backup og meta
Chuyên mục
Công cụ

4

Hỏi bác sĩ
Lưu

Bướu huyết thanh ở trẻ sơ sinh có nguy hiểm không? Những điều cần biết

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Phương Quỳnh · Ngày cập nhật: 18/04/2023

    Bướu huyết thanh ở trẻ sơ sinh có nguy hiểm không? Những điều cần biết

    Bướu huyết thanh ở trẻ sơ sinh là một tình trạng sức khỏe xảy ra tương đối phổ biến với trẻ sinh thường. Trẻ bị bướu huyết thanh đôi khi phải đối diện với một số vấn đề như vàng da. 

    Bạn đã nghe nói đến bướu huyết thanh ở trẻ sơ sinh và băn khoăn không biết trẻ sơ sinh bị bướu huyết thanh có nguy hiểm hay không, nguyên nhân gây nên tình trạng này hay cách chăm sóc trẻ? Hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu trong bài viết sau nhé!

    Bướu huyết thanh là gì?

    Bướu huyết thanh ở trẻ sơ sinh

    Bướu huyết thanh (caput succedaneum, hay còn gọi là caput) đề cập đến tình trạng một lượng máu nhỏ tụ dưới da đầu trẻ sơ sinh tạo thành khối sưng hoặc phù nề. Phần tụ máu này ở bên ngoài hộp sọ nên không liên quan đến tính trạng xuất huyết não nên thường vô hại.

    Bướu huyết thanh ở trẻ sơ sinh bao lâu thì hết? Tình trạng này sẽ tự hết khi trẻ lớn hơn. Tuy nhiên, trẻ bị bướu huyết thanh cũng có thể dẫn đến các vấn đề khác, chẳng hạn như vàng da.

    Mặc dù có những biểu hiện tương tự nhau, nhưng chúng ta không nên nhầm lẫn bướu huyết thanh với bướu máu, một tình trạng gây ra do chảy máu dưới da.

    Nguyên nhân trẻ sơ sinh bị bướu huyết thanh

    Có nhiều nguyên nhân gây bướu máu và bướu huyết thanh ở trẻ sơ sinh, bao gồm:

    • Áp lực bên ngoài tác động lên bề mặt xương sọ của bé: Bướu huyết thanh thường được gây ra do áp lực bên ngoài tác động lên bề mặt xương sọ em bé, làm sưng bọng, bầm tím và hình thành bướu huyết thanh. Các áp lực này có thể đến từ lực ép của thành âm đạo và tử cung trong giai đoạn mẹ mang thai và chuyển dạ.
    • Áp lực từ xương chậu người mẹ lên hộp sọ em bé: Bướu máu cũng thường được hình thành do áp lực từ xương chậu người mẹ lên hộp sọ em bé khi chuyển dạ hoặc do sử dụng các dụng cụ hỗ trợ sinh như kẹp… Tuy nhiên, tình trạng này khác với bướu huyết thanh ở chỗ phần dịch thường hình thành ở sâu hơn dưới da đầu và thành phần của dịch chủ yếu là máu từ các mạch máu bị vỡ.
    • Người mẹ bị thiểu ối: Bướu máu còn gặp trong trường hợp mẹ mắc phải chứng thiểu ối.
    • Người mẹ bị vỡ ối sớm: Hai loại bướu này có thể được hình thành khi mẹ bị vỡ ối quá sớm. Nước ối được biết đến như phần đệm đỡ cho thai nhi. Việc nước ối vỡ sớm nhưng thai nhi chưa ra khỏi tử cung có thể khiến da đầu trẻ va chạm vào cơ thể mẹ và bị sưng lên vì không còn đệm bảo vệ nữa.

    Cả hai tình trạng kể trên không phải lúc nào cũng xảy ra do các yếu tố rủi ro cụ thể nhưng đôi khi các bác sĩ không tìm được lý do rõ ràng nào trong khi sinh. Trên thực tế, trong một số trường hợp hiếm gặp, trẻ có thể mắc phải những hiện tượng này ngay khi còn là thai nhi trong bụng mẹ. Cả bướu huyết thanh ở trẻ sơ sinh và bướu máu đều có thể được xác định khi siêu âm trong giai đoạn sau của thai kỳ.

    Các yếu tố nguy cơ

    Các yếu tố nguy cơ có thể làm hình thành bướu huyết thanh ở trẻ sơ sinh là:

    • Quá trình chuyển dạ kéo dài hoặc khó sinh
    • Vỡ ối sớm
    • Lượng nước ối trong tử cung thấp
    • Sinh con lần đầu
    • Các cơn co tử cung sinh lý Braxton-Hicks
    • Các vị trí nhất định của thai nhi, ví dụ như đầu hướng xuống dưới
    • Nhiều ca đỡ đẻ bằng kẹp forceps hoặc đòi hỏi một vài dụng cụ hỗ trợ chuyên biệt khác
    Tuy nhiên, khi bướu được hình thành do sử dụng hút để đưa thai nhi ra ngoài thì thường được gọi là “chignon” và không phải là một bướu huyết thanh thật sự. Chignon biến mất nhanh hơn bướu huyết thanh thông thường, thường tiêu biến sau từ vài giờ đến vài ngày sau khi trẻ được sinh ra.

    Tình trạng bướu máu thường xảy ra ở những trường hợp sau:

    • Con trai
    • Con đầu lòng
    • Trẻ sơ sinh nặng cân vì các bé có thể quá lớn so với kích thước giãn nở của tử cung mẹ
    • Các ca sinh đòi hỏi sử dụng các dụng cụ hỗ trợ như kẹp hay hút
    • Sự dụng phương pháp điện cực da đầu thai nhi khi sinh
    • Quá trình chuyển dạ kéo dài
    • Thai nhi thường xuất hiện ở những vị trí sinh không thuận lợi.

    Triệu chứng bướu huyết thanh ở trẻ sơ sinh

    triệu chứng bướu huyết thanh ở trẻ sơ sinh

    Những trẻ mắc phải hiện tượng bướu huyết thanh sau khi sinh ra có các triệu chứng sau:

    • Trẻ sơ sinh có cục u mềm trên đỉnh đầu, các cục sưng hoặc các bọng trên da đầu mà bố mẹ có thể nhìn thấy được.
    • Xuất hiện vết bầm tím trên da đầu, trên mặt của trẻ.
    • Các cục sưng thường nằm ở phần phía sau của đỉnh đầu, vì đây là nơi tiếp xúc nhiều nhất với xương chậu và tử cung của mẹ.
    • Trẻ sơ sinh có cảm giác đau khi chạm vào phần bướu.

    Đối với những trẻ bị bướu máu, các triệu chứng thường gặp là:

    • Xuất hiện một vết sưng trên da đầu (không bầm tím) trong vòng vài ngày sau khi sinh.
    • Vị trí xuất hiện vết sưng trở nên khá nhạy cảm.

    Ngoài ra, trong quá trình sinh thường, có nhiều áp lực chồng chéo lên hộp sọ của thai nhi, đặc biệt là ở đỉnh sọ. Điều này có thể làm méo đầu trẻ, hiện tượng như vậy thường được gọi là điều chỉnh đầu thai nhi.

    Biến chứng của tình trạng bướu huyết thanh ở trẻ sơ sinh

    Nhiều cha mẹ có con bị bướu huyết thanh thì rất lo lắng nên thường thắc mắc với bác sĩ các vấn đề như : bướu huyết thanh ở trẻ sơ sinh bao lâu thì hết, trẻ bị bướu huyết thanh có nguy cơ gì? Bướu huyết thanh ở trẻ sơ sinh có nguy hiểm không? Thông thường, bướu huyết thanh sẽ tự khỏi mà không để lại bất kỳ biến chứng gì. Tuy nhiên, đôi khi cũng có các biến chứng xảy ra như:

    • Rụng tóc: Do áp lực đặt lên da đầu, một số mô xung quanh có thể bị chết và gây nên tình trạng rụng tóc. Trong hầu hết các trường hợp, tóc sẽ mọc lại bình thường. Tuy nhiên, cũng có các trường hợp ngoại lệ, tóc có thể rụng vĩnh viễn mà không mọc lại.
    • Vàng da: Trong một vài trường hợp có thể xuất hiện thêm cả bầm tím. Tình trạng này có thể xảy ra do các tế bào hồng cầu bị vỡ, dẫn đến sự tích tụ của bilirubin. Điều này khiến trẻ sơ sinh bị vàng da và tròng trắng mắt.

    Tình trạng vàng da nghiêm trọng hoặc không được điều trị có thể dẫn đến nhiều biến chứng hơn nữa. Những biến chứng này bao gồm:

    • Tổn thương não
    • Mất thính lực
    • Bại não athetoid, rối loạn vận động
    • Phát triển men răng bất thường
    • Mắt nhìn lên vĩnh viễn
    • Tử vong.

    Trong một số trường hợp, u máu đầu có thể gây ra các biến chứng, chẳng hạn như:

    • Nứt hộp sọ
    • Làm vết sưng trở nên cứng hơn
    • Nhiễm trùng
    • Thiếu máu
    • Vàng da (phổ biến hơn so với bướu huyết khối).

    Bướu huyết thanh ở trẻ sơ sinh được chẩn đoán như thế nào?

    hiện tượng bướu huyết thanh ở trẻ sơ sinh

    Bướu huyết thanh ở trẻ sơ sinh thường được xác định bằng cách kiểm tra thể chất và không cần thực hiện các xét nghiệm bổ sung. Khi cần thiết, các bác sĩ sẽ đề nghị thực hiện thêm các xét nghiệm chuyên sâu để đánh giá tình hình của bé một cách cụ thể hơn.

    Trong một số trường hợp bướu máu, hộp sọ của trẻ có thể xuất hiện vết nứt. Vì vậy cần tiến hành chụp X-quang để đánh giá tình hình xương sọ một cách chuẩn xác nhất.

    Phương pháp điều trị bướu huyết thanh ở trẻ sơ sinh

    1. Phương pháp điều trị thông thường

    Bướu huyết thanh ở trẻ sơ sinh thường tự khỏi mà không cần can thiệp trong vài ngày sau khi sinh. Trong khi đó, nếu không kèm thêm các yếu tố rủi ro hoặc biến chứng khác, bướu máu có thể tự khỏi trong vòng 2 – 6 tuần sau khi sinh.

    2. Phương pháp điều trị khi có biến chứng

    Trong một số trường hợp, bướu máu có thể gây ra các biến chứng khác, chẳng hạn như nhiễm trùng, có thể cần dùng thuốc và phẫu thuật. Tuy nhiên, nếu u máu trở nên cứng chắc thì cũng có thể khỏi sau một thời gian.

    3. Liệu pháp mũ bảo hiểm

    Một phương pháp điều trị khác là liệu pháp mũ bảo hiểm. Trong phương pháp này, trẻ sơ sinh sẽ được đội một chiếc mũ có hình dạng đặc biệt trong 18 – 20 tiếng mỗi ngày cho đến khi đầu của chúng trở về hình dạng mong muốn. Tuy nhiên, phương pháp này cũng ít được sử dụng.

    Nhiều mẹ bỉm sữa cảm thấy lo lắng và hoang mang khi thấy trẻ sơ sinh xuất hiện bướu huyết thanh trên đầu. Hy vọng bài viết này sẽ giúp bạn cảm thấy nhẹ nhõm và hiểu thêm về tình trạng bướu huyết thanh ở trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, các mẹ cũng đừng chủ quan nhé. Hãy đưa con đến gặp bác sĩ sớm để được theo dõi và kiểm soát những biến chứng nguy hiểm có thể làm ảnh hưởng đến sức khỏe của bé.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Phương Quỳnh · Ngày cập nhật: 18/04/2023

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo