backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Tìm hiểu về các loại kính áp tròng - Ưu và nhược điểm

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Trúc Phạm · Ngày cập nhật: 30/05/2022

    Tìm hiểu về các loại kính áp tròng - Ưu và nhược điểm

    Bạn thường tự hỏi loại kính áp tròng nào tốt nhất cho vấn đề thị lực, phù hợp với nhu cầu sử dụng và khả năng tài chính của bản thân? Hello Bacsi sẽ cùng bạn đi tìm hiểu, so sánh ưu và nhược điểm của các loại kính áp tròng cụ thể để giúp bạn lựa chọn được loại kính phù hợp nhất nhé!

    Kính áp tròng trên thị trường hiện nay vô cùng đa dạng và phong phú. Hiểu rõ ưu và nhược điểm của các loại kính áp tròng phổ biến sẽ giúp bạn chọn lựa được loại kính phù hợp giúp ngăn ngừa nhiễm trùng mắt. Mời bạn cùng Hello Bacsi tìm hiểu trong bài viết này nhé!

    Phân loại các loại kính áp tròng theo chất liệu

    1. Kính áp tròng mềm

    Kính áp tròng mềm là loại kính áp tròng được kê đơn phổ biến nhất. Chúng có thể được sử dụng để điều chỉnh tất cả các vấn đề về thị lực, bao gồm cận thị, viễn thị, loạn thị hay lão thị.

    Kính áp tròng mềm được làm bằng chất dẻo silicone hydrogel nên cho phép nhiều oxy hơn đến giác mạc, tạo sự thoải mái khi đeo. Người dùng cũng dễ làm quen với loại kính này hơn so với kính áp tròng cứng. Chúng tương thích với hầu hết những ai muốn đeo kính áp tròng vì thiết kế và chất liệu dễ thích ứng. Kính áp tròng mềm là lựa chọn phù hợp để đeo trong nhiều giờ mà không gây khó chịu khi đeo.

    các loại kính áp tròng theo chất liệu

    2. Kính áp tròng cứng

    Kính áp tròng cứng có ưu điểm là mang lại tầm nhìn rõ ràng, sắc nét, giúp điều chỉnh hầu hết các vấn đề về thị lực. Loại kính áp tròng cận này có thể mang lại thị lực tốt hơn cho những người có độ cận cao hoặc loạn thị, những bệnh nhân mắc các bệnh về mắt như giác mạc hình chóp.

    Loại kính này có thể được dùng trong một tuần hoặc thậm chí 30 ngày, giúp tiết kiệm chi phí vì độ bền tốt hơn và tuổi thọ tương đối cao so với kính áp tròng mềm. Chúng dễ sử dụng, thuận tiện cho việc khử trùng và làm sạch hàng đêm bởi kính rất ít bị rách nhờ chất liệu bền bỉ.

    Nhược điểm của loại kính áp tròng này là nó hơi cứng hơn so với kính áp tròng mềm. Bạn có thể mất đến vài ngày hoặc thậm chí vài tuần để thích nghi với kính, đặc biệt là đối với những người lần đầu dùng kính áp tròng. Kính có thể trượt ra khỏi tầm mắt dễ dàng hơn các loại khác, cũng như yêu cầu quá trình làm sạch và khử trùng phức tạp hơn so với kính áp tròng mềm.

    Phân loại các loại kính áp tròng theo thời gian sử dụng

    1. Kính áp tròng đeo qua đêm

    Kính áp tròng đeo qua đêm có thể được sử dụng liên tục từ 1 đến 6 ngày hoặc lên đến 30 ngày kể cả khi ngủ, sau đó bỏ đi. Kính áp tròng đeo qua đêm thường là kính áp tròng mềm. Rất ít loại kính áp tròng cứng được thiết kế để đeo qua đêm. 

    Thời gian đeo liên tục trong bao lâu tùy thuộc vào loại thấu kính và đánh giá của bác sĩ nhãn khoa về khả năng đeo qua đêm. Điều quan trọng là mắt phải được nghỉ ngơi mà không có kính trong ít nhất một đêm sau mỗi lần tháo kính theo lịch trình.

    Ưu điểm là không cần phải làm sạch và khử trùng thường xuyên, dễ dàng sử dụng mà không cần phải tháo ra. Tuy nhiên, các loại kính áp tròng này có thể không giúp điều chỉnh tất cả các vấn đề thị lực, làm tăng nguy cơ gây ra các biến chứng, chẳng hạn như sự tích tụ các mảnh vụn dưới ống kính của mắt, các vấn đề về giác mạc hoặc nhiễm trùng mắt nghiêm trọng.

    2. Kính áp tròng dùng một lần và được thay thế định kỳ

    các loại kính áp tròng dùng một lần

    Các loại kính áp tròng dùng một lần và được thay thế định kỳ có thể bao gồm: kính áp tròng dùng một lần và thay hàng ngày, thay mỗi tuần, thay hàng tháng, hàng quý hoặc thậm chí là hàng năm.

    Loại kính áp tròng này được thiết kế chỉ để sử dụng vào ban ngày. Chúng không được thiết kế để đeo qua đêm. Thông thường, bạn cần tháo kính này mỗi đêm để làm sạch và khử trùng. Nếu chúng là kính áp tròng dùng một lần và thay hàng ngày, bạn có thể đeo chúng trong một ngày, sau đó, loại bỏ cặp kính cũ và sử dụng một cặp mới vào ngày hôm sau.

    Ưu điểm là dễ dàng làm sạch và khử trùng, giảm nguy cơ nhiễm trùng mắt. Tuy nhiên, nếu ngủ trong khi đeo kính áp tròng loại này có thể làm tăng nguy cơ bị nhiễm trùng mắt nghiêm trọng. Ngoài ra, việc đeo kính áp tròng dùng một lần quá lâu mà không thay thế theo chỉ định của bác sĩ có thể gây khó chịu cho mắt hoặc các biến chứng khác.

    Các loại kính áp tròng chuyên dụng

    Ngoài các loại kính áp tròng giúp điều chỉnh thị lực đã đề cập ở trên, trên thị trường hiện nay, có những loại kính áp tròng chuyên dụng giúp cải thiện màu mắt, điều chỉnh các vấn đề về thị lực đặc biệt hoặc thậm chí điều trị các bệnh về mắt. Tùy thuộc vào nhu cầu và vấn đề thị lực, bạn có thể cân nhắc các loại kính áp tròng chuyên dụng sau đây:

    • Kính áp tròng kết hợp. Loại kính này sử dụng phần bên trong của kính áp tròng cứng nhưng được bao quanh bên ngoài bởi chất liệu của kính áp tròng mềm. Loại kính này mang đến sự thoải mái và tầm nhìn rõ ràng hơn. Loại kính này ngoài giúp điều chỉnh các tật khúc xạ thông thường còn rất phù hợp với những người có giác mạc không đều.
    • Orthokeratology (Ortho-K). Đây là một loại kính áp tròng cứng đặc biệt để giúp định hình lại hình dạng của giác mạc. Kính áp tròng này giúp tạm thời điều chỉnh thị lực và chủ yếu được sử dụng cho những bệnh nhân bị cận thị. Bệnh nhân sẽ đeo kính khi ngủ để điều chỉnh thị lực và tháo ra khi thức dậy.
    • Kính áp tròng Scleral. Đây là một loại kính áp tròng cứng có kích thước lớn. Kính sẽ nằm trên màng cứng (phần lòng trắng của mắt) chứ không phải giác mạc. Kính được sử dụng để điều chỉnh thị lực cho những bệnh nhân có giác mạc không đều hoặc bị tổn thương, hay khô mắt nghiêm trọng.
    • Kính áp tròng đa tiêu cự. Loại kính này có thể được làm bằng nhiều chất liệu khác nhau và có tác dụng giúp điều chỉnh cận thị, viễn thị và lão thị cùng một lúc.
    • Kính áp tròng pha màu. Kính áp tròng có thể được nhuộm màu cho mục đích thẩm mỹ hoặc điều trị. Ví dụ, pha màu có thể nâng cao khả năng nhận biết màu sắc và cải thiện chứng mù màu.

    các loại kính áp tròng và lưu ý khi lựa chọn

    Một số lưu ý trong cách chọn kính áp tròng tốt nhất

    Trước khi mua kính áp tròng, hãy đến gặp bác sĩ nhãn khoa để được kiểm tra mắt kỹ lưỡng và đưa ra đơn thuốc kính. Bạn có thể cần tái khám sau một tuần, một tháng hoặc 6 tháng, sau đó mỗi năm hoặc 2 năm một lần. Tất cả các loại kính áp tròng tốt nhất hiện nay đều cần có đơn thuốc của bác sĩ.

    Tránh việc sử dụng kính áp tròng không kê đơn. Loại kính này có thể không phù hợp với tình trạng mắt, gây chấn thương và nhiễm trùng mắt. Nếu bạn quan tâm đến kính áp tròng pha màu, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ nhãn khoa.

    Việc đeo kính áp tròng đúng độ sẽ giúp bạn có được thị lực tốt nhất và sự thoải mái khi đeo. Ngoài ra, hãy thăm khám và hỏi ý kiến bác sĩ để được hướng dẫn cách lắp kính phù hợp, cách chăm sóc kính, cũng như chăm sóc mắt trong quá trình đeo kính để ngăn ngừa chấn thương mắt, nhiễm trùng hoặc các biến chứng khác.

    Hy vọng thông qua bài viết này đã giúp bạn hiểu rõ hơn về các loại kính áp tròng tốt nhất hiện nay. Các loại kính áp tròng có thể khác nhau về chất liệu, công năng, thời gian sử dụng và tần suất thay thế. Hãy thông minh để lựa chọn được cho mình một loại kính phù hợp cho đôi mắt nhé!

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Trúc Phạm · Ngày cập nhật: 30/05/2022

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo