Tình trạng chậm phát triển ngôn ngữ là một vấn đề thường gặp ở trẻ em, có thể chiếm đến 20%. Vì vậy, việc phát hiện dấu hiệu trẻ chậm phát triển ngôn ngữ sẽ giúp bố mẹ có hướng can thiệp kịp thời để hỗ trợ con theo kịp mốc tăng trưởng cần thiết.
Vậy chậm phát triển ngôn ngữ ở trẻ là gì? Dấu hiệu nào giúp bố mẹ nhận biết trẻ bị chậm phát triển ngôn ngữ? Bố mẹ hãy cùng tham khảo bài viết sau đây của Hello Bacsi để có thể phát hiện những bất thường của bé và can thiệp kịp thời nhé.
Chậm phát triển ngôn ngữ ở trẻ là gì?
Chậm phát triển ngôn ngữ ở trẻ em là tình trạng xảy ra khi trẻ chậm đạt được các mốc phát triển về ngôn ngữ bình thường so với độ tuổi, bao gồm cả ngôn ngữ tiếp nhận và ngôn ngữ diễn đạt. Lúc này, trẻ sẽ gặp khó khăn trong việc hiểu lời người khác nói, phản ứng với lời nói đó, chậm nói, ít từ vựng, không ghép được câu hoặc diễn đạt câu vụng về…
Thông thường, mỗi trẻ nhỏ có tốc độ phát triển ngôn ngữ và lời nói khác nhau. Vì vậy, sẽ tương đối khó khăn để bố mẹ và bác sĩ xác định xem trẻ có bị chậm phát triển ngôn ngữ hay không ở giai đoạn 0 – 2 tuổi. Thông thường, bé sẽ được coi là chậm phát triển ngôn ngữ, cụ thể là chậm nói nếu chưa nói được 50 từ đơn hoặc chưa nói được từ đôi dù đã 2 tuổi.
Tình trạng chậm phát triển ngôn ngữ ở trẻ em thường gặp hơn bạn nghĩ, chiếm khoảng 20% trẻ em. Tuy nhiên, bố mẹ cũng không cần quá lo lắng bởi nếu được can thiệp sớm và tích cực, bé có thể bắt kịp đà phát triển như những trẻ khác khi 4 tuổi.
Dấu hiệu trẻ chậm phát triển ngôn ngữ
Mốc phát triển ngôn ngữ ở trẻ em sẽ khác nhau qua từng độ tuổi. Vì vậy, dấu hiệu trẻ chậm phát triển ngôn ngữ cũng sẽ có chút khác biệt theo từng giai đoạn tăng trưởng của con, như sau:
1. Trẻ 0 – 1 tuổi
Trên thực tế, rất khó để phát hiện dấu hiệu trẻ chậm phát triển ngôn ngữ ở giai đoạn này. Tuy nhiên, ở giai đoạn 0 – 1 tuổi, bé vẫn có những mốc tăng trưởng ngôn ngữ và lời nói riêng. Nếu bé không đạt được những mốc phát triển ngôn ngữ sau đây, bố mẹ có thể phần nào “nghi ngờ” về sự bất thường trong quá phát triển ngôn ngữ của bé:
- Không nhận ra hoặc không phản ứng với lời nói của bố mẹ, âm thanh xung quanh khi được 2 tháng tuổi
- Bé tạo được tiếng nghe giống nguyên âm i, u, o khi được 3 – 4 tháng tuổi
- Không thể bắt chước những âm thanh mà bố mẹ hoặc người xung quanh tạo ra như tiếng cười… khi đạt 5 – 7 tháng tuổi
- Phát ra âm thanh với các nhịp và âm điệu khác với bình thường khi đạt 8 – 9 tháng tuổi
- Không thể giao tiếp bằng cách sử dụng lời nói hoặc cử chỉ cơ thể khi đạt 10 – 11 tháng tuổi
2. Trẻ 1 – 2 tuổi
Dấu hiệu trẻ chậm phát triển ngôn ngữ ở giai đoạn 1 – 2 tuổi mà bố mẹ cần lưu ý là:
- Dấu hiệu trẻ chậm phát triển ngôn ngữ khi đạt 15 tháng tuổi:
- Không hiểu và phản ứng với những từ ngữ dù là đơn giản nhất
- Không nói một tiếng hoặc từ nào
- Không chỉ vào đồ vật hoặc hình ảnh khi được hỏi về đồ vật hình ảnh ấy
- Không chỉ tay vào đồ vật ưa thích (trẻ muốn bạn nhìn món đồ đó) rồi nhìn vào mắt bạn
- Biểu hiện trẻ chậm phát triển ngôn ngữ khi đạt 18 tháng tuổi:
- Không hiểu các yêu cầu đơn giản như “Đừng chạm vào cái ly”
- Không thể nói nhiều hơn 20 từ đơn
- Không thể sử dụng các từ ngữ hoặc cử chỉ để trả lời câu hỏi đơn giản của bố mẹ như “Đây là cái gì vậy con?” hoặc “Giày của con đâu rồi?”
- Không thể nhận biết và chỉ vào 2 – 3 bộ phận quen thuộc trên cơ thể như đầu, mũi, mắt, chân… khi bố mẹ hỏi
- Giao tiếp bằng hành động nhiều hơn lời nói
- Gặp khó khăn khi bắt chước âm thanh
- Biểu hiện trẻ chậm phát triển ngôn ngữ khi đạt 24 tháng tuổi:
- Nói ít hơn 100 từ
- Không thể kết hợp các từ đơn thành cụm từ hoặc câu ngắn
- Không bắt chước hành động hoặc lời nói của người xung quanh
- Không thực hiện các động tác mô phỏng khi chơi đồ chơi như cho búp bê ăn hoặc giả làm người lái xe đồ chơi…
- Giọng nói bất thường như giọng khàn, giọng mũi.
Có thể bạn quan tâm
3. Biểu hiện trẻ chậm phát triển ngôn ngữ khi 3 – 4 tuổi
- Nói ít hơn 300 từ dù đã 30 tháng
- Không sử dụng các động từ như chạy, ăn, ngã…
- Không thể ghép câu đúng ngữ pháp, nói chuyện lung tung
- Không thể đặt câu hỏi hoặc kể lại một câu chuyện đơn giản.
Có thể bạn quan tâm
Nguyên nhân khiến trẻ chậm phát triển ngôn ngữ
Nhiều nguyên nhân khác nhau có thể khiến trẻ chậm phát triển ngôn ngữ và lời nói. Trong đó, các nguyên nhân thường gặp nhất là:
- Trẻ gặp phải các vấn đề ở cơ quan phát âm (lưỡi, vòm họng, miệng…) như hở hàm ếch, dính thắng lưỡi, vấn đề về vận động miệng…
- Trẻ gặp vấn đề về khả năng nghe hoặc bị khiếm thính
- Bé gặp các rối loạn phát triển hoặc khuyết tật trí tuệ như chậm phát triển tâm thần vận động hoặc chậm phát triển tâm vận, tự kỷ…
- Bé chịu tác động của một số vấn đề tâm lý như bị bỏ bê, ví dụ như bố mẹ đi làm nguyên ngày, bỏ con ở nhà xem tivi, điện thoại quá nhiều
Một số yếu tố nguy cơ khiến trẻ dễ bị chậm phát triển ngôn ngữ hơn bé khác:
- Bé trai có nguy cơ chậm phát triển ngôn ngữ nhiều hơn bé gái 3 lần
- Tiền sử gia đình có người bị chậm phát triển ngôn ngữ
- Trẻ sinh non, nhẹ cân, mẹ gặp biến chứng lúc mang thai và chu sinh (trước, trong và sau sinh)
Trẻ chậm phát triển ngôn ngữ và lời nói có cần phải đi khám không?
Khi nhận thấy dấu hiệu trẻ chậm phát triển ngôn ngữ, bố mẹ nên nhanh chóng đưa con đến bệnh viện thăm khám để tìm ra được nguyên nhân cụ thể dẫn đến tình trạng này và có hướng can thiệp kịp thời. Ngoài ra, tình trạng chậm phát triển ngôn ngữ còn là dấu hiệu của một số vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như chậm phát triển tâm thần vận động, rối loạn tâm lý, khiếm thính… cần được điều trị và chăm sóc đặc biệt hơn.
Việc không can thiệp hoặc can thiệp quá muộn có thể ngăn cản khả năng giao tiếp bình thường của bé, từ đó gây ảnh hưởng đến học tập, tương tác xã hội cũng như cuộc sống hàng ngày. Ngược lại, trong nhiều trường hợp, việc can thiệp đúng và kịp thời sẽ giúp bé bắt kịp tốc độ phát triển của các bạn cùng trang lứa.
Mẹo giúp khắc phục tình trạng chậm phát triển ngôn ngữ ở trẻ
Dưới đây là một số hoạt động giúp bố mẹ khắc phục tình trạng chậm phát triển ngôn ngữ ở trẻ, giúp bé tăng khả năng giao tiếp:
- Tăng cường nói chuyện với bé, cùng con hát hoặc khuyến khích con bắt chước theo các âm thanh, cử chỉ của mình
- Tránh giận dữ hoặc quát nạt khi bé không hiểu lời bạn nói
- Đọc sách cho con nghe mỗi ngày
- Giúp con vận động và tương tác với mọi người, đồ vật xung quanh
- Tìm hiểu về tâm trạng của con để lựa chọn thời điểm giao tiếp phù hợp
- Nhìn vào mắt trẻ khi trò chuyện, cố gắng giao tiếp bằng ánh mắt với bé thường xuyên hơn
- Khi giao tiếp, hãy chờ để bé đáp trả và kiên nhẫn lặp lại yêu cầu nếu con chưa hiểu
- Cố gắng mở rộng lượng từ vựng cho trẻ bằng cách giới thiệu nhiều đồ vật, bộ phận cơ thể, cây cối hoặc hoạt động…
Dấu hiệu trẻ chậm phát triển ngôn ngữ tương đối đa dạng và sẽ thay đổi theo từng mốc tăng trưởng của bé. Bố mẹ cần chú ý đến những biểu hiện đó để đưa bé đi khám và có hướng can thiệp kịp thời nếu con gặp phải tình trạng này. Nếu bố mẹ có cách can thiệp từ sớm, bé có thể bắt kịp được mốc phát triển ngôn ngữ và lời nói như các bạn bè cùng tuổi.
[embed-health-tool-child-growth-chart]