backup og meta

Glaucoma có phải là cận thị? Đâu là điểm khác biệt giữa glaucoma và cận thị?

Glaucoma có phải là cận thị? Đâu là điểm khác biệt giữa glaucoma và cận thị?

Nhiều người hiểu lầm rằng “Glaucoma là cận thị?”Việc nhầm lẫn tình trạng tăng nhãn áp của bệnh glaucomanhức mỏi mắt của cận thị vô cùng nguy hiểm bởi vì hai bệnh lý này hoàn toàn khác nhau. Bệnh glaucoma có thể dẫn tới tình trạng mù lòa vĩnh viễn không thể phục hồi, còn tật cận thị có thể điều trị cải thiện thị lực bằng  đeo kính gọng, kính tiếp xúc hoặc phẫu thuật. Cận thị không được điều chỉnh sớm có thể dẫn tới tình trạng nhược thị của mắt.

Bệnh glaucoma hay cườm nước là một trong 3 nguyên nhân phổ biến nhất gây giảm thị lực dẫn tới tình trạng mù lòa. Tình trạng này thường không bộc lộ dấu hiệu ban đầu rõ ràng, đồng thời lại ảnh hưởng đến khả năng nhìn của người bệnh nên không ít người nhầm lẫn việc bản thân đang bị mắc vấn đề về khúc xạ hay bị glaucoma.

Thực tế bệnh lý và phương pháp điều trị hai tình trạng trên hoàn toàn khác nhau. Do đó, nếu không phân biệt được glaucoma và cận thị sẽ khiến việc điều trị glaucoma (cườm nước) chậm trễ, có thể gây mất thị lực. Thị lực mất đi do glaucoma không thể phục hồi được.

Vậy triệu chứng tăng nhãn áp có phải là của cận thị không? bài viết sau đây sẽ chỉ cho bạn những điểm khác biệt giữa tình trạng tăng nhãn áp và cận thị.

Bạn biết gì về glaucoma và cận thị?

Glaucoma (còn được gọi là cườm nước, glôcôm hoặc thiên đầu thống) là tình trạng tổn thương thần kinh thị giác gây suy giảm thị lực. Bệnh thường xảy ra do thủy dịch được tiết ra, không thể thoát ra ngoài và ứ đọng trong mắt, từ đó làm tăng áp lực nội nhãn (tăng nhãn áp) khiến cho bệnh nhân có cảm giác đau nhức mắt kèm nhìn mờ và có thể kèm theo nhức đầu cùng bên. Trong trường hợp tăng nhãn áp cấp tính, các triệu chứng xảy ra đột ngột, rõ ràng, đôi khi rầm rộ với đặc trưng là đau nhức mắt và nhức đầu cùng bên không thuyên giảm với thuốc giảm đau. Đa số các trường hợp bị lầm lẫn lại là những đợt tăng nhãn áp không cao đột ngột, bệnh nhân chỉ thấy tức nhẹ mắt, nhìn mờ với quầng xanh đỏ vào ban đêm khi nhìn vào bóng đèn. Tuy vậy, trong một số ít trường hợp, dây thần kinh này vẫn có thể bị tổn hại trong khi áp lực mắt vẫn bình thường.

Thương tổn ở thần kinh thị giác do bệnh glaucoma là không thể chữa lành. Do đó, thị lực mất đi do bệnh glaucoma sẽ không được khôi phục kể cả khi người bệnh tiếp nhận điều trị. Việc điều trị sẽ giúp bảo tồn phần thị lực còn lại và kiểm soát các triệu chứng chứ không phục hồi được phần thị lực đã mất.

tăng nhãn áp

Trong khi đó, cận thị gây giảm thị lực nhưng người bệnh chỉ gặp khó khăn trong việc nhìn các vật ở xa. Nguyên nhân bị cận thường do giác mạc quá cong làm tăng lực khúc xạ của mắt hoặc nhãn cầu quá dài.Hậu quả là hình ảnh rơi phía trước võng mạc làm cho bệnh nhân nhì thấy mờ. Khi đó mắt phải điều tiết để nhìn rõ nên dẫn tới tình trạng nhức mỏi điều tiết. Tình trạng này có thể khắc phục bằng kính đeo, kính tiếp xúc hoặc phẫu thuật khúc xạ, giúp cho hình ảnh rơi đúng trên võng mạc và bệnh nhân sẽ nhìn rõ trở lại.

Vì sao mọi người thường nhầm lẫn glaucoma và cận thị?

Glaucoma dễ bị nhầm với cận thị là do các trường hợp triệu chứng biểu hiện của tăng nhãn áp không rõ ràng. Dấu hiệu dễ dẫn đến nhầm lẫn nhất là nhìn mờ: Khi bệnh glaucoma tăng nhãn áp gây phù giác mạc ở các mức độ khác nhau, nên bệnh nhân có cảm giác nhìn mờ thường là triệu chứng mới xuất hiện, còn cận thị do bất thường cấu trúc giác mạc và các cấu trúc nhãn cầu nên bệnh nhân nhìn thấy mờ và thường là triệu chứng đã xuất hiện từ lâu.

Mặt khác, trong một số trường hợp glôcôm cấp tính (glaucoma góc đóng), người bệnh thường có các dấu hiệu khá điển hình:

  • Nhức đầu
  • Đau nhức ở bên mắt bị cườm nước
  • Mờ mắt
  • Buồn nôn và nôn
  • Nhìn thấy vòng tròn nhỏ nhiều màu sắc xuất hiện xung quanh nguồn phát sáng

Vì vậy, triệu chứng buồn nôn, nôn và nhìn thấy vòng xanh đỏ quanh bóng đèn khá điển hình với bệnh glaucoma hay tăng nhãn áp, các triệu chứng còn lại như mờ mắt, nhức đầu, nhức một bên mắt lại khá giống với dấu hiệu nhìn mờ, nhức mỏi điều tiết của cận thị.

Vậy tăng nhãn áp có phải là cận thị không?

Tăng nhãn áp và cận thị có giống nhau không

Tăng nhãn áp trong bệnh glaucoma và cận thị là hai tình trạng khác nhau. Tuy nhiên, cận thị cao độ có thể liên quan đến bệnh glaucoma trong thể nhãn áp không cao bởi nhiều cơ chế khác nhau, chẳng hạn như:

  • Củng mạc bị dãn lồi về phía sau trên bệnh nhân cận thị nặng kéo theo sự căng dãn các lớp võng mạc, sợi thần kinh từ gai thị nên dễ bị tổn thương khi áp lực nội nhãn tăng.
  • Các lớp sợi thần kinh võng mạc và độ dày điểm vàng thay đổi khi độ cận tăng cao, tạo điều kiện cho glaucoma góc mở phát triển.

Bên cạnh đó, một số nghiên cứu cũng cho thấy người trẻ tuổi bị cận nặng thường có xu hướng dễ bị tăng nhãn áp và mắc bệnh glaucoma trong tương lai.

Cách phân biệt tăng nhãn áp và cận thị

Hiện nay, khám mắt định kỳ là biện pháp hiệu quả nhất để phân biệt hai vấn đề này. Do đó, khi có các biểu hiện mờ mắt, giảm thị lực, nhức đầu, thấy quầng sáng nhiều màu sắc …, bạn hãy mau chóng đến gặp bác sĩ chuyên khoa mắt. Bạn sẽ được khám, đánh giá các triệu chứng để xác định bạn bị tăng nhãn áp hay cận thị, ví dụ như:

  • Đo thị lực và thử kính
  • Đo nhãn áp với thiết bị chuyên dụng
  • Soi góc tiền phòng (gonioscopy)
  • Đánh giá tình trạng thương tổn thần kinh thị giác bằng xét nghiệm hình ảnh
  • Đo độ dày của giác mạc
  • Kiểm tra phạm vi mất thị lực (kiểm tra trường thị giác)

Phân biệt tăng nhãn áp và cận thị

Glaucoma còn có tính di truyền nên nếu gia đình có tiền sử bị cườm nước, bạn cũng nên đi khám mắt định kỳ 6 – 12 tháng, kể cả khi không có những triệu chứng tăng nhãn áp trên. Phát hiện bệnh càng sớm, rủi ro mất thị lực vĩnh viễn do glaucoma càng giảm.

Mặt khác, việc chẩn đoán cườm nước ở người bị cận thị, đặc biệt cận nặng, không phải là điều dễ dàng. Nguyên nhân không chỉ do các triệu chứng của hai bệnh lý có phần tương đồng mà độ cận cao còn ảnh hưởng đến trường thị giác và lớp sợi thần kinh võng mạc bởi áp lực nội nhãn. Vì vậy, vai trò của tầm soát tăng nhãn áp càng quan trọng hơn khi bạn bị cận thị.

Qua bài viết trên, hy vọng bạn đã tìm ra lời giải đáp cho câu hỏi liệu tăng nhãn áp có phải là cận thị không. Dù là hai tình trạng riêng biệt nhưng thực tế, tăng nhãn áp và cận thị vẫn có mối liên hệ với nhau. Do đó, nếu bạn bị cận, hãy mau chóng đến gặp bác sĩ nhãn khoa để được tầm soát glaucoma, đồng thời đi khám mắt toàn diện mỗi 6 – 12 tháng/lần.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Glaucoma. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/glaucoma/diagnosis-treatment/drc-20372846. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/glaucoma/symptoms-causes/syc-20372839. Ngày truy cập 25/09/2020.

Glaucoma: Definition and causes. https://www.allaboutvision.com/conditions/glaucoma/. Ngày truy cập 25/09/2020.

What Is Myopia (Nearsightedness)? https://www.webmd.com/eye-health/nearsightedness-myopia#1. Ngày truy cập 25/09/2020.

What Are Common Glaucoma Symptoms? https://www.aao.org/eye-health/diseases/glaucoma-symptoms. Ngày truy cập 25/09/2020.

Glaucoma: Signs & Symptoms. https://www.brightfocus.org/glaucoma/symptoms-and-signs. Ngày truy cập 25/09/2020.

High myopia as a risk factor in primary open angle glaucoma. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3530820/. Ngày truy cập 25/09/2020.

How Myopia Affects Your Risk of Having Glaucoma. https://www.myopiainstitute.com/eye-care/how-myopia-affects-your-risk-of-having-glaucoma/. Ngày truy cập 25/09/2020.

Why Myopia Increases the Relative Risk of Open-angle Glaucoma. http://reviewofmm.com/why-myopia-increases-the-relative-risk-of-open-angle-glaucoma/. Ngày truy cập 25/09/2020.

Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị các bệnh về mắt của Bộ Y tế Việt Nam (ban hành kèm theo Quyết định số 40/QĐ-BYT ngày 12/01/2015). Ngày truy cập 25/09/2020.

Bệnh Glôcôm gây mù vĩnh viễn. http://vnio.vn/benh-glocom-gay-mu-vinh-vien. Ngày truy cập 25/09/2020.

Bệnh tăng nhãn áp và những điều cần biết. https://benhvienmatsaigon.com.vn/benh-tang-nhan-ap/. Ngày truy cập 25/09/2020.

Phiên bản hiện tại

19/04/2022

Tác giả: Ngọc Vũ

Tham vấn y khoa: Bệnh viện Mắt Bà Rịa - Vũng Tàu

Cập nhật bởi: Ngân Phạm


Bài viết liên quan

Những nguyên nhân bị cườm nước (glaucoma) bạn không thể bỏ qua

Bệnh glôcôm (cườm nước) là gì?


Tham vấn y khoa:

Bệnh viện Mắt Bà Rịa - Vũng Tàu

Nhãn khoa · BV Mắt Tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu


Tác giả: Ngọc Vũ · Ngày cập nhật: 19/04/2022

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo