backup og meta

Mẹ đã biết cách gội đầu cho trẻ sơ sinh chưa?

Mẹ đã biết cách gội đầu cho trẻ sơ sinh chưa?

Lần đầu làm mẹ, bạn gặp rất nhiều lúng túng. Bạn có thể sẽ không biết cách gội đầu cho trẻ sơ sinh thế nào để nước không chảy vào mắt bé, chọn dầu gội cho bé ra sao để không làm khô da đầu của con.

Việc lần đầu tắm gội cho bé cưng có thể sẽ khiến bạn có chút bối rối khi không biết phải làm sao cho vừa an toàn vừa sạch sẽ. Trong bài viết này, Hello Bacsi sẽ hướng dẫn cách gội đầu cho trẻ sơ sinh và cách chọn dầu gội đầu cho trẻ sơ sinh đúng chuẩn để bảo vệ sức khỏe và da đầu của bé.

Mẹ nên gội đầu cho trẻ sơ sinh khi nào?

Tương tự như chuyện tắm cho bé, việc gội đầu nên được tiến hành vào khoảng thời gian nhất định. Bạn hãy tắm gội cho bé trước giờ ngủ trưa hoặc vào đầu giờ chiều khi con ngủ trưa dậy.

Lưu ý là việc gội đầu cho bé quá thường xuyên có thể làm mất đi lớp dầu tự nhiên trên da đầu của con. Điều này có thể khiến da đầu của bé cưng trở nên khô, mẫn cảm hơn gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Đôi khi, bạn chỉ cần lấy một chiếc khăn nhúng vào nước sạch, ấm và lau đầu cho con là đủ. Nếu thời tiết nóng bức khiến con đổ mồ hôi hoặc bạn vừa đưa bé ra ngoài chơi về thì nên gội đầu cho bé để giữ vệ sinh.

Mách mẹ cách gội đầu cho trẻ sơ sinh

Một trong những điều quan trọng mà các bà mẹ lần đầu làm mẹ lo lắng là gội đầu cho bé cưng mới sinh như thế nào để nước không chảy vào mắt con yêu và trong quá trình gội đầu cho con không tuột tay làm rơi bé nếu bé quấy khóc dữ dội. Hãy làm theo hướng dẫn dưới đây để đảm bảo bạn đã tắm, gội đầu cho bé đúng cách và an toàn:

Trước khi gội đầu cho bé, mẹ cần chuẩn bị những gì?

Trước khi gội dầu cho bé, mẹ cần chuẩn bị đầy đủ các vật dụng như sữa tắm gội, khăn bông (2 cái: 1 lớn, 1 nhỏ), ca múc nước, ghế ngồi có độ cao vừa phải, quần áo và tã sạch để thay cho bé ngay sau khi bạn tắm gội cho con xong. Điều này giúp bạn không mất thời gian tìm kiếm đồ đạc trong khi tắm gội cho bé.

Tháo bỏ trang sức bạn đang đeo: nhẫn, lắc (có chi tiết nổi dễ gây trầy xước), đồng hồ… vì chúng có thể làm xước da con trong khi bạn tắm, gội cho bé.

Ngoài ra, bạn nên thường xuyên cắt ngắn móng tay và giũa gọn gàng để tránh làm xước da con trong khi chăm sóc hay chơi đùa với bé. Đảm bảo bạn tắm gội cho bé ở chỗ sạch sẽ, thoáng mát nhưng không có gió lùa trực tiếp. Do đó, mẹ nên tắt quạt và máy lạnh trước khi tắm, gội đầu cho bé.

Nhiệt độ nước để tắm gội cho con thích hợp: Nếu không có nhiệt kế để đo nước tắm gội cho con, bạn hãy nhúng khuỷu tay vào nước tắm để kiểm tra nhiệt độ của nước. Chia nước tắm thành 2 thau để thuận tiện cho việc tắm gội.

Trải khăn trên giường hoặc sàn nhà, đặt bé nằm trên khăn, cởi bỏ quần áo/tã của bé ra. Tiếp theo, bạn dùng một chiếc khăn bông mỏng, nhỏ quấn ngang người bé. Điều này không chỉ giữ cho bé không bị lạnh trong khi gội đầu mà còn hỗ trợ bạn giữ bé tốt hơn.

Cách gội đầu cho trẻ sơ sinh nên tiến hành như thế nào?

Cách gội đầu cho trẻ sơ sinh

Sau khi đã chuẩn bị đầy đủ các bước nêu trên, bạn hãy:

  • Bạn ngồi trên ghế, ẵm bé trong tư thế một tay đỡ đầu và vai bé (tư thế ôm bóng), mông bé kê trên một bên đầu gối của bạn.
  • Bạn thoa nước lên đầu bé để làm ướt tóc và da đầu rồi lấy một ít dầu gội nhẹ nhàng thoa đều khắp đầu con.
  • Nếu bé cưng “kháng cự” lại việc gội đầu bằng cách khóc, giãy giụa, quơ tay chân loạn xạ, hãy cho con một món đồ chơi dùng khi tắm hoặc hát cho con nghe bài hát mà bạn vẫn hát. Điều này có thể phần nào giúp làm giảm sự chú ý của bé vào việc tắm gội.
  • Để ngăn nước chảy vào mắt bé, bạn hãy hạ cánh tay đỡ đầu và vai bé hơi thấp một chút so với lưng và mông của con. Với các bé đã lớn hơn một chút (đã biết ngồi hay biết đi) và rất sợ nước vào mắt mỗi khi gội đầu, bạn có thể mua ghế gội đầu cho bé hoặc mũ gội đầu cho bé sử dụng.

Khi gội đầu cho bé, bạn cần lưu ý những điều sau:

  • Bạn nên gội đầu cho bé một cách nhẹ nhàng vì da đầu con còn khá mỏng. Bạn chỉ nên dùng phần thịt ở đầu ngón tay để gội đầu cho bé, tránh dùng móng tay vì có thể làm xước da đầu của con.
  • Với các bé sơ sinh, thóp của con còn khá mềm nên bạn cần cẩn thận khi gội đầu cho con, tuyệt đối không ấn vào thóp của trẻ.
  • Đừng để đầu em bé ướt quá lâu: Bạn nên gội đầu cho con nhanh, rồi lau khô bằng khăn bông mềm, sạch. Điều này tránh cho bé bị nhiễm lạnh.
  • Sau khi gội đầu cho bé xong, bạn nên tắm cho bé ngay nhằm tránh trường hợp con ngâm nước quá lâu.

Cách gội đầu cho trẻ sơ sinh khi tóc con bị rối

Việc gội đầu cho bé có thể trở thành thách thức đối với nhiều người khi lần đầu làm cha mẹ. Nhất là khi tóc của con quá thưa hay quá dài, dày và dễ rối.

1. Cách gội đầu cho trẻ sơ sinh có mái tóc thưa

Nếu bé có quá ít tóc, mỗi tuần, bạn chỉ nên gội đầu cho con 1 – 2 lần. Nguyên do là việc gội đầu cho bé quá thường xuyên có thể rửa trôi lớp dầu tự nhiên trên da khiến da đầu bị khô, dễ bong tróc vảy gàu.

Tuy thế, bạn vẫn cần chú ý giữ vệ sinh da đầu cho con sạch sẽ. Do đó, những ngày trời nóng, bạn hãy dùng khăn sạch nhúng nước ấm để lau đầu cho con.

2. Cách gội đầu cho trẻ sơ sinh khi bé có mái tóc dài, dày và dễ rối

Việc gội đầu cho bé cưng có mái tóc quá dày và dài hoặc có mái tóc xoăn có thể trở thành một thách thức với những ai lần đầu làm cha mẹ. Nguyên nhân là nếu bạn không biết gội đầu cho con đúng cách sẽ làm cho tóc bé dễ bị rối.

Mách nhỏ cho bạn bí quyết trong cách gội đầu cho trẻ sơ sinh có mái tóc dài, dày hoặc xoăn là khi gội đầu cho bé, bạn nên tránh vò tóc con quá nhiều. Ngoài ra, bạn hãy dùng các loại dầu gội có công dụng giúp tóc óng mượt hoặc dầu gội có kết hợp dầu xả dành riêng cho trẻ nhỏ để gội đầu cho con. Khi gội đầu xong, bạn dùng khăn thấm nhẹ để làm khô tóc chứ không nên lau.

Ngoài ra, nếu mái tóc dày và dài của con thường xuyên bị rối gây khó khăn cho việc tắm gội, bạn nên cân nhắc đến việc cắt tóc cho con.

3. Cách gội đầu cho trẻ sơ sinh khi bé không thích được gội đầu

Thực tế là không phải bé cưng nào cũng thích thú với việc tắm gội, nhất là với những bé từng bị nước, sữa tắm gội dây vào mắt. Do đó, nếu bé cưng nhà bạn khóc, giãy giụa hoặc tìm cách kháng cự mỗi khi tắm và gội đầu thì bé không phải là cá biệt.

Trong trường hợp này, bạn hãy đánh lạc hướng con bằng cách cho bé một món đồ chơi, massage cho con trước khi tắm gội để bé cảm thấy thoải mái và quen dần với việc vệ sinh này.

Ngoài ra, bạn nên:

  • Tắm, gội cho con trong một khoảng thời gian nhất định, càng nhanh càng tốt
  • Nếu bé sợ khi bị dội nước lên đầu, bạn hãy nhúng khăn vào nước và nhẹ nhàng làm ướt tóc bé.

Cách chọn sữa tắm dầu gội cho trẻ sơ sinh

Cách gội đầu cho trẻ sơ sinh

Bạn chỉ nên sử dụng sữa tắm hoặc dầu gội dành riêng cho em bé để tắm gội cho bé cưng, tuyệt đối không dùng các sản phẩm dành cho người lớn. Hãy chọn các sản phẩm tắm gội dành cho bé dịu nhẹ, không có hương thơm, có độ pH dao động từ 4.5 – 6.

Ngoài ra, bạn nên chọn sữa tắm, dầu gội cho trẻ sơ sinh của các thương hiệu lớn có uy tín. Nguyên do là vì sản phẩm của các thương hiệu này được nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi đưa ra thị trường.

Câu hỏi thường gặp xung quanh việc gội đầu cho trẻ sơ sinh

1. Khi nào nên bắt đầu sử dụng dầu gội đầu cho trẻ sơ sinh?

Thực tế là trẻ sơ sinh không cần sử dụng dầu gội để gội đầu trừ trường hợp da đầu bé bị viêm da tiết bã, dân gian gọi là “cứt trâu”. Trong trường hợp bình thường, bạn chỉ nên cho bé sử dụng dầu gội khi bé được khoảng 6 – 8 tuần tuổi.

2. Nếu bé có quá ít tóc hoặc không có tóc thì có cần gội đầu không?

Hormone thai kỳ hoặc yếu tố di truyền có thể làm cho bé cưng sinh ra với cái đầu “trọc lóc”. Tuy nhiên, da đầu của con vẫn cần được chăm sóc. Bạn hãy gội đầu cho con 1 lần/tuần với nước sạch. Trong khi gội đầu cho con, bạn hãy chú ý để nước không chảy vào mắt con.

Lan Quan / HELLO BACSI 

[embed-health-tool-vaccination-tool]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

How to Wash Your Baby’s Hair https://parenting.firstcry.com/articles/how-to-wash-your-babys-hair-tips-and-more/ Ngày truy cập 14/5/2019

Baby Maintenance: Baths, Nails, and Hair https://www.webmd.com/parenting/baby/baths-hair-and-nails#1 Ngày truy cập 14/5/2019

Cradle cap  https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/cradle-cap/diagnosis-treatment/drc-20350400  Ngày truy cập 14/5/2019

 

 

 

Phiên bản hiện tại

03/12/2019

Tác giả: Lan Quan

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh


Bài viết liên quan

Nhiễm trùng đường ruột ở trẻ sơ sinh: Triệu chứng và cách điều trị

Kiểm tra màu phân của bé giúp mẹ đoán được điều gì về sức khoẻ tiêu hoá của con?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Lan Quan · Ngày cập nhật: 03/12/2019

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo