backup og meta

Vì sao nên cho bé ăn thịt gà trong giai đoạn ăn giặm?

Vì sao nên cho bé ăn thịt gà trong giai đoạn ăn giặm?

Bé cưng bước sang giai đoạn ăn giặm. Ngoài sữa, bột, bạn muốn cho bé ăn thịt gà để có thêm chất dinh dưỡng. Tuy nhiên, bạn chưa biết nên cho con ăn lúc nào và chế biến ra sao?

Thịt gà chứa nhiều protein và chất sắt, là nguồn dinh dưỡng chất lượng dành cho bé. Nếu bé chỉ uống sữa và ăn rau quả thì cơ thể bé sẽ không có đủ các chất dinh dưỡng này. Vậy khi nào nên cho bé ăn loại thịt này? Những lợi ích của thịt gà đối với bé là gì? Cách chế biến thịt gà ngon cho bé? Để giải đáp tất cả thắc mắc này, bạn hãy đọc bài viết sau đây của Hello Bacsi nhé.

Khi nào trẻ có thể ăn thịt gà?

Bé có thể ăn thịt ức gà từ tháng thứ sáu, khi bắt đầu bước vào giai đoạn ăn giặm. Bạn hãy cho bé ăn hai thìa súp thịt xay nhuyễn mỗi ngày. Dần dần, khi bé lớn hơn, khẩu phần thịt gà mỗi ngày cũng tăng lên.

Lợi ích của thịt gà đối với sức khỏe của bé

Thịt gà là một nguồn protein tuyệt vời. Chỉ 100g thịt cung cấp 67,6% nhu cầu protein hàng ngày của bạn. Thịt ức gà còn là nguồn giàu niacin và phốt pho (giúp giải phóng năng lượng từ protein, chất béo và carbohydrate trong quá trình trao đổi chất), vitamin B6 và selen, một chất chống oxy hóa mạnh mẽ.

Thịt gà chứa ít chất béo hơn và chất béo là loại không bão hòa. Còn chất béo bão hòa là chất béo không lành mạnh nên được hạn chế trong chế độ ăn uống càng nhiều càng tốt. Tuy nhiên, điều này chỉ đúng nếu bạn không cho bé ăn kèm da. Trong da, lượng chất béo nhiều gấp 2 lần so với thịt nạc gà.

Thịt gà là một thức ăn tuyệt vời cho bé vì chứa rất nhiều chất dinh dưỡng mang lại nhiều lợi ích dưới đây:

1. Giúp tăng cơ

Thịt ức gà là loại thịt nạc rất giàu protein và ít chất béo. 100g thịt gà chứa 18,6g protein. Protein rất cần thiết cho sự phát triển của bé vì chúng giúp cơ bắp phát triển. Ngoài ra, các protein từ thịt gà cũng rất dễ tiêu hóa và hấp thu.

2. Cải thiện hệ thống tuần hoàn

Thịt ức gà chứa sắt, một khoáng chất cần thiết cho sự phát triển của hồng cầu. Loại thịt này cũng giàu kali, giúp giữ cho mạch máu luôn tốt.

3. Tốt cho xương

100g thịt ức gà chứa 15mg canxi và 182mg phốt pho. Cả hai khoáng chất này đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành xương chắc khỏe.

4. Vitamin tốt sự phát triển trí não

Thịt gà chứa nhiều vitamin A, C và B12 rất cần thiết cho sự phát triển não của trẻ sơ sinh.

5. Tốt cho hệ miễn dịch

Thịt gà có chứa các vi chất dinh dưỡng như kẽm, magiê, có vai trò quan trọng trong việc tăng cường hệ miễn dịch.

Chọn mua và bảo quản thịt gà

Tìm mua thịt gà tươi sống tại những địa chỉ uy tín, tin cậy và biết những con gà đó được nuôi bằng thức ăn tự nhiên, không có kháng sinh và hormone tăng trưởng. Nếu bạn mua được gà ta, gà thả vườn càng tốt. Ngoài việc không có hormone tăng trưởng, kháng sinh, thịt gà có hương vị thơm ngon và thịt mềm hơn so với gia cầm nuôi.

Không phải riêng thịt gà, tất cả các loại thịt đều rất dễ bị nhiễm khuẩn. Do đó, bạn không nên mua thịt gà đông lạnh, vì loại thịt này có thể chứa mầm bệnh gây hại cho sức khỏe của bé hoặc chứa nhiều chất bảo quản.

Bạn chỉ nên mua vừa đủ ăn. Không nên mua dư và cho vào tủ lạnh vì dễ bị vi khuẩn xâm nhập.

Khi mua thịt gà nấu cho bé, tốt nhất bạn chọn mua phần ức. Tuy phần thịt ở đùi, chân có hương vị ngon hơn, nhưng lại có nhiều chất béo tiết ra trong quá trình nấu.

Cách chế biến thịt gà cho trẻ sơ sinh

  1. Nướng

Nướng gà trong lò ở 190 độ C. Thái gà thành từng miếng nhỏ để nướng chín đều. Thông thường, 453g thịt gà sẽ nướng trong khoảng 20 phút. Đối với trẻ sơ sinh, bạn có thể xay nhỏ gà với ít nước sau khi nướng. Với bé trên 1 tuổi, bạn có thể xé nhỏ thịt gà cho bé ăn.

  1. Chần nước

Thái gà thành từng miếng nhỏ, cho vào nồi nước, lượng nước đủ ngập thịt gà. Đun sôi khoảng 20 phút hoặc cho đến khi thịt gà chín. Sau đó, bạn nghiền nhỏ thịt gà với nước và cho bé ăn. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể dùng nước luộc gà để chế biến những món ăn giàu dinh dưỡng khác cho bé.

  1. Luộc

Đây là cách tốt nhất để chế biến thịt gà vì phương pháp này giúp làm mềm thịt và giết chết mầm bệnh. Thái gà thành từng miếng nhỏ và cho vào nồi nước. Sau đó đun sôi khoảng 30 phút hoặc lâu hơn rồi nghiền nhỏ thịt gà.

Những món ăn giặm ngon từ thịt gà

1. Gà nghiền nhuyễn

Món ăn này phù hợp cho trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên.

Nguyên liệu:

2 chén thịt gà (không xé nhỏ), 3 – 4 chén nước.

Cách làm:

  • Cho gà vào nồi nước sôi hoặc nồi áp suất, nấu đến khi thịt gà mềm. Chờ gà nguội, trộn với nước, xay nhuyễn.
  • Nếu bạn dùng thịt gà đã rang hay nướng, hãy cắt nhỏ thịt gà và trộn với nước đun sôi. Để làm món súp gà, chỉ cần cho thêm nước.

2. Nước gà hầm

Món ăn này phù hợp với trẻ trên 6 tháng tuổi.

Nguyên liệu:

3 – 4 chén thịt gà có xương, 7 – 8 chén nước.

Cách làm:

Ninh gà trong nồi nước sôi hoặc nồi áp suất khoảng 25 – 30 phút cho các chất dinh dưỡng trong gà hòa vào nước. Sau khi ninh, để món hầm nguội, dùng rây lọc loại bỏ thịt gà và xương.

3. Cháo gà

Gạo chứa carbohydrate, nguồn năng lượng cho bé phát triển. Món cháo gà phù hợp với trẻ trên 6 tuổi.

Nguyên liệu:

2 chén thịt gà thái nhỏ, 2 chén gạo, 1 chén chuối nghiền, 4 – 5 chén nước.

Cách làm:

Cho thịt gà, gạo và nước nấu chín thành cháo. Cho hỗn hợp cháo vừa nấu vào máy xay nhuyễn. Để món cháo có vị ngọt, bạn có thể cho thêm chuối nghiền vào xay đến khi đạt độ sệt mong muốn.

4. Gà và quả đào nghiền

Quả đào có vị ngọt, ngon thích hợp ăn chung với thịt gà. Món ăn này phù hợp với trẻ trên 6 tháng tuổi.

Nguyên liệu:

2 chén đào thái nhỏ, 2 chén thịt gà không xương, 3 – 4 chén nước.

Cách làm:

Luộc gà và quả đào riêng cho đến khi cả hai đều mềm. Sau đó, cho cả gà, quả đào và nước vào máy xay nhuyễn.

5. Gà và khoai lang nghiền

Khoai lang chứa nhiều vitamin, kết hợp với thịt gà trở thành món ăn giặm phổ biến cho bé. Món ăn này phù hợp cho bé trên 6 tuổi.

Nguyên liệu:

2 chén khoai lang thái nhỏ, 2 chén gà đã lọc bỏ xương, 3 – 4 chén nước.

Cách làm:

Luộc gà và khoai lang riêng cho đến khi cả hai chín mềm. Cho gà, khoai và nước vào máy xay nhuyễn.

Ngoài ra, bạn có thể thay khoai lang bằng một loại rau củ khác như:

  • Khoai tây: Bạn nên cho bé ăn khoai lang và khoai tây khi bé 6 tháng tuổi.
  • Đậu Hà Lan: khi gà được nấu với đậu Hà Lan, món ăn sẽ trở nên thơm ngon hơn. Tuy nhiên, đậu Hà Lan chỉ phù hợp cho bé từ 10 tháng tuổi trở lên.

6. Gà và bột báng

Bột báng là thực phẩm rất tốt cho bé. Ngoài ra, bột báng còn làm cho món gà có hương vị thơm ngon hơn. Món ăn này phù hợp cho bé từ 6 tháng tuổi trở lên.

Nguyên liệu:

2 chén bột báng, 2 chén ức gà đã lọc bỏ xương, 4 – 5 chén nước.

Cách làm:

Luộc ức gà và bột báng riêng cho đến khi mềm. Sau đó, cho cả hai vào máy xay nhuyễn.

7. Thịt gà hầm

Món ăn này phù hợp cho bé trên 1 tuổi.

Nguyên liệu:

2 chén hành tây thái nhỏ, 2 chén cà rốt thái nhỏ, 2 – 3 chén khoai tây thái lát, 4 – 5 chén thịt ức gà không xương thái nhỏ, 3 – 4 thìa súp dầu hướng dương, 3 – 4 chén nước dùng gà.

Cách làm:

Chiên chín đều gà và rau củ. Nấu riêng một ít nước gà để làm nước dùng. Sau đó, cho gà và rau vào nồi áp suất ở 180 độ C và hầm trong 1 giờ. Khi món hầm nguội, bạn có thể cho bé ăn theo hai cách: cắt thành từng miếng nhỏ để bé tự bốc ăn hoặc nghiền với nước dùng gà.

8. Thịt gà băm

Thịt gà băm là món ăn có thể bé cưng sẽ yêu thích. Món ăn này chỉ phù hợp cho bé từ 9 tháng tuổi trở lên.

Nguyên liệu:

3 chén gà không xương, 1 chén nước.

Cách làm:

Băm nhuyễn thịt gà. Nấu gà trong nồi áp suất. Sau đó, cho thêm một ít gia vị, trộn đều và để bé tự bốc ăn theo ý thích. Nếu thịt gà hơi khô, bạn hãy cho thêm một chén nước rồi trộn đều. Như vậy thịt sẽ mềm hơn.

9. Gà và đậu lăng nghiền

Món ăn này rất giàu protein, phù hợp với trẻ trên 10 tháng tuổi.

Nguyên liệu:

2 chén đậu lăng, 2 chén thịt ức gà không xương, 5 – 6 chén nước.

Cách làm:

Nấu thịt gà trong nồi áp suất cho đến khi mềm. Cho đậu lăng vào và nấu chín. Cuối cùng, chỉ việc cho gà, đậu lăng và nước vào máy xay nhuyễn.

10. Thịt gà và cải bó xôi nghiền

Thịt ức gà kết hợp với cải bó xôi có hương vị tuyệt vời. Món ăn này phù hợp cho bé trên 1 tuổi.

Nguyên liệu:

2 chén cải bó xôi cắt nhỏ, 2 chén thịt ức gà không xương, 4 – 5 chén nước.

Cách làm:

Đun sôi cải bó xôi và thịt ức gà. Khi cải bó xôi chín, vớt rau ra, bỏ nước đi vì nước rau có chứa axít oxalic không tốt cho thận của bé. Nghiền cải bó xôi với thịt ức gà và nước cho đến khi đạt độ nhuyễn hay thô mong muốn.

Trẻ nhỏ có thể bị dị ứng thịt gà hay không?

Gà có thể gây dị ứng ở trẻ sơ sinh có hệ miễn dịch và hệ tiêu hóa nhạy cảm. Tuy nhiên, bạn cũng nên chú ý xem bé có bất kỳ dấu hiệu nào sau khi ăn thịt gà không:

  • Mặt và cổ bị sưng: Mặt bé sưng lên, đặc biệt quanh mí mắt, mũi và cổ họng. Bé có thể không thể mở được mắt và khó thở.
  • Đau bụng: Em bé bị đau bụng, tiêu chảy và nôn mửa.
  • Phát ban trên da: Da bé nổi những đốm màu đỏ trên khắp cơ thể và ngứa ngáy.
  • Mệt mỏi: Bé có vẻ mệt mỏi và không muốn chơi.

Nếu bé có bất kỳ triệu chứng nào ở trên sau khi ăn thịt gà, tốt nhất bạn hãy đưa bé đi khám tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, 2 hoặc các phòng khám nhi uy tín để được bác sĩ chẩn đoán chính xác.

Thịt gà không chỉ ngon miệng, dễ chế biến mà còn chứa nhiều vitamin và các khoáng chất quan trọng, lại ít chất béo và dễ hấp thu. Do đó, nếu trẻ không gặp vấn đề về dị ứng, bạn hãy thường xuyên chế biến thịt gà trong thực đơn ăn giặm của bé nhé.

[embed-health-tool-vaccination-tool]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Chicken for babies: 5 health benefits and 11 recipes: http://www.momjunction.com/articles/chicken-recipes-for-your-baby_00329436/ Ngày truy cập 10/9/2017

Introducing chicken to baby https://homemade-baby-food-recipes.com/introducing-chicken-to-baby Ngày truy cập 10/9/2017

Phiên bản hiện tại

14/08/2020

Tác giả: Bich Ngan

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Hoàng Diệu Thu


Bài viết liên quan

Nhiễm trùng đường ruột ở trẻ sơ sinh: Triệu chứng và cách điều trị

Kiểm tra màu phân của bé giúp mẹ đoán được điều gì về sức khoẻ tiêu hoá của con?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Bich Ngan · Ngày cập nhật: 14/08/2020

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo