backup og meta
Chuyên mục
Công cụ

2

Hỏi bác sĩ
Lưu

Hỏi đáp Bác sĩ: Trẻ sơ sinh thức nhiều là do đâu, có ảnh hưởng sức khỏe không?

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Huỳnh Nguyễn Uyên Tâm · Nhi khoa · Bệnh Viện Quốc Tế Mỹ (AIH)


Tác giả: Lan Quan · Ngày cập nhật: 15/07/2022

    Hỏi đáp Bác sĩ: Trẻ sơ sinh thức nhiều là do đâu, có ảnh hưởng sức khỏe không?

    Bạn đọc hỏi 

    Chào bác sĩ, 

    Con em mới sinh được 2 tuần, bé thường xuyên thức cả đêm lẫn ngày. Có đêm bé chỉ ngủ tầm 5 tiếng và ngày thì ngủ gà ngủ gật, không sâu giấc và rất hay quấy khóc khiến cả nhà rất mệt mỏi. Bé bú ngày tầm 8-10 cữ và đi tiêu phân bình thường.

    Bác sĩ cho em hỏi con em thức nhiều ngủ ít là do đâu? Nếu tình trạng này kéo dài có ảnh hưởng gì không? Làm thế nào để khắc phục tình trạng trẻ sơ sinh thức nhiều ngủ ít ạ. 

    Thảo Huỳnh, An Phú Đông, quận 12, TP. Hồ Chí Minh

    Bác sĩ trả lời

    Chào bạn Thảo Huỳnh,

    Với câu hỏi nguyên nhân trẻ sơ sinh thức nhiều ngủ ít, nếu tình trạng này kéo dài có ảnh hưởng gì không, làm thế nào để khắc phục tình trạng trẻ sơ sinh thức nhiều ngủ ít, bác sĩ Huỳnh Nguyễn Uyên Tâm hiện đang công tác tại khoa Nhi của Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Becamex Bình Dương, từng công tác tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 giải đáp như sau:

    1. Trẻ sơ sinh thức nhiều ngủ ít là do đâu? 

    trẻ sơ sinh thức nhiều ngủ ít

    Nhiều mẹ thường băn khoăn không biết nguyên nhân trẻ sơ sinh thức nhiều ngủ ít là do đâu? Nếu bé ngủ mỗi giấc ít hơn 2 giờ thì có thể bé bú sữa mẹ chưa đủ no trong mỗi cữ bú. Bạn nên xem lại cách cho bú, bé cần ngậm sâu cả quầng vú (không phải chỉ ngậm núm vú) để mút được nhiều sữa hơn, khi bế bé phải úp bụng bé vào bụng mẹ, lưng quay ra ngoài để bé dễ nuốt. Nếu sữa mẹ nhiều thì bạn vắt bỏ bớt sữa ban đầu để bé bú được nhiều chất dinh dưỡng hơn và no lâu hơn. Mẹ cần uống sữa và ăn nhiều chất bổ dưỡng để tăng năng lượng trong sữa mẹ, giúp bé no lâu hơn.

    Mẹ cũng nên kiểm tra lại phòng ngủ có rộng rãi, thoáng mát và đủ yên tĩnh không. Không nên quấn trẻ quá chặt trong khăn, chăn vì có thể khiến trẻ cảm thấy nóng. Nếu trẻ đi tiêu nhiều lần mà không kịp thay tã cho trẻ có thể dẫn đến hăm tã khiến trẻ ngủ không sâu giấc . Ngoài ra, nếu mẹ hoặc người chăm sóc trẻ đang cảm thấy căng thẳng và lo lắng, điều này có thể khiến trẻ cũng bị ảnh hưởng.

    2. Trẻ sơ sinh thức nhiều có đáng lo không, có ảnh hưởng sức khỏe không? 

    Trẻ mới sinh đến 1 tháng tuổi (trẻ sơ sinh) gần như ngủ suốt ngày đêm, chỉ thức dậy để bú (khoảng 2 đến 3 giờ bú một lần). Nguyên do là bởi trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có thể tích dạ dày nhỏ nên mau đói, vì vậy phải thức dậy sau vài giờ để bú. Trẻ sơ sinh cũng chưa phân biệt được ngày đêm nên có những bé sẽ ngủ suốt vào ban ngày và thức giấc nhiều hơn vào ban đêm. Nếu bé ngủ ít nhưng vẫn bú bình thường, lên cân tốt, vui vẻ không quấy khóc thì bạn chỉ cần theo dõi thêm. Ngược lại, nếu giấc ngủ ảnh hưởng đến tổng trạng sức khỏe của trẻ hoặc khi bạn đã thử mọi cách nhưng trẻ vẫn khó ngủ, bạn nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ.

    3. Mách mẹ cách khắc phục tình trạng trẻ sơ sinh thức nhiều ngủ ít

    trẻ sơ sinh thức nhiều ngủ ít

    Để khắc phục tình trạng trẻ sơ sinh thức nhiều ngủ ít, mẹ nên tập thói quen ngủ ngoan cho bé ngay từ nhỏ, bằng cách: 

    • Nhận biết dấu hiệu cho thấy bé buồn ngủ: Trong 1 tháng đầu sau sinh, các bé sơ sinh không thể thức lâu hơn 2 giờ liên tục. Nếu bạn để bé thức lâu hơn 2 giờ, bé sẽ quá mệt mỏi và lại trở nên khó ngủ. Vì vậy, bạn nên nhận biết những dấu hiệu buồn ngủ của bé như chớp mắt liên tục, lim dim, kéo tai, ngáp hay dụi mắt. Nếu có những dấu hiệu này thì nên đặt bé vào nôi hay giường.
    • Dạy bé phân biệt giữa ngày và đêm: Trong vài ngày đầu sau sinh, trẻ vẫn chưa thích nghi với môi trường mới không phải trong bụng mẹ, bạn không thể thay đổi bé ngay được mà chỉ có thể bắt đầu dạy bé khi bé đã được 2 tuần tuổi. 
      • Vào ban ngày: Khi bé còn thức, bạn nên dành nhiều thời gian chơi với bé càng lâu càng tốt, nói chuyện và hát cho bé nghe trong khi cho bú, đảm bảo phòng ngủ nhiều ánh sáng vào ban ngày, không cần “cắt đứt” mọi tiếng ồn thông thường vào ban ngày, như tiếng tivi, radio, máy giặt… Nếu đang bú mà bé thiu thiu ngủ thì mẹ nhẹ nhàng đánh thức bé dậy để bé được bú đủ sữa.
      • Vào ban đêm: Bạn cần giữ yên lặng và nói khẽ khi cho bé bú cữ đêm, để phòng tối (có thể để đèn ngủ ánh sáng dịu) và yên tĩnh. Có thể mở thêm tiếng ồn trắng để giúp bé ngủ ngon hơn. 
  • Dạy bé tự ngủ: Khi bé đã được 6 đến 8 tuần tuổi, bạn có thể bắt đầu dạy bé tự ngủ. Bạn nên đặt bé vào nôi hay xuống giường khi bé buồn ngủ nhưng vẫn còn thức. Cách bạn dỗ bé ngủ trong 8 tuần đầu sau sinh rất quan trọng. Nếu bạn cho bé nằm võng hay nằm nôi lắc, đu đưa bé, ẵm ru bé hoặc cho nằm võng … thì bé sẽ quen và bé sẽ không thể ngủ nếu không được đu đưa như vậy. Ngoài ra, việc thay đổi chỗ ngủ liên tục như buổi sáng ngủ võng, buổi chiều nằm nôi, buổi tối ngủ trên giường sẽ khiến trẻ không thể thích nghi với chỗ ngủ cố định. Vì vậy, nhiều chuyên gia khuyên không nên đung đưa bé, không cho bé ngậm núm vú giả để dỗ bé ngủ ngay từ sau sinh. Bạn sẽ thiết lập một “thủ tục” trước khi ngủ cho bé như hát ru, nghe nhạc nhẹ, gãi nhẹ đầu hay lưng… nhưng cần nhớ rằng bạn sẽ phải làm “thủ tục” này mỗi đêm nên bạn cần chọn “thủ tục” nào vừa thích hợp với bé vừa “khả thi” đối với  bạn. Bạn có thể bế bé đến khi bé thiu thiu ngủ rồi đặt bé xuống chứ không nên để bé ngủ trên tay mình rồi mới đặt xuống vì sẽ tạo nên thói quen xấu là phải được bế mới ngủ và bé sẽ thức dậy ngay khi bạn đặt bé xuống giường.
  • Giấc ngủ của bé không chỉ quan trọng đối với sự phát triển của bản thân bé mà còn quan trọng với mẹ. Nếu bé quấy đêm nhiều quá thì bạn cũng sẽ thiếu ngủ và không đủ sức khỏe cũng như tinh thần để chăm sóc bé tốt được. Hãy khôn ngoan lựa chọn cách dỗ bé ngủ thích hợp để cả con và mẹ đều được ngủ ngon.

    Bạn có thể xem thêm các bài viết: 

    Tuyệt chiêu dỗ bé ngủ suốt đêm, sâu giấc, không quấy khóc từ chuyên gia

    Thời gian ngủ của trẻ sơ sinh: Trẻ sơ sinh ngủ bao nhiêu là đủ? 

    Trân trọng!

    Nội dung của Hello Bacsi có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Huỳnh Nguyễn Uyên Tâm

    Nhi khoa · Bệnh Viện Quốc Tế Mỹ (AIH)


    Tác giả: Lan Quan · Ngày cập nhật: 15/07/2022

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo