Glaucoma (cườm nước) là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến mù lòa, đặc biệt là ở những người trên 40 tuổi. Do vậy, khi được chẩn đoán mắc glaucoma, người bệnh rất lo lắng và cũng có nhiều thắc mắc xoay quanh bệnh lý này.
Glaucoma (glôcôm, dân gian còn gọi là bệnh cườm nước hay thiên đầu thống) là một bệnh lý do tổn thương tiến triển các tế bào hạch võng mạc, đặc trưng bởi tổn thương thị trường và đầu dây thần kinh thị giác, thường liên quan đến tình trạng nhãn áp (áp lực bên trong mắt) tăng. Những tổn thương này là không hồi phục, đồng nghĩa với việc người bệnh sẽ không lấy lại được thị lực đã mất.
Bệnh glaucoma thường có 2 dạng phổ biến: Góc đóng và góc mở. Trong đó, glaucoma góc đóng xuất hiện với biểu hiện đột ngột (cấp tính): đau nhức mắt dữ dội, nhức quanh hốc mắt, nhức lan lên nửa đầu cùng bên, nhìn như mờ qua màn sương, nhìn đèn có quầng xanh đỏ, sợ ánh sáng, cảm giác chói kèm theo chảy nước mắt. Đây được xem là một cấp cứu nhãn khoa. Ngược lại, glaucoma góc mở phổ biến hơn (chiếm tới 90% các trường hợp) nhưng lại có triệu chứng thầm lặng, tiến triển mạn tính. Đa số người bệnh chỉ có cảm giác hơi căng tức mắt hoặc nhìn mờ nhẹ thoáng qua khi làm việc bằng mắt nhiều, khi căng thẳng thần kinh, khi lo lắng, cũng có thể nhìn như có màn sương trước mắt vào buổi sáng. Vì vậy, người bệnh khó có thể được phát hiện bệnh vào giai đoạn sớm, đôi khi chỉ được phát hiện trong các hoàn cảnh tình cờ và bệnh nhân thường đến với bác sĩ khi bệnh đã ở giai đoạn trung bình hoặc nặng, đã có tổn thương thị trường.
Để hiểu rõ hơn về bệnh cườm nước, chúng ta hãy cùng điểm qua các câu hỏi liên quan sau đây.
1. Glaucoma (cườm nước) có phải là cận thị không?
Bệnh glaucoma và cận thị là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau. Tuy nhiên, những người bị cận thị nặng có khả năng gặp phải biến chứng bệnh lý ở mắt, như đục thủy tinh thể sớm, glaucoma góc mở, bong võng mạc hay thoái hóa điểm vàng.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra độ cận càng cao càng góp phần vào quá trình xuất hiện bệnh cườm nước, đặc biệt là dạng góc mở nguyên phát. Người ta nhận thấy rằng: Với cận thị trung bình và nặng (trên -3 điốp) thì nguy cơ mắc glaucoma cao hơn 3 lần so với người mắt chính thị (khúc xạ bình thường) và tăng nhãn áp vẫn là yếu tố nguy cơ chính của căn bệnh này. Do vậy, những người bị cận thị nặng nên đi tầm soát glaucoma sớm.
2. Glaucoma có nguy hiểm không?
Những tổn thương ở mắt do bệnh cườm nước thường là hậu quả của áp lực bên trong mắt (nhãn áp) tăng quá mức chịu đựng của mắt. Đồng thời, những tổn thương thần kinh thị giác đã xảy ra không có khả năng hồi phục. Do đó, glaucoma là một tình trạng rất nguy hiểm. Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, chất lượng cuộc sống của bệnh nhân có thể bị ảnh hưởng do suy giảm thị lực hoặc thậm chí là mù vĩnh viễn.
3. Glaucoma (cườm nước) có thể chữa khỏi được không?
Bệnh cườm nước không thể chữa khỏi một cách triệt để, phần thị lực đã mất cũng không thể hồi phục lại. Tuy nhiên, người bệnh có thể kiểm soát nhãn áp để làm chậm hoặc ngăn chặn mất thị lực nhờ vào các loại thuốc nhỏ mắt, điều trị laser hay phẫu thuật. Điều quan trọng nhất cần làm để duy trì thị lực là khám mắt định kỳ để kiểm tra nhãn áp, tầm soát và chẩn đoán, điều trị sớm, tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ và tái khám định kỳ theo hẹn để duy trì sự ổn định của nhãn áp.
Theo khuyến cáo của Hiệp hội Nhãn khoa Hoa Kỳ (AAO), người bệnh nên khám mắt toàn diện từ 2 – 3 năm một lần nếu dưới 40 tuổi; 1-2 năm một lần khi từ 40 tuổi trở lên. Những người bị bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp, cận thị nặng đến trung bình nên đi khám thường xuyên hơn, ít nhất mỗi năm một lần.
4. Mắt bị cườm nước có mổ được không?
Mổ cườm nước sẽ được lựa chọn khi việc dùng thuốc hay điều trị laser không có hiệu quả như mong muốn, tức là không đạt được nhãn áp đích và duy trì nhãn áp ổn định. Sau khi mổ, mắt có thể bị chảy nước, đỏ và tầm nhìn hơi mờ đi trong khoảng 6 tuần rồi mới trở về bình thường.
Lưu ý, bệnh cườm nước có tiến triển mạn tính, do vậy sau khi phẫu thuật, người bệnh vẫn cần tái khám thường xuyên để theo dõi thị lực và kiểm soát nhãn áp. Bệnh nhân có thể sẽ được bổ sung thuốc hạ nhãn áp sau phẫu thuật, nếu chưa đạt được nhãn áp đích.
5. Bệnh có di truyền không?
Glaucoma (cườm nước) là một bệnh lý có yếu tố di truyền. Nếu bất kỳ ai trong gia đình cùng huyết thống, đặc biệt là ông bà, cha mẹ mắc bệnh này thì nguy cơ mắc bệnh của bạn cao hơn 4–9 lần.
Tuy nhiên, nhiều trường hợp bị bệnh nhưng không có yếu tố gia đình hoặc các yếu tố nguy cơ rõ ràng. Nhìn chung, nếu gia đình có người được chẩn đoán bệnh cườm nước, tốt nhất bạn nên tầm soát bệnh và đi khám mắt toàn diện định kỳ 6 tháng/ lần.
6. Bệnh glaucoma (cườm nước) nên và không nên làm gì?
Khi được chẩn đoán mắc bệnh cườm nước, người bệnh nên lưu ý một số điều nên và không nên làm để giữ gìn sức khỏe cho đôi mắt. Bạn nên:
- Dùng thuốc đúng cách và đủ liều lượng theo chỉ định bác sĩ
- Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh với những thực phẩm giàu chất chống oxy hóa
- Bỏ hút thuốc lá để giảm bớt khả năng làm bệnh trầm trọng hơn
- Chú ý tư thế khi nằm ngủ, dùng gối nâng cao đầu hơn một chút để giảm bớt áp lực trong mắt
- Tập luyện thể dục nhẹ nhàng, phù hợp theo lời khuyên bác sĩ
- Bảo vệ mắt bằng cách sử dụng kính râm, kính mắt và tránh dụi mắt quá mạnh
Song song đó, bạn cũng hãy:
- Không ăn nhiều thực phẩm chứa chất béo bão hòa hay chất béo chuyển hóa
- Không ăn nhiều thực phẩm chứa carbohydrates: khoai tây, cơm trắng, bánh mì…
- Không uống nhiều caffein vì có thể làm tăng nhãn áp dẫn đến tổn thương thần kinh thị giác
- Không thực hiện các động tác hay bài tập cúi đầu xuống thấp hơn tim vì có thể khiến tình trạng tăng nhãn áp nặng hơn.
Hy vọng những giải đáp trên sẽ giúp bạn hiểu hơn về căn bệnh cườm nước và nâng cao kiến thức trong việc bảo vệ đôi mắt của mình cũng như những người thân yêu.