Để có những chiếc gối vừa êm vừa tốt cho sức khỏe giúp bé ngủ ngon, không đổ mồ hôi trộm khi ngủ, mẹ hãy học cách làm gối vỏ đậu xanh cùng Hello Bacsi.
Theo kinh nghiệm trong Đông y, vỏ đậu xanh có tính hàn nên có công dụng giải nhiệt. Do đó, việc dùng vỏ đậu xanh phơi hay sấy khô dùng để nhồi gối sẽ giúp người sử dụng hưởng được các lợi ích như: mát đầu, thông kinh lạc, giữ cho vùng đầu gáy được thoáng khí, sáng mắt… Nhiều mẹ bỉm sữa chia sẻ rằng cho trẻ kê đầu bằng gối vỏ đậu xanh sẽ giúp bé: ngủ ngon, không bị đổ mồ hội trộm, hạn chế nguy cơ bị nổi rôm sảy, nóng sốt…
Mách mẹ cách làm gối vỏ đậu xanh đơn giản nhất cho bé
1. Cách sơ chế vỏ đậu xanh
Để có vỏ đậu xanh nhồi gối cho bé yêu, mẹ hãy nhờ người bán giá đỗ hỏi mua giúp vỏ đậu xanh của cơ sở làm giá hoặc đặt mua trên các trang bán hàng online uy tín.
Trước khi dùng vỏ đậu xanh để nhồi làm ruột gối cho bé dùng, mẹ nên nhặt hết các tạp chất lẫn trong vỏ đậu. Sau khi nhặt sạch, mẹ nên rửa (đãi) lại nhiều lần cho sạch bụi bẩn, để ráo rồi phơi cho thật khô. Lưu ý là mẹ không nên phơi dưới trời nắng to vì dễ khiến vỏ đậu giòn, nhanh bị vụn.
2. Kích thước để may ruột gối cho bé
Nếu muốn tự tay làm cho con bộ gối nằm mà băn khoăn chưa biết kích cỡ nào sẽ phù hợp với bé, bạn có thể tham khảo bảng số liệu sau:
Lưu ý là để may ruột gối cũng như bao gối cho bé, mẹ nên dùng vải cotton 100%, vải tơ tằm, line… tránh dùng vải có chất liệu nilon sẽ dễ gây hầm bí. Khi may bao gối cho bé, mẹ nên tăng kích thước mỗi bề lên khoảng 10 cm là vừa.
Dựa vào bảng kích cỡ ở trên, mẹ cũng có thể biến tấu may ruột gối theo dạng bán nguyệt, hình trăng khuyết… cho bé dùng.
3. Cách nhồi gối vỏ đậu xanh
Bạn có thể dùng vỏ đậu xanh đã đãi sạch và phơi khô để nhồi gối cho bé. Nhiều mẹ chia sẻ: Để tăng độ đàn hồi cho gối, bạn có thể trộn vỏ đậu xanh bông gòn (gòn tự nhiên hay nhân tạo đều được) theo tỷ lệ 1:1 rồi nhồi gối để tăng độ đàn hồi.
Lưu ý là mẹ chỉ nên nhồi gối cho bé có độ cao phù hợp: với các bé từ sơ sinh đến 12 tháng tuổi: mẹ chỉ nên nhồi sao cho độ cao của ruột gối không quá 2 cm. Với các bé từ 1 – 3 tuổi, độ cao của gối không nên vượt quá 3cm. Nguyên do là việc cho bé dùng gối quá cao thực chất không tốt cho sức khỏe cột sống của trẻ.
Cho trẻ dùng gối vỏ đậu xanh: Mẹ cần lưu ý những gì?
Với các bé còn nhỏ, mẹ nên làm ít nhất 3 – 4 cái gối vỏ đậu xanh cho con luân phiên sử dụng mỗi khi gối bị bẩn. Trường hợp con ọc sữa làm ướt gối, mẹ nên xả gối dưới vòi nước chảy, dùng bàn chải gột sạch rồi dùng sữa tắm hoặc xà bông dành riêng cho trẻ em để giặt. Sau khi giặt nên phơi thật khô mới cho bé dùng lại, để tránh ẩm mốc sinh sôi trong ruột gối gây hại cho bé.
Mẹ nên thay vỏ gối sau mỗi 2 – 3 ngày sử dụng và cần phơi ruột gối mỗi tuần nhằm hạn chế tối đa nguy cơ nấm mốc phát triển. Một lưu ý mà mẹ nên quan tâm là trước khi cho bé dùng gối, mẹ nên dùng thử để xem gối có gây ngứa ngáy không, mùi của gối có dễ chịu hay có bất cứ vấn đề gì khác không.
Hy vọng với những chia sẻ trong bài, mẹ đã biết cách làm gối từ vỏ đậu xanh cho bé yêu sử dụng. Chúc bé có những giấc ngủ ngon.
[embed-health-tool-vaccination-tool]