Như mọi lứa tuổi khác, sự phát triển của trẻ 31 tháng tuổi (khoảng 2 tuổi rưỡi) có thể có sự khác nhau giữa mỗi trẻ. Trong giai đoạn này, chắc hẳn bạn sẽ mong đợi con học hỏi được nhiều thứ hơn nhưng bên cạnh đó cũng có thể “đau đầu” vì những vấn đề như trẻ không chịu ngủ hoặc biếng ăn.
Để giúp ba mẹ chuẩn bị tốt mọi thứ và có phương hướng nuôi con đúng đắn, bài viết sau của Hello Bacsi sẽ tổng hợp những thông tin quan trọng về sự phát triển của trẻ 31 tháng bạn cần lưu ý.
Hành vi và phát triển
Bé 31 tháng tuổi phát triển như thế nào?
Mọc răng: Trẻ 31 tháng vẫn đang tiếp tục mọc răng hàm thứ hai và hoàn thiện đầy đủ đến khi trẻ được 6 tuổi.
Tập ngồi bô: Trẻ 31 tháng tuổi có thể đã thành thạo với việc ngồi bô hoặc không. Bạn đừng quá lo lắng mà hãy kiên nhẫn trong việc hướng dẫn bé đi vệ sinh một cách tự lập nhé!
Ngôn ngữ: Trung bình một trẻ 31 tháng tuổi có thể nói được khoảng 100 – 250 từ. Mặc dù bé đã học được rất nhiều từ mới trong giai đoạn này nhưng có một từ mà bé đặc biệt thích dùng đó là “Không!”. Vì sao từ đó lại hấp dẫn bé tới vậy? Con nói “không” vì bé nhận ra sự tự do trong việc thể hiện ý kiến của mình. (Dù cho thi thoảng “không” của bé có thể mang nghĩa là “có”). Đôi khi bé có thể dùng từ “không” để thể hiện sự tức giận, hoặc bé cũng có thể đang chật vật để có thể diễn tả điều mà mình muốn nói. Trong một số trường hợp, bé nói “không” thật to và cương quyết vì bé tin rằng bố mẹ sẽ chú ý, thậm chí còn chiều theo ý bé khi bé dùng từ này.
Mẹ cần làm gì để hỗ trợ cho bé?
Mẹ hãy cho con biết rằng còn nhiều từ khác để dùng hơn là “không” để thể hiện ý kiến. “Trái ngược với không là gì? – “Có”; “Con có thể nói không hoặc có, nhưng mình còn có thể dùng từ “có lẽ””. Ngoài ra mẹ hãy tập cho con phát biểu ý kiến một cách từ tốn và nhỏ nhẹ. Đây là những bước đầu tiên để uốn nắn bé và dạy dỗ bé nên người.
Có thể bạn quan tâm: Bí quyết giúp bé 2 tuổi phát triển ngôn ngữ
Sức khỏe và an toàn
Mẹ nên trao đổi gì với bác sĩ?
Nếu con mắc bệnh tự kỷ hoặc chậm phát triển, các triệu chứng sẽ thể hiện trong thói quen và hành vi thường ngày của bé. Hãy đưa bé đến bác sĩ nếu mẹ nhận thấy các dấu hiệu sau:
- Bé bị thiếu hụt khả năng giao tiếp: bé lặp lại từ nhưng không trò chuyện hoặc phản ứng khi nghe tới tên mình;
- Bé không có khả năng nhìn và hiểu cảm xúc trên gương mặt hay bất kì giao tiếp phi ngôn ngữ nào.
- Bé không nhìn vào mắt người khác khi nói chuyện;
- Bé luôn tránh né phải giao tiếp hoặc đụng chạm cơ thể;
- Bé ít khi thể hiện sự hứng thú với một việc gì đó;
- Bé chơi đồ chơi không đúng cách (ví dụ như xếp đồ chơi nấu ăn thành hàng thay vì giả vờ nấu và ăn chúng);
- Bé phản ứng thờ ơ hoặc thái quá khi đối mặt với những âm thanh hay đụng chạm;
- Bé mất đi khả năng giao tiếp hoặc khả năng dùng ngôn ngữ mà trước đây bé đã thành thạo.
Mẹ nên biết thêm những gì?
Vào tháng thứ 31, bác sĩ sẽ đo các chỉ số sau cho bé:
- Cân nặng của bé để đảm bảo bé đang lớn lên khỏe mạnh;
- Nhịp tim và hơi thở của bé;
- Tai và mắt của bé.
Mối quan tâm của mẹ
Những điều mẹ cần quan tâm?
Nếu mẹ lo lắng bé bị thiếu hụt dinh dưỡng bởi bé không hề ăn rau quả trong chế độ ăn uống hàng ngày, hoặc chỉ ăn một loại thức ăn duy nhất trong nhiều ngày, mẹ có thể cho bé dùng thực phẩm bổ sung.
Lúc hai tuổi, bé có thể trông lúc nào cũng vui vẻ, đáng yêu. Bé nhớ rất nhanh và mẹ thì muốn nhân thời gian này chuẩn bị thật tốt cho bé trước khi vào trường mầm non. Mẹ có biết rằng trẻ ở độ tuổi này cũng có thể bị căng thẳng? Nhiều từ vựng mới, tập đếm, tập vẽ, các hoạt động kích thích trí não khác cũng như bệnh tật có thể làm bé trở nên cáu kỉnh, mệt mỏi và ương bướng. Dù việc phát triển của bé rất quan trọng, mẹ nên dành thời gian để bé tự thoải mái làm những việc mình thích. Những hoạt động này cũng kích thích trí tò mò và sáng tạo của bé, giúp bé phát triển hơn về mặt tinh thần.
[embed-health-tool-vaccination-tool]