn nói, duy trì giao tiếp bằng mắt thường xuyên mà không biểu lộ dấu hiệu của sự thiếu kiên nhẫn hoặc thất vọng khi thấy trẻ nói lắp;
- Tránh phản ứng tiêu cực khi trẻ nói lắp, không nên sửa cách nói của trẻ. Hãy cho con hiểu rằng con có thể giao tiếp một cách hiệu quả ngay cả khi chúng nói lắp;
- Mặc dù bạn chỉ có ý muốn giúp khi nói những lời động viên như “nói từ từ thôi con’, thực ra chúng có thể làm cho con bạn thêm ngượng ngùng đấy;
- Khi bạn nói chuyện với con, hãy nói từ từ, chậm rãi để con bắt chước theo;
- Đừng ngại trao đổi với con về vấn đề nói lắp. Nếu con có thắc mắc hoặc lo ngại gì về tật nói lắp của mình, bạn hãy lắng nghe và lựa lời để giải thích cho con hiểu rằng chuyện đó là bình thường và ai cũng có thể mắc phải.
Hello Bacsi hy vọng sau bài viết này bạn đã hiểu được đôi điều về tật nói lắp cũng như tìm được một số cách hữu ích để phát hiện và phòng ngừa tật nói lắp của con.
Bạn có thể quan tâm một số bài viết sau đây:
- Giúp bé 2 tuổi phát triển ngôn ngữ một cách thần sầu
- Nghi ngờ trẻ chậm phát triển? Kiểm tra ngay!
[embed-health-tool-vaccination-tool]