backup og meta

Kính áp tròng cận giá bao nhiêu và có thay cho kính cận được không?

Kính áp tròng cận giá bao nhiêu và có thay cho kính cận được không?

Kính áp tròng cận là loại kính được làm từ chất liệu đặc biệt, giúp bạn có thể đeo kính trực tiếp vào mắt mà không cần có gọng kính như các loại kính cận truyền thống. Vậy, kính áp tròng cận giá bao nhiêu và có nên đeo thay kính cận hay không? Cùng Hello Bacsi đi tìm hiểu rõ hơn trong bài viết này nhé!

Kính áp tròng cận là gì?

Kính áp tròng cận là những miếng nhựa mỏng, trong suốt mà bạn đeo vào mắt để cải thiện thị lực. Đây là một sự lựa chọn tối ưu hơn, thường dùng phổ biến nhất là thay thế cho kính cận thông thường. Khi đeo, kính sẽ nằm trên bề mặt phía trước của mắt (giác mạc) giúp khắc phục các vấn đề về thị lực do cận thị gây ra.

Đặc biệt, kính áp tròng mềm dùng một lần được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA Hoa Kỳ) xác nhận là có thể làm chậm tiến triển tình trạng cận thị ở trẻ em, đặc biệt là ở trẻ trong độ tuổi từ 8 đến 12 tuổi.

kính áp tròng cận là gì

So với loại kính cận có gọng truyền thống, kính áp tròng cận sở hữu một số ưu điểm sau đây:

  • Phù hợp cho mọi đối tượng từ trẻ em, thanh thiếu niên, người có độ cận cao, người có hình dạng mắt không đều.
  • Thiết kế vừa vặn, ôm sát và di chuyển cùng với mắt, giúp điều chỉnh tầm nhìn tự nhiên và tốt hơn.
  • Không có gọng kính cản trở tầm nhìn, ít cồng kềnh và ít bị rơi ra khỏi mắt, giúp giảm đáng kể hiện tượng nhìn bị méo hình.
  • Không bị mờ hoặc bị bùn hay nước mưa bắn tung tóe lên bề mặt kính khi bạn hoạt động ngoài trời.
  • Giảm cản trở khi bạn chơi thể thao và các hoạt động thể chất khác.
  • Tăng vẻ đẹp về ngoại hình và sự tự tin cho người đeo.

Phân loại

Hiện nay, trên thị trường, kính áp tròng cận có nhiều loại khác nhau cho người dùng có thể thoải mái lựa chọn tùy theo độ cận, cũng như nhu cầu và mục đích sử dụng. Cụ thể như sau:

Kính áp tròng cứng

Loại kính áp tròng cứng phổ biến nhất là thấu kính thấm khí cứng (RGP). Loại kính áp tròng cận loạn này thường được làm từ nhựa kết hợp với các vật liệu khác. Nó còn phù hợp cho những người bị loạn thịgiác mạc hình chóp.

Kính có độ bền cao, tuổi thọ có thể kéo dài đến vài năm. Tuy nhiên, bác sĩ nhãn khoa vẫn khuyến khích nên thay thế kính định kỳ để tránh các biến chứng có thể xảy ra theo thời gian.

Kính Ortho-K (Orthokeratology) là một loại kính áp tròng cứng đặc biệt được chỉ định đeo qua đêm trong khi ngủ (ít nhất 8 giờ mỗi đêm) giúp nhẹ nhàng thay đổi độ cong của giác mạc để điều chỉnh thị lực tạm thời. Loại kính này chủ yếu được dùng để điều chỉnh cận thị, tuy nhiên, hiệu quả điều chỉnh thị lực có thể biến mất khi bạn ngừng đeo. Bạn cần đeo kính mỗi đêm hoặc theo lịch trình mà bác sĩ nhãn khoa chỉ định để duy trì hiệu quả.

Kính áp tròng mềm

kính áp tròng cận mềm

Hầu hết mọi người thường ưu tiên chọn đeo kính áp tròng mềm bởi khi đeo sẽ tạo cảm giác mỏng nhẹ, thoải mái và dễ chịu. Các loại kính áp tròng mềm bao gồm:

  • Kính áp tròng hàng ngày. Bạn đeo loại kính này khi thức dậy và tháo ra khi đi ngủ. Kính áp tròng cận đeo hàng ngày thường chỉ được dùng một lần và cần phải thay mới mỗi ngày. Một số loại có hạn sử dụng dài hơn, từ một tuần, hai tuần hoặc mỗi tháng một lần tùy vào nhu cầu sử dụng. Bác sĩ nhãn khoa khuyên chỉ nên dùng loại kính này trong các dịp đặc biệt như: đi tiệc, chụp ảnh, sự kiện, cưới hỏi…
  • Kính áp tròng kéo dài. Bạn có thể đeo kính luôn khi ngủ, đeo qua đêm liên tục từ một đến 6 đêm và tối đa trong 30 ngày. Tuy nhiên, bạn cần tháo kính ra để làm sạch định kỳ ít nhất một lần một tuần. Bác sĩ nhãn khoa không khuyên dùng kính áp tròng đeo qua đêm vì sẽ làm tăng khả năng nhiễm trùng mắt nghiêm trọng.
  • Kính áp tròng toric. Loại kính áp tròng cận loạn này có thể điều chỉnh thị lực cho những người bị loạn thị, mặc dù không tốt bằng kính áp tròng cứng. Loại kính này có thể được đeo hàng ngày hoặc đeo qua đêm.
  • Kính áp tròng màu. Kính áp tròng cận điều chỉnh thị lực có thể được nhuộm màu để thay đổi màu mắt và tăng tính thẩm mỹ.

Có nên đeo kính áp tròng thay kính cận không?

FDA Hoa Kỳ phân loại tất cả các loại kính áp tròng là thiết bị y tế, cho dù chúng có tác dụng điều chỉnh thị lực hay chỉ được sử dụng cho mục đích thẩm mỹ như thay đổi màu mắt. Vì vậy, kính áp tròng cận không phải là một phụ kiện thời trang thông thường. Đây là một thiết bị y tế cần có đơn thuốc từ bác sĩ nhãn khoa để đảm bảo an toàn khi sử dụng.

Việc đeo kính áp tròng cận không theo chỉ định của bác sĩ, đeo quá lâu, đeo kính có độ không phù hợp có thể gây ra vết cắt, vết xước, vết loét hở và tổn thương giác mạc, tăng nguy cơ nhiễm trùng mắt. Ngoài ra, nếu không vệ sinh và bảo quản kính không đúng cách thì cũng có thể dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng khác về mắt, chẳng hạn sưng và đau mắt dữ dội. Trong những trường hợp nghiêm trọng, bạn có thể cần phải phẫu thuật ghép giác mạc để điều trị, thậm chí là bị mù lòa.

Vì vậy, muốn sử dụng kính áp tròng cận thường xuyên thì hãy hỏi bác sĩ nhãn khoa là bạn có nên đeo kính áp tròng thay kính cận không để nhận được lời khuyên phù hợp.

Những lưu ý khi sử dụng kính áp tròng

lưu ý khi dùng kính áp tròng cận

  • Tất cả kính áp tròng, ngoại trừ kính áp tròng mềm dùng một lần, đều cần phải được làm sạch và sau đó bảo quản bằng dung dịch ngâm kính áp tròng mới trong hộp đựng.
  • Làm sạch và khử trùng bất kỳ kính áp tròng nào mà bạn lấy ra khỏi mắt trước khi đeo lại vào mắt.
  • Hãy làm theo hướng dẫn của bác sĩ nhãn khoa, nhà sản xuất để làm sạch và bảo quản kính đúng cách.
  • Nếu bạn cất giữ kính trong hộp đựng trong một thời gian dài, hãy đọc hướng dẫn để biết liệu bạn có nên khử trùng lại trước khi đeo hay không.
  • Không bao giờ đeo nếu kính đã được cất giữ trong 30 ngày hoặc lâu hơn mà không khử trùng lại.
  • Kính áp tròng dùng một lần thì cần vứt bỏ ngay sau khi sử dụng, các loại còn lại đều có thời hạn sử dụng nhất đinh, bạn cần phải tuân thủ để tránh gây hại cho mắt.
  • Kính áp tròng có thể cong vênh theo thời gian và giác mạc của bạn cũng sẽ thay đổi hình dạng. Để đảm bảo kính vừa vặn và có độ cận phù hợp, hãy khám mắt định kỳ với bác sĩ nhãn khoa.
  • Không tắm, bơi, sử dụng bồn tắm hoặc làm bất cứ điều gì có thể khiến nước rơi vào mắt khi đang đeo kính áp tròng.
  • Không đeo kính áp tròng hàng ngày khi ngủ.
  • Tránh sử dụng bất kỳ loại thuốc nhỏ mắt nào khi đang đeo kính áp tròng. Tuy nhiên, bạn có thể sử dụng nước mắt nhân tạo theo chỉ định của bác sĩ nhãn khoa.
  • Tháo kính áp tròng và gọi ngay cho bác sĩ nhãn khoa nếu mắt đỏ, đau, mờ, chảy nước mắt, chảy dịch hoặc mủ hoặc nhạy cảm với ánh sáng. Đây có thể là những triệu chứng cảnh báo các vấn đề nghiêm trọng về mắt.

Kính áp tròng cận giá bao nhiêu?

Bạn có thể thắc mắc kính áp tròng cận giá bao nhiêu và đắn đo trước khi quyết định sử dụng loại kính này thay thế cho kính gọng truyền thống. Giá kính áp tròng cận sẽ rơi vào khoảng 150.000 VNĐ đến 2.000.000 VNĐ/cặp kính. Giá cả có sự chênh lệch cao như vậy vì còn tùy thuộc vào các yếu tố sau đây:

  • Loại kính áp tròng: Kính áp tròng toric thường có giá cao hơn các loại kính áp tròng mềm khác. Kính áp tròng mềm cũng sẽ có giá cao hơn kính áp tròng cứng. Bên cạnh đó, với loại kính Ortho-K đặc biệt thì giá có thể lên đến 15.000.000 VNĐ đến 25.000.000 VNĐ/cặp kính
  • Thương hiệu: Hiện nay, một số nhãn hiệu kính áp tròng uy tín như Caras, Doll Eyes hay SEED,…là nơi mà bạn có thể tin tưởng mua sản phẩm. Không nên mua loại kính trôi nổi, giá rẻ, không rõ nguồn gốc, xuất xử bởi đeo kính chất lượng kém trong thời gian dài sẽ ảnh hưởng thị lực, thậm chí gây mù lòa.
  • Các phụ kiện đi kèm với kính: Để sử dụng kính áp tròng an toàn, bạn sẽ cần tốn thêm chi phí để mua thêm các phụ kiện cần thiết như dung dịch vệ sinh kính, dung dịch ngâm kính, hộp đựng, dụng cụ tháo/đeo kính hoặc thuốc nhỏ mắt…
  • Chi phí đo và khám mắt: Bạn sẽ cần đến cơ sở y tế, thăm khám với bác sĩ để được khám mắt toàn diện, kiểm tra thị lực, thử xem kính áp tròng lên mắt có phù hợp không, cũng như được hướng dẫn về cách đeo và làm sạch kính áp tròng đúng cách. Chi phí thăm khám và giá kính áp tròng cận sẽ tùy vào nơi thăm khám, bác sĩ nhãn khoa và chất lượng dịch vụ tại đó.

Hi vọng bài viết này đã cung cấp đến bạn một số thông tin hữu ích. Kính áp tròng cận là dòng sản phẩm được dùng với mục đích điều chỉnh tật khúc xạ thì cách lựa chọn và cách dùng nên cẩn thận hơn so với những loại kính áp tròng thông thường khác. Vì vậy, tốt nhất bạn nên tuân thủ theo chỉ định từ bác sĩ nhãn khoa.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Contact Lenses for Vision Correction. https://www.aao.org/eye-health/glasses-contacts/contact-lens-102. Ngày truy cập: 23/06/2023

How to Take Care of Contact Lenses. https://www.aao.org/eye-health/glasses-contacts/contact-lens-care. Ngày truy cập: 23/06/2023

Eye Infections From Contact Lenses. https://www.aao.org/eye-health/diseases/contact-lens-related-eye-infections. Ngày truy cập: 23/06/2023

Types of Contact Lenses. https://www.fda.gov/medical-devices/contact-lenses/types-contact-lenses. Ngày truy cập: 23/06/2023

Contact Lens Types. https://www.cdc.gov/contactlenses/contact-lens-types.html. Ngày truy cập: 23/06/2023

FDA approves first contact lens indicated to slow the progression of nearsightedness in children. https://www.fda.gov/news-events/press-announcements/fda-approves-first-contact-lens-indicated-slow-progression-nearsightedness-children. Ngày truy cập: 23/06/2023

All about contact lenses. https://www.mykidsvision.org/knowledge-centre/all-about-contact-lenses. Ngày truy cập: 23/06/2023

Phiên bản hiện tại

03/07/2023

Tác giả: Trúc Phạm

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Trúc Phạm


Bài viết liên quan

Tìm hiểu về các loại kính áp tròng - Ưu và nhược điểm

Trẻ em có nên mang kính áp tròng hay không?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Trúc Phạm · Ngày cập nhật: 03/07/2023

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo