Thuốc nhỏ mắt kháng sinh là một loại thuốc điều trị thường được chỉ định trong điều trị viêm kết mạc do vi khuẩn. Hầu hết các trường hợp nhiễm trùng mắt do vi khuẩn đều có thể tự khỏi trong vòng vài ngày. Tuy nhiên, nếu nhiễm trùng nặng hơn và không thể tự khỏi, bác sĩ sẽ chỉ định thuốc nhỏ mắt có kháng sinh.
Vậy, thuốc kháng sinh nhỏ mắt có tác dụng gì? Cách dùng và lưu ý khi sử dụng ra sao? Mời bạn cùng Hello Bacsi tìm hiểu cụ thể trong bài viết này nhé!
Tác dụng thuốc nhỏ mắt kháng sinh là gì?
Thuốc nhỏ mắt kháng sinh được bác sĩ kê đơn để điều trị các tình trạng nhiễm trùng mắt do vi khuẩn gây ra, chẳng hạn như viêm kết mạc, viêm loét giác mạc, kháng sinh điều trị lẹo mắt và viêm bờ mi.
Kháng sinh nhỏ mắt có tác dụng giúp tiêu diệt vi khuẩn xâm nhập vào mắt và gây nhiễm trùng, cải thiện nhanh tình trạng nhiễm trùng mắt trong vòng một tuần, giảm biến chứng và giảm nguy cơ lây lan sang người khác.
Tuy nhiên, thuốc sẽ không có tác dụng đối với các loại nhiễm trùng mắt do virus hoặc dị ứng khác ở mắt, như: viêm kết mạc do virus, viêm kết mạc dị ứng, viêm kết mạc/giác mạc mắt do đeo kính áp tròng.
Thành phần trong các loại thuốc nhỏ mắt kháng sinh được sử dụng phổ biến hiện nay có thể bao gồm: natri sulfacetamide, ciprofloxacin, gatifloxacin, polymyxin B, levofloxacin, chloramphenicol, tobramycin, ofloxacin, neomycin sulfat, moxifloxacin…
Ai nên dùng thuốc nhỏ mắt kháng sinh?
Bác sĩ sẽ chỉ định bạn dùng thuốc nhỏ mắt kháng sinh nếu xuất hiện các triệu chứng của nhiễm trùng mắt do vi khuẩn bao gồm:
- Chảy nước mắt nhiều
- Mắt sưng, đỏ và đau
- Cảm thấy như có vật lạ trong mắt
- Nhạy cảm với ánh sáng
- Tiết dịch mủ màu vàng xanh.
Một số trường hợp nhiễm trùng nhẹ, bệnh thường có thể tự khỏi nhưng bạn nên dùng thuốc nhỏ mắt kháng sinh nếu:
- Các triệu chứng nhiễm trùng mắt do vi khuẩn rất nghiêm trọng.
- Hệ thống miễn dịch suy yếu
- Khi nghi ngờ bệnh do một loại vi khuẩn đặc biệt gây ra
- Tình trạng nhiễm trùng không thuyên giảm sau một tuần mà không điều trị.
Cách dùng
Khi dùng thuốc nhỏ mắt kháng sinh, bạn thực hiện theo các bước sau:
- Rửa tay thật sạch bằng xà phòng và nước trước khi nhỏ mắt
- Hạn chế chạm đầu lọ thuốc nhỏ mắt vào mắt để tránh nhiễm khuẩn ngược
- Đầu hơi ngửa về phía sau để dễ nhỏ thuốc vào mắt, tránh thuốc bị chảy ra ngoài
- Giữ lọ thuốc càng gần mắt càng tốt mà không chạm vào mắt
- Trong khi ngước mắt nhìn lên, tay bóp nhẹ lọ thuốc để một giọt thuốc rơi vào mắt
- Nhắm mắt trong 2 – 3 phút và lau sạch thuốc dư bằng khăn giấy
- Nếu được chỉ định phải nhỏ nhiều hơn một giọt cho cùng một mắt, hãy đợi ít nhất 5 phút trước khi nhỏ giọt tiếp theo
- Thực hiện nhỏ đúng liều lượng thuốc nhỏ mắt có kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ
- Đóng nắp lọ thuốc nhỏ mắt lại, không lau hoặc rửa đầu lọ để tránh làm lây lan vi khuẩn.
Trong khi điều trị bằng thuốc nhỏ mắt kháng sinh, bạn nên:
- Chỉ sử dụng thuốc khi có chỉ định của bác sĩ nhãn khoa
- Tuân thủ theo hướng dẫn sử dụng về liều lượng, cũng như thời gian dùng thuốc
- Không sử dụng thuốc nhiều hơn hoặc ít hơn so với chỉ định
- Không tự ý ngưng dùng thuốc mà không hỏi ý kiến bác sĩ
- Thực hiện theo những hướng dẫn chung để sử dụng thuốc nhỏ mắt an toàn và hiệu quả
- Không sử dụng đơn thuốc của bất kỳ ai khác
- Không dùng thuốc đã quá hạn sử dụng.
Tác dụng phụ
Thuốc nhỏ mắt kháng sinh có thể gây mờ mắt tạm thời, tạo cảm giác ngứa, châm chích, bỏng rát, sưng tấy và mẩn đỏ. Chúng có thể khiến mắt tiết dịch nhiều hơn và gây ra phản ứng dị ứng ở một số người. Hãy liên hệ ngay với bác sĩ nếu bạn gặp phải tác dụng phụ nghiêm trọng khi dùng thuốc.
Khi nào nên đến gặp bác sĩ?
Nếu nghĩ rằng bạn bị bất kỳ loại nhiễm trùng mắt nào, hãy đi khám. Bác sĩ có thể thăm khám và xem xét liệu bạn có cần dùng thuốc nhỏ mắt kháng sinh hoặc tiến hành phương pháp điều trị khác hay không. Thuốc thường giúp cải thiện các triệu chứng sau 3 ngày. Hãy thăm khám với bác sĩ ngay lập tức nếu các triệu chứng không được cải thiện sau thời gian dùng thuốc.
Hy vọng thông qua bài viết này đã giúp bạn hiểu rõ hơn về thuốc nhỏ mắt kháng sinh, cách dùng và những lưu ý khi sử dụng. Hãy bảo vệ sức khỏe đôi mắt ngay từ hôm nay bằng những thói quen lành mạnh để tránh nhiễm trùng nhé!