backup og meta

Gợi ý cách chăm sóc trẻ thông minh, khỏe mạnh từ những năm đầu đời

Gợi ý cách chăm sóc trẻ thông minh, khỏe mạnh từ những năm đầu đời

Làm thế nào để con lớn lên thông minh, khỏe mạnh là nỗi trăn trở thường gặp, nhất là đối với những ai lần đầu làm cha mẹ. Thực tế, sẽ không có câu trả lời chính xác cho băn khoăn này bởi mỗi gia đình có điều kiện và cách chăm sóc bé khác nhau. Dù vậy, ba mẹ hãy luôn chú trọng bổ sung dinh dưỡng cho bé trong những năm tháng đầu đời. Bởi đây là giai đoạn mà cả trí não, miễn dịch và cơ thể của bé đều phát triển rất nhanh [1].

0 đến 2 tuổi – Giai đoạn vàng phát triển trí não: Mẹ cần hiểu rõ để chăm sóc bé đúng cách!

1000 ngày đầu đời là giai đoạn mà não bộ phát triển nhanh hơn bất cứ giai đoạn nào khác trong cuộc đời [1]. Nếu ở tuần thứ 2 – 3 sau sinh, thể tích não bộ của trẻ chỉ bằng khoảng 35% não bộ người trưởng thành thì trong năm đầu tiên, nó đã tăng gấp đôi và đạt được thể tích khoảng 72% so với não người lớn khi trẻ  được 1 tuổi [2]. 

Ngoài sự tăng trưởng “vượt bậc” về thể tích não bộ, đây còn là thời điểm mà các kết nối thần kinh hình thành. Theo nghiên cứu, bộ não con người có khoảng 100 tỷ tế bào thần kinh và các tế bào này cần được kết nối với nhau thông qua các kết nối não bộ để hình thành nên mạng lưới thần kinh chịu trách nhiệm cho suy nghĩ, cảm xúc, cảm giác và hành động [3]. Ở thời điểm sinh ra, trẻ đã có đầy đủ các tế bào thần kinh, tuy nhiên, những năm đầu đời mới là lúc các kết nối não bộ hình thành mạnh mẽ. Theo kết quả nghiên cứu, mỗi giây trôi qua não bộ của trẻ có thể tạo ra hơn 1 triệu kết nối não bộ mới [4].

Để các kết nối não bộ hình thành một cách thuận lợi thì dưỡng chất kết nối myelin đóng một vai trò quan trọng. Myelin hay bao myelin là một lớp chất béo và protein bao bọc bên ngoài sợi thần kinh có tác dụng bảo vệ các tế bào thần kinh và giúp các xung thần kinh di chuyển nhanh và hiệu quả giữa tế bào thần kinh này và tế bào thần kinh khác [5]. Quá trình hình thành myelin diễn ra càng nhanh thì sự hình thành của các kết nối não bộ càng diễn ra thuận lợi. Và càng nhiều kết nối não bộ hình thành và truyền tín hiệu nhanh thì bé sẽ càng phản xạ, xử lý thông tin nhanh hơn [6]. Đặc biệt, quá trình hình thành myelin ở trẻ còn được chứng minh lâm sàng có tương quan với 5 chức năng nhận thức như nhận thức tổng quát, tiếp thu ngôn ngữ, trí nhớ ngôn ngữ, trí nhớ hình ảnh và tốc độ xử lý thông tin [6], [7]. Do đó, có thể nói, quá trình hình thành myelin được xem là “nền tảng” của trí thông minh ở trẻ.

Khoảng thời gian dưới 2 tuổi là “giai đoạn vàng” tăng trưởng myelin không thể bỏ lỡ. Myelin bắt đầu hình thành vào khoảng tam cá nguyệt thứ 3 và tăng trưởng nhanh nhất là trong 2 năm đầu đời của trẻ [8]. Do đó, khoảng thời gian từ 0 đến 2 tuổi là thời điểm mà mẹ sẽ cần đặc biệt quan tâm đến sự phát triển não bộ của con, đặc biệt là quá trình hình thành myelin để giúp tăng tốc độ kết nối não bộ, qua đó giúp con lớn lên thông minh nhanh nhẹn.

Bí quyết chăm sóc trẻ thông minh, khỏe mạnh từ những năm tháng đầu đời

chăm sóc trẻ đầu đời

Cung cấp cho trẻ nguồn dinh dưỡng tốt nhất để phát triển trí não

Dinh dưỡng là một trong những yếu tố quan trọng đối với sự phát triển trí não của trẻ, đặc biệt là quá trình hình thành myelin [9]. Cụ thể, để tăng tốc việc hình thành myelin, bé sẽ cần được cung cấp các chất dinh dưỡng đã được chứng minh lâm sàng giúp tăng sản sinh myelin của não bộ như Sphingomyelin, DHA, ARA, Alpha lactabumin, Sắt, Axit Folic, Vitamin B12 [10].

Để bổ sung các dưỡng chất này, mẹ sẽ cần cung cấp cho con nguồn dinh dưỡng tốt nhất. Theo khuyến cáo, sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho sức khỏe và sự phát triển toàn diện của trẻ nhỏ. Bởi sữa mẹ không chỉ dễ tiêu hóa, giúp bé tăng cân khỏe mạnh [11] mà còn nguồn cung cấp axit béo không bão hòa đa PUFA quan trọng, bao gồm docosahexaenoic và axit arachidonic (DHA và ARA) chiếm hơn 20% hàm lượng axit béo của não, cùng các phospholipid như phosphatidylcholine chiếm 10% trọng lượng lipid của myelin. Không những vậy, khoảng 40% hàm lượng lipid trong sữa mẹ là sphingomyelin, một loại sphingolipid đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của bao myelin. Ngoài ra, sữa mẹ cũng là nguồn cung cấp cholesterol quan trọng, cần thiết cho quá trình tổng hợp myelin [12].

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) khuyến cáo, mẹ nên cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời và tiếp tục cho bú đến khi được 2 tuổi [13]. Trong trường hợp mẹ không thể cho bé bú, mẹ có thể nhờ đến sự hỗ trợ từ các nhân viên y tế để tìm được giải pháp dinh dưỡng phù hợp, giúp tăng tốc độ sản sinh sinh myelin, từ đó tăng tốc độ hỗ trợ kết nối não bộ để con phát triển tốt nhất.  

Tăng cường miễn dịch cho trẻ 

Với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, song hành cùng việc phát triển trí não, việc tăng cường miễn dịch cho trẻ cũng rất quan trọng. Nguyên nhân là do trẻ nhỏ hay bị nhiễm bệnh do hệ miễn dịch chưa hoàn thiện [14]. Khi bị nhiễm bệnh quá thường xuyên, trẻ sẽ nhận được ít dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển trí não cũng như ít có cơ hội vận động, vui chơi. Điều này sẽ gián tiếp ảnh hưởng đến sự phát triển trí não.

Chính vì vậy, trong những năm đầu đời, việc tăng cường miễn dịch và phát triển trí não có tầm quan trọng như nhau. Để giúp trẻ tăng cường miễn dịch, mẹ cần:

  • Cho trẻ bú mẹ bởi sữa mẹ sẽ có các thành phần giúp hỗ trợ miễn dịch như HMO – dưỡng chất giúp cải thiện hệ miễn dịch, hỗ trợ giảm nguy cơ nhiễm trùng đường hô hấp [15], lợi khuẩn – giúp tăng cường sức khỏe đường ruột [16]…
  • Tiêm phòng vaccine cho trẻ đầy đủ, đúng lịch bởi đây là phương pháp hiệu quả nhất giúp bảo vệ trẻ khỏi các bệnh lý nghiêm trọng [17].
  • Dùng thuốc đúng cách, đặc biệt không tự ý cho trẻ dùng kháng sinh bởi dùng kháng sinh không đúng chỉ định sẽ tiêu diệt những lợi khuẩn có vai trò quan trọng với hệ miễn dịch của trẻ [18].
  • Cho trẻ vận động bằng cách cho trẻ nằm sấp 30 phút mỗi ngày và chia đều khoảng thời gian này trong ngày [19].

Trò chuyện và chơi đùa với trẻ thường xuyên

Để giúp trẻ phát triển trí não trong những năm đầu đời, ba mẹ có thể thực hiện một số điều sau:

  • Xây dựng thói quen đọc sách cho trẻ nghe mỗi ngày để xây dựng kỹ năng ngôn ngữ, khả năng đọc viết và cảm xúc xã hội. Nghiên cứu cho thấy, việc ba mẹ đọc sách cho con sẽ thúc đẩy hoạt động ở các vùng não kiểm soát ngôn ngữ, kỹ năng đọc viết và trí tưởng tượng [19].
  • Chơi đùa, trò chuyện, hát và âu yếm trẻ  thường xuyên trong ngày thông qua các hoạt động như nói chuyện về những thứ xung quanh, đáp lại trẻ mỗi khi trẻ giao tiếp bằng cách bập bẹ, tạo ra âm thanh hoặc mỉm cười với bạn…. [19].
  • Tạo điều kiện cho trẻ được vui chơi, vận động, khám phá thế giới xung quanh và qua đó, trẻ sẽ được học các kỹ năng quan trọng như nói, nghe, di chuyển, suy nghĩ, giải quyết vấn đề và giao tiếp xã hội [20].

Chăm sóc giấc ngủ cho trẻ

chăm sóc trẻ sơ sinh

Ngủ đủ giấc trong những năm đầu đời đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển nhận thức và tâm lý ở trẻ. Không những vậy, một số nghiên cứu còn nhấn mạnh vai trò quan trọng của giấc ngủ trong việc điều chỉnh các chức năng học tập và trí nhớ [21]. Ngoài ra, việc trẻ ngủ ngon, ngủ đủ cũng sẽ giúp tăng cường hệ miễn dịch, giúp chức năng miễn dịch trở nên cân bằng và hiệu quả [22]. 

Do đó, khi chăm sóc trẻ ở giai đoạn sơ sinh, mẹ sẽ cần cho bé ngủ 8 tiếng vào ban ngày và 8 – 9 tiếng vào ban đêm. Với trẻ từ 6 tháng đến 1 tuổi, mẹ sẽ cần chú ý thời gian ngủ của trẻ là khoảng từ 10 – 11 tiếng vào ban đêm, 3 – 4 tiếng vào ban ngày [23]. Ngoài ra, ba mẹ cũng cần chú ý một số yếu tố quan trọng để con có giấc ngủ ngon như [24]:

  • Xây dựng lịch trình đi ngủ đều đặn, nhất quán. Lịch trình này nên bao gồm 3 – 4 hoạt động nhẹ nhàng và được thực hiện theo đúng trình tự mỗi ngày như tắm nước ấm, đọc sách, hát ru và đi ngủ.
  • Tạo cho trẻ môi trường ngủ yên tĩnh, thoải mái, nhiệt độ và ánh sáng phù hợp. Với các trẻ nhỏ, ba mẹ nên bỏ hết gối, đồ chơi nhồi bông ra khỏi cũi. 
  • Đặt bé xuống giường khi trẻ buồn ngủ nhưng vẫn còn thức và để trẻ tự đi vào giấc ngủ. Bên cạnh đó, ba mẹ cũng nên loại bỏ hết các thiết bị điện tử ra khỏi phòng ngủ của trẻ .

Tóm lại, một trong những bí quyết giúp con thông minh, khỏe mạnh là mẹ cần chú ý chăm sóc trẻ trong những năm đầu đời bởi đây được xem là giai đoạn “vàng” phát triển trí não, nhất là quá trình hình thành myelin. Đặc biệt, mẹ sẽ cần cung cấp cho trẻ nguồn dinh dưỡng tốt nhất từ sữa mẹ bởi đây là yếu tố rất cần thiết đối với sự phát triển của não bộ cũng như giúp trẻ tăng cường hệ miễn dịch.

[embed-health-tool-vaccination-tool]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

1. The first 1,000 days https://www.pregnancybirthbaby.org.au/the-first-1000-days# Ngày truy cập: 31/10/2023

2. Imaging structural and functional brain development in early childhood https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5987539/ Ngày truy cập: 31/10/2023

3. The Basics of Brain Development  https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC2989000/ Ngày truy cập: 31/10/2023

4. Brain Development https://www.firstthingsfirst.org/early-childhood-matters/brain-development/ Ngày truy cập: 31/10/2023

5. Myelin Sheath https://my.clevelandclinic.org/health/body/22974-myelin-sheath Ngày truy cập: 31/10/2023

6. Myelination Is Associated with Processing Speed in Early Childhood: Preliminary Insights https://journals.plos.org/plosone/article?id=10.1371/journal.pone.0139897  Truy cập ngày 31/05/2024

7. White matter maturation profiles through early childhood predict general cognitive ability https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4771819/  Truy cập ngày 31/05/2024

8. Developmental Anatomy https://neurologicexam.med.utah.edu/pediatric/html/dev_anatomy.html# Truy cập ngày 31/05/2024

9. The Role of Nutrition in Brain Development: The Golden Opportunity of the “First 1000 Days” https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4981537/#R1   Ngày truy cập: 31/10/2023

10. Hỗ trợ tăng kết nối não bộ nhờ hợp chất Myelin blend (Sphingomyelin, DHA, ARA, Alpha lactabumin, Sắt, Axit Folic, Vitamin 12) trong Nutrilearn connect giúp tăng hình thành bao myelin, một chất đóng vai trò quan trọng trong việc dẫn truyền tín hiệu thần kinh trong não bộ. Theo Schneider N, Front. Nutr. 2022; Nelson, Handbook of Child Psychology 2007; Chevalier N, PLoS One 2015.

11. Benefits of Breastfeeding https://my.clevelandclinic.org/health/articles/15274-benefits-of-breastfeeding   Ngày truy cập: 11/10/2023

12. Early Nutrition Influences Developmental Myelination and Cognition in Infants and Young Children  https://www.sciencedirect.com/science/article/abs/pii/S1053811917310807?fr=RR-2&ref=pdf_download&rr=88dcc580a8870442 Ngày truy cập: 31/10/2023

13. Breastfeeding https://www.cdc.gov/breastfeeding/faq/index.htm#howlong  Ngày truy cập: 11/10/2023

14. Why is my child always sick? A pediatrician answers your questions https://health.choc.org/why-is-my-child-always-sick-a-pediatrician-answers-your-questions/ Ngày truy cập 23/10/2023

15. Human Milk Oligosaccharides: 2′-Fucosyllactose (2′-FL) and Lacto-N-Neotetraose (LNnT) in Infant Formula https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC6164445/ Ngày truy cập: 25/09/2023

16. Breast Milk, a Source of Beneficial Microbes and Associated Benefits for Infant Health https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC7231147/ Ngày truy cập: 25/09/2023

17. How your baby’s immune system develops https://www.pregnancybirthbaby.org.au/how-your-babys-immune-system-develops# Ngày truy cập: 25/09/2023

18. Physical activity and exercise for children https://www.pregnancybirthbaby.org.au/physical-activity-and-exercise-for-children   Ngày truy cập: 21/9/2023

19. 5 Secrets to a Smarter Baby: School Readiness Can Start Now https://www.healthychildren.org/English/ages-stages/baby/Pages/The-Secret-to-a-Smarter-Baby.aspx Ngày truy cập: 21/9/2023

20. How your baby’s brain develops https://www.pregnancybirthbaby.org.au/how-your-babys-brain-develops Ngày truy cập: 21/9/2023

21. Early Life Sleep Deprivation and Brain Development: Insights From Human and Animal Studies https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC9111737/ Ngày truy cập: 21/9/2023

22. How Sleep Affects Immunity https://www.sleepfoundation.org/physical-health/how-sleep-affects-immunity Ngày truy cập: 21/9/2023

23. Infant Sleep https://www.stanfordchildrens.org/en/topic/default?id=infant-sleep-90-P02237 Ngày truy cập: 21/9/2023

24. Sleep and Early Brain Development https://karger.com/anm/article/75/Suppl.%201/44/42656/Sleep-and-Early-Brain-Development Ngày truy cập: 21/9/202

Phiên bản hiện tại

17/09/2024

Tác giả: Trần Lê Phương Uyên

Tham vấn y khoa: Bác sĩ CKII Phạm Hải Uyên

Cập nhật bởi: Ngân Phạm


Bài viết liên quan

Dấu hiệu trẻ thông minh, cách giúp trẻ phát triển trí thông minh vượt trội

Trẻ thông minh chỉ do gen di truyền? Sự thật mẹ không ngờ đến!


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ CKII Phạm Hải Uyên

Nhi khoa · Bệnh viện Nhi Đồng 2


Tác giả: Trần Lê Phương Uyên · Ngày cập nhật: 17/09/2024

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo