backup og meta

Kiết lỵ và tiêu chảy: Làm sao phân biệt?

Kiết lỵ và tiêu chảy: Làm sao phân biệt?

Trong số các bệnh tiêu hóa ở trẻ nhỏ, kiết lỵ và tiêu chảy là hai bệnh dễ mắc và có những triệu chứng khá giống nhau nên khiến nhiều bậc cha mẹ nhầm lẫn.

Làm thế nào để phân biệt tiêu chảy và kiết lỵ là nỗi trăn trở thường gặp của nhiều bậc phụ huynh có con nhỏ. Nguyên nhân là do hai căn bệnh này có triệu chứng khá giống nhau. Nếu không phán đoán chính xác để có hướng xử lý đúng, bé yêu sẽ rất dễ gặp phải các biến chứng nguy hiểm. Hiểu được nỗi lo của bạn, Hello Bacsi sẽ giúp bạn nhận biết hai bệnh lý này thông qua những chia sẻ dưới đây. 

Tiêu chảy là một trong những nguyên nhân gây tử vong cao nhất ở trẻ em Việt Nam hiện nay. Bên cạnh tiêu chảy, kiết lỵ – một bệnh tiêu hóa có những triệu chứng giống với tiêu chảy – cũng nguy hiểm không kém. 

Đối tượng mà kiết lỵ và tiêu chảy thường tấn công nhất là trẻ nhỏ, đặc biệt là vào thời điểm giao mùa. Cả hai bệnh đều có những biểu hiện chung như đau bụng, đi ngoài và thường do những nguyên nhân sau:

  • Qua thức ăn, nước uống, nước rửa rau quả
  • Thú vật mang mầm bệnh như chó, mèo
  • Ruồi là trung gian truyền bệnh nguy hiểm
  • Không giữ vệ sinh, không rửa tay thường xuyên khiến bào nang dính dưới móng tay
  • Môi trường sống thiếu vệ sinh, sử dụng nguồn nước ô nhiễm.

Kiết lỵ và tiêu chảy cấp: Làm sao phân biệt?

kiết lỵ và tiêu chảy

Cả kiết lỵ và tiêu chảy đều có những triệu chứng “mở màn” giống nhau như đau bụng, đi vệ sinh liên tục, phân lỏng. Điều này khiến các bậc cha mẹ gặp khó khăn trong việc xác định xem bé yêu nhà mình đang mắc phải căn bệnh gì. Tuy nhiên, hai căn bệnh này vẫn có một vài điểm khác biệt rõ rệt mà nếu hiểu rõ, bạn sẽ phân biệt rất dễ dàng:

1. Về triệu chứng

Biểu hiện sớm của bệnh tiêu chảy ở trẻ nhỏ là mệt mỏi, chán ăn, nôn trớ đột ngột, đau bụng nhiều. Trẻ sẽ đi ngoài phân lỏng nhiều lần trong ngày và cũng có thể bị sốt, đổ mồ hôi nhiều

Với kiết lỵ, trẻ cũng sẽ đi ngoài phân lỏng, đau bụng nhiều nhưng trong phân có thể xuất hiện chất nhầy kèm theo máu. Ngoài ra, trẻ còn rất dễ bị sốt, ói biếng ăn và luôn có cảm giác mót rặn.

2. Về nguyên nhân

Tiêu chảy thường xảy ra do vi khuẩn E.coli, Rotavirus, vi khuẩn tụ cầu, tả, thương hàn… gây ra, có thể ảnh hưởng đến ruột non. Trong khi kiết lỵ là bệnh nhiễm trùng đường ruột, do trực khuẩn Shigella thuộc vi khuẩn gram âm hoặc do ký sinh trùng loại đơn bào entamoeba histolytica gây ra, có thể ảnh hưởng đến cả ruột non và đại tràng.

3. Về biến chứng

Trẻ bị tiêu chảy ít gặp biến chứng hơn so với kiết lỵ. Tuy nhiên, nếu không điều trị đúng cách và kịp thời, trẻ bị tiêu chảy có thể bị mất nước trầm trọng, dẫn đến tử vong. Những trẻ bị tiêu chảy kéo dài còn có nguy cơ cao đối mặt với tình trạng suy dinh dưỡng. Ngoài ra, nếu bị tiêu chảy do vi trùng, trẻ có thể gặp phải tình trạng nhiễm trùng huyết rất khó điều trị. 

Còn với kiết lỵ, việc rặn nhiều có thể dẫn đến sa hậu môn, viêm đa dây thần kinh do mất nhiều chất bổ dưỡng. Ngoài ra, trẻ còn có thể mắc phải hội chứng viêm kết niệu đạo, rối loạn chức năng vận động của ruột, nặng hơn có thể bị thủng ruột, xuất huyết tiêu hóa.

4. Chăm sóc, điều trị kiết lỵ và tiêu chảy

Dù kiết lỵ và tiêu chảy đều là bệnh liên quan đến hệ tiêu hóa nhưng cách điều trị 2 bệnh này sẽ có một chút khác biệt:

  • Trẻ bị tiêu chảy thường sẽ tự khỏi sau vài ngày, trong thời gian bị bệnh, bạn chỉ cần chú ý bổ sung nước và chất điện giải cho trẻ để tránh bị mất nước nghiêm trọng. Với những trường hợp trẻ bị tiêu chảy do nhiễm khuẩn hoặc ký sinh trùng, bác sĩ có thể cho dùng kháng sinh để điều trị. 
  • Còn với kiết lỵ, ngay khi bạn thấy trẻ có các dấu hiệu đặc trưng của bệnh, hãy đưa đến bệnh viện để theo dõi và điều trị, tránh tình trạng bệnh diễn tiến nghiêm trọng và trở thành bệnh dịch lây lan cho cộng đồng.

Trẻ bị kiết lỵ và tiêu chảy sẽ đi ngoài nhiều, do đó, khi chăm sóc bạn nên chọn những món ăn nhạt, loãng, ít đạm và dầu mỡ để dễ tiêu hóa. Bạn nên: 

  • Cho trẻ ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày, không ăn quá no vào một bữa.
  • Cho trẻ ăn các thực phẩm như gạo nếp, gạo tẻ, mì, đậu hũ non, đậu xanh… vừa dễ tiêu vừa giúp hạn chế đi ngoài phân lỏng.
  • Cho trẻ uống nhiều nước hoặc bổ sung Oresol để tránh mất nước, kiệt sức và giúp phục hồi sức khỏe nhanh hơn.

Làm thế nào để bảo vệ trẻ khỏi kiết lỵ và tiêu chảy?

tay bé sạch

Theo Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), 88% các trường hợp tử vong do tiêu chảy và kiết lỵ ở trẻ em có liên quan đến tình trạng vệ sinh kém và thiếu nước sạch. Tại Việt Nam, những nghiên cứu gần đây cho thấy, thói quen không rửa tay thường xuyên với xà phòng và nước sạch là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng tiêu chảy ở trẻ nhỏ gia tăng. Theo các chuyên gia, phần lớn các trường hợp mắc bệnh, tử vong do tình trạng này hoàn toàn có thể ngăn ngừa được thông qua việc rửa tay với xà phòng.

Ngoài rửa tay, bạn cũng cần thực hiện một số biện pháp phòng ngừa sau để phòng ngừa kiết lỵ và tiêu chảy cho bé yêu và cả gia đình:

  • Cho bé ăn chín uống sôi, sử dụng các thực phẩm sạch đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm
  • Không cho bé ăn thức ăn để lâu ngày
  • Đảm bảo một chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng để tăng cường hệ miễn dịch
  • Sử dụng nguồn nước sạch, không bị ô nhiễm
  • Thường xuyên vệ sinh đồ chơi cho bé, giữ không gian nhà cửa sạch sẽ, thông thoáng
  • Tránh cho bé đến những nơi đông người khi đang có dịch bệnh hoặc trong những ngày hè nắng nóng.

Qua những chia sẻ trên, hy vọng đã có thêm một số thông tin hữu ích để bạn dễ dàng phân biệt bệnh kiết lỵ và tiêu chảy. Nếu thấy trẻ có các triệu chứng bất thường, bạn nên đưa trẻ đi khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

[embed-health-tool-vaccination-tool]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Difference Between Diarrhea and Dysentery https://biodifferences.com/difference-between-diarrhea-and-dysentery.html Ngày truy cập: 9/10/2019

Differences Between Diarrhea And Dysentery https://microbiologyinfo.com/differences-between-diarrhea-and-dysentery/ Ngày truy cập: 9/10/2019

Management of infectious diarrhoea https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC1774945/ Ngày truy cập: 9/10/2019

Phiên bản hiện tại

07/12/2020

Tác giả: Ngân Phạm

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Ngọc Anh


Bài viết liên quan

Nhiễm trùng đường ruột ở trẻ sơ sinh: Triệu chứng và cách điều trị

Kiểm tra màu phân của bé giúp mẹ đoán được điều gì về sức khoẻ tiêu hoá của con?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngân Phạm · Ngày cập nhật: 07/12/2020

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo