Là ba mẹ, ai cũng mong ước con mình lớn lên khỏe mạnh và thông minh. Để đạt được mong ước này là cả một quá trình, trong đó những năm tháng đầu đời, đặc biệt là từ khi bé còn nằm trong bụng mẹ cho đến khi 3 tuổi là giai đoạn rất quan trọng. Việc ba mẹ chăm sóc đúng cách không chỉ giúp bé có một cuộc sống khỏe mạnh, giảm nguy cơ bị béo phì và nhiều bệnh lý khác khi lớn mà còn tạo nền tảng để trẻ phát triển hết tiềm năng của mình [1].
Giai đoạn đầu đời của bé: Đâu là 3 “mảnh ghép” quan trọng giúp bé phát triển toàn diện?
Để có thể phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn trí tuệ trong những năm đầu đời, bé sẽ cần sự chăm sóc đúng cách để có nền tảng sức khỏe tốt. Vậy đâu là những yếu tố thực sự quan trọng mà bố mẹ cần lưu tâm?
1. Hệ miễn dịch – “Tấm khiên” bảo vệ cơ thể khỏi mầm bệnh
Hệ miễn dịch là một mạng lưới các tế bào và protein có mặt khắp cơ thể có nhiệm vụ chống lại các mầm bệnh gây nhiễm trùng. Khi mới được sinh ra, hệ miễn dịch của bé vẫn chưa phát triển hoàn toàn. Ở giai đoạn này, bé sẽ được bảo vệ nhờ vào các kháng thể nhận từ mẹ thông qua nhau thai trong 3 tháng cuối thai kỳ và sữa mẹ [2].
Thế nhưng, miễn dịch nhận từ mẹ sẽ không kéo dài lâu mà sẽ giảm dần sau khoảng vài tuần hoặc vài tháng. Trong quá trình lớn lên, cơ thể bé cũng sẽ tiếp tục tạo ra kháng thể thông qua việc tiếp xúc với mầm bệnh nhưng thực tế, hệ miễn dịch của bé vẫn chưa đủ khỏe như người lớn và cần thời gian để hoàn thiện [2]. Trong khoảng thời gian miễn dịch nhận từ mẹ suy yếu nhưng miễn dịch “tự thân” của bé vẫn chưa phát triển đủ mạnh thì bé sẽ rất dễ bị tấn công trước mầm bệnh.
Do đó, những năm đầu đời là lúc mẹ sẽ cần chú ý tăng cường miễn dịch cho con. Điều này không chỉ giúp bé giảm nguy cơ bị ốm mà còn góp phần giúp bé phát triển tối ưu về thể chất và trí tuệ. Bởi khi bé bị ốm thường xuyên, bé sẽ bị tiêu hao năng lượng do phải chống chọi với bệnh. Đồng thời, việc ăn uống kém trong giai đoạn bệnh hoặc khi cơ thể mệt mỏi làm cho trẻ không nhận được đầy đủ các dưỡng chất cần thiết cũng như ít có cơ hội vui chơi, vận động. Điều này có thể ảnh hưởng đến quá trình phát triển thể chất lẫn trí não của bé.
2. Não bộ – Điều mẹ cần quan tâm để phát triển trí thông minh của trẻ
Bộ não là “trung tâm chỉ huy” của cơ thể với nhiều chức năng quan trọng như tư duy, trí nhớ, lời nói, cử động tay chân và chức năng của nhiều cơ quan trong cơ thể [3], [4]. Ở giai đoạn đầu đời, khoảng từ 0 đến 2 tuổi là thời điểm vàng cho sự phát triển của trí não bởi đây là thời điểm não bộ phát triển nhanh hơn bất cứ giai đoạn nào khác trong cuộc đời [5].
Cụ thể, nếu như trong khoảng tuần thứ 2 – 3 sau sinh, não bộ của bé chỉ có thể tích khoảng 35% não bộ người trưởng thành thì trong năm đầu tiên, nó đã tăng gấp đôi và đạt khoảng 72% thể tích não bộ người lớn khi bé được 1 tuổi [6]. Không dừng lại ở đó, từ khi sinh ra đến khi bé 2 – 3 tuổi còn là thời điểm mà não bộ của trẻ tạo ra ít nhất 1 triệu kết nối thần kinh mỗi giây để giúp não ghi nhớ và học tập [7].
Do đó, những năm đầu đời được xem là cơ hội tốt nhất để ba mẹ can thiệp và giúp não bộ của trẻ phát triển tối ưu. Việc được chăm sóc đúng cách sẽ là “chìa khóa” vàng để khai mở tiềm năng trí tuệ, qua đó giúp bé lớn lên khỏe mạnh, có khả năng học tập tốt và đạt được những thành công trong cuộc sống.
3. Tiêu hóa – “Bộ máy” cung cấp năng lượng và hấp thu dưỡng chất
Hệ tiêu hóa cũng là một trong những cơ quan trọng bậc nhất trong cơ thể. Ngoài chức năng giúp bé tiêu hóa, hấp thu dinh dưỡng từ thực phẩm [8], hệ tiêu hóa còn có mối liên hệ với hệ miễn dịch.
Hệ tiêu hóa của con người là một mạng lưới các cơ quan như dạ dày, ruột… [8]. Ngoài ra, hệ vi sinh vật đường ruột chủ yếu tập trung ở ruột non và đại tràng cũng là một phần quan trọng của hệ tiêu hóa. Với khoảng 70 – 80% tế bào miễn dịch hiện diện trong ruột, nhiều nghiên cứu cho thấy dường như có một sự tương tác phức tạp giữa hệ vi sinh vật đường ruột, lớp biểu mô ruột và hệ thống miễn dịch niêm mạc tại chỗ. Ngoài ra, ngày càng có nhiều nghiên cứu cho thấy rằng hệ vi sinh vật đường ruột có ảnh hưởng đến khả năng miễn dịch toàn thân [9].
Do đó, bên cạnh miễn dịch và trí não thì tiêu hóa của bé cũng là một trong ba “mảnh ghép” quan trọng ba mẹ cần lưu tâm khi chăm sóc bé trong những năm đầu đời. Việc có một hệ tiêu hóa tốt không chỉ giúp bé tăng hấp thu dinh dưỡng mà còn góp phần giúp con có miễn dịch tốt cũng như hỗ trợ cho sự phát triển của não bộ.
Bí quyết dinh dưỡng củng cố 3 “mảnh ghép” quan trọng giúp bé phát triển toàn diện
Để giúp bé “củng cố” 3 mảnh ghép quan trọng kể trên, mẹ hãy cung cấp cho bé nguồn dinh dưỡng tốt nhất trong những năm tháng đầu đời. Trong đó, việc cho bé bú mẹ là điều được khuyến cáo hàng đầu. Bởi sữa mẹ không chỉ dễ tiêu, giúp bé tăng cân khỏe mạnh, cung cấp kháng thể bảo vệ bé khỏi các bệnh nhiễm trùng [10] mà còn chứa các thành phần giúp bé tăng cường miễn dịch, phát triển trí não và xây dựng hệ vi sinh đường ruột như:
- HMO (Human Milk Oligosaccharide): Dưỡng chất có hàm lượng cao thứ 3 trong sữa mẹ, có khả năng điều hòa hệ vi sinh đường ruột, ngăn ngừa sự bám dính của mầm bệnh, củng cố hàng rào biểu mô ruột và phát triển hệ miễn dịch [11]. 5 HMO “nổi bật” trong sữa mẹ là 2’FL, 3-FL, LNT, 3’-SL và 6’-SL. Đặc biệt, 2’-FL là dưỡng chất được chứng minh lâm sàng giúp giảm nguy cơ nhiễm trùng đường hô hấp ở trẻ đến 66% [12].
- Nucleotides: Thành phần được chứng minh giúp tăng cường miễn dịch, giúp giảm tỷ lệ mắc tiêu chảy và hỗ trợ tăng sản xuất kháng thể nhiều hơn 86% sau 6 tháng tiêm vaccine HIB [13].
- Lợi khuẩn: Sữa mẹ được xem là nguồn cung cấp lợi khuẩn ổn định, giúp bé tăng cường sức khỏe đường ruột [14]. Trong đó, Bifidobacteria được công nhận là nhóm lợi khuẩn quan trọng đối với hệ tiêu hóa của trẻ sơ sinh, giúp trẻ cân bằng hệ vi sinh đường ruột và giảm nguy cơ mắc bệnh nhiễm trùng [15].
- Gangliosides: Dưỡng chất được tìm thấy trong sữa mẹ, chiếm 10 – 12% tổng khối lượng chất béo của não [16]. Đặc biệt, gangliosides còn được chứng minh lâm sàng giúp tăng chỉ số IQ cao hơn gần 5 điểm [17].
- DHA, lutein và vitamin E tự nhiên: DHA là dưỡng chất cần thiết cho phát triển não bộ và thị giác [18]. Việc bổ sung lutein và vitamin E đồng thời với DHA sẽ giúp bảo vệ dưỡng chất quan trọng này khỏi quá trình phân hủy. Điều này giúp não nhận được nhiều DHA hơn, giúp tăng kết nối và phát triển các tế bào thần kinh để bé tăng khả năng học hỏi và nhận thức [19], [20]
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP), mẹ nên cho bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và tiếp tục cho bú cho đến khi bé được 2 tuổi [21]. Trong trường hợp mẹ không thể cho bé bú, mẹ có thể nhờ đến sự hỗ trợ của nhân viên y tế để tìm được giải pháp dinh dưỡng thay thế phù hợp.
Tóm lại, những năm đầu đời là giai đoạn rất quan trọng đối với sự phát triển của bé. Trong đó, 3 “mảnh ghép” quan trọng cần ba mẹ chú ý chăm chút là miễn dịch, trí não và tiêu hóa. Nếu ba mẹ quan tâm 3 yếu tố này đúng cách, đây sẽ là tiền đề giúp bé có một sức khỏe tốt cũng như khai mở tiềm năng trí tuệ để bé gặt hái được nhiều thành công trong tương lai.
[embed-health-tool-vaccination-tool]