backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Mách nhỏ các cách phòng ngừa bệnh cườm nước

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Tố Quyên · Ngày cập nhật: 09/11/2021

    Mách nhỏ các cách phòng ngừa bệnh cườm nước

    Cườm nước có thể được phòng ngừa nếu bạn có lối sống lành mạnh và thường xuyên kiểm tra mắt.

    Cườm nước (hay còn gọi tăng nhãn áp hoặc bệnh glocom) là một bệnh về mắt, ảnh hưởng đến thị lực của người bệnh. Người mắc bệnh cườm nước sẽ có áp suất trong mắt cao. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể dẫn đến mất thị lực hoàn toàn.

    Tuy nhiên, áp suất cao trong mắt không phải nguyên nhân, mà là yếu tố nguy cơ gây bệnh cườm nước. Ngoài ra, còn rất nhiều yếu tố khác khiến bạn bị cườm nước. Những yếu tố đó là gì? Làm sao để phòng bệnh? Mời bạn tham khảo bài viết sau đây.

    Các yếu tố nguy cơ khiến bạn bị cườm nước

    Việc hiểu rõ các yếu tố nguy cơ sẽ giúp bạn giảm thiểu rủi ro mắc bệnh cườm nước và phòng bệnh hiệu quả hơn.

    Các yếu tố nguy cơ chính gây bệnh cườm nước góc mở

      • Áp lực trong mắt cao
      • Bệnh sử gia đình mắc cườm nước
      • Người từ 60 tuổi trở lên
      • Giác mạc mỏng
      • Dây thần kinh thị giác bất thường
    Nhấn vào và xem sơ đồ giải phẫu bệnh tăng nhãn áp để hiểu rõ hơn

    Các yếu tố nguy cơ tiềm ẩn gây bệnh cườm nước góc mở

    • Cận thị nghiêm trọng
    • Tiểu đường
    • Phẫu thuật mắt hoặc chấn thương mắt
    • Sử dụng các thuốc corticosteroid (dạng viên uống, thuốc nhỏ mắt, ống hít hoặc kem)

    Các yếu tố nguy cơ gây bệnh cườm nước góc đóng

    • Người trên 40 tuổi
    • Bệnh sử gia đình mắc cườm nước
    • Người bị viễn thị
    • Chấn thương mắt hoặc phẫu thuật mắt
    • Người Đông Á

    Các yếu tố nguy cơ gây bệnh cườm nước bình thường

    • Người mắc bệnh tim mạch
    • Bệnh sử gia đình mắc cườm nước
    • Áp lực trong mắt thấp

    Các cách giúp phòng ngừa bệnh cườm nước

    Thực tế, rất khó để phòng ngừa bệnh cườm nước. Cách tốt nhất để ngăn chặn tình trạng tổn thương mắt này là thường xuyên kiểm tra mắt. Theo các chuyên gia, mọi người nên kiểm tra nhãn áp mỗi 3-5 năm. Đặc biệt, nếu bạn có các yếu tố nguy cơ kể trên, bạn cần thường xuyên kiểm tra hơn. Lúc này, bác sĩ có thể đề nghị cho bạn chế độ ăn uống và lối sống lành mạnh để cải thiện sức khỏe tâm thần và thể chất.

    Lối sống lành mạnh

    lối sống lành mạnh phòng bệnh cườm nước

    • Duy trì cân nặng khỏe mạnh
    • Giữ mức huyết áp ở mức bình thường và kiểm soát các tình trạng sức khỏe khác
    • Không hút thuốc lá
    • Hạn chế uống caffeine vì theo các nghiên cứu, hàm lượng caffeine trong cơ thể cao có thể làm tăng áp lực trong mắt
    • Tập thể dục mỗi ngày với các bài tập nhẹ như bơi lội, đi bộ hoặc làm việc nhà
    • Mang theo kính râm, quần áo chống nắng và thoa kem chống nắng mỗi khi ra ngoài trời
    • Kiểm tra mắt định kỳ và báo cho bác sĩ biết nếu có bất thường về thị lực

    Chế độ ăn uống phòng bệnh cườm nước

    chế độ ăn phòng bệnh cườm nước

    Những thực phẩm tăng cường thị lực

    Các loại trái cây và rau quả có màu xanh đậm, màu vàng hoặc cam

    Những thực phẩm này có chứa carotenoid, có thể bảo vệ cơ thể chống lại một số tình trạng y tế, bao gồm bệnh tăng nhãn áp. Lutein và zeaxanthin có trong những thực phẩm này đặc biệt quan trọng đối với sức khỏe thị lực.

    Những thực phẩm có màu xanh đậm, màu vàng hoặc cam như rau bó xôi, cải xanh và cải xoăn, bắp, đậu bắp, bông cải xanh, cải Brussel, xoài, đậu xanh, khoai lang, đậu lima (đậu ngự), bí đao, ớt chuông và lòng đỏ trứng.

    Rau củ và trái cây giàu vitamin C

    Những thực phẩm này bao gồm ớt xanh, trái cây họ cam quýt, cà chua, bông cải xanh, dâu tây, khoai lang, rau xanh và dưa vàng.

    Thực phẩm chứa vitamin E

    Những thực phẩm này bao gồm trứng, ngũ cốc tăng cường dưỡng chất, trái cây, mầm lúa mì, rau lá xanh, các loại hạt, dầu hạt, dầu thực vật và ngũ cốc nguyên hạt.

    Thực phẩm giàu vitamin A

    Để bổ sung vitamin A, bạn nên ăn nhiều gan, khoai lang, cà rốt, xoài, sữa và lòng đỏ trứng.

    Thực phẩm giàu vitamin D

    Dầu gan cá tuyết, cá béo, sữa tăng cường dưỡng chất, ngũ cốc và lòng đỏ trứng có chứa nhiều vitamin D.

    Thực phẩm giàu kẽm

    Kẽm thường có nhiều trong hàu, thịt đỏ, thịt gia cầm, đậu, các loại hạt, một số hải sản, ngũ cốc nguyên hạt, ngũ cốc tăng cường dưỡng chất và các sản phẩm từ sữa.

    Thực phẩm giàu axit béo omega – 3

    Omega – 3 có nhiều trong cá hồi, cá mòi, quả óc chó, hạt lanh và hạt chia.

    Những thực phẩm bạn nên tránh

    Thực tế, không có thực phẩm cụ thể mà người bệnh nên tránh. Caffeine trong cà phê có thể gây ra một số điểm tăng áp lực mắt kéo dài ít nhất 90 phút. Tuy nhiên, lượng caffeine trong một ly cà phê thường không gây ra bất kỳ nguy hiểm nào. Nếu bạn là người nghiện cà phê và thường xuyên dùng món đồ uống này trong ngày, hãy cân nhắc chuyển sang dùng cà phê decaf (cà phê đã khử caffeine).

    Lối sống và chế độ ăn uống lành mạnh có thể giúp bạn phòng ngừa bệnh cườm nước, cũng như tăng cường sức khỏe tổng thể. Ngoài ra, bạn cũng nên khám mắt định kỳ hoặc đến gặp bác sĩ nếu thấy thị lực thay đổi bất thường.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Tố Quyên · Ngày cập nhật: 09/11/2021

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo