Việc mỗi ngày phải nấu vài món cháo dinh dưỡng cho con đổi vị khiến bạn tốn nhiều thời gian song lại không ngon như cháo bán sẵn. Để nấu được bát cháo dinh dưỡng, thơm ngon cho bé, bạn đừng bỏ qua những bí quyết của Hello Bacsi nhé.
Muốn có bát cháo dinh dưỡng thơm ngon cho bé, bạn cần chú ý đến nguyên liệu. Nguyên liệu tươi ngon, giàu dưỡng chất là tiêu chí hàng đầu. Ngoài ra, khi nấu cháo bạn còn cần phải tuân thủ một vài lưu ý riêng với từng loại thực phẩm để giữ đầy đủ các vi chất dinh dưỡng giúp bé phát triển khỏe mạnh.
Nguyên tắc chọn thực phẩm để nấu cháo dinh dưỡng
Thực phẩm nấu cháo dinh dưỡng cho bé phải đảm bảo ba tiêu chí: tươi, sạch và giàu dưỡng chất. Bạn nên mua thực phẩm hữu cơ để đảm bảo chúng không có chứa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hóa học.
1. Gạo
Đây là nguyên liệu không thể thiếu trong nhiều món cháo dinh dưỡng cho bé. Hãy chọn loại gạo có hạt tròn đều, còn lớp cám để nấu cháo cho bé.
Để có bát cháo dinh dưỡng dẻo thơm, bạn nên chọn loại gạo dẻo. Ngoài ra, bạn có thể trộn thêm gạo nếp theo tỷ lệ 2 gạo tẻ : 1 gạo nếp để nấu cháo cho bé.
Lưu ý là bạn không nên vo gạo quá kỹ khi nấu cháo mà chỉ nên vo nhẹ để loại bỏ bụi bẩn. Việc vo gạo quá kỹ sẽ khiến vitamin B1 trong lớp cám gạo bị rửa trôi.
2. Rau củ quả
Tuyệt đối không chọn rau củ quả đã héo úa, giập nát và có mùi lạ để nấu cháo dinh dưỡng cho bé. Sau khi sơ chế cần rửa sạch, ngâm trong nước muối.
Với các loại rau ăn lá, bạn chỉ dùng phần lá, thân mềm, phần thân già cứng dưới gốc có thể bỏ đi. Còn với các loại củ quả, bạn cần gọt bỏ vỏ trước khi chế biến thức ăn cho bé.
3. Cá, tôm, thịt
Bí quyết để chọn mua các loại thịt, cá tươi ngon là màu sắc tươi tự nhiên, chạm vào thấy ráo tay, có độ đàn hồi. Bạn tránh mua thịt, cá đã có màu sắc kém tươi, màng ngoài nhớt, chạm vào thấy dính vì chúng là đồ đã ôi thiu hay để lâu ngày.
Với các loại thực phẩm như cá lóc, cá điêu hồng, tôm, cua, lươn, chim bồ câu…, bạn chỉ nên mua những con vẫn còn sống để nấu cháo cho bé.
4. Dầu ăn
Dầu ăn (chất béo) gồm: dầu thực vật và dầu động vật (mỡ). Dầu ăn giúp đảm bảo khả năng hấp thu dinh dưỡng và tăng cường năng lượng cho trẻ. Ngoài việc giúp hình thành mô mỡ giữ ổn định thân nhiệt, chất béo còn góp phần hoàn thiện cấu trúc mô não và thúc đẩy cơ thể sản sinh lượng vừa đủ các hormone quan trọng.
Do đó, khi chọn dầu ăn cho bé, bạn nên chọn mua các loại dầu ăn dành riêng cho trẻ nhỏ của những thương hiệu có uy tín. Các loại dầu đó bao gồm: dầu gấc, dầu mè, dầu đậu nành, dầu ô liu, dầu gạo, dầu hướng dương…
Những lưu ý khi nấu cháo dinh dưỡng cho bé
Bát cháo dinh dưỡng cho bé phải luôn có đủ 4 nhóm thực phẩm thiết yếu: tinh bột, rau củ quả (chất xơ và các vitamin), đạm, chất béo. Ngoài ra, khi nấu cháo dinh dưỡng cho bé, bạn cần lưu ý những điều sau:
- Bạn nên sắm một bộ gồm: nồi, dao, thớt, khay trữ đông cháo, chén, muỗng cho bé dùng riêng để đảm bảo vệ sinh.
- Gạo và các loại hạt đậu khô nên ngâm trước khi nấu giúp tiết kiệm thời gian. Trong khi nấu, hãy thường xuyên khuấy để cháo không bị cháy và thêm nước nếu cháo quá đặc. Khi cháo chín, hạt gạo nở bung đều, bạn tắt bếp, đậy nắp nồi cho cháo chín mềm nhừ. Ngoài ra, bạn có thể dùng nồi cơm điện, nồi điện có chế độ nấu cháo hoặc bình ủ cháo để nấu cháo trắng cho bé.
- Cho bé ăn ngay khi vừa nấu để cháo được ngon, hợp vệ sinh và không mất các chất dinh dưỡng. Không nên để cháo ở nhiệt độ thường, nếu cần trữ cháo cho bữa sau, bạn nên dùng dụng cụ bằng sứ hay thủy tinh có nắp đậy kín để đựng cháo và cất trữ trong tủ lạnh, hâm lại trước khi cho bé ăn. Bạn nên tránh để cháo qua ngày.
- Không dùng nước hầm xương để nấu cháo dinh dưỡng cho bé. Tuy nước hầm xương ngon hơn, có vị ngọt tự nhiên nhưng không đủ dưỡng chất cần thiết so với việc nấu cháo có đủ thịt và các loại rau củ.
- Luôn cho 1 – 2 thìa cà phê dầu ăn vào bát cháo dinh dưỡng trước khi cho bé ăn. Dầu ăn giúp bé hấp thu các dưỡng chất có trong thức ăn.
- Nếu lỡ nấu cháo quá lỏng, bạn có thể cho ngũ cốc, bột gạo hay khoai tây, khoai lang đã nạo nhuyễn vào để cháo có độ sánh mong muốn.
- Mỗi ngày, bạn có thể cho trẻ ăn từ 1 – 2 bữa cháo dinh dưỡng hải sản. Song bạn cần lưu ý tập cho bé ăn từ ít đến nhiều, đồ ăn cần phải nấu chín kỹ để tránh ngộ độc, nhiễm ký sinh trùng. Nếu nhận thấy bé dị ứng với món nào, bạn cần ghi chép lại cụ thể và theo dõi nhằm loại trừ nguyên nhân gây dị ứng.
- Hãy đổi món cho bé thường xuyên để bé đỡ ngán. Các món thay thế cháo bạn có thể cho bé ăn là: bún, mì, nui, phở…
Bạn có thể tham khảo bài viết Cùng lên thực đơn ăn dặm kiểu Nhật theo từng tháng tuổi để biết thêm cách chế biến các món bún, mì, nui, phở… phù hợp với từng độ tuổi của bé.
Cách nấu cháo dinh dưỡng cho bé ăn dặm
Hello Bacsi giới thiệu cách nấu 12 món cháo dinh dưỡng thơm ngon, bổ dưỡng cho bé yêu:
1. Cháo thịt chim bồ câu, đậu xanh
Nguyên liệu
- Chim bồ câu: 1 con cỡ vừa
- Gạo: 25g (khoảng 2 thìa súp đầy)
- Đậu xanh: 20g
- Hành tím, nước mắm, dầu ăn.
Thực hiện
- Chim bồ câu làm sạch, bỏ nội tạng, lọc lấy thịt. Băm nhỏ thịt, ướp cùng hành tím, nước mắm trong khoảng 15 phút rồi xào lên cho thơm.
- Phần xương bồ câu bỏ vào nồi cùng khoảng 250ml nước hầm cùng đậu xanh, gạo. Cháo chín nhừ, vớt xương ra, cho thịt vào, nêm nếm cho vừa ăn, nấu sôi lại.
- Múc ra bát, cho thêm dầu ăn và cho bé ăn khi cháo còn ấm.
2. Cháo trứng, cà chua
Nguyên liệu
- Trứng: 1/2 lòng đỏ trứng
- Gạo: 20g
- Cà chua: 1 quả
- Ngò rí, nước mắm, dầu ăn.
Thực hiện
- Cà chua rửa sạch, khứa 4 khứa dọc thân quả, trụng vào nước sôi khoảng 1 phút để dễ tách vỏ. Bóc vỏ, bỏ hạt, thái hạt lựu nhỏ.
- Gạo vo sạch, bỏ vào nồi cùng khoảng 250ml nước, nấu cho nở mềm. Cháo chín mềm cho trứng đã đánh tan vào, khuấy đều. Tiếp theo, bạn cho cà chua thái hạt lựu vào đun khoảng 2 – 3 phút, cho ngò rí thái nhỏ vào.
- Đợi ngò chín, tắt bếp. Bạn nên cho bé ăn khi cháo còn ấm để không bị tanh và nhớ cho thêm 1 – 2 thìa cà phê dầu ăn vào chén cháo cho bé.
3. Cháo óc heo, bí đỏ, đậu Hà Lan
Nguyên liệu
- Gạo: 20g
- Óc heo: 30g (khoảng 1/4 cái óc heo)
- Đậu Hà Lan: 15g (1 muỗng canh đầy)
- Bí đỏ: 15g (1 miếng cỡ bao diêm)
- Dầu ăn, nước mắm, hành lá.
Thực hiện
- Gạo vo sạch, bỏ vào nồi cùng khoảng 250ml nước nấu cho nở mềm.
- Đậu Hà Lan và bí đỏ gọt vỏ, hấp chín. Đậu bóc vỏ, tán nhuyễn cùng bí đỏ.
- Óc heo bóc bỏ lớp màng và các mạch máu, rửa sạch bằng nước muối loãng. Bạn có thể hấp óc heo cùng đậu Hà Lan và bí đỏ.
- Óc heo sau khi hấp chín, tán sơ cho vào cháo cùng đậu và bí, hành lá thái nhỏ. Bạn nhớ nêm chút nước mắm nấu cháo trong khoảng 2 – 3 phút. Mỗi chén cháo bạn nên cho khoảng 1 – 2 thìa cà phê dầu ăn vào nữa nhé.
4. Cháo cua, mồng tơi
Nguyên liệu:
- Cháo trắng: 1 chén
- Cua: 1/4 con cua biển cỡ vừa hoặc 2 con cua đồng
- Mồng tơi: 25g
- Dầu ăn, nước mắm, hành tím.
Thực hiện
- Bạn dùng dao đâm vào giữa yếm hoặc ngâm cua vào nước đá cho cua chết. Sau đó, bạn dùng bàn chải đánh răng chà sạch cua, bóc yếm, hấp chín, gỡ lấy thịt. Ướp thịt cua với chút nước mắm và hành tím bằm nhuyễn cho thơm.
- Rau mồng tơi rửa sạch, ngâm với nước muối loãng khoảng 5 phút. Vớt rau ra, vẩy ráo, thái nhỏ.
- Bắc chảo lên bếp, chảo nóng cho dầu ăn vào phi thơm với hành, trút thịt cua đã ướp vào xào. Tiếp đó, bạn cho cháo trắng vào cùng với rau mồng tơi thái nhỏ vào nấu cùng, nêm nếm cho vừa ăn. Đợi rau chín mềm, tắt bếp. Cho bé ăn khi cháo còn ấm để cháo không có mùi tanh.
5. Cháo tôm hoa thiên lý
Nguyên liệu
- Gạo: 20 – 30g
- Hoa thiên lý: 20g
- Tôm: 2 con
- Dầu ăn, nước mắm.
Thực hiện
- Hoa thiên lý nhặt bỏ cọng và hoa đã già, rửa dưới vòi nước, ngâm trong nước muối loãng khoảng 5 phút, vớt ra, vẩy ráo, thái nhỏ.
- Gạo vo sạch, cho vào nồi nấu với khoảng 250ml nước cho chín mềm.
- Tôm bỏ đầu, bóc vỏ, khứa dọc theo sống lưng để loại bỏ phần chỉ đen, băm nhỏ, ướp với hành tím bằm nhuyễn và chút nước mắm.
- Bắc nồi lên bếp, nồi nóng cho dầu ăn vào phi cùng chút hành tím cho thơm, trút tôm đã ướp vào xào cho chín. Tôm chín cho cháo cùng hoa thiên lý vào nấu đến khi hoa chín mềm.
- Chờ cháo bớt nóng, múc cháo ra bát, thêm dầu ăn, cho bé ăn.
6. Cháo cá hồi, yến mạch, đậu Hà Lan
Nguyên liệu
- Cá hồi: 20g cá đã hấp chín
- Yến mạch: 20g
- Đậu Hà Lan: 30g
- Dầu ăn, nước mắm, hành tím, hành lá.
Thực hiện
- Cá hồi lọc bỏ da và xương, rửa sạch với nước muối loãng, hấp chín, dùng muỗng dằm nát, ướp với hành tím bằm nhuyễn.
- Đậu Hà Lan rửa sạch, hấp chín, bóc vỏ, tán nhuyễn.
- Yến mạch ngâm trong nước khoảng 5 phút rồi nấu khoảng 5 – 7 phút.
- Xào cá hồi để dậy mùi thơm, cho yến mạch, đậu Hà Lan vào nấu cùng, nêm vừa ăn, cho hành lá thái nhỏ vào. Khi hành chín, tắt bếp.
7. Cháo thịt vịt, đậu xanh, khoai sọ
Nguyên liệu
- Gạo: 20g
- Đậu xanh nửa hạt còn vỏ: 10g
- Thịt vịt: 20g (1 miếng nhỏ cỡ bằng bao diêm)
- Khoai sọ: 20g
- Dầu ăn, hành lá, nước mắm.
Thực hiện
- Đậu xanh nhặt bỏ hạt sâu, lép rồi ngâm trước khoảng 1 – 2 giờ cho đậu nở mềm, đãi sạch.
- Khoai sọ gọt bỏ vỏ, thái thành miếng nhỏ.
- Thịt vịt rửa sạch, cho vào nồi nấu cùng gạo, đậu xanh, khoai sọ cho mềm nhừ.
- Thịt chín vớt ra, băm nhỏ, trút lại vào nồi cháo, cho hành lá thái nhỏ vào, nêm nếm cho vừa ăn. Cháo sôi đều, tắt bếp, múc cháo ra chén, cho thêm dầu ăn vào.
8. Cháo thịt bò, khoai tây, phô mai
Nguyên liệu
- Gạo: 20 – 25g
- Thịt bò mềm: 20g
- Khoai tây: 25 – 30g
- Phô mai: 1 – 2 cục nhỏ
- Dầu ăn, nước mắm, hành tím.
Thực hiện
- Gạo vo sạch, bỏ vào nồi với khoảng 200 – 250ml nước nấu thành cháo mềm nhừ.
- Thịt bò rửa sạch, thái miếng mỏng rồi băm nhỏ.
- Khoai tây gọt vỏ, hấp chín.
- Bắc nồi lên bếp, nồi nóng cho hành tím đập giập vào phi thơm, cho thịt bò vào xào nhanh tay. Thịt thơm, bạn cho cháo trắng đã nấu cùng khoai tây vào, nêm nếm vừa ăn. Tắt bếp, cho phô mai vào đánh tan đều. Cháo bớt nóng, múc ra cho bé ăn.
9. Cháo lươn, đậu xanh, cà rốt
Nguyên liệu
- Gạo: 25g
- Cà rốt: 15 – 20g
- Đậu xanh nửa hạt còn vỏ: 10g
- Lươn: 30g
- Dầu ăn, ngò rí, nước mắm, hành tím.
Thực hiện
- Bạn nên mua lươn còn sống và nhờ người bán làm giúp. Sau đó, rửa lươn bằng muối và chanh, dùng giấy báo để tuốt lươn sạch nhớt. Hấp lươn cùng vài lát gừng để bớt mùi tanh. Lươn chín, gỡ lấy thịt, bỏ da, giữ lại phần xương. Ướp thịt lươn với chút nước mắm, chút tiêu (nếu bé ăn được cay) khoảng 10 – 15 phút.
- Giã xương lươn và lọc lấy nước để nấu cháo.
- Đậu xanh nhặt bỏ hạt sâu, lép, ngâm cho nở mềm.
- Cho gạo, đậu xanh vào nồi nấu cùng nước xương lươn để có món cháo dẻo mềm.
- Phi thơm hành, cho thịt lươn vào xào, cho cháo, hành lá thái nhỏ vào. Hành chín, cháo thơm, tắt bếp, múc ra chén, thêm dầu ăn, để bớt nóng rồi cho bé ăn.
10. Cháo chim cút, vỏ quýt khô
Nguyên liệu
- Gạo: 20 – 30g
- Chim cút: 1 con đã làm sạch
- Vỏ quýt khô: 30g
- Dầu ăn, hành lá, nước mắm.
Thực hiện
- Chim cút bỏ ruột, đầu, rửa sạch, ướp với chút nước mắm.
- Vỏ quýt khô rửa sạch, xé nhỏ, nhồi vào bụng chim cút. Bỏ chim cút vào nồi nấu cùng với gạo. Chim cút chín vớt ra, bỏ phần vỏ quýt, xé thịt thành từng miếng nhỏ hoặc bằm nhỏ, trút lại vào nồi cháo. Cháo chín mềm, nêm gia vị vừa ăn, tắt bếp. Múc cháo ra chén, thêm dầu ăn, đút bé ăn khi cháo còn ấm.
11. Cháo gà, nấm rơm
Nguyên liệu
- Gạo: 20 – 30g
- Thịt gà: 20g
- Nấm rơm: 20 – 30g
- Dầu ăn, nước mắm, hành ngò.
Thực hiện
- Thịt gà rửa sạch, cho vào nồi nấu cùng cháo. Thịt chín, vớt ra, để nguội, xé nhỏ hoặc bằm nhuyễn.
- Nấm rơm gọt bỏ chân, trụng qua nước sôi, thái chỉ hoặc cắt nhỏ.
- Khi cháo chín nhừ, cho nấm rơm, thịt gà vào đun đến khi nấm chín, nêm gia vị vừa miệng, tắt bếp. Nếu muốn tăng hương vị cho món cháo, bạn có thể cho thêm chút ngò rí cắt nhuyễn.
12. Cháo cá lóc, rau ngót
Nguyên liệu
- Gạo: 20 – 30g
- Cá lóc: 30g
- Rau ngót: 20g
- Dầu ăn, nước mắm, hành lá.
Cách nấu
- Cá lóc bỏ da và xương, luộc/hấp chín, để nguội, xé thành từng miếng nhỏ, ướp với hành tím bằm nhuyễn và nước mắm, xào thơm.
- Rau ngót nhặt bỏ lá sâu, rửa sạch, ngâm nước muối loãng rồi thái nhuyễn.
- Nấu cháo đến khi nở mềm, cho cá đã xào và rau ngót vào, nêm vừa ăn. Đảo đều tay để cháo không cháy, rau chín mềm, tắt bếp. Múc cháo ra chén, thêm dầu ăn, cho bé ăn khi cháo còn hơi ấm.
Bạn có thể tham khảo thêm cách chế biến các món ăn dinh dưỡng cho trẻ qua bài viết Thực đơn ăn dặm cho bé 6 tháng với 9 thực phẩm dinh dưỡng để biết thêm nhiều thực phẩm giàu dưỡng chất phù hợp với bé yêu.
[embed-health-tool-vaccination-tool]