Nhiều người lớn vẫn nghĩ rằng đắp chăn cho bé khi ngủ là điều hoàn toàn bình thường nhưng thật ra vẫn có những nguy cơ và quy tắc nhất định mà bạn cần tuân theo.
Khi đi mua đồ cho bé, bà mẹ bỉm sữa thường có xu hướng gom thật nhiều vật dụng đáng yêu nhất đem về, trong đó, có thể có tấm chăn xinh xắn. Tuy nhiên, mua chăn không có nghĩa là bé đã sử dụng được ngay, do đó bạn hãy hết sức cân nhắc. Vậy khi nào nên cho trẻ đắp chăn khi ngủ? Hãy cùng Hello Bacsi theo dõi những chia sẻ dưới đây để tìm ra câu trả lời nhé.
Khi nào nên đắp chăn cho bé lúc ngủ?
Bạn không nên đặt quá nhiều chăn, gối… ở nơi mà bé ngủ để phòng ngừa hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS). Việc đắp chăn cho bé có thể làm tăng nguy cơ đột tử lên đến 5 lần, dù bé ngủ ở tư thế nào đi nữa. Vì vậy, các chuyên gia khuyên rằng bạn nên đợi đến khi bé hơn 1 tuổi, hãy cho bé dùng chăn. Nguyên nhân là do ở độ tuổi này, bé mới có khả năng di chuyển, điều chỉnh, kéo chăn ra khi chẳng may chăn trùm kín mặt.
Trẻ nhỏ thường hay cựa quậy vào bao đêm, nên dễ bị vướng vào những tấm chăn. Bé sẽ cố gắng di chuyển để thoát ra, nên sẽ thức giấc và khóc. Bên cạnh đó, khi cố gắng đứng lên, chăn, gối có thể làm bé vấp té. Do đó, tốt nhất bạn nên chờ cho đến khi trẻ 18 tháng rồi mới cho dùng chăn mền.
Làm sao để biết khi nào trẻ có thể đắp chăn?
Việc tìm hiểu về thời gian trẻ có thể đắp chăn khi ngủ là một chuyện nhưng thực tế, làm thế nào để biết bé có thể sử dụng chúng lại là một vấn đề khác. Mỗi trẻ sẽ có những đặc điểm khác nhau, không thể lấy mốc thời gian của bé khác mà áp dụng cho con mình được. Vì vậy, trước khi cho bé sử dụng chăn, bạn có thể thử cho bé làm bài kiểm tra sau:
1. Quấn chăn khi con thức
Khi bé thức, bạn hãy thử che phủ cơ thể trẻ bằng một tấm chăn mỏng. Sau đó quan sát xem bé con tự thoát ra khỏi chăn được hay không. Nếu bé biết lăn, bò hoặc đẩy tấm chăn ra thì bạn đã có thể đắp chăn cho trẻ khi ngủ được rồi đấy. Tuy nhiên, nếu con không làm được, bạn hãy đợi vài tuần rồi thử lại nhé. Bài kiểm tra này chỉ nên làm khi bé đã đủ lớn để nhấc đầu lên và bò ra được.
2. Nói chuyện với bác sĩ nhi khoa
Hãy nói chuyện với bác sĩ thường xuyên kiểm tra sức khỏe cho bé. Họ là người hiểu rõ sự phát triển và khả năng của con nên có thể cho bạn biết bé đã sẵn sàng đắp chăn khi ngủ hay chưa. Khi trao đổi với bác sĩ, bạn hãy nói về bài kiểm tra mà mình đã thử với trẻ cũng như lắng nghe kỹ những gì bác sĩ nói để có thêm thông tin nhé.
Biện pháp phòng ngừa khi cho bé đắp chăn
Nếu quyết định cho bé sử dụng chăn khi ngủ, bạn nên thực hiện một số bước sau để đảm bảo an toàn cho thiên thần nhỏ:
1. Sử dụng chăn mỏng
Con chỉ nên đắp một tấm chăn mỏng vì nếu vải quá dày sẽ khiến bé dễ bị mắc kẹt dẫn đến nghẹt thở. Hãy chọn những loại chăn được làm bằng bông và chỉ nên đắp chăn ngang ngực bé chứ đừng lên đến vai.
2. Hạn chế đắp chăn
Dù bác sĩ đã cho phép bé sử dụng chăn khi ngủ nhưng bạn vẫn nên hạn chế việc đắp chăn cho bé. Hành động này có thể khiến nhiệt độ cơ thể con tăng lên nhanh chóng và khiến không gian ngủ của bé bị bó hẹp. Cả 2 điều đó đều không tốt cho giấc ngủ của trẻ.
3. Sử dụng túi ngủ
Túi ngủ cho trẻ nhỏ cũng là một sự lựa chọn tuyệt vời để thay thế chăn. Dụng cụ này này giống như một chiếc váy lớn che phủ toàn bộ cơ thể con và đảm bảo bé được quấn chăn nhưng vẫn có khoảng trống để di chuyển khi ngủ. Túi ngủ là sự lựa chọn hoàn hảo cũng như an toàn hơn những tấm chăn. Bên cạnh đó, đây cũng là cách tuyệt vời để giữ ấm cho con yêu.
4. Mặc quần áo phù hợp
Khi thời tiết lạnh, bạn thường có xu hướng đắp chăn cho bé lúc ngủ. Tuy nhiên, để tránh điều đó, hãy cho con mặc những bộ quần áo ấm, mang vớ hoặc áo len vừa vặn với cơ thể. Bạn cũng có thể để trẻ mặc một lớp quần áo cotton, sau đó mặc thêm cho con một bộ đồ ngủ khác.
5. Kiểm tra nhiệt độ phòng
Bạn có thể hạn chế sử dụng chăn bằng cách giữ nhiệt độ phòng của bé luôn ổn định. Trong phòng bé, lắp một chiếc máy điều hòa nếu cần và đặt xa cũi của con. Thời tiết bên ngoài có thể xâm nhập vào phòng bé qua cửa sổ hoặc cửa ra vào. Do đó, hãy đóng chúng lại cẩn thận. Ngoài ra, giữ nhiệt độ ở những nơi khác trong nhà cũng giống như trong phòng để khi ra ngoài bé không bị sốc nhiệt.
[embed-health-tool-vaccination-tool]