backup og meta

4 vấn đề thường gặp ở làn da trẻ sơ sinh mẹ không nên xem thường

4 vấn đề thường gặp ở làn da trẻ sơ sinh mẹ không nên xem thường

Làn da trẻ sơ sinh rất mỏng manh, chỉ bằng 1/2 da người lớn. Chính vì vậy, con yêu sẽ chẳng thể nào tránh việc gặp phải các vấn đề về da, dù cho nguyên nhân xuất phát từ yếu tố chủ quan hay khách quan. 

Nếu bạn đang thắc mắc liệu thiên thần nhỏ mới chào đời sẽ có thể gặp phải các tình trạng da nào, hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu 4 vấn đề thường gặp ở làn da trẻ sơ sinh. Điều này giúp bạn có được biện pháp khắc phục phù hợp cho trẻ. 

4 vấn đề về da ở trẻ sơ sinh mà mẹ không nên bỏ qua

1. Hăm tã

Nhiều bố mẹ không biết rằng thực ra hăm tã ở trẻ sơ sinh có đến 4 loại khác nhau. Do vậy, việc chỉ cho bé dùng kem trị hăm không hẳn là cách điều trị hiệu quả nhất. Thực tế là chúng ta cần xác định được chính xác từng trường hợp hăm tã của con thì mới có thể giúp cải thiện tình trạng. 

Hăm tã do kích ứng

  • Nguyên nhân: Nguyên nhân gây nên dạng hăm tã phổ biến nhất ở da trẻ sơ sinh này xuất phát từ việc vùng da mặc tã của bé phải tiếp xúc lâu với nước tiểu, phân, vi khuẩn… Việc mẹ chọn tã thấm hút chưa tốt sẽ khiến tã bị thấm ngược làm cho bề mặt tã luôn ẩm ướt gây ảnh hưởng trực tiếp đến làn da non nớt của con.
  • Dấu hiệu nhận biết: Hăm tã do viêm da kích ứng sẽ làm cho da bé có màu đỏ, hơi sưng dọc theo bề mặt da tiếp xúc với tã, quanh khu vực bụng hoặc quanh háng của trẻ.
  • Biện pháp cải thiện: Mẹ hãy thay tã đều đặn, sau khi lau khô bôi kem chống hăm lên vùng da bị ảnh hưởng. Thi thoảng, mẹ nên cho bé “ở không’ để da con được thông thoáng.

Hăm tã do nấm Candida

  • Nguyên nhân: Nấm men Candida phát triển nhanh chóng trong môi trường nóng ẩm. Việc dùng tã giấy kém chất lượng tạo ra môi trường hoàn hảo để nấm men phát triển mạnh. Thêm vào đó, bé sơ sinh thường sổ sữa lớn nhanh nên nếu mẹ cho bé mặc tã chật sẽ khiến bụng của bé bị bó, gây hằn đỏ da. Đây cũng là nguyên nhân góp phần gây hăm tã do nấm. Ngoài ra, mẹ cũng nên lưu ý rằng sự phát triển quá mức của nấm men trên da có thể là biểu hiện của tình trạng mất cân bằng hệ vi khuẩn bên trong đường tiêu hóa.
  • Dấu hiệu bên ngoài: Xung quanh các nếp gấp ở đùi, mông, vùng kín của trẻ sơ sinh sẽ xuất hiện tình trạng đỏ hoặc sưng. Đôi khi, chúng còn đi kèm với mụn nhọt, mụn nước, loét. Hăm tã do nhiễm nấm Candida điển hình sẽ gây ra các “tổn thương vệ tinh’, nghĩa là những đốm phát ban tròn nhỏ sẽ nằm xung quanh các vết phát ban lớn. 
  • Biện pháp cải thiện: Nếu có dấu hiệu nghi ngờ nhiễm nấm, bạn hãy đưa bé đi khám để có cách điều trị tốt nhất. Ngoài ra, nếu cho bé dùng tã giấy, mẹ nên chú ý đến chất lượng của tã.  

Hăm tã do dị ứng 

  • Nguyên nhân: Tình trạng hăm tã cũng có thể xảy ra khi mẹ cho bé dùng loại bỉm tã mới mà không hợp cơ địa hoặc dùng khăn ướt có chất tẩy để vệ sinh cho con, thường xuyên dùng chất làm mềm vải, xà bông chứa nhiều chất tẩy rửa để giặt đồ cho con… Những yếu tố này góp phần gây kích thích làn da mỏng manh của bé.
  • Dấu hiệu bên ngoài: Vùng da mặc tã của bé có hiện tượng đỏ, sưng tấy và bé tỏ ra khó chịu khi bạn chạm vào. 
  • Biện pháp cải thiện: Nếu nguyên nhân gây hăm tã ở bé là do bỉm tã không hợp cơ địa hay loại khăn giấy ướt có chất tẩy, mẹ nên đổi qua sản phẩm khác thân thiện với con hơn. Bên cạnh đó, mẹ nên xem lại thành phần của các sản phẩm giặt giũ quần áo của bé, ưu tiên các sản phẩm lành tính.

Hăm tã da do vi khuẩn

  • Nguyên nhân: Thủ phạm phổ biến nhất của viêm da vi khuẩn là tụ cầu Staphylococcus aureus (staphvà liên cầu Streptococcus nhóm A (strep). Hăm tã do vi khuẩn thường xảy ra khi da trẻ sơ sinh đã bị kích ứng hoặc có những vết trầy xước nhỏ do bố mẹ lau người cho con quá mạnh hoặc cho bé mặc quần áo quá thô ráp…
  • Dấu hiệu bên ngoài: Với chủng tụ cầu, vết hăm tã sẽ có mụn nước nhỏ hoặc mụn mủ dễ vỡ khiến da của bé xuất hiện lớp vảy màu mật ong. Với chủng liên cầu, vết hăm tã xuất hiện gần khu vực hậu môn, đôi khi tạo thành một vòng tròn và có thể kéo dài vào vùng đáy chậu (khu vực giữa hậu môn và bộ phận sinh dục). Bạn cũng sẽ nhận thấy làn da trẻ sơ sinh ở vùng hậu môn hiện diện một vài vết xước, dẫn đến hiện tượng có máu trong phân.
  • Biện pháp cải thiện: Nếu thấy bé yêu có các dấu hiệu kể trên, bạn nên đưa con đi khám để các bác sĩ chẩn đoán chính xác nguyên nhân và có hướng điều trị, chăm sóc phù hợp. 

2. Khô da

Tình trạng khô da hoặc thậm chí là bong tróc rất phổ biến ở trẻ sơ sinh, đặc biệt là ở các bé chào đời vàotuần thai thứ 40. Tình trạng này không quá nghiêm trọng và sẽ nhanh chóng được cải thiện. 

  • Nguyên nhân: Theo các chuyên gia, nguyên nhân chính khiến làn da trẻ sơ sinh bị khô bao gồm: 
    • Tắm quá thường xuyên và sử dụng xà phòng không phù hợp: Việc này sẽ dễ dàng khiến da trẻ sơ sinh bị khô hoặc làm cho tình trạng trở nên nghiêm trọng hơn nếu như da con yêu vốn đã khô trước đó. Khi lớp dầu tự nhiên trên da bị rửa trôi, độ ẩm cũng theo đó mà thoát ra ngoài. 
    • Nhiệt độ môi trường: Nếu độ ẩm thấp thì dù là thời tiết nóng hay lạnh đều có khả năng khiến da trẻ sơ bị bị bong tróc, dẫn đến khô.
    • Sản phẩm chăm sóc da không phù hợp.
  • Dấu hiệu bên ngoài: Da trẻ bị bong tróc, sần sùi nhưng không có biểu hiện ngứa và đỏ. 
  • Biện pháp cải thiện: Bạn có thể cho bé dùng một số loại sữa tắm dành cho trẻ sơ sinh có tính chất dưỡng ẩm cao để cải thiện tình trạng da khô, bong tróc. Nếu tình trạng của bé kéo dài, bạn nên đưa con đi khám để được bác sĩ kê toa cho sử dụng các sản phẩm chăm sóc da phù hợp. 

3. Phát ban, rôm sảy

các vấn đề về da của trẻ sơ sinh

Có nhiều loại phát ban ảnh hưởng đến các bộ phận khác nhau trên cơ thể. Theo chuyên gia, những tình trạng phát ban, rôm sảy phổ biến ở làn da trẻ sơ sinh và gây nên các vấn đề về da như: chàm, hăm tã, mụn nhọt, bệnh chốc lở, viêm da tiết bã, rôm sảy mùa hè, ban đỏ nhiễm khuẩn, u mềm lây… Tuy nhiên, tình trạng phát ban và rôm sảy thường không quá nghiêm trọng nếu biết được biện pháp cải thiện.

  • Nguyên nhân gây rôm sảy, phát ban ở trẻ nhỏ gồm: nhiệt độ môi trường quá cao, quần áo con mặc có chất kích ứng, dị ứng, bị chà xát quá mạnh, vùng da mặc tã thường xuyên ẩm ướt và hầm bí…
  • Dấu hiệu: Vùng da bị phát ban, rôm sảy có những mảng hoặc chấm da đổi màu, thường có màu đỏ, có thể đi kèm triệu chứng nổi bóng nước và ngứa. 
  • Biện pháp cải thiện: Ngoài việc thoa kem calamine hay hydrocortisone để chống ngứa cho bé, mẹ có thể cho bé tắm bột yến mạch để giảm ngứa cho con mặc quần áo rộng, thoải mái, dùng tã có chất liệu mềm mịn, êm ái để da bé thoải mái khi tiếp xúc. 

3. Chàm

Hai dạng chàm mà thiên thần nhỏ có nguy cơ cao mắc phải là:

  • Chàm dị ứng: Đây là tình trạng mạn tính, mang yếu tố di truyền ở những em bé có người thân trong gia đình có tiền sử bị dị ứng, bệnh chàm và hen suyễn.
  • Chàm tiếp xúc: Tình trạng phát ban sẽ xuất hiện khi da tiếp xúc với dị ứng nguyên. Khi nguyên nhân được phát hiện và loại bỏ, tình trạng phát ban cũng sẽ biến mất.
    • Nguyên nhân: Một số nguyên nhân phổ biến cho 2 tình trạng trên gồm: bụi, mạt nhà, thú cưng, khói thuốc lá, da không được khô thoáng, chất liệu quần áo của con quá thô ráp so với da bé, hương liệu từ xà phòng, kem dưỡng. 
    • Dấu hiệu: Chàm ở trẻ sơ sinh gây nên hiện tượng ngứa, khó chịu khiến bé yêu cảm thấy không thoải mái.
    • Biện pháp cải thiện: Khi da trẻ sơ sinh bị chàm, bạn hãy chú ý quan sát và có chế độ chăm sóc da cho bé phù hợp. Thông thường, tình trạng trên sẽ được cải thiện mà không cần phải dùng đến thuốc. 

Một số lưu ý chung giúp mẹ cải thiện các vấn đề về da của trẻ sơ sinh

các vấn đề về da của trẻ sơ sinh

Để thiên thần nhỏ không gặp phải các vấn đề nêu trên, cách chăm sóc và hình thức ngăn ngừa là điều rất quan trọng mà bố mẹ nên lưu ý. Bạn có thể tham khảo gợi ý sau đây để con yêu không gặp phải tình trạng khó chịu nào:

  • Chú ý thay tã cho bé đều đặn 
  • Không tắm bé quá thường xuyên
  • Ưu tiên các loại sữa tắm dịu nhẹ, dành riêng cho trẻ sơ sinh
  • Chọn những sản phẩm chăm sóc da không mùi, thành phần tự nhiên
  • Tìm hiểu các loại tã thích hợp, thấm nhanh, có đường viền mềm mại và không bó chặt
  • Quần áo, khăn của trẻ sơ sinh nên được giặt riêng và có sản phẩm làm sạch phù hợp
  • Thấm khô da con sau khi tắm, đặc biệt là ở khu vực vùng kín. Chú ý không lau hay chà xát mạnh. 

Các vấn đề về da của trẻ sơ sinh có thể khiến bé yêu không được thoải mái. Do vậy, khi thấy con có biểu hiện bất thường, bạn hãy nhanh chóng xác định tình trạng để có được hình thức cải thiện hiệu quả nhất. Ngoài ra, khi bé vẫn quấy khóc dẫu cho đã thử nhiều biện pháp, hãy đưa con đến gặp bác sĩ nhằm chẩn đoán và phát hiện vấn đề bất thường. 

Phương Uyên/HELLO BACSI 

[embed-health-tool-vaccination-tool]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

What to know about baby acne https://www.medicalnewstoday.com/articles/323656.php ngày truy cập 30/10/2019

Learn How to Spot Four Common Types of Diaper Rash https://www.seventhgeneration.com/blog/learn-how-spot-four-common-types-diaper-rash ngày truy cập 31/10/2019

How to Recognize and Treat Infant Eczema (Atopic Dermatitis) https://www.whattoexpect.com/first-year/baby-care/baby-skin-care/eczema.aspx ngày truy cập 30/10/2019

Dry skin https://raisingchildren.net.au/guides/a-z-health-reference/dry-skin ngày truy cập 30/10/2019

How to Spot and Take Care of Your Baby’s Rash https://www.healthline.com/health/how-to-spot-and-take-care-of-your-babys-rash ngày truy cập 30/10/2019 

Phiên bản hiện tại

08/07/2020

Tác giả: Trần Lê Phương Uyên

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh


Bài viết liên quan

Nhiễm trùng đường ruột ở trẻ sơ sinh: Triệu chứng và cách điều trị

Kiểm tra màu phân của bé giúp mẹ đoán được điều gì về sức khoẻ tiêu hoá của con?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Trần Lê Phương Uyên · Ngày cập nhật: 08/07/2020

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo