Khi con yêu mới chào đời, bố mẹ cần quan tâm đến mọi vấn đề của bé, bao gồm cả nhịp thở và hô hấp. Vậy hơi thở của trẻ sơ sinh như thế nào là bình thường?
Trẻ sơ sinh thường gặp các vấn đề hô hấp như thở không đều, lúc nhanh lúc chậm, thậm chí thỉnh thoảng bé cũng có thể ngừng thở. Chính vì vậy, nhiều bố mẹ sẽ có xu hướng thức giấc vào ban đêm để kiểm tra tình hình của trẻ. Hiểu về những vấn đề ẩn sau các bất thường này sẽ giúp bạn có hướng xử lý kịp thời.
Nhịp thở của trẻ sơ sinh có khác người lớn?
Trẻ sơ sinh thường có nhịp thở không ổn định khiến nhiều bậc cha mẹ lo lắng. Trẻ có thể thở nhanh, tạm dừng lâu giữa các nhịp thở hoặc tạo ra nhiều tiếng động bất thường khi thở. Đó có thể là do cấu tạo sinh lý cơ thể trẻ khác với người lớn:
- Trẻ thở bằng mũi nhiều hơn bằng miệng
- Đường thở của trẻ sơ sinh bé hơn người lớn nên dễ bị cản trở hơn
- Thành ngực của trẻ mềm hơn người lớn vì thường cấu tạo chủ yếu bằng sụn
- Quá trình hô hấp chưa phát triển đầy đủ và cơ thể trẻ vẫn cần phải học cách vận hành phổi cũng như các cơ trong đường hô hấp
Hơi thở của trẻ sơ sinh có thể khác người lớn. Vì vậy, bố mẹ không thể dùng nhịp thở của mình để xem xét nhịp thở của trẻ. Vậy con hô hấp thế nào là bình thường?
Hơi thở của trẻ sơ sinh thế nào là bình thường?
Thông thường, trẻ sơ sinh thở từ 30 – 60 nhịp mỗi phút. Hơi thở của trẻ có thể chậm hơn, khoảng 20 nhịp/1 phút khi bé ngủ. Lúc được 6 tháng, nhịp thở của trẻ sơ sinh sẽ rơi vào khoảng 25 – 40 nhịp/1 phút.
Trẻ sơ sinh hít vào và thở ra theo chu kỳ. Bé có thể dừng thở đến 5 giây hoặc thậm chí lâu hơn giữa các nhịp. Hiện tượng này là bình thường và sẽ thay đổi khi trẻ lớn dần. Nếu bạn muốn yên tâm rằng nhịp thở của con vẫn bình thường, dưới đây là 3 cách để kiểm tra:
- Nghe: Đặt tai bên cạnh miệng, mũi của bé và lắng nghe âm thanh khi bé thở
- Nhìn: Để mắt của bố mẹ ngang bằng ngực của trẻ và theo dõi những chuyển động lên và xuống theo nhịp khi con hít thở
- Cảm giác: Áp má vào bên cạnh miệng và mũi con yêu để cảm nhận hơi thở của trẻ
Có nên lo lắng nếu con thở khò khè?
Thỉnh thoảng con sẽ phát ra những tiếng khịt mũi và khó chịu. Điều này là hoàn toàn bình thường và bạn không phải lo lắng gì cả. Khi đi kiểm tra sức khỏe tổng quát lần đầu, bác sĩ sẽ kiểm tra nhịp tim và hơi thở của trẻ sơ sinh. Nếu bạn vẫn quan tâm đến vấn đề hô hấp của con, đây là thời điểm tốt để đề cập đến việc đó.
Tuy nhiên, hãy đưa bé đến bệnh viện cấp cứu ngay trong trường hợp:
- Con thở hơn 60 lần mỗi phút
- Gằn mình khi thở
- Lỗ mũi bè ra cho thấy bé đang cố gắng hết sức để hít thở
- Thở rít và ho khan
- Các cơ bụng khi hít thở co thắt lâu hơn bình thường
- Hít thở lâu hơn 20 giây
- Da có màu xanh hoặc xanh tím xung quanh trán, mũi và môi, điều này có nghĩa là máu không nhận đủ oxy từ phổi
Nên kiểm tra hơi thở của trẻ sơ sinh bao nhiêu lần mỗi đêm?
Nếu đây là lần đầu bạn làm bố mẹ, bạn sẽ cảm thấy cần phải kiểm tra hơi thở của con nhiều lần vào ban đêm để có thể yên tâm. Ngoài ra, một số người lo ngại việc bé mắc hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS), tuy nhiên điều này lại rất hiếm khi xảy ra và nguy cơ bé gặp phải cũng rất thấp.
Có nhiều cách để làm giảm nguy cơ SIDS. Chẳng hạn như nếu con yêu được 6 tháng tuổi hoặc nhỏ hơn, bé cần ngủ 16–18 tiếng mỗi ngày và tốt nhất là nằm cùng người lớn. Ngoài ra, bố mẹ nên đặt con ngay ngắn trên giường hoặc trong nôi và có các thanh chắn đề phòng con có thể lật hay bò ra ngoài. Thêm vào đó, bạn nên để trẻ nằm ngửa khi ngủ. Việc này có thể giúp ngăn ngừa nguy cơ mắc hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh.
Đôi khi, trẻ sơ sinh thở nhanh do quá nóng hoặc quá bí. Vì vậy, bạn hãy chọn cho trẻ những bộ đồ thoải mái và thoáng khí.
Dù con yêu đã ngủ sâu nhưng bé vẫn sẽ tạo ra vài tiếng động nho nhỏ. Khi trẻ lớn lên, bạn sẽ dần cảm thấy rằng không cần phải kiểm tra bé thường xuyên vào ban đêm như trước nữa.
Trẻ sơ sinh thường ốm yếu và dễ mắc bệnh, đặc biệt là các bệnh về đường hô hấp vì khả năng đề kháng cũng như miễn dịch của con vẫn chưa hoàn thiện. Ngoài ra, nếu con có dấu hiệu khó thở, thở khò khè thì bố mẹ hãy đưa bé đi kiểm tra để phát hiện và chữa bệnh kịp thời.
[embed-health-tool-vaccination-tool]