Hiến máu khi đang cho con bú cần lưu ý nhiều vấn đề để đảm bảo sức khỏe cả bạn và bé. Trước khi tiến hành hiến máu, bạn cần trao đổi cặn kẽ với bác sĩ để có quyết định đúng đắn nhé.
Hiến máu nhân đạo là một nghĩa cử cao đẹp được xã hội ghi nhận. Tuy nhiên, nếu hiến máu khi bạn đangtrong giai đoạn nuôi con bằng sữa mẹ, bạn cần cân nhắc kỹ về tình trạng sức khỏe của cả bạn và bé yêu cũng như có những lưu ý đặc biệt về dinh dưỡng trước và sau khi hiến máu.
Hiến máu khi đang cho con bú có an toàn không?
Hiến máu là một hành động tốt và bạn nên làm thường xuyên nếu có sức khỏe ổn định. Tuy nhiên, đối với việc hiến máu khi đang cho con bú, bạn cần phải cân nhắc thật kỹ để không làm ảnh hưởng đến sức khỏe bé và cả bản thân.
Hiến máu khi đang cho con bú có được không? Đây là vấn đề đang nhận được rất nhiều luồng ý kiến khác nhau từ các bác sĩ và các chuyên gia y tế.
Một số người đồng ý rằng, giai đoạn cho con bú là thời điểm tốt nhất để bắt đầu hiến máu. Tuy nhiên, trong thời gian nuôi con bằng sữa mẹ, điều quan trọng nhất là bạn phải đảm bảo rằng cả bạn và bé đều được cung cấp đầy đủ các dưỡng chất cần thiết. Vì vậy, người có thể đưa cho bạn câu trả lời tốt nhất cho câu hỏi: “Có nên đi hiến máu khi đang cho con bú hay không?” chính là bác sĩ chăm sóc sức khỏe của bạn. Dựa vào nơi bạn sống, sức khỏe của bạn và bé, bác sĩ sẽ cho bạn những lời khuyên tốt nhất phù hợp với thể trạng của bạn.
Theo Hội Chữ thập đỏ, bạn không nên hiến máu trong khoảng 6 tuần sau khi sinh. Sau khoảng thời gian này, bác sĩ sẽ kiểm tra sức khỏe của bạn cẩn thận. Tùy thuộc vào kết quả kiểm tra, bác sĩ sẽ đưa cho bạn những chỉ dẫn tốt nhất.
Một số chuyên gia khác lại cho rằng, bạn không nên hiến máu khi đang cho con bú cho đến khi bé bắt đầu ăn dặm. Khi bé ăn dặm, con sẽ nhận được đầy đủ các chất dinh dưỡng từ các loại thức ăn bổ sung song song với sữa mẹ.
Những điều cần cân nhắc trước và sau khi hiến máu khi đang cho con bú
Trước khi hiến máu, bạn cần phải hỏi ý kiến bác sĩ về lợi ích cũng như tác hại của việc này. Bác sĩ sẽ kiểm tra xem bạn có bị thiếu máu hay không. Nếu bạn hoàn toàn khỏe mạnh thì bác sĩ có thể sẽ đồng ý cho bạn hiến vào thời điểm thích hợp.
Khi hiến máu, bạn có thể cảm thấy buồn ngủ và choáng váng. Đôi khi, bạn sẽ cảm thấy mất nước hoặc mệt mỏi. Bạn cần phải bổ sung nước đầy đủ cho cơ thể trước khi quyết định đi hiến máu. Nước chiếm khoảng 87% thành phần của sữa mẹ. Khi hiến máu, bạn sẽ bị mất khoảng 250-500ml máu. Điều này có nghĩa là cơ thể bạn sẽ bỗng nhiên bị mất đi một lượng chất lỏng khá lớn. Do đó, bạn phải uống nước và ăn một bữa ăn bổ dưỡng sau khi hiến máu.
Ngoài ra, bạn cũng nên uống nhiều nước sau khi hiến máu. Trong thời gian cho con bú, bạn nên uống nước trái cây và ăn nhiều rau củ. Sau khi hiến máu, bạn không nên khiêng những vật nặng, đặc biệt là cánh tay mà bác sĩ lấy máu. Điều này sẽ giúp ngăn ngừa chấn thương và tránh té ngã nếu bạn cảm thấy chóng mặt.
Một vài điểm cần nhớ khác nếu hiến máu khi đang cho con bú
Trước khi tiến hành hiến máu, bạn cần ghi nhớ một số điều sau:
- Bổ sung nước đầy đủ cho cơ thể
- Mặc quần áo thoải mái
- Ăn nhiều thực phẩm giàu chất sắt trước khi hiến máu vài tuần
- Ghi chú lại những loại thuốc mà bạn đang dùng
- Đi cùng với người thân, bạn bè khi tiến hành hiến máu
- Thư giãn và thả lỏng.
Hiến máu là một việc rất tốt nhưng nếu bạn đang cho con bú thì cần phải cẩn trọng. Bạn có thể trao đổi với bác sĩ trước khi quyết định có hiến máu được hay không nhé. Nếu bạn không được phép hiến máu thì đừng buồn, vì sau khi cai sữa bé yêu, bạn có thể trở lại hiến máu lại bình thường.
[embed-health-tool-vaccination-tool]