Mổ mắt cận thị là một phương pháp điều trị phổ biến cho tật cận thị. Mục tiêu khi mổ mắt cận là giúp cải thiện thị lực, đồng thời giảm hoặc thậm chí chấm dứt nhu cầu đeo kính mắt hoặc kính áp tròng. Mời bạn cùng tìm hiểu rõ hơn về phương pháp điều trị này trong bài viết ngay sau đây nhé!
Tìm hiểu chung
Mổ mắt cận thị là gì?
Mổ mắt cận thị là phương pháp định hình lại độ cong của giác mạc (mô trong suốt hình vòm ở phía trước mắt) nhằm mục đích cải thiện thị lực tốt hơn và giảm nhu cầu đeo kính cho người cận thị. Mổ cận thường sử dụng tia laser, các dao mổ chuyên dụng hoặc sóng vô tuyến tần số thấp.
Bạn có thể quan tâm: Giảm cận thị 1-2 độ không cần phẫu thuật bằng cách nào?
Khi nào cần thực hiện mổ mắt cận thị?
Cận thị là một tật khúc xạ phổ biến ảnh hưởng đến thị lực. Người bị cận sẽ nhìn các vật ở gần thì rõ ràng, nhưng các vật ở xa hơn thì trông rất mờ. Nguyên nhân là do độ khúc xạ của mắt quá lớn hoặc trục nhãn cầu của mắt quá dài khiến cho các tia sáng hội tụ ở phía trước võng mạc thay vì phải hội tụ chính xác trên võng mạc.
Cận thị có thể tự giới hạn hoặc tiến triển rất nhanh, làm thị lực giảm sút nhiều, đồng thời làm võng mạc bị dãn mỏng dễ dẫn tới nguy cơ thoái hóa hắc võng mạc, rách võng mạc, thậm chí gây bong võng mạc dẫn tới mù lòa. Mổ mắt cận thị sẽ được thực hiện để điều chỉnh độ cong của giác mạc, nhằm giúp cho ánh sáng hội tụ chính xác trên võng mạc, cải thiện thị lực càng nhiều càng tốt.
Nhìn chung, mổ mắt cận thị thường được lựa chọn khi:
- Bạn bị cận thị <-10.0D, giác mạc đủ dày, không biến dạng
- Độ cận đã ổn định hoặc thay đổi không quá 0.25D-0.50D trong vòng 6 tháng trước phẫu thuật
- Không thể đeo kính áp tròng và không muốn đeo kính vì lý do thẩm mỹ
- Tham gia vào công việc hàng ngày hoặc các hoạt động thể thao mà không cần đeo kính hoặc kính áp tròng.
Bạn nên hỏi bác sĩ mắt cận bao nhiêu độ thì mổ được và tiến hành kiểm tra mắt để xem mình có đủ điều kiện để mổ hay không.
Bạn có thể quan tâm: Liệu bạn có đủ điều kiện thực hiện mổ cận thị?
Thận trọng
Những điều bạn cần biết trước khi mổ mắt cận thị
Tính đến hiện nay, mổ mắt cận thị LASIK là loại phẫu thuật được sử dụng phổ biến nhất, bởi vì nó ít đau và khó chịu sau phẫu thuật, quá trình phục hồi thị lực chỉ cần 1 – 2 ngày. Ngoài ra, còn có các loại phẫu thuật khác như LASEK, cắt lớp sừng quang học PRK, SMILE,…
Như đã trao đổi ở trên, mổ cận thị không phù hợp cho tất cả mọi người. Vì vậy, trước khi quyết định thực hiện, bạn nên thăm khám và trao đổi với bác sĩ nhãn khoa về lợi ích và rủi ro để lựa chọn được loại phẫu thuật phù hợp.
Bên cạnh đó, bạn cũng nên lưu ý rằng mức độ thành công của cuộc phẫu thuật sẽ phụ thuộc vào mức độ cận thị, tuổi tác và tình trạng sức khỏe tổng thể. Những người bị cận thị nhẹ có khả năng cao phục hồi thị lực hoàn toàn so với những người có độ cận thị nặng. Trong nhiều trường hợp, ngay cả sau khi phẫu thuật, bạn vẫn cần phải sử dụng kính cận đeo mắt.
Các biến chứng có thể xảy ra khi mổ mắt cận thị
Nhiều người bị cận lo lắng về các tác hại của việc mổ mắt cận thị. Các biến chứng có thể xảy ra bao gồm:
- Khô mắt
- Tầm nhìn được điều chỉnh quá mức hoặc chưa được điều chỉnh như mong muốn
- Đau mắt có thể kéo dài trong vài tuần
- Sương mù giác mạc nhẹ ngay sau khi phẫu thuật
- Loạn thị không đều
- Ánh sáng chói, quầng sáng và nhìn đôi
- Giác mạc bị mỏng hoặc vỡ
- Thay đổi thị lực trong vài tháng đầu tiên
- Nhạy cảm với ánh sáng
- Không thể đeo kính áp tròng
- Sẹo giác mạc
- Nhiễm trùng
- Đục thủy tinh thể
- Tái cận thị
- Nhìn mờ
- Mất thị lực (hiếm gặp).
Trường hợp gặp phải biến chứng dẫn đến mất thị lực là rất hiếm và hầu hết mọi người đều hài lòng với kết quả sau phẫu thuật. Một số tác dụng phụ, đặc biệt là khô mắt và rối loạn thị giác tạm thời (như nhạy cảm với ánh sáng) là khá phổ biến nhưng sẽ hết sau vài tuần hoặc vài tháng.
Quy trình
Chuẩn bị trước khi mổ mắt cận thị
Hầu hết các ca mổ mắt cận thị đều là ngoại trú. Bệnh nhân có thể về nhà ngay trong ngày mà không phải ở lại bệnh viện qua đêm. Trước khi phẫu thuật, bạn nên:
- Sắp xếp để có người đưa đến bệnh viện và đón về sau khi phẫu thuật
- Không đeo kính áp tròng trước khi phẫu thuật để ngăn kính áp tròng ảnh hưởng đến hình dạng của giác mạc
- Không trang điểm mắt trong 2 ngày trước khi phẫu thuật.
Quá trình mổ mắt cận thị diễn ra như thế nào?
Hầu hết các ca mổ mắt cận thị kéo dài dưới 1 giờ. Bạn có thể được hướng dẫn dùng thuốc an thần nhẹ ngay trước khi làm phẫu thuật. Sau khi bạn nằm thoải mái trên bàn mổ, mắt thường được làm tê bằng thuốc nhỏ mắt. Bạn có thể tỉnh táo trong suốt quá trình phẫu thuật. Mắt của bạn có thể được mở bằng mỏ vịt. Đây là một thiết bị giống như lò xo được đặt giữa mí mắt.
Quy trình thực hiện tùy thuộc vào loại phẫu thuật được chỉ định, cụ thể như sau:
- Phẫu thuật LASIK. Trong quy trình này, bác sĩ phẫu thuật mắt sẽ tạo một vạt mỏng ở giữa giác mạc. Sau đó, sử dụng tia laser excimer để định hình lại mô giác mạc bên trong, sau đó thả vạt mỏng lại vị trí cũ. Phục hồi sau phẫu thuật LASIK thường nhanh hơn và ít gây khó chịu hơn so với các loại phẫu thuật giác mạc khác.
- Phẫu thuật LASEK. Bác sĩ phẫu thuật sẽ tạo một vạt siêu mỏng chỉ ở lớp ngoài cùng của giác mạc (lớp biểu mô). Sau đó, họ sử dụng tia laser để định hình lại giác mạc, làm phẳng đường cong của nó, và sau đó thay thế lớp biểu mô. Phương pháp này áp dụng cho những trường hợp giác mạc mỏng, chống chỉ định Lasik.
- Phẫu thuật cắt lớp sừng quang học (PRK). Quy trình của loại phẫu thuật này tương tự như LASEK, tuy nhiên, bác sĩ phẫu thuật sẽ loại bỏ hoàn toàn lớp biểu mô, sau đó, sử dụng tia laser để định hình lại giác mạc. Tiếp theo, bác sĩ sử dụng một kính áp tròng tạm thời để bao phủ giác mạc cho đến khi biểu mô phát triển trở lại một cách tự nhiên, phù hợp với hình dạng mới của giác mạc.
- Phẫu thuật bằng đường rạch nhỏ (SMILE). Đây là một loại mổ mắt cận thị mới và tiên tiến nhất hiện nay. Bác sĩ sẽ dùng tia laser để tạo ra một mô nhỏ hình thấu kính (hạt đậu) bên dưới bề mặt giác mạc thông qua một vết rạch nhỏ ở rìa giác mạc. Hạt đậu này sẽ được đưa ra ngoài, qua đó tạo hình lại cho giác mạc.
Điều gì xảy ra sau khi mổ mắt cận thị?
Bạn sẽ được bác sĩ hướng dẫn chăm sóc mắt sau khi mổ, chúng có thể bao gồm:
- Nghỉ ngơi hoàn toàn và hạn chế sử dụng các thiết bị điện tử trong 24 giờ đầu tiên sau mổ
- Sử dụng thuốc kháng sinh và thuốc chống viêm theo chỉ định của bác sĩ trong thời gian đầu sau khi phẫu thuật
- Sử dụng kính bảo vệ mắt trong vài ngày sau khi phẫu thuật để ngăn ngừa tổn thương, chấn thương mắt
- Không dụi mắt.
Ngoài ra, bác sĩ có thể được chỉ định uống thuốc giảm đau hoặc thuốc nhỏ mắt để giảm bớt sự khó chịu và ngăn ngừa những tình trạng sau đây:
- Đau mắt
- Nhạy cảm với ánh sáng
- Mờ mắt
- Khó chịu nhẹ ở mắt
- Khô mắt.
Phục hồi
Phục hồi sau khi mổ mắt cận thị
Thời gian hồi phục sau phẫu thuật thay đổi tùy theo từng loại phẫu thuật và tình hình sức khỏe mắt của người bệnh. Quá trình hồi phục hoàn toàn có thể mất vài ngày, vài tuần hoặc vài tháng.
Các bước bạn nên thực hiện sau khi mổ mắt cận thị để tăng cường sức khỏe mắt và bảo vệ thị lực bao gồm:
- Tái khám định kỳ
- Đeo kính râm để bảo vệ đôi mắt khỏi ánh nắng mặt trời
- Đeo kính bảo vệ mắt khi chơi thể thao và hạn chế chấn thương mắt
- Đeo kính theo chỉ dẫn của bác sĩ nếu cần
- Đảm bảo đủ ánh sáng khi đọc sách và làm việc
- Cho mắt nghỉ ngơi khi làm việc trước máy tính, laptop hoặc các thiết bị điện tử khác sau mỗi 20 phút bằng cách nhìn vào vật gì đó cách xa trong 20 giây.
- Tăng cường vitamin A và các thực phẩm giúp tăng cường sức khỏe cho đôi mắt
- Tập thể dục thường xuyên
- Kiểm soát tình trạng sức khỏe, chẳng hạn như huyết áp cao hoặc tiểu đường có thể ảnh hưởng đến thị lực
- Bỏ hút thuốc.
Mổ mắt cận thị bao nhiêu tiền? Chi phí mổ mắt cận thị 2022 sẽ khác nhau tùy thuộc vào loại phẫu thuật được chỉ định và nơi bạn chọn để phẫu thuật. Hãy tìm hiểu và thăm khám thật kỹ trước khi quyết định nhé!