backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Bí quyết tập cho bé tự cầm bình sữa nhanh và hiệu quả nhất

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Bich Ngan · Ngày cập nhật: 20/05/2021

    Bí quyết tập cho bé tự cầm bình sữa nhanh và hiệu quả nhất

    Tập cho bé tự cầm bình sữa sẽ giúp mẹ bớt mệt mỏi hơn khi giữ bình bú cho bé. Thế nhưng, bé mấy tháng biết cầm bình bú và tập cho bé tự cầm bình sữa như thế nào? 

    6 tháng là thời điểm mà bạn bắt đầu phải nghĩ đến những thay đổi với chế độ ăn của bé. Đây là thời điểm bé bắt đầu cai sữa mẹ và bắt đầu tập ăn giặm. Bé bắt đầu giảm dần các cữ bú và dần làm quen với một vài kiểu ăn khác, ví dụ như bú bình thay vì bú sữa mẹ. Thế nhưng, ở thời điểm này liệu bé có thể tự cầm bình sữa được chưa hay mẹ vẫn phải giữ bình bú cho bé? Xem ngay những chia sẻ dưới đây để có câu trả lời mẹ nhé!

    Khi nào bé tự cầm bình sữa được?

    Bé bắt đầu phát triển kỹ năng cầm, nắm các vật cơ bản vào cuối tháng thứ 5. Chính vì vậy, bé hoàn toàn có thể cầm và giữ được bình sữa vào tháng thứ 6. Tuy nhiên, không phải bé nào cũng làm được, một số bé phải đợi đến khi 10 tháng mới có thể tự cầm được.

    Nếu bé không cầm được ở tháng thứ 6 thì cũng không có nghĩa là bé chậm phát triển. Nếu bạn vẫn đạt được các cộc mốc phát triển khác thì bạn không cần phải quá lo. Bởi mỗi bé sẽ đạt được những cột mốc phát triển ở những thời điểm khác nhau, thậm chí có bé mới 3 tháng đã có thể tự cầm nắm mọi vật.

    Tập cho bé tự cầm bình sữa như thế nào?

    Tập cho bé tự cầm bình sữa đòi hỏi mẹ kiên nhẫn bởi đôi khi bạn phải luyện tập cho bé nhiều lần thì bé mới thực hiện được:

    • Cho bé làm quen với bình sữa trong suốt quá trình bú mẹ bằng cách cho bé sờ, chạm vào bình sữa để cảm nhận bề mặt, kích thước cũng như sức nặng của bình khi bình chưa có sữa. Khi bé đã quen, bạn có thể tập cho bé cầm giữ bình dần dần.
    • Khi bé đã bắt đầu thích thú với việc tự cầm bình sữa, bạn bắt đầu thêm nước vào mỗi lần bé cầm. Lúc đầu có thể là một phần tư bình, sau đó tăng lên một nửa và cuối cùng là đầy bình.
    • Sau khi bé đã bắt đầu quen với việc cầm bình sữa, hãy dần dần tập cho bé đưa bình lên gần miệng. Nếu bé đưa núm vú vào miệng của bé (do có mùi sữa) và bắt đầu bú thì bạn đã thành công rồi đấy. Còn nếu không, bạn có thể hướng dẫn bé cách đưa núm vú vào miệng như thế nào.

    Ban đầu, bạn có thể hỗ trợ bé bằng cách đỡ ở phần đáy bình sữa. Dần dần, khi bé đã quen, bạn có thể để bé tự thực hiện việc này trong khi vẫn trông chừng bé.

    Bí quyết giúp bé nhanh biết cầm và giữ bình sữa

    bé tự cầm bình sữa

    1. Quan sát các kỹ năng vận động của bé

    Bạn đừng ép bé phải tự cầm bình. Thay vào đó, hãy để bé phát triển các kỹ năng vận động một cách tự nhiên. Hãy quan sát những kỹ năng của bé trong giờ chơi, nếu bạn nhận thấy bé thích thú trong việc cầm nắm các đồ vật thì bạn có thể thử cho bé cầm bình sữa.

    2. Dạy cho bé biết tác dụng của bình sữa

    Hãy giúp bé hiểu được mối liên hệ giữa đói và cầm bình sữa. Bạn có thể dạy bé điều này bằng cách đưa bình sữa cho bé mỗi khi bé đói. Bé có thể học được cách nhận diện khuôn mặt và các vật ở khoảng cách xa ngay từ khi được 3 tháng, cũng tức là bé đã học được cách liên hệ đồ vật với mục đích sử dụng của chúng. Hãy để bé học cách tìm kiếm bình sữa như một nguồn cung cấp thực phẩm. Điều này sẽ kích thích bé tự động cầm bình sữa khi đói.

    3. Bế bé

    Bé có thể cảm thấy sức nóng của cơ thể bạn khi bạn cho bé bú. Hãy để bé trải nghiệm cảm giác tương tự khi bé bú bình. Việc này giúp bé nhận ra rằng dù bú bình thì bé vẫn được gần gũi bạn. Bế bé cũng khiến bé dễ tiếp nhận việc bú bình hơn.

    4. Duy trì sự yên tĩnh trong quá trình bé bú

    Khi bé đang bú, bạn không nên làm bé mất tập trung bằng các loại âm thanh khác. Nếu có quá nhiều âm thanh xung quanh bé trong quá trình bú, bé sẽ không chịu bú và có thể sẽ nuốt vào nhiều không khí hơn là sữa.

    5. Hỗ trợ bé

    Cánh tay bé nhỏ của bé có thể bị đau hoặc mỏi nếu phải cầm bình sữa trong một thời gian dài. Vì vậy, bạn cũng cần phải hỗ trợ bé bằng cách đỡ phía dưới bình sữa.

    6. Tự nhiên bé không chịu cầm bình sữa nữa, điều này cũng không sao

    Vào một ngày nào đó, bỗng nhiên bạn sẽ thấy bé không chịu tự cầm bình sữa nữa. Cũng giống như người lớn, bé cũng có sự thay đổi về ý thích. Bé có thể nắm chặt bàn tay của mình và nhất định không chịu xòe ra để bạn đưa bình sữa vào. Hãy thử tuân theo ý muốn của bé, đừng ép bé phải tự cầm bình sữa. Bé sẽ tìm đến bình sữa khi bé cảm thấy đói.

    Điều quan trọng nhất, bạn đừng đặt ra mục tiêu phải tập cho bé tự cầm bình sữa được trong 1 ngày. Đốt cháy giai đoạn sẽ có thể phản tác dụng và thậm chí gây tổn thương về mặt thể chất cho bé.

    Lưu ý khi để bé cầm bình sữa

    bé tự cầm bình sữa

    Dưới đây là một số lưu ý mà bạn cần biết để đảm bảo sự an toàn của bé khi để bé tự cầm bình sữa để bú.

    1. Đặt bé đúng vị trí

    Vị trí tốt nhất để bé bú bình là vị trí giống như khi bé bú mẹ: cho nằm ngửa trên tay của bạn trong tư thế đầu hơi cao. Nếu bạn định để bé nằm xuống, hãy để bé nằm hơi cong người một chút, giống như tư thế khi bé đang bú mẹ.

    Không bao giờ được để bé cầm bình sữa thẳng đứng ở phía trên miệng của bé. Việc này sẽ khiến bé bị sặc khi lượng sữa chảy nhiều và bé nuốt không kịp.

    Một số bé có thể bị nhiễm trùng tai nếu sữa trong bình chảy quá nhiều trong miệng và trào ngược lên mũi, tai. Thay vào đó, hãy để bé tự cầm bình sữa và quyết định độ dốc khi cầm bình sữa để bú.

    2. Không được lơ là việc trông chừng bé

    Kể cả khi bé đã thích cầm bình sữa và hoàn toàn có thể tự cầm được một cách độc lập và chắc chắn, bạn cũng phải trông chừng bé khi bé đang bú. Hãy luôn ở cạnh và quan sát bé. Nếu bé bị mất thăng bằng hoặc cầm trượt bình sữa, hãy giúp bé điều chỉnh bình về đúng vị trí.

    3. Lắng nghe âm thanh bé phát ra khi bú bình

    Bạn hãy lắng nghe những âm thanh mà bé phát ra khi bú bình. Nếu tạo ra quá nhiều âm thanh hoặc âm thanh lớn, nhiều khả năng bé đã nuốt vào rất nhiều không khí. Hãy kiểm tra lại núm vú xem có bị tắc hay không và chỉnh lại vị trí của bình. Đảm bảo rằng bé đưa bình sữa vào miệng đúng cách.

    4. Giúp bé bỏ núm vú ra khỏi miệng

    Bé có thể rất thành thục trong việc cầm bình sữa nhưng sẽ vẫn cần bạn hỗ trợ trong việc lấy núm vú ra khỏi miệng, đặc biệt là nếu bé học được cách cầm bình sữa từ rất sớm. Để núm vú quá lâu trong miệng sẽ khiến bé dễ bị sâu răng. Do đó, hãy nhẹ nhàng rút núm vú ra khỏi miệng bé khi bé đã bú no.

    5. Không bao giờ để bé ngủ khi ngậm bình sữa

    Bình sữa không phải là một món đồ chơi và không bao giờ được để gần bé khi không có sự trông chừng của bạn. Bé có thể sẽ tự bú quá nhiều và dễ bị sặc. Do vậy, bạn hãy cẩn trọng theo dõi thói quen bú sữa của bé bằng cách ở gần bé.

    Cầm bình sữa không phải là một việc quá khó khăn. Bé sẽ không mất quá nhiều thời gian để học kỹ năng này, đặc biệt là nếu bé thích món sữa ở trong bình. Hãy kiên nhẫn để tập cho bé và cũng không có gì phải lo nếu bé học được kỹ năng này muộn hơn những bé khác.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Bich Ngan · Ngày cập nhật: 20/05/2021

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo