backup og meta

[Video] Những điều cần lưu ý khi chung sống cùng bệnh glôcôm mắt

[Video] Những điều cần lưu ý khi chung sống cùng bệnh glôcôm mắt

Tình trạng suy giảm thị lực do bệnh glôcôm mắt không chỉ ảnh hưởng đến khả năng thực hiện các hoạt động hằng ngày mà còn gây ra nhiều gánh nặng tâm lý và xã hội cho bệnh nhân. Người bị glôcôm cần tuân thủ điều trị cũng như lưu ý một số vấn đề để hạn chế tiến triển của bệnh.

Vậy bạn cần lưu ý những gì khi sống chung với bệnh glôcôm? Hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu thêm trong bài viết này nhé.

Ảnh hưởng của bệnh glôcôm mắt

Trong giai đoạn đầu, glôcôm diễn biến âm thầm và hầu như không ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Điều này là nhờ vào khả năng bù trừ các tổn thương của thị giác 2 mắt.

Tuy nhiên, khi tiến triển, bệnh làm tăng nhãn áp và có thể gây ra các cơn đau mắt, đau nửa đầu liên tục, dai dẳng hoặc đôi khi đau cả 2 bên đầu. Nhiều trường hợp, bệnh nhân còn bị chóng mặt và buồn nôn, đặc biệt khi tiếp xúc với các nguồn sáng mạnh hoặc khi tập trung làm việc. Điều này sẽ làm ảnh hưởng tới sinh hoạt, học tập, lao động và chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Không những vậy, glôcôm còn tác động đến cả tinh thần và tâm lý của bệnh nhân. Ước tính, có đến 80% người mắc bệnh glôcôm mắt có cảm giác hoang mang, trầm cảm và sợ bị mù. Nhiều người lớn tuổi cảm thấy lo lắng về việc mình có thể trở thành gánh nặng cho gia đình nếu bị mất thị lực. Trong khi đó, cảm giác sợ bị mù ở người trẻ tuổi cao hơn hẳn so với những người lớn tuổi khi mới phát hiện bệnh. Tuy nhiên, sau 5 năm, chỉ còn khoảng 50% số bệnh nhân vẫn thường xuyên cảm thấy lo lắng về việc bị mù. Tỷ lệ này giảm đáng kể vì bấy giờ, người bệnh đã bắt đầu tìm hiểu thông tin và thích nghi dần với bệnh.

Ngoài ra, tình trạng đau nhức mắt trong lúc làm việc hoặc giao tiếp với người khác có thể ảnh hưởng đến các hoạt động xã hội của bệnh nhân.

Những điều cần lưu ý khi chung sống cùng bệnh glôcôm mắt

Việc thường xuyên kiểm tra mắt định kỳ tại các cơ sở y tế uy tín sẽ giúp bạn phát hiện sớm và ngăn ngừa bệnh glôcôm tiến triển. Bệnh càng được chẩn đoán sớm, tổn thương càng ít và phần thị lực giữ lại được càng nhiều. Tất cả các đối tượng có nguy cơ cao nên khám tầm soát glôcôm định kỳ. Nếu có các vấn đề sức khỏe như bệnh đái tháo đường hoặc có nguy cơ mắc các bệnh về mắt khác thì bạn sẽ phải đi khám mắt thường xuyên hơn.

Khi đã được chẩn đoán mắc bệnh, việc tuân thủ kế hoạch điều trị sẽ giúp bạn ngăn ngừa mất thị lực vĩnh viễn. Người bệnh glôcôm cần có lịch khám định kỳ với bác sĩ chuyên khoa Mắt để đánh giá tiến triển của bệnh và thay đổi phác đồ điều trị nếu cần thiết. Những bệnh nhân bị Alzheimer hoặc trí nhớ kém cần ghi chú trên lịch, đặt lịch qua điện thoại hoặc nhờ người nhà, nhân viên bệnh viện nhắc nhở để đi khám theo đúng lịch hẹn.

Ngoài ra, bạn cần lưu ý một số điều sau đây trong quá trình sống cùng bệnh glôcôm mắt để kiểm soát tốt và hạn chế bệnh tiến triển nặng hơn.

Sử dụng thuốc đúng và đủ theo chỉ định

Để kiểm soát nhãn áp, bác sĩ thường chỉ định cho bạn sử dụng thuốc nhỏ mắt. Bạn cần dùng thuốc thường xuyên và đúng giờ. Trong một số trường hợp, khi thuốc nhỏ mắt chưa thực sự hiệu quả, bác sĩ có thể kê thêm cho bạn thuốc uống. Các loại thuốc uống này cũng phải được sử dụng đúng theo chỉ định, khoảng 1 – 2 lần/ngày trong hầu hết các trường hợp. Tuân thủ đúng và đủ liều thuốc (bao gồm cả thuốc nhỏ mắt và thuốc uống) là điều quan trọng nhất mà người bệnh glôcôm cần làm để bảo tồn thị lực của chính mình.

Tập thói quen đọc kỹ hướng dẫn sử dụng thuốc

Một số loại thuốc không kê đơn hay thuốc điều trị các bệnh lý khác không được sử dụng cho người bệnh glôcôm. Vì thế, bạn nên tập thói quen đọc kỹ hướng dẫn trước khi dùng bất kỳ loại thuốc nào. Bạn cũng không nên tự ý sử dụng thuốc của người khác hoặc dùng lại các loại thuốc cũ trước đây, vì mỗi người, mỗi thời điểm sẽ có những chống chỉ định riêng.

Không những thế, một số loại thuốc điều trị glôcôm không được sử dụng cho các bệnh nhân có bệnh lý toàn thân kèm theo, ví dụ như đang bị viêm nhiễm tại mắt, hen phế quản, tim mạch… Vì vậy, trước khi dùng bất kỳ loại thuốc nào, bạn nên đọc kỹ hướng dẫn sử dụng và trao đổi với bác sĩ điều trị các bệnh lý toàn thân để hạn chế tác dụng phụ không mong muốn.

Thay đổi chế độ ăn uống để kiểm soát bệnh glôcôm mắt

Thay đổi chế độ ăn uống để kiểm soát bệnh glôcôm mắt

Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh và tránh các loại thực phẩm có thể gây tác động đến nhãn áp là chìa khóa giúp bạn giữ cho đôi mắt cũng như cơ thể khỏe mạnh. Theo đó, bạn nên bổ sung vào chế độ ăn của mình các loại thực phẩm giàu lutein và zeaxanthin. Đây là 2 carotenoid giúp cho hoàng điểm thu nhận tín hiệu ánh sáng tốt hơn. Chúng có nhiều trong cải xoăn, cải rổ, rau cần tây, rau diếp, dưa chuột… Ngoài ra, những loại thực phẩm chứa các dưỡng chất sau đây cũng rất tốt cho thị lực của bạn:

  • Vitamin A: Gan, cà rốt, cà chua…
  • Omega 3: Cá hồi, cá trích…
  • Vitamin E: Bơ, sữa, dầu thực vật, các loại ngũ cốc, hải sản…
  • Kẽm: Thịt nạc và các loại đậu

Bên cạnh đó, bạn cũng nên hạn chế các loại thực phẩm chứa nhiều chất béo bão hòa như mỡ động vật, bánh quy, đồ ăn nhanh… vì mức cholesterol cao trong máu có thể gây xơ cứng, hư hại các mạch máu và gây tăng cân. Thay vì dùng mỡ động vật, bạn hãy sử dụng dầu thực vật hoặc dầu ô-liu để nấu ăn.

Nếu bạn bị dị ứng thực phẩm, hãy trao đổi với bác sĩ để loại bỏ các loại thực phẩm này ra khỏi chế độ ăn uống. Một số thực phẩm dễ gây dị ứng có thể kể đến như đậu nành, sữa, lúa mì, ngô và các loại hải sản. Cà phê được ghi nhận là có khả năng làm tăng nhãn áp và dẫn tới tổn thương dây thần kinh thị giác. Thay vì cà phê, bạn nên chọn trà xanh vì chúng chứa các chất chống oxy hóa có lợi cho cơ thể, đồng thời giúp làm giảm cholesterol trong máu của bạn.

Bỏ hút thuốc lá

Hút thuốc lá có thể làm tăng huyết áp và tình trạng viêm ở mắt. Điều này làm tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường và đục thủy tinh thể – những yếu tố góp phần dẫn đến tình trạng tăng nhãn áp.

Luyện tập thể dục phù hợp

Việc tập thể dục nhịp điệu, đi bộ, đạp xe ở mức độ trung bình hoặc nhanh từ 30 – 45 phút một lần, 3 – 4 lần/tuần sẽ làm giảm nhãn áp, đồng thời cải thiện lưu lượng máu đến não và mắt. Tuy nhiên, không phải bài tập nào cũng đều đem lại lợi ích cho người bệnh glôcôm mắt. Theo đó, người bệnh cần tránh những bài tập/ động tác cúi đầu xuống thấp hơn tim vì chúng có thể làm tăng nhãn áp. Nghiên cứu của tiến sĩ Ritch năm 1980 đã cho thấy, nhãn áp của một người khi duy trì tư thế trồng cây chuối có thể tăng tới gần 60mmHg, ngược lại khi ngồi chỉ có 15mmHg. Ở người bình thường, nhãn áp ít nhất tăng gấp đôi khi luyện tập ở tư thế cúi đầu thấp.

Bảo vệ đôi mắt

Ngoài giúp mắt khỏe mạnh từ bên trong, việc bảo vệ đôi mắt từ bên ngoài cũng là yếu tố rất quan trọng. Bạn hãy đeo kính bảo vệ mắt mỗi khi làm việc ngoài trời hay chơi các môn thể thao tiếp xúc nhiều, dễ gặp tai nạn hoặc té ngã. Ngoài ra, khi bị glôcôm, mắt của bạn sẽ rất nhạy cảm với ánh sáng. Vì vậy, hãy đảm bảo bạn đeo kính râm mỗi khi ra ngoài trời nắng, đặc biệt vào mùa hè hoặc khi ở gần các bề mặt có độ chói cao.

Bệnh glôcôm và các loại thuốc nhỏ mắt bạn dùng có thể khiến mắt bị khô, gây ngứa hoặc cộm. Nếu gặp tình trạng này, bạn nên trao đổi với bác sĩ chứ không nên dụi mắt vì làm như vậy có thể gây trầy xước và tổn thương mắt. Đặc biệt, đối với những bệnh nhân glôcôm cần trang điểm, bạn nên lựa chọn các sản phẩm không gây kích ứng.

Hello Bacsi hy vọng những thông tin trong bài đã giúp bạn biết thêm những điều cần lưu ý khi sống chung với bệnh glôcôm mắt. Để điểm lại những thông tin được đề cập trong bài, mời bạn cùng xem video ngắn dưới đây nhé.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

How is the quality of life of glaucoma patients affected in the various disease stages? https://glaucoma-answers.org/en/home/how-quality-life-glaucoma-patients. Ngày truy cập 25/9/2020.

5 Tips for Living Better with Glaucoma. https://www.hopkinsmedicine.org/health/wellness-and-prevention/5-tips-for-living-better-with-glaucoma. Ngày truy cập 25/9/2020.

Are there activities that make glaucoma worse? – Video Answer https://www.aao.org/eye-health/ask-ophthalmologist-q/are-there-activities-that-make-glaucoma-worse-vide. Ngày truy cập 27/9/2020.

Tips for Living With Glaucoma. https://www.webmd.com/eye-health/tips-living-glaucoma#1. Ngày truy cập 27/9/2020.

What Vitamins and Nutrients Will Help Prevent My Glaucoma from Worsening? https://www.glaucoma.org/treatment/what-vitamins-and-nutrients-will-help-prevent-my-glaucoma-from-worsening.php#. Ngày truy cập 27/9/2020.

Things You Should Avoid If You Have Glaucoma. https://irisvision.com/things-you-should-avoid-if-you-have-glaucoma/. Ngày truy cập 27/9/2020.

Glaucoma and Exercise: What to Tell Your Patients. https://www.aao.org/eyenet/article/glaucoma-and-exercise. Ngày truy cập 27/9/2020.

Phiên bản hiện tại

19/04/2022

Tác giả: Ngọc Anh

Tham vấn y khoa: Bệnh viện Mắt Bà Rịa - Vũng Tàu

Cập nhật bởi: Ngân Phạm


Bài viết liên quan

Nhức 1 bên mắt là bị gì? Điểm danh những nguyên nhân thường gặp

Chế độ dinh dưỡng khi chăm sóc người bệnh glôcôm (cườm nước, thiên đầu thống)


Tham vấn y khoa:

Bệnh viện Mắt Bà Rịa - Vũng Tàu

Nhãn khoa · BV Mắt Tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu


Tác giả: Ngọc Anh · Ngày cập nhật: 19/04/2022

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo