backup og meta

“Đánh bay” nỗi lo cho con bú sau sinh mổ với 6 tuyệt chiêu đơn giản

“Đánh bay” nỗi lo cho con bú sau sinh mổ với 6 tuyệt chiêu đơn giản

Ảnh hưởng của sinh mổ đối với việc nuôi con bằng sữa mẹ có thể khiến mẹ lo lắng nhưng điều này vẫn có thể khắc phục nếu mẹ biết cách đảm bảo dinh dưỡng cho con.

Phương pháp sinh mổ có thể ảnh hưởng đến việc cho con bú. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là bạn không thể hoặc không nên nuôi con bằng sữa mẹ. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, bạn đừng bỏ lỡ những chia sẻ trong bài viết sau của Hello Bacsi. Với 6 bí quyết gọi sữa về nhanh và hiệu quả, hy vọng bạn sẽ có khởi đầu tốt trong việc cho con bú sau sinh mổ.

Những ảnh hưởng của sinh mổ đối với việc nuôi con bằng sữa mẹ

Kết quả của nhiều nghiên cứu cho thấy trẻ sinh mổ có hệ miễn dịch kém hơn trẻ sinh thường và dễ mắc các bệnh nhiễm trùng đường tiêu hóa, hô hấp. Vì thế, trẻ sinh mổ cần sự chăm sóc và nguồn dinh dưỡng đặc biệt từ sữa mẹ. Bởi sữa mẹ chứa nhiều dưỡng chất giúp nâng cao sức đề kháng cho trẻ như lactose, chất béo và nhiều dưỡng chất quan trọng khác.

Trong khi đó, sinh mổ lại có thể ảnh hưởng rất lớn đến nguồn sữa mẹ, thường gặp nhất là sữa về chậm hoặc mẹ ít sữa. Việc hiểu các thách thức có thể gặp phải sẽ giúp bạn có sự chuẩn bị tốt cho vấn đề này:

  • Sinh mổ có thể làm chậm thời gian bắt đầu nuôi con bằng sữa mẹ: Tùy theo loại gây tê mà bác sĩ sử dụng trong quá trình phẫu thuật, bạn và bé có thể buồn ngủ sau khi sinh. Nếu bị gây mê toàn thân, bạn có thể bắt đầu cho con bú trong trạng thái mệt mỏi kéo dài. Với phương thức gây tê ngoài màng cứng hoặc gây tê tủy sống, nhiều người vẫn có khả năng cho bú trong phòng mổ hoặc tại phòng hồi sức.
  • Các cơn đau ảnh hưởng đến việc cho con bú: Việc vết mổ và tử cung co lại có thể khiến bạn cảm thấy không thoải mái khi cho con bú sữa mẹ. Tốt nhất, bạn nên cho con bú trong tư thế nằm nghiêng hoặc ngồi và tránh đụng vào vết thương. Nếu muốn ngồi cho con bú, bạn hãy đặt một chiếc gối mềm để bảo vệ vết mổ. Ban đầu việc cho bú có thể gặp khó khăn nhưng khi cơ thể hồi phục, quá trình này cũng trở nên dễ dàng hơn.
  • Thuốc giảm đau có thể gây ra cơn buồn ngủ: Bạn nên dùng thuốc giảm đau sau khi sinh mổ. Nếu cơn đau ập đến, quá trình hồi phục của cơ thể thường diễn ra lâu, khó khăn và bạn cảm thấy khó chịu hơn trong khi cho con bú mẹ. Hãy cho bác sĩ biết để được chỉ định thuốc giảm đau với dược tính an toàn không nguy hại đến trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, một số thành phần trong thuốc có thể truyền qua sữa mẹ và làm trẻ sơ sinh buồn ngủ. Hiện tượng này không gây hại đến con yêu nhưng lại trở thành thách thức khi cho con bú mẹ.
  • Sinh mổ làm chậm thời gian tạo sữa: Nếu sinh mổ, thời gian để sữa mẹ được tạo ra sẽ lâu hơn so với sinh thường. Trong trường hợp này, bạn hãy để con tiếp xúc với bầu ngực càng sớm càng tốt, cố gắng cho bé mút vú mẹ để kích thích tuyến sữa hoạt động. Ngoài ra, vì một lý do nào đó (sinh non, con phải nằm trong lồng kính) nên bạn không thể có cơ hội cho bé bú ngay. Hãy nhờ người thân mua dụng cụ hoặc máy hút sữa để bắt đầu kích thích vú sản xuất sữa.
  • Tâm lý khi sinh mổ tác động đến quá trình cho con bú: Nếu quá trình phẫu thuật diễn ra rất khó khăn hoặc bạn sinh sớm không có thời gian chuẩn bị trước thì thể chất và cảm xúc của bạn có thể ảnh hưởng đến chất lượng sữa. Bên cạnh đó, nếu cách con yêu chào đời không diễn ra theo những gì bạn tưởng tượng có thể khiến bạn thất vọng. Khi ấy, bạn nên tâm sự với người có thể lắng nghe, bày tỏ mong muốn để được hỗ trợ.

Mách mẹ sinh mổ cách đảm bảo dinh dưỡng cho con

1. Cho con bú càng sớm càng tốt

Bắt đầu cho con bú sữa mẹ càng sớm càng tốt sau khi phẫu thuật. Nếu gây tê tủy sống, bạn có thể giữ được tỉnh táo và có thể để trẻ bú ngay. Sữa mẹ được chứng minh là nguồn dinh dưỡng tốt nhất, giúp trẻ sinh mổ xây dựng và cải thiện hệ miễn dịch non nớt. Trong sữa mẹ có chứa nhiều dưỡng chất như lactose, chất béo, HMOs, chất đạm, nucleotides, các loại vitamin và các chủng lợi khuẩn như Bifidobacterium có thể giúp trẻ sinh mổ khỏe mạnh và chống lại được các loại bệnh thường gặp.4

Tuy nhiên, nếu gây tê toàn thân, quá trình phục hồi sẽ diễn ra lâu hơn. Trong trường hợp trẻ không thể dùng sữa mẹ ngay, hãy yêu cầu bác sĩ để bạn ôm con và áp dụng phương thức da chạm da. Điều này rất có lợi cho trẻ.

2. Chọn tư thế cho bú thích hợp

Tìm tư thế cho con bú thích hợp. Chú ý bảo vệ vết mổ ở bụng. Nếu chưa có kinh nghiệm trong việc cho con bú, bạn có thể hỏi các y tá ở bệnh viện. Họ đã quen với việc chăm sóc sản phụ nên sẽ cho bạn lời khuyên về những tư thế bú sữa giúp cả mẹ lẫn con đều cảm thấy thoải mái.

3. Cho bú thường xuyên

Đa phần, hệ miễn dịch của trẻ sinh mổ sẽ kém hơn trẻ sinh thường. Nguyên nhân là do bé không được tiếp xúc với lợi khuẩn ở đường sinh tự nhiên của mẹ nên hệ vi sinh đường ruột của trẻ sinh mổ dễ bị mất cân bằng. Theo kết quả nghiên cứu được thực hiện với 2 triệu trẻ em tại Đan Mạch từ tháng 1/1973 đến tháng 3/2016 cho thấy trẻ sinh mổ có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, viêm khớp, bệnh Celiac và bệnh viêm ruột cao hơn đáng kể so với trẻ sinh thường. Không chỉ dừng lại ở đó, kết quả nghiên cứu vào tháng 11/2020 được tổng hợp dữ liệu từ hơn 7 triệu ca sinh ở Đan Mạch, Scotland, Anh và Úc từ năm 1996 đến năm 2015 còn cho thấy trẻ sinh mổ có nhiều khả năng nhiễm các loại nhiễm trùng lâm sàng, đặc biệt là nhiễm trùng đường tiêu hóa, hô hấp và nhiễm virus.6

Chính vì vậy, đối với trẻ sinh mổ, sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng không thể thiếu để xây dựng hệ miễn dịch và nâng cao sức đề kháng cho trẻ. Sữa non là những giọt sữa đầu tiên mà mẹ có và đây cũng là lượng sữa có nhiều loại kháng thể cao nhất. Vì thế, để tăng cường đề kháng cho mẹ sinh mổ, bạn nên cho bé bú mẹ càng sớm càng tốt để bé bú được nhiều sữa non nhất.

Việc cho con bú sữa mẹ thường xuyên, ít nhất là mỗi 2 – 3 giờ cũng rất quan trọng. Tuy nhiên, nếu sữa mẹ quá ít, sữa chưa về kịp hoặc mẹ quá đau khi phải ngồi cho con bú thì bạn cũng đừng nên quá áp lực nhé.

4. Sử dụng máy hút sữa

Sử dụng máy hút sữa nếu bạn không ở cùng con. Bạn cũng nên bơm mỗi 2 – 3 giờ để kích thích quá trình sản xuất sữa mẹ.

5. Dùng thuốc giảm đau

Đừng ngại dùng thuốc giảm đau sau sinh vì sợ thuốc ảnh hưởng đến sữa mẹ, nhưng sử dụng theo sự hướng dẫn của bác sĩ. Thuốc sẽ giúp bạn thoải mái hơn khi cho con bú và cũng an toàn với trẻ. Phương pháp này có thể giúp bạn thư giãn để cơ thể có thể tập trung vào việc hồi phục và bắt đầu tạo sữa.

6. Học hỏi cách chăm con từ các nhân viên y tế

Khi sinh thường, bạn chỉ ở lại trong bệnh viện từ 2 – 3 ngày thì sinh mổ bạn sẽ ở lâu hơn từ 5 – 6 ngày. Tuy nhiên, bạn đừng chán nản vì điều này, thời gian nằm viện dài hơn cũng cho phép bạn có nhiều thời gian hơn với nhân viên y tế. Bạn có thể được tư vấn về cách chăm sóc con đầy đủ như tư thế cho con bú đúng cách hay cách giúp vú tiết sữa nhanh hơn. Hãy tận dụng khoảng thời gian này để hỏi nhằm tăng kiến thức về cách nuôi con bằng sữa mẹ. Từ đó, bạn sẽ cảm thấy tự tin, thoải mái hơn khi chăm sóc bé ở nhà.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

1. The Role of Two Human Milk Oligosaccharides, 2′-Fucosyllactose and Lacto-N-Neotetraose, in Infant Nutrition https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC6629589/ Ngày truy cập: 10/3/2022

2. Human Milk Oligosaccharides: Health Benefits, Potential Applications in Infant Formulas, and Pharmacology https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC7019891/ Ngày truy cập: 4/3/2022

3. Dietary Nucleotides – Nutrition https://www.novocib.com/Nucleotide_Analysis_Services.html Ngày truy cập: 4/3/2022

​​4.  What’s In Breast Milk? https://americanpregnancy.org/healthy-pregnancy/first-year-of-life/whats-in-breastmilk/ Ngày truy cập: 4/3/2022

5. Bifidobacterium animalis subsp. lactis BB-12 in reducing the risk of infections in early childhood https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/26372517/ Ngày truy cập: 4/3/2022

6. C-Section Birth Associated with Numerous Health Conditions https://www.center4research.org/c-section-birth-health-risks/ Ngày truy cập: 4/3/2022

7. Breastfeeding After a Cesarean Section https://www.verywell.com/breastfeeding-after-a-c-section-431676 ngày truy cập 10/10/2017

8. Breastfeeding After Cesarean Delivery https://www.healthychildren.org/English/ages-stages/baby/breastfeeding/pages/Breastfeeding-After-Cesarean-Delivery.aspx ngày truy ập 10/10/2017

Phiên bản hiện tại

28/03/2023

Tác giả: Trần Lê Phương Uyên

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Thảo Nguyễn


Bài viết liên quan

Trẻ bị nôn không sốt không đi ngoài: Bố mẹ cần làm gì?

Kiểm tra màu phân của bé giúp mẹ đoán được điều gì về sức khoẻ tiêu hoá của con?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Trần Lê Phương Uyên · Ngày cập nhật: 28/03/2023

ad iconQuảng cáo
app promote banner

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo