backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Chiến đấu với “Kẻ cắp thị lực thầm lặng" Glôcôm: Hành trình kiên trì & lạc quan để tránh mù vĩnh viễn

Tham vấn y khoa: Thầy thuốc Nhân dân - BS CKII Nguyễn Viết Giáp · Nhãn khoa · BV Mắt Tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu


Tác giả: Ban biên tập Hello Bacsi · Ngày cập nhật: 18/04/2022

    Chiến đấu với “Kẻ cắp thị lực thầm lặng" Glôcôm: Hành trình kiên trì & lạc quan để tránh mù vĩnh viễn

    Việc điều trị bệnh Glôcôm (Cườm nước) không thực sự phức tạp nhưng là quá trình dài, yêu cầu kiên nhẫn với thói quen chăm sóc mắt cả đời, khiến nhiều người dễ lơ là, bỏ cuộc. Chỉ cần người bệnh phát hiện bệnh sớm, lạc quan và tin tưởng để đồng hành với bác sĩ trong liệu trình điều trị, thị lực của bệnh nhân hoàn toàn có thể được bảo vệ. 

    Hello Bacsi mời bạn cùng lắng nghe câu chuyện điều trị bệnh Glôcôm cùng bệnh nhân Chú Nguyễn Văn Hồng (63 tuổi) , hiện sống tại thành phố Vũng Tàu, tỉnh BRVT. Chú Hồng làm công việc bán vé số, sống cùng với vợ và hiện vẫn là thu nhập chính của gia đình dù đang sống với bệnh Glôcôm. 

    Thông qua bài viết này, độc giả cũng có thể biết thêm nhiều thông tin hữu ích qua phần tham vấn của Thầy thuốc Nhân nhân – Bác sĩ Chuyên khoa II Nguyễn Viết Giáp, Giám đốc Bệnh viện Mắt tỉnh Bà Rịa Vũng TàuThạc sĩ – Bác sĩ Nguyễn Trần Quốc Hoàng, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Mắt Sài Gòn xoay quanh căn bệnh này. 

    “Mắt mờ chỉ còn 5/10 thị lực mới tìm ra bệnh”

    Chú Nguyễn Văn Hồng phát hiện mắt mình bắt đầu bị suy giảm thị lực từ cách đây ba năm. Chỉ sau đó khoảng một năm, mắt chú bị mờ nhanh chóng và chỉ còn khoảng 5/10 thị lực. 

    Đầu tiên khi đến bệnh viện khám, tôi được chẩn đoán bị mộng thịt. Sau đó tôi lại bị cườm khô ở mắt phải. Sau khi phẫu thuật xong, khoảng một tháng tôi lại phát hiện mình mắc cườm nước ở mắt trái. Thời điểm phát hiện bệnh, mắt trái của tôi gần như không còn thấy gì, chỉ thấy những vệt sáng lờ mờ, bị quầng vàng rõ rệt“.

    Lúc bấy giờ, chú Hồng được bác sĩ giải thích rõ hơn về bệnh Glôcôm (hay còn gọi là Cườm nước hay Thiên đầu thống) mà chú mắc phải. Bệnh xảy ra khi các tế bào hạch võng mạc và dây thần kinh thị giác bị tổn thương bởi áp lực bên trong mắt (nhãn áp) tăng quá mức bình thường. Điều này gây cản trở quá trình truyền tải tín hiệu từ mắt đến não, ảnh hưởng trực tiếp đến thị lực và thị trường. Theo thời gian, thị trường của người bệnh sẽ bị thu hẹp, thị lực của người bệnh sẽ giảm dần và dẫn đến mù lòa nếu không sớm được điều trị sớm và đúng cách. 

    “Ở khoảng cách tầm 2m mà tôi không thể thấy và phân biệt được người đối diện là trai hay gái, chỉ thấy mảng màu”, chú Hồng chia sẻ thêm. “Bác sĩ nói tôi phát hiện trễ và đã bị khá nặng nên cho tôi phẫu thuật luôn. Bác sĩ chẩn đoán sau khi phẫu thuật chỉ giữ được 5/10 thị lực, chứ không thể lấy lại được phần thị lực đã mất. Lúc đó, tôi nói với bác sĩ, dù chỉ lấy lại được 3 phần thị lực thì tôi cũng mừng rồi, chứ còn bây giờ mắt không còn nhìn thấy gì cả“.

    Nói về triệu chứng và cách phát hiện bệnh Glôcôm, Thạc sĩ – Bác sĩ Nguyễn Trần Quốc Hoàng, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Mắt Sài Gòn cho biết:

    Người bệnh rất khó nhận biết các triệu chứng Glôcôm ngay từ giai đoạn đầu do bệnh diễn ra trong thầm lặng. Có đến 90% người mắc bệnh không có biểu hiện bệnh lý và triệu chứng rõ ràng. Vì vậy căn bệnh Glôcôm còn được xem là “Kẻ cắp thị lực thầm lặng”. 

    Bệnh thường chỉ được phát hiện trong các buổi khám mắt định kỳ hoặc khi bệnh đã tiến triển, ảnh hưởng đến thị lực hoặc thị trường. Trong trường hợp này có một số dấu hiệu cảnh báo không rõ ràng và không đặc hiệu như: nặng mắt, mỏi mắt, nhức mắt nhẹ thoáng qua, nhìn đèn có quầng xanh đỏ, lóe sáng nhẹ, thường phải dụi mắt, thu hẹp tầm nhìn.

    Tuy nhiên, trong trường hợp cơn Glôcôm cấp tính, người bệnh sẽ có các triệu chứng tại mắt và toàn thân của tình trạng tăng nhãn áp như sau: đau một bên đầu và mắt cùng bên dữ dội, giảm thị lực, nhìn mờ như có sương mù trước mắt, nhìn thấy quầng tán sắc khi nhìn vào đèn ban đêm, kích thích chảy nước mắt, nôn hoặc buồn nôn, người mệt lả.

    “Mù lòa vĩnh viễn là nỗi sợ khủng khiếp”

    Khi phát hiện bản thân bị Glôcôm, chú Hồng không khỏi lo sợ vì đây là căn bệnh khá nguy hiểm ở mắt. Bác sĩ cũng lưu ý với chú về việc không thể khôi phục phần thị lực đã bị mất.

    “Thật sự lúc mới phát hiện bệnh tôi sợ hãi khủng khiếp. Tôi rất sợ mình bị mà bị mù là phải nằm một chỗ, không đi bán vé số được mà cũng không lo cho vợ. Vợ tôi từ nhiều năm nay đã bị liệt ở chân không thể đi lại được. Nhà chỉ có hai vợ chồng nương tựa nhau sống. Con cái đứa thì buôn bán, đứa thì làm công nhân tuy không dư giả gì nhưng đứa nào cũng có gia đình và cuộc sống riêng. Tôi không muốn phải trở thành gánh nặng cho chúng“, chú Hồng bộc bạch với Hello Bacsi.

    Thầy thuốc Nhân dân, Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Viết Giáp, Giám đốc Bệnh viện Mắt tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu cũng đã có những chia sẻ cụ thể với Hello Bacsi về nguy cơ mù lòa do Glôcôm:

    Điều nguy hiểm nhất là những tổn thương chức năng thị giác do bệnh Glôcôm gây ra là không thể hồi phục. 

    Tức là dù đã điều trị, người bệnh cũng không thể lấy lại được phần thị lực đã mất mà chỉ có thể bảo tồn được phần thị lực hiện có. Do đó Glôcôm là nguyên nhân gây mù phổ biến đứng hàng thứ hai ở nhiều khu vực trên thế giới.

    Kết quả điều tra nhanh các bệnh gây mù lòa ở người từ 50 tuổi trở lên năm 2015 của Bộ Y tế cho thấy: mù lòa do Glôcôm chiếm 6,5% trên tổng số nguyên nhân gây mù lòa ở người từ 50 tuổi trở lên. 

    Sau khi vừa phẫu thuật xong và mở băng, chú Hồng kể lại lúc đó chú nhìn thấy chỉ toàn màu vàng trắng và không nhìn rõ bất kỳ cái gì trước mặt. “Lúc đó hoảng sợ quá, tôi gọi cho vợ thông báo chắc mình bị mù rồi. May mắn là chỉ thời gian ngắn sau, mắt tôi bắt đầu bình phục và trở lại bình thường, nhìn rõ dần. Tới lúc xuất viện là tôi đã lấy lại được 6/10 phần sáng. Đến bây giờ, sau hơn 1 năm điều trị thì thị lực của tôi đã tiến triển rất tốt, nhìn rõ mọi thứ. Tôi có thể thoải mái, dễ dàng đọc báo, xem tivi mà không gặp trở ngại nào“, chú Hồng vui vẻ kể lại.

    “Chưa từng quên nhỏ thuốc vì vừa sợ vừa… nghiện” 

    Dù đã trải qua hơn 1 năm điều trị, chú Hồng tiết lộ bản thân chưa một ngày nào quên nhỏ thuốc. “Mỗi lần nhỏ thuốc vào con mắt tôi nó mát cực kỳ và không còn bị rát nữa, đã lắm. Giờ tôi “nghiện” nhỏ thuốc lắm, cứ 2 lần/ngày, không bao giờ quên hết”, chú kể.

    Thậm chí, trong thời gian giãn cách vì dịch bệnh Covid-19 khi không thể đến bệnh viện để gặp bác sĩ tái khám, chú Hồng vẫn đều đặn mua thuốc nhỏ ở nhà thuốc theo toa của bác sĩ. 

    Bởi lẽ, đã từng đứng trước ranh giới mất thị lực, trước nỗi sợ trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội, chú Hồng ý thức rõ hơn ai hết tầm quan trọng của đôi mắt. 

    Người mù bẩm sinh họ chỉ cầu mong được nhìn thấy một lần tia sáng trong đời. Còn mình may mắn được sinh ra với hai con mắt sáng mà tự dưng bị mù không còn nhìn thấy gì thì sao chịu nổi?”, chú Hồng lý giải về nỗi sợ của mình. Suy nghĩ đó đã tạo động lực cho chú kiên trì theo dõi và điều trị bệnh trong thời gian dài dù hoàn cảnh kinh tế gia đình không mấy dư dả. 

    Ví dụ như ngày đó tôi bán được 100 tờ vé số thì tôi lấy tiền từ 50 tờ vé số ra để đi khám bệnh thì có sao đâu. Quan trọng là mình phải giữ được con mắt mình khỏe mạnh, tốn kém một chút tôi cũng sẵn sàng. Còn nếu thiếu tiền nữa thì tôi cũng cố gắng tìm cách để đi khám, mua thuốc đầy đủ. Cũng may mắn là có Bảo hiểm y tế nên chi phí chữa bệnh và mua thuốc của tôi cũng được giảm thiểu rất nhiều”, chú Hồng chia sẻ thêm. 

    Ngoài ra, chú Hồng vẫn giữ thói quen đeo kính bảo hộ mỗi ngày dù hiện tại mắt chú đã ổn định. Dù là khi đi bán vé số hay ở nhà sinh hoạt thường ngày thì chú Hồng đều đeo kính để bảo vệ đôi mắt của mình không bị vào bụi hoặc nhiễm khuẩn. 

    Đặc biệt trong 1 tháng đầu tiên, chú cũng cẩn thận nghe theo lời bác sĩ không làm nặng, không xách đồ quá 5 kí cũng như hạn chế ra đường lúc trưa nắng. “Một tháng sau khi mổ xong, tôi sợ quá nên nghỉ đi bán vé số luôn. Không có gì quan trọng hơn con mắt của mình“, chú Hồng vừa cười vừa kể lại. 

    Nói về điều trị bệnh Glôcôm, Thạc sĩ – Bác sĩ Nguyễn Trần Quốc Hoàng cho biết

    Mục tiêu hàng đầu chính là kiểm soát nhãn áp ở dưới mức gây tổn thương thần kinh thị giác. Trong đó, chữa trị bằng thuốc nhỏ mắt để hạ nhãn áp là lựa chọn đầu tay, bởi vì Glôcôm vẫn có nguy cơ tái phát, kể cả khi phẫu thuật thành công. 

    Thuốc hạ nhãn áp nhỏ mắt làm hạ nhãn áp bằng cách tăng sự thoát ra khỏi mắt của thủy dịch hay giảm sản xuất thủy dịch hoặc cả hai. Nhỏ thuốc được xem là cách an toàn, đơn giản mà toàn bộ bác sĩ trên thế giới đều chọn lựa để kiểm soát nhãn áp cho bệnh nhân. Thuốc nhỏ mắt cũng phù hợp với liệu trình điều trị tình trạng tăng nhãn áp lâu dài.

    Hành trình điều trị bệnh Glôcom: Kiên trì và lạc quan 

    Với câu chuyện điều trị Glôcôm của chú Hồng, tuy không gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt nhưng trong thời gian đầu, chú vẫn có nhiều lo lắng, hoang mang khi mới biết mình mắc bệnh. 

    Chú Hồng kể lại: “Buổi tối tôi thường đau đầu, khó ngủ vì suy nghĩ lung tung. Thậm chí, vì quá lo lắng mà thay vì nhỏ thuốc 2 lần/ngày thì tôi lại nhỏ nhiều hơn có khi 3,4 lần/ngày. Nhưng sau đó khi bị bác sĩ nhắc nhở, tôi đã điều chỉnh lại lịch nhỏ của mình đúng theo hướng dẫn. Tình trạng mắt đã ổn định hơn, tinh thần tôi cũng thoải mái hơn, đôi khi quên mất mình là mình đang mắc bệnh. Giờ không có thuốc để nhỏ thì mới sợ thôi“. 

    Về vấn đề này, Thầy thuốc Nhân dân, Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Viết Giáp cũng chia sẻ với Hello Bacsi: 

    Căn bệnh Glôcôm với quá trình điều trị dài hạn có thể ảnh hưởng  đến chất lượng cuộc sống và tinh thần của người bệnh. Vì ngoài tâm lý lo sợ bị mù vĩnh viễn, bệnh nhân Glôcôm còn phải bị giới hạn trong nhiều hoạt động xã hội do suy giảm thị lực. Khi bị bệnh, việc co dãn đồng tử mắt của bệnh nhân không tốt, dễ bị chói sáng nên phải hạn chế ra ngoài trong thời điểm nắng gắt. 

    Người bệnh Glôcôm cũng sẽ gặp nhiều khó khăn khi làm việc, đọc sách, lái xe đặc biệt là dễ bị vấp ngã, tai nạn do bị giảm thị trường nhìn, giảm thăng bằng. Nhiều người dễ cảm thấy bất tiện khi phải nhỏ thuốc đều đặn, liên tục mỗi ngày trong thời gian dài. Thậm chí, nhiều bệnh nhân dễ dàng mang tâm lý trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội do phải điều trị bệnh kéo dài. 

    Là một trong những bệnh nhân có tiến triển bệnh tích cực, chú Hồng tiết lộ yếu tố quan trọng của bệnh Glôcôm là phải tuân thủ quy trình điều trị, kiên trì và phải lạc quan, đôi khi phải quên mất luôn mình bị bệnh. “Với căn bệnh này tuy không điều trị phức tạp nhưng đòi hỏi mình phải có sự quyết tâm và kiên nhẫn. Dù bị bất kỳ cái gì, chỉ có bệnh nằm liệt giường tôi mới không đi tái khám thôi”, chú Hồng vui vẻ tâm sự.

    Bác sĩ Nguyễn Trần Quốc Hoàng cũng nhấn mạnh thêm rằng, bệnh nhân mắc Glôcôm không nên quá hoang mang, cần hợp tác với bác sĩ để điều trị đúng loại thuốc, nhỏ thuốc đúng giờ, đúng số giọt và báo ngay với bác sĩ nếu thấy dấu hiệu bất thường. Quan trọng là bệnh nhân phải giữ được tinh thần lạc quan, kiên trì để điều trị bệnh trong thời gian dài. Với những bệnh nhân đã có thị trường ổn định thì cứ 3 tháng nên đến gặp bác sĩ một lần để thăm khám và theo dõi bệnh.

    Cách phát hiện sớm bệnh Glôcôm trước khi quá muộn

    Thạc sĩ – Bác sĩ Nguyễn Trần Quốc Hoàng, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Mắt Sài Gòn cho biết cách tốt nhất và hiệu quả nhất để có thể sớm phát hiện các bệnh Glôcôm là thường xuyên khám mắt định kỳ, cho dù bạn có hay không có các vấn đề về mắt. Điều này sẽ giúp phát hiện sớm bệnh và điều trị bệnh cườm nước kịp thời để tránh mất thị lực vĩnh viễn. Lịch khám mắt nên là 1 năm/lần với người từ 40 tuổi trở lên, 6 tháng/lần với người có người thân từng mắc bệnh Glôcôm, định kỳ hàng tháng với người đã được chẩn đoán bệnh. 
    Thầy thuốc Nhân dân, Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Viết Giáp cũng nhấn mạnh thêm rằng căn bệnh Glôcôm có thể xảy ra ở bất kỳ độ tuổi nào. Mặc dù tỷ lệ mắc bệnh, trạng thái và mức độ bệnh ở mỗi lứa tuổi là khác nhau. Những người từ 35 – 40 tuổi trở lên thuộc nhóm có nguy cơ cao hơn nhóm người trẻ tuổi. Nhóm nguy cơ cao thứ hai là những người trong gia đình có người từng bị Glôcôm và người bị các vấn đề ở mắt như viễn thị, cận thị, sau chấn thương hoặc phẫu thuật ở mắt, có tiền sử sử dụng thuốc steroid đường uống hoặc nhỏ mắt.
    Do đó, để phát hiện sớm tình trạng bệnh cũng như giảm thiểu rủi ro mất thị lực do bệnh Glôcôm, bác sĩ Nguyễn Viết Giáp đưa ra lời khuyên mỗi người nên nắm rõ bệnh sử gia đình, các vấn đề liên quan đến thị lực của bản thân và nên đi khám mắt định kỳ.

    Tuần lễ Glôcôm Thế giới

    Các chuyên gia ước tính năm 2020 có đến 76 triệu người trên thế giới bị Glôcôm, con số này sẽ tăng lên đến 111 triệu người vào năm 2040. Trước mối nguy hiểm từ căn bệnh trên, các chuyên gia khuyến khích mọi người nên hiểu rõ các thông tin liên quan đến bệnh Glôcôm để chủ động hơn trong việc phòng ngừa, phát hiện và điều trị căn bệnh này.  
    Chính vì vậy, Tổ chức Y tế thế giới đã chọn tuần thứ hai của tháng 3 hàng năm để làm Tuần lễ Glôcôm thế giới để thu hút sự quan tâm của những người làm công tác nhãn khoa và cộng đồng. Đặc biệt, đây là dịp để giúp người dân thêm quan tâm tới sức khoẻ mắt, biết cách phòng tránh và phát hiện, chữa trị bệnh kịp thời.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Thầy thuốc Nhân dân - BS CKII Nguyễn Viết Giáp

    Nhãn khoa · BV Mắt Tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu


    Tác giả: Ban biên tập Hello Bacsi · Ngày cập nhật: 18/04/2022

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo