backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Có nên cắt tóc máu cho bé? Cắt tóc máu có giúp tóc trẻ mọc dày?

Thông tin kiểm chứng bởi: Lan Quan


Tác giả: Hoàng Oanh Nguyễn · Ngày cập nhật: 15/05/2023

    Có nên cắt tóc máu cho bé? Cắt tóc máu có giúp tóc trẻ mọc dày?

    Trên thực tế, có rất nhiều quan niệm xoay quanh việc cắt tóc máu cho bé. Nhiều người cho rằng việc cắt tóc máu cho trẻ sơ sinh sẽ giúp tóc mới của bé mọc ra nhanh, dày và đẹp hơn. Một số gia đình hoặc một số cộng đồng lại cho rằng việc cắt tóc máu cho em bé là một truyền thống có ý nghĩa.

    Tuy nhiên, liệu cạo tóc máu cho trẻ sơ sinh có mang đến hiệu quả như lời truyền miệng hay không? Có nên cắt tóc máu cho bé không hay khi nào cắt tóc máu cho trẻ sơ sinh? Nếu bạn cũng đang quan tâm đến những vấn đề này thì có thể tham khảo những lời khuyên mà Hello Bacsi tổng hợp trong bài viết sau nhé!

    Tóc máu là gì?

    Tóc máu được biết đến là lớp tóc đầu tiên của trẻ sơ sinh đã được hình thành ngay từ khi bé còn trong bụng mẹ. Cụ thể, tóc của em bé có thể hình thành từ tuần 24 trở đi của thai kỳ và tiếp tục phát triển cho đến khi bé chào đời.

    Về vai trò của tóc máu, đây là lớp tóc giúp bảo vệ thóp của trẻ sơ sinh và giúp trẻ giữ ấm phần đầu. Giống như tóc bình thường, tóc máu cũng sẽ rụng một cách tự nhiên nhưng quá trình rụng có thể diễn ra không đồng đều. Khi trẻ được khoảng 3 tháng tuổi, vùng tóc sau gáy của bé sẽ tự rụng và thay tóc mới. Trong dân gian thường gọi hiện tượng này là rụng tóc vành khăn. Đây là một hiện tượng sinh lý bình thường ở trẻ sơ sinh nên ba mẹ không cần quá lo lắng.

    Ý nghĩa của việc cắt tóc máu cho bé theo quan niệm dân gian

    cắt tóc máu cho bé

    Khi nào thì cắt tóc máu cho bé gái, cắt tóc máu cho bé trai khi nào hay nên cắt tóc máu cho trẻ sơ sinh khi nào là thắc mắc rất thường gặp.

    Theo quan niệm của người xưa, việc cắt tóc máu cho trẻ sơ sinh là cột mốc rất quan trọng và có thể được thực hiện khi trẻ đầy tháng, sau 3 tháng 10 ngày, 6 tháng sau sinh hoặc sau khi trẻ thôi nôi (đầy năm). Thời điểm trẻ cắt tóc máu có thể khác nhau tùy thuộc vào suy nghĩ, quan điểm của mỗi gia đình.

    Đối với một số gia đình chọn cạo tóc máu cho bé ngay từ tháng đầu tiên sau sinh hoặc sau hơn 3 tháng là vì họ quan niệm rằng em bé đã trải qua 9 tháng 10 ngày trong bụng mẹ, cộng thêm một hoặc vài tháng sau khi chào đời thì xem như gần đủ 1 năm hình thành và phát triển khỏe mạnh. Do vậy, các gia đình theo quan niệm này muốn thông qua việc cắt tóc máu cho bé để ngầm chứng tỏ em bé đã lớn, chính thức bắt đầu cuộc sống bên ngoài bụng mẹ.

    Bên cạnh ý nghĩa truyền thống, bạn có thể cũng nghe không ít lời đồn về việc cắt tóc máu sớm sẽ giúp tóc của trẻ mọc nhanh, dày và đẹp hơn. Vậy thực hư về vấn đề này là như thế nào? Có nên cắt tóc máu cho bé không? Bạn hãy tiếp tục theo dõi để có câu trả lời nhé!

    Thực hư việc tóc mọc nhanh và dày sau khi trẻ cắt tóc máu

    Thực chất, việc cho rằng tóc của trẻ sơ sinh sẽ mọc nhanh, dày và đẹp hơn sau khi cắt tóc máu chỉ là quan niệm dân gian. Hiện nay, không có bằng chứng khoa học cụ thể nào để chứng minh điều này là đúng. Bạn cần biết rằng, về cơ bản thì những sợi tóc được mọc ra từ các nang tóc nằm bên dưới da đầu. Trong khi, việc ba mẹ cắt tóc máu cho bé chỉ là cắt đi lớp tóc trên bề mặt da đầu chứ không tác động được đến nang tóc của bé.

    Do vậy, khi bạn không tác động được đến nang tóc, điều này cũng đồng nghĩa rằng bạn không thay đổi được số lượng và đặc điểm tóc của trẻ sơ sinh. Thay vào đó, dựa trên khoa học, tóc của trẻ mọc nhiều hay ít, xoăn hay thẳng hoặc có màu gì đều phụ thuộc vào yếu tố di truyền từ ba mẹ.

    Bạn có nên cắt tóc máu cho bé hay không? Khi nào bé có thể cạo tóc?

    cắt tóc máu cho bé

    Trên thực tế, việc có nên cắt tóc máu cho bé hay không có thể gây nhiều tranh cãi. Tuy nhiên, sự thật là cắt tóc máu sớm hay muộn cũng không gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và sự phát triển của bé như nhiều gia đình vẫn nghĩ. Thêm vào đó, việc cắt tóc máu sớm cũng không được khuyến khích vì một số nguyên nhân sau đây:

    • Trong những tháng đầu sau sinh, da đầu và thóp của bé vẫn còn non nớt, rất dễ bị xước hoặc tổn thương ngoài da khi bạn dùng kéo hoặc tông đơ cắt tóc cho con.
    • Việc cắt tóc máu có thể khiến da đầu và thóp của trẻ sơ sinh mất đi lớp bảo vệ tự nhiên. Từ đó phần đầu của trẻ không được giữ ấm tốt cũng như dễ tổn thương bởi các tác động bên ngoài hơn.

    Do đó, câu trả lời cho thắc mắc có nên cắt tóc máu cho bé không là ba mẹ không nên quá xem trọng việc cắt tóc sớm để lấy may hoặc tin chắc rằng điều này sẽ giúp tóc của bé yêu mọc nhanh và dày hơn. Cách tốt nhất là bạn nên đợi em bé trở nên cứng cáp hơn, thường là khoảng sau 6 tháng, rồi mới nên cạo tóc cho bé.

    Nhìn chung, trong hầu hết trường hợp thì bạn không nên cắt tóc máu cho bé. Ngoại trừ trường hợp tóc trẻ mọc quá nhanh và dày gây khó chịu, nóng bức trong mùa hè thì bạn có thể cân nhắc đến việc cắt tóc sớm hơn cho con nhưng cần chú ý vấn đề an toàn.

    Những mẹo bạn cần biết để cạo đầu cho bé dễ dàng và an toàn

    cắt tóc máu cho bé

    Nếu bạn đang định cạo đầu hoặc cắt tóc cho em bé, điều quan trọng trước tiên là cần tìm được thợ cắt tóc khéo tay, chuyên nghiệp hoặc một người có kỹ năng cạo tóc, cắt tóc tốt để tránh rắc rối. Thêm vào đó, để đảm bảo việc cắt tóc máu cho bé diễn ra thuận lợi và an toàn, bạn có thể tham khảo ngay một số mẹo hữu ích sau đây:

    • Thời điểm: Nhiều cha mẹ thường thắc mắc nên cắt tóc máu cho trẻ sơ sinh khi nào, ban ngày hay buổi tối? Lời khuyên là bạn nên cho bé cắt tóc vào ban ngày vì đây là thời điểm trẻ ít quấy khóc và ít khó chịu hơn. Đồng thời, không nên cắt tóc cho bé trong những trường hợp dễ khiến trẻ bất hợp tác như trẻ đang bị ốm, mệt mỏi, mới tiêm vaccine…
    • Đảm bảo an toàn khi cắt: Nếu trẻ còn quá nhỏ và chưa thể ngồi vững, bạn cần đảm bảo đặt bé ngồi hoặc nằm thoải mái trên đùi bạn. Nếu trẻ đủ cứng cáp để ngồi, hãy đảm bảo rằng trẻ ngồi trên một bề mặt thoải mái và an toàn khi được cắt tóc.
    • Đánh lạc hướng sự chú ý của trẻ: Bạn có thể dùng một món đồ chơi hoặc đồ vật mà trẻ yêu thích để đánh lạc hướng trẻ khỏi việc cắt tóc. Bạn cũng có thể hát, trò chuyện với con để giúp em bé bình tĩnh và trở nên dễ chịu trong quá trình cắt tóc.
    • Chuẩn bị trước khi cạo: Trước khi cạo tóc cho em bé, bạn có thể dùng dầu gội dịu nhẹ dành cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ để xoa lên da đầu của con. Điều này nhằm giúp việc cạo tóc dễ dàng hơn và được thực hiện nhanh hơn.
    • Cắt ngắn trước khi cạo: Nếu tóc của trẻ quá dài, gợi ý là bạn nên cắt ngắn trước rồi mới đến bước cạo tóc cho trẻ. Bạn có thể chia tóc trên đầu bé thành từng phần nhỏ để cạo và nên đảm bảo hoàn thành từng phần trước khi tiếp tục cạo phần tóc khác.
    • Lưu ý về dụng cụ dùng cắt tóc máu cho bé: Bạn nên ưu tiên cạo đầu cho bé bằng tông đơ, bởi vì sử dụng dao cạo thường nguy hiểm hơn do có thể gây ra vết trầy xước hoặc tổn thương ngoài da.

    Mặt khác, bạn cũng cần lưu ý thêm những vấn đề sau đây khi cắt tóc máu cho bé:

    • Nếu trẻ không hợp tác, không chịu ngồi yên khi cắt tóc thì bạn nên tạm dừng hoạt động này để tránh việc có thể gây tổn thương cho vùng đầu và mặt của bé.
    • Nhiều ba mẹ thường có ý định tận dụng thời gian trẻ đi ngủ để cắt tóc máu cho bé vì cho rằng làm vậy sẽ tránh việc trẻ quấy khóc, ngọ nguậy. Tuy nhiên, đây lại là điều không nên làm vì nếu chẳng may bạn làm bé đang ngủ bị giật mình sẽ rất nguy hiểm.
    • Khi bạn cắt tóc, cạo tóc cho bé xong, hãy cho bé tắm bằng nước ấm để loại bỏ vụn tóc bám trên mặt và trên người có thể gây ngứa ngáy, khó chịu. Ngoài ra, bạn cũng có thể bôi thêm dầu dưỡng hoặc kem dưỡng ẩm để giúp da đầu của trẻ không bị khô, ngứa.

    Nhìn chung, đối với vấn đề cắt tóc máu cho bé thì bạn có thể yên tâm rằng cắt sớm hay muộn đều không ảnh hưởng đến sức khỏe của em bé. Hơn nữa, cắt tóc máu cũng không giúp trẻ mọc tóc nhanh, dày và đẹp như nhiều người vẫn truyền miệng. Vì vậy, cách tốt nhất là bạn có thể để tóc máu của trẻ rụng tự nhiên hoặc nên đợi đến khi trẻ cứng cáp rồi mới cắt đi nhé! 

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Thông tin kiểm chứng bởi:

    Lan Quan


    Tác giả: Hoàng Oanh Nguyễn · Ngày cập nhật: 15/05/2023

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo