Dịch tay chân miệng dễ bùng phát ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 5 tuổi với biểu hiện chính là tổn thương da, niêm mạc ở dạng phỏng nước tại các vị trí như niêm mạc miệng, lòng bàn tay, bàn chân, mông, đầu gối [1]. Dù là bệnh phổ biến, nhưng trẻ bị tay chân miệng vẫn có nguy cơ gặp phải biến chứng nguy hiểm. Do đó, mẹ cần tìm cách phòng bệnh cho con, nhất là với bé sinh mổ vào thời điểm dịch tay chân miệng có nguy cơ bùng phát cao.
Bệnh tay chân miệng có khả năng lây nhiễm từ người sang người. Hai nhóm tác nhân gây bệnh phổ biến là Coxsackie virus A16 và Enterovirus 71 (EV71). Bệnh thường xuất hiện rải rác quanh năm ở hầu hết các tỉnh thành, trong đó các tỉnh phía Nam thường bùng dịch tay chân miệng vào hai thời điểm là từ tháng 3 – 5 và tháng 9 – 12 hàng năm [1].
Bệnh tay chân miệng ở trẻ nhỏ có nguy hiểm không?
Bệnh tay chân miệng thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, đặc biệt tập trung ở nhóm dưới 3 tuổi. Nhìn chung, bệnh có biểu hiện lâm sàng nhẹ và sẽ khỏi trong vòng 7 – 10 ngày [1],[2]. Tuy vậy, các bậc phụ huynh cũng không được chủ quan khi có dịch tay chân miệng bởi một số trường hợp có thể tiến triển nặng và gây ra các biến chứng nguy hiểm [1].
- Biến chứng ở thần kinh: Trẻ bứt rứt, lừ đừ, run chi, trợn mắt, đi loạng choạng, giật mình. Một số trẻ bị yếu chi, liệt thần kinh sọ, thậm chí một số trẻ co giật, hôn mê dù với tỉ lệ rất thấp.
- Biến chứng về hô hấp, tim mạch: Một số trẻ bị tay chân miệng có dấu hiệu về mạch nhanh, nhịp tim trên 150 lần/ phút, da nổi bông, một số trẻ sẽ gặp tình trạng thở không đều, thở nhanh, rút lõm ngực…
Trẻ sinh mổ có nguy cơ miễn dịch kém – Mẹ cần lưu tâm nhiều hơn khi bước vào “mùa” tay chân miệng
Nếu so sánh với bé sinh thường, bé sinh mổ sẽ có những điểm khác biệt nhất định, trong đó điển hình là sự khác biệt về hệ vi sinh đường ruột. Với bé sinh thường, khi chào đời, bé sẽ đi qua đường sinh của mẹ và được tiếp xúc với một lượng lớn vi sinh vật từ âm đạo và từ môi trường. Những vi sinh vật này sẽ giúp bé phát triển hệ thống miễn dịch và hệ vi sinh đường ruột. [6]
Tuy nhiên, bé sinh mổ lại không đi qua đường sinh này nên hệ vi sinh đường ruột của trẻ sẽ phát triển khác. Nghiên cứu cho thấy bé sinh mổ không có các chủng vi khuẩn đường ruột có ở trẻ em và người lớn khỏe mạnh, thay vào đó, đường ruột của bé lại có tỷ lệ hại khuẩn cao hơn 80% so với bé sinh thường. Điều này dẫn đến việc bé sinh mổ có nguy cơ cao mắc các vấn đề sức khỏe [6], [7]. Kết quả nghiên cứu cho thấy bé sinh mổ có nguy cơ miễn dịch kém hơn 1,5 lần so với bé sinh thường [5].
Đối với bệnh tay chân miệng, con đường lây virus thường là qua đường tiếp xúc trực tiếp với nước bọt, dịch tiết, dịch từ mụn nước và phân từ người nhiễm bệnh hoặc lây gián tiếp sau khi trẻ đụng chạm vào các bề mặt nhiễm virus do người nhiễm bệnh chạm vào [3]. Trong đó, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương và nhiễm bệnh qua tiếp xúc từ người sang người, nhất là trong các nhà trẻ, mẫu giáo do hệ miễn dịch còn non nớt [4]. Đặc biệt, với bé sinh mổ có nguy cơ miễn dịch kém thì càng được cần mẹ quan tâm chăm sóc nhiều hơn. [5]
Bảo vệ bé sinh mổ trước dịch tay chân miệng như thế nào?
Hiện tại, không có thuốc kháng virus hoặc vắc-xin đặc hiệu nào chống lại virus gây bệnh tay chân miệng [3]. Do đó, để bảo vệ con yêu trước dịch tay chân miệng, nhất là những trẻ sinh mổ có nguy cơ miễn dịch kém hơn, các bậc cha mẹ nên vừa tăng cường sức đề kháng từ bên trong vừa phòng ngừa các tác nhân lây nhiễm bên ngoài:
Tăng cường miễn dịch – Bí quyết bảo vệ bé sinh mổ từ bên trong
Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng chính cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Bởi sữa mẹ không chỉ chứa đầy đủ dưỡng chất đáp ứng nhu cầu của bé mà còn có rất nhiều dưỡng chất có hoạt tính sinh học riêng biệt giúp chống lại nhiễm trùng, góp phần xây dựng hệ miễn dịch, phát triển các cơ quan và hình thành hệ vi sinh vật khỏe mạnh cho bé sinh mổ [8]. Các thành phần đặc trưng trong sữa mẹ gồm:
- HMO (Human Milk Oligosaccharide): Đại dưỡng chất dồi dào thứ 3 trong sữa mẹ, chỉ sau lactose và chất béo. HMO chiếm khoảng 20% tổng lượng carbohydrate với hàm lượng khoảng 12 – 14g/L [9]. HMO đóng vai trò như prebiotic, góp phần quan trọng trong sự phát triển của hệ vi sinh vật đường ruột ở giai đoạn đầu sau sinh. Đặc biệt, 2’- FL HMO còn là dưỡng chất được chứng minh lâm sàng giúp giảm đáng kể nguy cơ nhiễm trùng hô hấp ở trẻ đến 66% [10], ngăn ngừa mầm bệnh [11].
- Nucleotides: Dưỡng chất được chứng minh giúp bé giảm tỷ lệ mắc bệnh tiêu chảy và hỗ trợ tăng sản xuất kháng thể nhiều hơn 86% sau 6 tháng tiêm vaccine (HIB) [12],[13],[14].
- Lợi khuẩn: Sữa mẹ là nguồn cung cấp lợi khuẩn ổn định, giúp bé tăng cường sức khỏe đường ruột [15]. Trong đó, Bifidobacteria là nhóm lợi khuẩn quan trọng đối với hệ tiêu hóa của trẻ sơ sinh, giúp cân bằng hệ vi sinh đường ruột và giảm nguy cơ mắc bệnh nhiễm trùng [16].
Trong trường hợp mẹ không thể cho bé bú, mẹ có thể nhờ đến sự hỗ trợ từ các nhân viên y tế để tìm được giải pháp dinh dưỡng phù hợp cho bé. Song song đó, mẹ cũng hãy giúp trẻ vận động vừa phải, ngủ đủ giấc, bú đủ cữ để đảm bảo cơ thể khỏe mạnh.
Thực hiện các biện pháp phòng ngừa tay chân miệng cho trẻ
Bộ Y tế khuyến cáo ba mẹ cần thực hiện các biện pháp sau để chủ động phòng tránh bệnh tay chân miệng lây truyền thành dịch: [17]
- Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước nhiều lần trong ngày (kể cả trẻ nhỏ và người lớn), nhất là trước khi chế biến thức ăn/ cho trẻ bú, trước khi bế trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cá nhân cho trẻ.
- Thực hiện ăn chín uống chín, đảm bảo dụng cụ ăn uống, dụng cụ pha sữa sạch sẽ trước khi dùng (tốt nhất nên ngâm tráng nước sôi), sử dụng nước sạch, không mớm thức ăn cho trẻ.
- Không cho trẻ mút tay, ngậm đồ chơi vào miệng, không dùng khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa… khi chưa được khử trùng.
- Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ trẻ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn, mặt bàn/ ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.
Khi nghi ngờ trẻ có các dấu hiệu tay chân miệng như: [18]
- Sốt
- Đau họng
- Xuất hiện vết loét phồng rộp ở miệng gây đau nhức
- Phát ban tập trung ở bàn tay và bàn chân
Mẹ nên đưa bé đi khám và làm theo hướng dẫn của bác sĩ. Nếu được chỉ định theo dõi tại nhà, bạn cần lưu ý thực hiện các cách điều trị bệnh tay chân miệng tại nhà sau để giúp bé kiểm soát triệu chứng: [18]
- Giảm đau và hạ sốt. Bạn có thể hỏi ý kiến bác sĩ để dùng một số thuốc giảm đau, hạ sốt không kê đơn phù hợp với bé
- Ngừa mất nước. Hãy cố gắng cho trẻ bú hoặc uống đủ nước khi bị bệnh để giữ cơ thể không bị mất nước
- Theo dõi các triệu chứng, nếu thấy bất thường cần đưa trẻ đi khám ngay
- Tăng cường chăm sóc dinh dưỡng tăng miễn dịch cho bé. Mẹ cần ưu tiên bổ sung nguồn dinh dưỡng với các dưỡng chất HMO, Nucleotides và lợi khuẩn Bifidobacterium giúp bé có miễn dịch vững vàng từ bên trong.
Tóm lại, dù tay chân miệng là bệnh lý thường gặp nhưng mẹ vẫn không nên chủ quan, lơ là. Thay vào đó, hãy chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa và xây dựng miễn dịch cho bé sinh mổ từ bên trong để giúp trẻ giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh. Trường hợp mẹ thấy con có các triệu chứng nghi ngờ mắc tay chân miệng, tốt nhất hãy đưa bé đi khám để được chỉ định cách điều trị phù hợp nhất.
[embed-health-tool-vaccination-tool]