backup og meta

Bị sưng mí mắt dưới hoặc trên là do đâu? Cách khắc phục và ngừa tái phát

Bị sưng mí mắt dưới hoặc trên là do đâu? Cách khắc phục và ngừa tái phát

Mọi người đều có thể đã từng bị sưng mí mắt dưới hoặc trên ít nhất một lần trong đời, thậm chí là thường xuyên. Mặc dù vậy, không phải ai cũng biết tình trạng này đang cảnh báo điều gì. Hãy nhớ rằng có những nguyên nhân khiến mí mắt sưng không nguy hiểm, nhưng đôi khi lại đe dọa đến sức khỏe mắt nếu không chữa trị kịp thời.

Đọc ngay bài viết sau để hiểu rõ mí mắt bị sưng do đâu và cách khắc phục hiệu quả.

Nguyên nhân gây sưng mí mắt

Có rất nhiều nguyên nhân khiến mí mắt trên hoặc mí mắt dưới bị sưng đau. Hầu hết chúng là vô hại nhưng một số ít là nghiêm trọng. Cụ thể như sau:

Nguyên nhân không đáng ngại

  • Dị ứng: Ngoài sưng, mắt bạn còn có triệu chứng ngứa, đỏ và chảy nước mắt liên tục thì khả năng bị dị ứng rất cao. Thủ phạm gây dị ứng cho mắt có thể là bụi, phấn hoa, lông chó mèo… hay mỹ phẩm dùng cho mắt.
  • Kiệt sức, mệt mỏi: Kết hợp với sự giữ nước trong các mô ở mắt qua đêm sẽ gây sưng mí mắt khi ngủ dậy.
  • Khóc: Khóc làm tăng lượng máu đến các mô xung quanh mắt. Khóc quá nhiều còn làm vỡ những mao mạch quanh mắt, khiến tròng mắt đỏ; mí mắt bị sưng đỏ, mỏi và hơi nhức. Đây cũng là nguyên nhân phổ biến khiến bạn ngủ dậy bị sưng mí mắt dưới nếu bạn đã khóc suốt cả đêm.

nguyên nhân sưng mí mắt

Nguyên nhân cần thận trọng

  • Lẹo mắt là bệnh nhiễm trùng một tuyến ở chân lông mi hoặc tuyến dầu trong mí mắt, gây viêm cấp tính. Lẹo ban đầu chỉ sưng nhẹ, ngứa, đau và hơi đỏ. Chỗ lẹo có cục rắn hình hạt gạo, bưng mủ và vỡ ra sau 3 – 4 ngày. Nếu không điều trị triệt để, lẹo rất thay tái phát và lan từ mi này sang mi khác, thậm chí khiến toàn bộ mi mắt sưng, ứ phù. Thông thường lẹo ít khi khiến mí mắt dưới bị sưng mà chủ yếu là mí trên.
  • Chắp mắt là u hạt mãn tính của tuyến Mebomius trong mắt. Chắp ngoài mắt gây ra nốt đỏ tại mi mắt rắn như hạt đậu, còn chắp bên trong khiến mặt trong của mi mắt sưng lên, gây đau. Sau vài ngày, những chắp này xẹp xuống thành một cục tròn nhưng không đau mà lớn dần lên thành khối đỏ hoặc màu xám. Chắp mắt có thể khỏi sau vài tháng điều trị.
  • Viêm mô tế bào hốc mắt là tình trạng viêm sâu trong mô của mí mắt, khiến mí mắt sưng đau. Bệnh dễ lây lan.
  • Bệnh Grave (bệnh cường giáp tự miễn hay basedow) khiến tuyến giáp hoạt động quá mức, sản sinh ra chất chống lại nhiễm trùng trong mắt và gây sưng viêm mí mắt. Ngoài mí mắt trên như sụp xuống, mí mắt dưới bị sưng, chảy nước mắt nhiều còn có triệu chứng mất ngủ, run tay, rụng tóc, đổ mồ hôi, ngứa, khó tăng cân,…
  • Bệnh herpes ở mắt gây ra bởi virus Herpes. Bệnh gây ra các vùng mụn nhỏ li ti, sưng và đỏ, thoạt nhìn giống đau mắt đỏ nhưng đôi khi không có tổn thương rõ ràng. Đây cũng là một trong các nguyên nhân phổ biến gây sưng mí mắt ở trẻ em.
  • Viêm mí mắt có thể do các vi khuẩn xung quanh và trong mắt, khiến mí mắt nhờn, có vẩy kèm theo sưng đau và viêm.
  • Tắc tuyến lệ làm nước mắt không thể chảy ra ngoài, dẫn đến đau và đỏ trên mí mắt. Trong hầu hết trường hợp, tắc tuyến lệ gây khó chịu nhưng không nguy hiểm.
  • Đau mắt đỏ (viêm kết mạc) thường có triệu chứng đặc trưng là mắt đỏ hoặc hồng, kèm theo mí mắt bị ngứa và sưng đau.

Những trường hợp mí mắt bị sưng không nguy hiểm chỉ gây khó chịu và sẽ tự mất đi trong vòng một ngày. Nhưng nếu không hết hoặc có thêm dấu hiệu bất thường khác, cần phải thăm khám và điều trị sớm.

Những triệu chứng đi kèm sưng mí mắt là gì?

Bên cạnh dấu hiệu mắt bị sưng mí dưới hoặc mí trên, bạn còn gặp phải các triệu chứng sau đây:

  • Kích ứng mắt, như ngứa mắt
  • Nhạy cảm với ánh sáng
  • Thường xuyên chảy nước mắt
  • Mờ mắt
  • Đỏ mí mắt
  • Đau mắt đỏ
  • Chảy dịch mắt
  • Mí mắt khô hoặc bong
  • Đau, đặc biệt khi mí mắt sưng do nhiễm trùng

Các bước chẩn đoán sưng mí mắt?

Bác sĩ sẽ kiểm tra mắt và hỏi bạn về các triệu chứng. Họ cũng lấy mẫu dịch ở mắt để kiểm tra xem có vi khuẩn hay nấm không.

Trong trường hợp nghi ngờ bệnh cường giáp khiến mắt lồi, bạn cần phải khám lâm sàng tuyến giáp, siêu âm hay CT scan, chụp MRI nếu cần, sinh thiết tuyến giáp.

Cách điều trị sưng mí mắt

dùng thuốc nhỏ mắt làm giảm sưng mí mắt

Việc điều trị sưng mí mắt phụ thuộc vào nguyên nhân cơ bản gây ra tình trạng này.

  • Sưng do khóc hay mệt mỏi kiệt sức: nghỉ ngơi, có thể chườm khăn lạnh nhằm giảm sưng.
  • Sưng do dị ứng: bác sĩ sẽ chỉ định thuốc nhỏ mắt kháng histamine hoặc thuốc dị ứng dạng uống và thuốc nhỏ mắt nhân tạo. Đối với dị ứng nghiêm trọng hơn, họ sẽ chỉ định các thuốc steroid nhằm giảm viêm nhanh chóng. Bạn tuyệt đối không được tự ý sử dụng steroid vì nó có thể gây loét, giảm thị lực, mù lòa nếu dùng sai cách.
  • Sưng do đau mắt đỏ: dùng thuốc nhỏ mắt natri clorid 0.9% rửa thường xuyên, thuốc mỡ chống viêm, kháng sinh
  • Sưng do herpes: Rửa mắt bằng natri clorid 0.9%, thuốc kháng virus Herpes
  • Sưng do chắp và lẹo: đắp ấm bằng gạc sạch nhúng nước ấm/nước muối loãng ấm (nóng nhất ở mức da chịu đựng được, không để bị phỏng) cho tới khi nguội, làm 3 – 6 lần mỗi ngày. Bạn để các chắp mắt và lẹo mắt này tự vỡ, không được nặn sẽ gây nhiễm trùng. Bên cạnh đó, bác sĩ cũng kê thêm thuốc mỡ để bôi tại nhà.
  • Đối với bệnh cường giáp: dùng thuốc ức chế tuyến giáp, xạ trị hoặc phẫu thuật cắt bỏ u giáp.

Trong suốt thời gian chữa mí mắt bị sưng, cần tránh dụi mắt, ngừng dùng mỹ phẩm mắt hay kính áp tròng. Bạn cũng nên đeo kính râm khi ra ngoài trời.

Cách phòng ngừa sưng mí mắt tái phát

Một số biện pháp sau có thể giúp bạn phòng ngừa tình trạng này, chẳng hạn như:

  • Nếu mí mắt bị sưng do dị ứng, hãy quan sát xem tác nhân nào khiến mình bị dị ứng và tránh xa nó.
  • Chọn đồ trang điểm và các sản phẩm làm đẹp an toàn, không có mùi thơm để tránh dị ứng bùng phát. Để biết mình có dị ứng với bất cứ sản phẩm làm đẹp nào hay không, bạn có thể thử trước ở cổ tay trước khi sử dụng cho mặt.
  • Sử dụng thuốc nhỏ mắt không có chất bảo quản vì một số người bị dị ứng với các chất bảo quản này.
  • Nếu đeo kính áp tròng, hãy vệ sinh kính áp tròng đúng cách để tránh nhiễm trùng cho mắt.
  • Sử dụng kính râm khi đi ngoài nắng, tránh mắt bị tổn thương bởi ánh mặt trời, khói bụi.
  • Bỏ thói quen dụi mắt
  • Để mắt được nghỉ ngơi đầy đủ bằng cách ngủ đủ giấc, hạn chế xem tivi, máy tính, điện thoại, nhất là trong môi trường tối.
  • Kiểm tra sức khỏe định kỳ cho mắt mỗi 6 tháng một lần.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Differential diagnosis of the swollen red eyelid. aafp.org/afp/2015/0715/p106.html. Ngày truy cập: 28/05/2021

8 reasons for your swollen eye or eyelid. health.clevelandclinic.org/2016/10/8-reasons-swollen-eye-eyelid/. Ngày truy cập: 28/05/2021

Eye Swelling. https://www.seattlechildrens.org/conditions/a-z/eye-swelling/. Ngày truy cập: 28/05/2021

Puffy Eyes: What Causes Them and What To Do About It. https://health.clevelandclinic.org/puffy-eyes-what-causes-them-and-what-to-do-about-it/. Ngày truy cập: 28/05/2021

Nổi cộm trong mí mắt trên, không đau, vẫn nhìn được bình thường là bệnh gì? https://benhvien175.vn/hoi-dap/noi-com-trong-mi-mat-tren-khong-dau-van-nhin-duoc-binh-thuong-la-benh-gi/. Ngày truy cập: 29/06/2021

Eyelid Edema https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC2884828/ Ngày truy cập: 17/04/2023

Phiên bản hiện tại

17/04/2023

Tác giả: Tố Quyên

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Lương Lan


Bài viết liên quan

Ngứa mi mắt: Đừng thờ ơ kẻo hối hận không kịp

Trẻ bị sưng mắt: 6 nguyên nhân, 5 cách khắc phục mẹ đã biết chưa?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Tố Quyên · Ngày cập nhật: 17/04/2023

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo