Việc xây dựng thực đơn ăn dặm cho con làm sao đủ chất, ngon miệng là điều khiến nhiều mẹ đau đầu. Thực đơn ăn dặm cho bé 8 tháng giúp bé mau ăn chóng lớn cần có những thực phẩm nào để đáp ứng đủ nhu cầu dưỡng chất cho trẻ?
Nếu mẹ cũng có những băn khoăn kể trên, đừng bỏ qua bài viết này của Hello Bacsi!
Thực đơn ăn dặm cho bé 8 tháng tuổi có điểm gì cần lưu ý?
Vào khoảng 8 tháng tuổi, khi vài chiếc răng đầu tiên đã xuất hiện, trẻ có xu hướng thích nhai cắn nhiều hơn. Vậy nên trong thực đơn ăn dặm cho bé 8 tháng tuổi, mẹ có thể tăng cường bổ sung các loại thức ăn thô hơn như:
- Sữa chua
- Bột yến mạch
- Chuối nghiền, khoai tây nghiền hoặc các loại rau củ xay đặc
- Trứng bao gồm các món trứng bác, trứng luộc
- Phô mai tươi
- Quả bơ, chuối chín, đu đủ chín…
Trong giai đoạn này cho đến khi được 1 tuổi, bé cần được cung cấp từ 750-900 calo mỗi ngày, trong đó 400-500 calo vẫn chủ yến đến từ sữa mẹ hoặc sữa công thức, tương đương với khoảng 200ml mỗi ngày. Sữa mẹ vẫn là nguồn cung cấp vitamin, khoáng chất và các thành phần quan trọng khác cho sự phát triển não bộ của trẻ. Tuy nhiên, đây cũng là giai đoạn quan trọng để mẹ tăng cường bổ sung các dưỡng chất từ chế độ ăn dặm cho bé.
Gợi ý thực phẩm thích hợp để xây dựng thực đơn ăn dặm cho bé 8 tháng
Một chế độ dinh dưỡng cân đối, đầy đủ carbohydrate, protein, vitamin và khoáng chất là rất cần thiết cho sự phát triển của trẻ từ 8 tháng tuổi. Vậy nên khi xây dựng thực đơn ăn dặm cho bé 8 tháng tuổi, các mẹ cần chú ý tăng cường bổ sung đa dạng thực phẩm cho con, bao gồm:
1. Trái cây
Trái cây là nguồn cung cấp vitamin, khoáng chất và các vi chất dinh dưỡng tuyệt vời khác. Mẹ có thể cắt trái cây theo nhiều hình dạng khác nhau để làm món ăn dặm cho bé, tùy vào sở thích của con mà mẹ có thể lựa chọn táo, chuối, đu đủ, dâu tây, kiwi hay dưa hấu, dưa lưới…
2. Rau củ
Khi được 8 tháng tuổi, việc ăn dặm của trẻ có thể bắt đầu chuyển từ rau củ nghiền nhuyễn sang các loại rau củ hấp, cắt thành từng khối nhỏ. Mẹ có thể bắt đầu cho con thử làm quen với các loại rau củ giàu dinh dưỡng như súp lơ, bông cải xanh, măng tây, cà rốt, khoai lang và bí ngô.
3. Các loại cá trong thực đơn ăn dặm cho bé 8 tháng tuổi
Các loại cá đặc biệt là cá hồi, cá ngừ… rất giàu axit béo omega-3, một dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển trí não của trẻ nhỏ. Mẹ có thể cho bé ăn cá hấp gỡ bỏ xương và da, xé nhỏ hoặc dùng cá để nấu cháo, nấu súp, làm cơm nắm cho bé ăn dặm.
4. Đậu phụ (hoặc paneer)
Đậu phụ hoặc paneer (một loại sản phẩm được làm từ sữa bò) rất giàu protein, tốt cho sự phát triển của trẻ nhỏ trong giai đoạn ăn dặm. Mẹ cũng có thể dùng đậu phụ ăn dặm cho trẻ bị dị ứng hoặc không dung nạp đường sữa.
5. Thịt gà
Thịt gà có thể được chế biến thành các món ăn dặm dành cho trẻ từ 7 tháng tuổi trở lên. Đây cũng được xem là một trong những loại thực phẩm lành mạnh nhất dành cho trẻ nhỏ. Nước dùng gà hay canh gà cũng rất bổ dưỡng cho bé.
6. Phô mai
Phô mai làm từ sữa tiệt trùng là một nguồn cung cấp canxi tuyệt vời cho thực đơn ăn dặm của bé 8 tháng tuổi. Mẹ có thể cho trẻ dùng phô mai như một món ăn vặt tuyệt vời, đồng thời như một bài tập nhai của bé. Tuy nhiên đừng cho bé ăn phô mai quá nhiều vì có thể gây đau bụng mẹ nhé!
7. Trứng
Trứng là nguồn cung cấp protein và chất béo lành mạnh. Bạn có thể luộc trứng rồi cắt thành từng miếng vừa ăn cho bé. Tuy nhiên lưu ý rằng trứng cũng là thực phẩm có nguy cơ gây dị ứng, vậy nên các mẹ phải chú ý bất kỳ phản ứng cảnh báo nào về dị ứng ở trẻ.
8. Sữa chua
Sữa chua có thể dùng cho các bữa ăn nhẹ của trẻ, nhất là vào mùa hè. Không chỉ giúp cung cấp lợi khuẩn cho đường ruột mà còn bổ sung vitamin và khoáng chất thiết yếu cho cơ thể.
9. Thực phẩm giàu protein trong thực đơn ăn dặm cho bé 8 tháng tuổi
Các mẹ đừng quên bổ sung protein từ đa dạng nguồn thực phẩm vào thực đơn ăn dặm cho bé 8 tuổi nhé! Với trẻ nhỏ, protein rất quan trọng cho việc xây dựng tế bào, mô và các cơ quan. Bạn có thể dùng thịt bò, thịt heo, thịt gia cầm, đậu lăng, đậu xanh và đậu phụ để nấu lấy nước dùng hoặc băm nhỏ trộn vào các món ăn dặm của bé.
10. Ngũ cốc nguyên hạt
Gạo, quinoa, lúa mạch, bulgur, yến mạch, kê, các sản phẩm từ lúa mì (bánh mì, mì ống,…) và các sản phẩm từ lúa mạch đen (bánh mì, bánh ngô,…) nên được cung cấp mỗi tuần một lần để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng cho trẻ.
11. Trái bơ
Bơ là một loại quả mềm, giàu chất dinh dưỡng nên rất lý tưởng dùng cho các bữa ăn phụ trong ngày của bé. Bơ giúp cung cấp nguồn chất béo lành mạnh, nguồn năng lượng cho cơ thể bé cũng như hỗ trợ cơ thể hấp thu các dưỡng chất khác.
Thực đơn ăn dặm cho bé 8 tháng tuổi cần tránh gì?
Thực đơn ăn dặm cho bé 8 tháng tuổi cần đảm bảo tính đa dạng, giàu dinh dưỡng tuy nhiên mẹ cũng cần lưu ý danh sách một số thực phẩm cần phải tránh cho trẻ 8 tháng tuổi như:
- Nước ép trái cây đóng hộp, nước ngọt chứa nhiều đường và vì thế có nguy cơ gây sâu răng và các bệnh về đường ruột khác.
- Sữa bò không nên dùng trong trẻ trong suốt năm đầu đời.
- Thịt hun khói và thịt đã qua chế biến chứa nhiều natri và chất béo.
- Thực phẩm chưa qua thanh trùng như sữa, nước trái cây… có thể chứa vi khuẩn gây hại cho sức khỏe của trẻ.
- Bơ hạnh nhân hoặc bơ đậu phộng có nguy cơ gây dị ứng.
- Sô cô la có chứa caffeine và lượng đường cao, không an toàn cho sức khỏe của trẻ nhỏ.
- Quả mọng hoặc trái cây có múi như bưởi, cam, quýt vì có thể gây khó chịu cho dạ dày.
- Mật ong không được dùng cho trẻ dưới 1 tuổi do khả năng chứa bào tử Clostridium botulinum gây ngộ độc cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
Bé 8 tháng tuổi cần ăn dặm bao nhiêu là đủ?
Nhiều mẹ thường lo lắng khi trẻ ăn ít hoặc không hợp tác hay bị phân tâm trong khi ăn dặm. Vì thực tế bé cũng chỉ mới bắt đầu tập ăn dặm và vận động nhiều hơn, thích khám phá mọi thứ xung quanh nhiều hơn. Vậy nên trong giai đoạn này mỗi em bé nên có khoảng 3 bữa ăn dặm và 2 bữa ăn nhẹ, cùng với ít nhất 2 lần bú mẹ (hoặc sữa công thức).
Gợi ý lịch trình ăn dặm cho một em bé 8 tháng tuổi như sau:
- Buổi sáng sau khi con thức dậy, mẹ có thể cho bé bú cữ đầu tiên (tương đương khoảng 150 – 200ml sữa).
- Bữa ăn sáng: 1 chén rau củ quả xay nhuyễn.
- Bữa ăn nhẹ giữa buổi sáng: Nửa cốc trái cây/rau luộc/sữa chua
- Bữa trưa: 1 chén bột/cháo ngũ cốc
- Thời gian ngủ trưa
- Bữa phụ buổi tối: Sữa mẹ hoặc sữa công thức
- Bữa tối: 1 cốc trái cây/rau củ/ngũ cốc
- Ban đêm: Cho bé bú trước khi đi ngủ.
Lưu ý rằng mỗi em bé là một cá thể riêng biệt và không có khuyến cáo nào đúng hoàn toàn vậy nên mẹ không cần ép con ăn quá nhiều. Thay vào đó mẹ nên quan sát quá trình tập ăn dặm của con để xây dựng thực đơn và chế độ ăn sao cho phù hợp.
Trong giai đoạn tập ăn dặm cho bé, bố mẹ cần lưu ý để cân đối các bữa ăn trong ngày cũng như dinh dưỡng cần thiết cho bé. Đồng thời tìm hiểu rõ để xây dựng thực đơn ăn dặm cho bé 8 tháng tuổi giúp bé mau ăn chóng lớn nhé!
[embed-health-tool-vaccination-tool]