Việc quan sát kích cỡ và hình dạng phần thóp của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ là rất quan trọng vì đặc điểm của thóp có thể phản ánh một số vấn đề trong quá trình phát triển của bé. Vậy bạn đã biết thóp trẻ sơ sinh như thế nào là bình thường, thế nào là bất thường và cần thăm khám ngay chưa?
Thóp trẻ sơ sinh như thế nào là bình thường là thắc mắc của rất nhiều phụ huynh khi thấy phần thóp của con dần thay đổi khi bé lớn lên. Để nhận biết dấu hiệu bất thường ở thóp của bé, bạn cần quan sát tình trạng thóp bé mỗi ngày, hiểu cấu tạo của thóp và thời điểm thóp đóng của bé nữa đấy. Mời bạn cùng tham khảo qua bài viết sau của Hello Bacsi nhé!
Cấu tạo thóp trẻ sơ sinh
Hộp sọ tuy nhìn giống một cấu trúc xương lớn nhưng thực tế là do nhiều phần xương riêng lẻ ghép với nhau tạo thành. Các xương chính cấu tạo nên hộp sọ của trẻ sơ sinh bao gồm:
- 2 xương trán
- 2 xương đỉnh
- 1 xương chẩm
Giữa các xương này là đường khớp có chức năng giúp xương di chuyển linh hoạt trong quá trình sinh nở cũng như phát triển đồng đều khi não và hộp sọ của bé tăng kích thước. Các đường khớp chính của hộp sọ bao gồm:
- Đường khớp trán: Đường khớp trán là đường nối hai xương trán và kéo dài từ đỉnh đầu xuống giữa trán, về phía mũi.
- Đường khớp vành: Đường khớp vành là nơi xương trán tiếp giáp với xương đỉnh. Đường này kéo dài từ tai này sang tai bên kia.
- Đường khớp dọc: Đường khớp dọc là đường nối hai xương đỉnh. Đường này kéo dài từ phần đỉnh đầu phía trước đầu đến giữa đỉnh đầu phía sau.
- Đường khớp đỉnh-chẩm: Đường khớp đỉnh-chẩm là một đường nằm ngang phía sau đầu. Đây là đường nối giữa xương đỉnh và xương chẩm.
Các đường khớp không hoàn toàn khít mà tạo thành hai khoảng trống gọi là thóp. Thóp được bao phủ bởi các màng cứng bảo vệ các mô mềm và não bên dưới. Bé sơ sinh sẽ có hai thóp, bao gồm:
- Thóp trước: Thóp trước là điểm giao nhau của 2 xương trán và 2 xương đỉnh. Trước khi bé được khoảng 18 tháng đến 2 tuổi, phần thóp này sẽ có cảm giác mềm khi chạm vào. Bác sĩ có thể sờ để cảm nhận độ mềm của thóp trước nhằm chẩn đoán xem bé có tăng áp lực nội sọ hay không. Thóp trước có hình thoi, thời gian đóng thóp trước của trẻ thường dưới 24 tháng, trung bình là 14 tháng tuổi.
- Thóp sau: Thóp sau là điểm giao của 2 xương đỉnh và xương chẩm. Thóp sau thường đóng trước thóp trước trong những tháng đầu đời của bé. Thóp sau hình tam giác, gần như khép lại sau khi trẻ được sinh ra, nếu hở cũng chỉ một phần rất nhỏ. Thông thường, trẻ sau 4 tháng tuổi, thóp sau đã khép kín hoàn toàn.
Thóp trẻ sơ sinh như thế nào là bình thường?
Các bất thường ở phần thóp thường khó nhận ra nhưng lại có thể là dấu hiệu của những bệnh lý nguy hiểm. Vậy thóp trẻ sơ sinh như thế nào là bình thường, như thế nào bất thường?
Thóp bình thường
Thóp của bé thường sẽ mềm và không có bất kỳ phần gồ ghề nào. Nếu chạm nhẹ vào thóp của bé, đôi khi bạn có thể cảm thấy nhịp đập nhẹ. Kích cỡ thóp của mỗi bé là khác nhau nhưng thóp trước thường sẽ lớn hơn thóp sau. Thóp trước có đặc điểm thay đổi liên tục. Ngày đầu sau sinh kích thước thay đổi từ 0,6 – 3,6cm, trung bình là 2,1cm.
Thóp trũng
Nếu thóp của bé lõm hoặc trũng xuống, bé có thể đang bị mất nước. Để xác định tình trạng thóp trũng có phải do mất nước không, bạn có thể nhận ra khi trẻ có các nguyên nhân gây mất nước hoặc tham khảo các dấu hiệu mất nước khác như:
- Bé ít đi tiểu hơn
- Bé không bú nhiều
- Bé mất nước do nôn hoặc tiêu chảy, sốt cao
- Bé đổ mồ hôi do thời tiết nóng
- Bé không tỉnh táo hoặc lơ mơ…
- Bé khóc không có nước mắt
- Mắt bé trũng sâu
Thóp phồng
Thóp phồng hoặc bị sưng có thể là dấu hiệu của một số tình trạng nghiêm trọng nhưng hiếm gặp, bao gồm viêm màng não hoặc viêm não, xuất huyết não, não úng thủy, áp xe hoặc nguyên nhân khác gây tăng áp lực trong não.
Khi nào cần đưa trẻ đi khám?
- Thóp trũng: Dấu hiệu này đặc biệt đáng lo nếu bé cũng có biểu hiện khó chịu, quấy khóc, khô miệng, ít đi tiểu hoặc mệt mỏi, li bì.
- Thóp phồng: Bạn cần đưa bé đi khám ngay nếu tình trạng thóp phồng đi kèm với các triệu chứng như sốt cao, khóc nhiều, nôn, co giật hoặc thay đổi hành vi.
- Thóp thay đổi kích thước hoặc hình dạng: Bạn cần cho bác sĩ biết nếu nhận thấy bất kỳ thay đổi đột ngột nào về kích thước hoặc hình dạng thóp. Đây có thể dấu hiệu cho thấy xương sọ không phát triển bình thường.
Những thắc mắc xoay quanh thóp trẻ sơ sinh
Ngoài thắc mắc thóp trẻ sơ sinh và trẻ như thế nào là bình thường, thời điểm thóp đóng và lý do thóp bé đóng sớm hay muộn cũng là những câu hỏi thường gặp.
1. Thóp của bé khi nào đóng?
Thóp sau thường đóng khi bé được 2 – 4 tháng tuổi. Thóp trước có thể đóng khi bé được khoảng 4 đến 26 tháng tuổi. Khoảng một nửa số trẻ nhỏ sẽ đóng cả hai thóp khi được 14 tháng tuổi.
2. Tại sao thóp của bé đóng sớm?
Thóp của bé có thể đóng sớm do một số lý do như:
- Cường giáp/cường cận giáp: Bé có thể đóng thóp sớm nếu mắc chứng cường giáp (nồng độ hormone tuyến giáp cao) hoặc cường cận giáp (nồng độ hormone tuyến cận giáp cao).
- Dính khớp sọ: Chứng dính khớp sọ là tình trạng một hoặc nhiều đường khớp giữa các xương trong hộp sọ của bé hợp nhất quá sớm, trước khi não phát triển xong. Khi này, não tiếp tục phát triển và sẽ ép vào hộp sọ từ bên trong, khiến hộp sọ có hình dạng khác thường.
- Tật đầu nhỏ
- Tỉ số Calcium/ Vitamin D cao khi mang thai
- Mẹ phơi nhiễm với tia Xquang trong thời gian dài
Bạn hãy đưa bé đến bác sĩ sớm nếu nhận thấy thóp của bé đóng sớm, bạn cảm thấy một đường gờ dọc theo hộp sọ của bé hoặc cho rằng đầu của bé có hình dạng bất thường.
3. Tại sao thóp của bé đóng muộn?
Những lý do khiến thóp của bé đóng muộn có thể kể đến là:
- Giảm năng tuyến giáp bẩm sinh (hormone tuyến giáp thấp từ khi sinh ra)
- Hội chứng Down
- Tăng áp lực bên trong não
- Còi xương
- Chứng đầu to do di truyền
- Loạn sản sụn
Bạn cần cho bé đi khám nếu một hoặc cả hai thóp của bé chưa đóng khi bé được 2 tuổi.
4. Có được chạm vào thóp trẻ không?
Bạn có thể chạm nhẹ vào thóp của bé. Để cảm nhận được phần thóp, bạn có thể lướt ngón tay nhẹ nhàng dọc theo đầu bé. Bác sĩ cũng có thể sẽ chạm vào thóp của bé khi thực hiện khám sức khỏe định kỳ. Việc chạm vào thóp bé nhẹ nhàng nhìn chung là không nguy hiểm.
Hello Bacsi hy vọng rằng với những thông tin được cung cấp trong bài, bạn đẫ có được câu trả lời cho thắc mắc thóp trẻ sơ sinh như thế nào là bình thường, nắm rõ cấu tạo của thóp trẻ để có thể đưa con đi khám khi cần thiết.
[embed-health-tool-vaccination-tool]