backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu
Mục lục bài viết

Rôm sảy

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Lê Thị Mỹ Duyên · Đa khoa · Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc


Tác giả: Việt Cường · Ngày cập nhật: 11/05/2020

Rôm sảy

Tìm hiểu chung

Rôm sảy là bệnh gì?

Rôm sảy hay phát ban nhiệt là một tình trạng xảy ra trong thời tiết nóng, ẩm ướt. Rôm sảy thường không gây đau đớn nhưng có thể gây khó chịu và ngứa. Cảm giác châm chích dai đẳng có thể gây khó chịu. Một số mụn có thể gây đau khi bạn chạm vào.

Rôm sảy thường lành tính và không cần điều trị. Tuy nhiên, dạng rôm sảy nhiễm trùng nặng có thể cần được điều trị y tế, do đó, cách tốt nhất để giảm các triệu chứng là làm mát da và ngăn đổ mồ hôi.

Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh rôm sảy là gì?

Các triệu chứng phổ biến của rôm sảy là  nổi mụn nhỏ ngứa ngáy trên đầu, cổ và vai. Rôm sảy có thể bị kích thích do quần áo hoặc vết trầy xước và trong trường hợp hiếm, có thể gây nhiễm trùng da thứ phát.

Các loại rôm sảy được phân loại dựa trên độ sâu của các ống dẫn mồ hôi bị tắt nghẽn:

  • Rôm sảy dạng tinh thể. Đây là dạng rôm sảy nhẹ nhất, ảnh hưởng đến các ống mồ hôi ở lớp trên cùng của da. Loại này đặc trưng bởi những mụn nước, bóng nước dễ vỡ;
  • Rôm sảy đỏ hay còn gọi là rôm sảy gai. Đây là loại xảy ra sâu trong da. Các dấu hiệu và triệu chứng bao gồm mụn đỏ và ngứa hoặc cảm giác như kiến cắn ở vùng da bị ảnh hưởng;
  • Rôm sảy mủ. Loại này là viêm nang mồ hôi;
  • Rôm sảy sâu. Loại này ít phổ biến, ảnh hưởng đến hạ bì – lớp sâu hơn của da. Mồ hôi rỉ ra khỏi tuyến mồ hôi vào trong da, gây ra các tổn thương màu đỏ có màu như thịt trông giống như da gà.

Bạn có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Bạn nên đến khám bác sĩ nếu nằm trong những trường hợp sau đây:

  • Đau, sưng, đỏ hoặc nóng xung quanh vùng da bị ảnh hưởng;
  • Vết đỏ kéo dài từ vùng da bị ảnh hưởng;
  • Nước mủ rỉ ra từ vùng da;
  • Sưng hạch bạch huyết ở nách, cổ hoặc háng;
  • Sốt 38°C hoặc cao hơn hay ớn lạnh không rõ nguyên nhân.

Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân nào gây ra bệnh rôm sảy?

Rôm sảy xuất hiện khi một số các ống dẫn mồ hôi bị tắc nghẽn. Nguyên nhân gây ra tình trạng tắc nghẽn ống không rõ ràng nhưng một vài yếu tố đóng vai trò quan trọng trong bệnh này, bao gồm:

  • Ống dẫn mồ hôi chưa trưởng thành. Rôm sảy có thể xuất hiện trong tuần đầu tiên sau sinh, đặc biệt là ở trẻ được ủ ấm trong lồng ấp, trẻ được mặc quần áo quá nóng hoặc bị sốt;
  • Thời tiết nóng, ẩm ướt;
  • Hoạt động đổ nhiều mồ hôi;
  • Quá nóng;
  • Nằm lâu trên giường.

Nguy cơ mắc phải

Những ai thường mắc bệnh rôm sảy?

Rôm sảy là tình trạng rất phổ biến và có thể ảnh hưởng đến bất kỳ ai ở mọi lứa tuổi nhưng trẻ nhỏ thường mắc bệnh này nhiều hơn. Bạn có thể kiểm soát bệnh này bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ. Hãy tham khảo bác sĩ để biết thêm thông tin chi tiết.

Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc bệnh rôm sảy?

Có nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải bệnh rôm sảy, chẳng hạn như:

  • Tuổi. Trẻ sơ sinh có khả năng bị mắc bệnh cao hơn;
  • Khí hậu nhiệt đới nóng ẩm. Người dân sống ở các vùng nhiệt đới dễ bị mắc bệnh này hơn so với những người ở vùng khí hậu ôn đới;
  • Hoạt động thể chất. Bất cứ hoạt động nào làm cho bạn đổ mồ hôi nặng, đặc biệt nếu bạn không mặc quần áo có thể làm cho mồ hôi bốc hơi thì có thể gây rôm sảy.

Điều trị hiệu quả

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế, vậy nên tốt nhất là bạn hãy  tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán bệnh rôm sảy?

Bác sĩ chẩn đoán rôm sảy bằng cách quan sát các dấu hiệu trên da, thường thì không cần phải chăm sóc y tế.

Những phương pháp nào dùng để điều trị bệnh rôm sảy?

Trong hầu hết các trường hợp, rôm sảy sẽ tự hết trong một vài ngày. Đối với loại rôm sảy nặng, bạn cần bôi thuốc mỡ lên da để giảm khó chịu và ngăn ngừa các biến chứng. Thuốc bôi có thể bao gồm calamine lotion, lanolin khan, corticoid bôi ngoài da.

Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh rôm sảy?

Bạn sẽ có thể kiểm soát rôm sảy nếu áp dụng các biện pháp sau:

  • Mặc quần áo rộng bằng vải, quần áo thoáng nhẹ, giúp da không bị ẩm;
  • Ở trong các tòa nhà có máy lạnh càng lâu càng tốt;
  • Hãy để cho da tự khô thay vì sử dụng khăn;
  • Tắm với nước lạnh và xà phòng không gây khô, sau đó, để da tự khô thay vì lau bằng khăn;
  • Sử dụng gạc lạnh hoặc calamin lotion để làm dịu cơn ngứa ở vùng da bị kích thích;
  • Tránh sử dụng các loại kem và thuốc mỡ chứa dầu hoặc dầu khoáng vì những thứ này có thể làm nghẽn lỗ thoát mồ hôi;
  • Sử dụng xà phòng kháng khuẩn hoặc nước rửa sát trùng để giúp giảm số lượng vi khuẩn trên da;
  • Kem chứa steroid có thể làm dịu sự kích thích trong quá trình hết bệnh. Kem nhẹ chứa steroid như hydrocortisone 1% có thể được mua tại các quầy thuốc thông thường. Bạn không nên bôi lên mặt. Hãy làm theo các hướng dẫn và sử dụng tiết kiệm.

Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Lê Thị Mỹ Duyên

Đa khoa · Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc


Tác giả: Việt Cường · Ngày cập nhật: 11/05/2020

advertisement iconQuảng cáo
app promote banner

Bài viết này có hữu ích với bạn?

advertisement iconQuảng cáo
advertisement iconQuảng cáo