Việc lên thực đơn ăn uống cho bé yêu chưa bao giờ là điều dễ dàng. Nếu những món thịt hay trứng đã khiến bọn trẻ chán ngấy thì sao mẹ không thử đổi vị với cá cơm – “nguồn dinh dưỡng đến từ đại dương”. Bật mí lợi ích của cá cơm với bé yêu sẽ khiến mẹ bất ngờ đấy.
Nếu mẹ biết cách chế biến, cá cơm sẽ là nguyên liệu làm ra những món ăn vô cùng hấp dẫn khiến các bé thích mê. Vậy lợi ích của cá cơm với sức khỏe con trẻ là những gì và cách chế biến cá cơm ra sao cho phù hợp, hãy cùng Hello Bacsi khám phá ngay qua bài viết sau nhé!
Dinh dưỡng và 8 lợi ích không ngờ của cá cơm
Về khía cạnh dinh dưỡng, cá cơm là nguồn cung dồi dào chất đạm, vitamin và khoáng chất thiết yếu nhằm duy trì sức khỏe tổng thể. Một vài thành phần nổi bật có thể kể đến như: các vitamin nhóm B (thiamin, riboflavin, niacin, folate…), canxi, sắt, magie, phospho, kẽm… Đặc biệt hơn loại cá này còn rất giàu axit béo omega-3, cùng những loại cholesterol tốt cho cơ thể.
Chính các dưỡng chất này mang lại 7 lợi ích sức khỏe sau đây:
1. Bảo vệ sức khỏe tim mạch
Cá cơm là một thực phẩm sở hữu hàm lượng cao chất béo không bão hòa. Đây được cho là yếu tố giúp giảm hấp thụ LDL cholesterol – một trong những nguyên nhân dẫn đến nguy cơ xơ vữa động mạch, đau tim và đột quỵ.
2. Đảm bảo sự tăng trưởng của trẻ chính là lợi ích của cá cơm
Các amino axit có trong protein là những dưỡng chất quan trọng và là dưỡng chất chính trong quá trình phát triển cân nặng và chiều cao của trẻ ở giai đoạn đầu. Rất may mắn là cả 2 nhóm dưỡng chất này đều có mặt trong cá cơm. Không những vậy, việc nấu chín cá được xác định là không làm ảnh hưởng đến hàm lượng protein và chất dinh dưỡng.
3. Thúc đẩy quá trình sản sinh hồng cầu
Thực tế, lợi ích này của cá cơm đến từ khoáng chất sắt có trong cá. Sắt là yếu tố vi lượng đảm nhiệm vai trò hình thành nên hemoglobin (huyết sắc tố) vận chuyển oxy từ phổi đến mọi cơ quan trong cơ thể. Hơn nữa, sắt còn tham gia vào cấu tạo của nhiều enzyme, trong đó có cả ezyme miễn dịch nên nó có ảnh hưởng rất lớn đến việc tăng cường sức đề kháng cho cơ thể trẻ.
Tình trạng thiếu hụt khoáng chất sắt có tác động lớn đến hoạt động chuyển hóa của tế bào, đồng thời khiến trẻ có nguy cơ gặp tình trạng chóng mặt, mệt mỏi, cơ bắp yếu…
4. Lựa chọn an toàn cho sức khỏe
Khá nhiều bé thích ăn trứng, thịt gà hoặc thịt bò. Thế nhưng, việc tiêu thụ nhiều các loại thực phẩm trên sẽ làm tăng mức homocysteine, chất được cho là có thể gây tổn thương thành động mạch dẫn đến viêm và hình thành nên mảng xơ vữa. Theo các chuyên gia, cá cơm bổ sung rất nhiều protein có lợi giúp cân bằng lượng đạm dư thừa trong cơ thể, từ đó giảm thiểu nguy cơ hình thành nên homocysteine.
5. Lợi ích của cá cơm trong việc cải thiện chức năng gan
Sự thật rằng, gan là cơ quan giữ vai trò xử lý hầu hết chất béo trong cơ thể. Trẻ em là đối tượng khá dễ mắc các bệnh lý về gan do bẩm sinh hoặc các rối loạn chuyển hóa. Theo đó, việc bổ sung dầu cá được cho là có thể cải thiện chức năng gan và giảm tình trạng viêm nhiễm. Muốn vậy, mẹ nên thêm cá cơm vào thực đơn dinh dưỡng của con thường xuyên hơn nhé!
6. Ăn cá cơm giúp hỗ trợ tiêu hóa cho trẻ
Trẻ em các bé thường khá ưa đồ ngọt. Tuy nhiên, việc tiếp xúc với nhiều món có đường rất dễ khiến chúng gặp các vấn đề tiêu hóa như khó tiêu hoặc rối loạn dạ dày. Đừng lo lắng vì thành phần axit amin trong cá cơm sẽ thúc đẩy việc tiết axit dịch vị trong dạ dày, một yếu tố cần thiết đẩy nhanh quá trình tiêu hóa.
Hơn nữa, việc tiêu thụ cá cơm thường xuyên cũng giúp trẻ nhận được nhiều dưỡng chất có lợi giúp xây dựng hệ tiêu hóa khỏe mạnh.
7. Tốt cho hệ xương khớp
Theo các chuyên gia, những dưỡng chất như canxi, vitamin A được tìm thấy trong cá cơm có ảnh hưởng tích cực đến sự phát triển của xương, độ cứng cáp, cũng như chiều cao của trẻ.
Mặc dù đường ăn uống chỉ đáp ứng 50% nhu cầu canxi của cơ thể, nhưng đây lại là cách bổ sung hiệu quả nhất. Vậy nên, ngoài cá cơm, mẹ hãy chú trọng hơn đến việc sử dụng đa dạng các loại thực phẩm khác nhau nhé! Bật mí là rau xanh có rất nhiều vitamin K là yếu tố giúp xương hấp thụ canxi hiệu quả.
8. Lợi ích của cá cơm rất tốt cho sự phát triển của tóc và móng
Ngoài xương thì những dưỡng chất cần thiết trong cá cơm cũng rất có ích cho sự phát triển của tóc và móng. Nhiều bậc cha mẹ phát hiện ra rằng mặc dù con vẫn cao lớn bình thường, nhưng sự phát triển của móng và tóc dường như lại bị đình trệ.
Điều này chủ yếu là do trong chế độ ăn bình thường thiếu đi những vitamin tốt cho móng và tóc, chẳng hạn như: vitamin H (hay còn gọi là biotin), vitamin B complex, vitamin E, A… Điều thú vị là những thành phần vừa liệt kê đều xuất hiện đầy đủ trong cá cơm.
Mách mẹ cách chế biến cá cơm cho bé ăn dặm
Vậy là bạn đã biết những lợi ích của cá cơm. Thực tế trẻ từ 6 tháng tuổi đã có thể tập làm quen với món ăn này. Nhưng lưu ý là mẹ nên sử dụng cá tươi (đã loại bỏ xương và da), bởi cá khô hoặc loại đóng hộp thường có tẩm ướp nhiều muối không tốt cho sức khỏe của trẻ. Nhưng nếu buộc phải dùng thì cách làm cá cơm khô là bạn nên ngâm trong nước khoảng 20 phút hoặc lâu hơn và xả nước nhiều lần để giảm bớt độ mặn.
Dưới đây là 2 gợi ý đơn giản mà mẹ có thể cân nhắc thêm vào thực đơn ăn dặm của con:
1. Cháo cá cơm lá dâu non
Với sự kết hợp hài hòa giữa vị ngọt, thơm của cá và lá dâu, món ăn có nguồn gốc từ đất nước mặt trời mọc này không những mang lại lợi ích của cá cơm mà con cho trẻ sự trải nghiệm vị giác thú vị. Cách thực hiện cũng vô cùng đơn giản.
Nguyên liệu:
- 50 gram cá cơm
- 1 nắm gạo ngon
- 2 – 3 lá dâu non
- Gia vị nêm nếm các loại
Chế biến:
Gạo đem vo thật sạch rồi cho vào nồi, thêm nước nấu cho đến khi nở bung thành cháo nhừ rồi nêm nếm cho hợp khẩu vị trẻ.
Lá dâu rửa sạch, cho vào nồi nước luộc chín, vớt ra nghiền nhuyễn.
Cá cơm làm sạch, lọc bỏ da và xương, cho vào nồi chần trong nước chè xanh để khử mùi tanh. Vớt cá ra cho vào một nồi khác, thêm nước, luộc chín, vớt ra, dùng thìa nghiền nhuyễn.
Cháo chín, múc cháo ra tô thêm lá dâu non cùng 1 thìa thịt cá cơm đã nghiền nhuyễn, 2 thìa cà phê dầu ăn vào trộn đều rồi cho bé dùng khi cháo còn ấm.
2. Bánh mì nướng cá cơm
Món ăn này sẽ phù hợp hơn với trẻ trên 1 tuổi, khả năng nhai nuốt tốt.
Nguyên liệu:
- ¼ chén dầu ô liu nguyên chất
- 2 thìa cà phê thịt cá cơm xay nhuyễn
- 1 ổ bánh mì cỡ vừa cắt chéo lát dày
Chế biến:
Trộn dầu ô liu với thịt cá chung thành hỗn hợp dẻo, mịn, dùng thìa phết hỗn hợp này lên 2 mặt của lát bánh mì vừa cắt. Xếp bánh mì vào khay, cho vào lò nướng ở nhiệt độ khoảng 200 độ C trong vòng 5 phút đến khi chín vàng là được.
Trên đây là những chia sẻ về lợi ích của cá cơm kèm theo những gợi ý về cách chế biến món ăn này cho trẻ. Hy vọng rằng, bạn đã có thêm cho mình những kiến thức hữu ích cho hành trình nuôi dạy con của mình. Đừng quên theo dõi Hello Bacsi để cập nhật thêm những thông tin mới nhất về mẹ và bé nhé!
[embed-health-tool-vaccination-tool]