Bệnh glôcôm, một trong những nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa vẫn đang ngày một gia tăng trong cộng đồng. Mặc dù vậy, không ít người chưa có những hiểu biết cần thiết về căn bệnh này, dẫn đến tâm lý chủ quan trong việc phòng ngừa, phát hiện và điều trị.
Glôcôm là một tình trạng bệnh lý do tổn thương tiến triển các tế bào hạch võng mạc, đặc trưng bởi tổn thương thị trường và đầu dây thần kinh thị giác, thường liên quan đến tình trạng nhãn áp cao. Những tổn thương do bệnh glôcôm là không có khả năng hồi phục, vì vậy việc chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời là rất quan trọng.
Bệnh glôcôm (còn gọi là cườm nước, thiên đầu thống) là nguyên nhân thứ ba gây mất thị lực và mù lòa trên ở Việt Nam cũng như trên thế giới, sau bệnh đục thủy tinh thể (cườm khô) và các bệnh lý đáy mắt. Kết quả điều tra nhanh các bệnh gây mù lòa ở người từ 50 tuổi trở lên năm 2015 của Bộ Y tế cho biết: mù lòa do glôcôm chiếm 6,5% trên tổng số nguyên nhân gây mù lòa ở người từ 50 tuổi trở lên.
Các chuyên gia ước tính năm 2020 có đến 76 triệu người trên thế giới bị glôcôm, con số này sẽ tăng lên đến 111 triệu người vào năm 2040. Trước mối nguy hiểm từ căn bệnh trên, các chuyên gia khuyến khích mọi người nên hiểu rõ các thông tin liên quan đến bệnh glôcôm để chủ động hơn trong việc phòng ngừa, phát hiện và điều trị căn bệnh này.
Bệnh glôcôm là gì?
Bệnh glôcôm thường được biết đến với nhiều tên gọi khác, như:
- Cườm nước
- Thiên đầu thống
Bệnh chủ yếu xảy ra khi các tế bào hạch võng mạc và dây thần kinh thị giác bị tổn thương bởi áp lực bên trong mắt (nhãn áp) tăng quá mức bình thường. Điều này gây cản trở quá trình truyền tải tín hiệu từ mắt đến não, ảnh hưởng trực tiếp đến thị lực và thị trường. Theo thời gian, thị trường của người bệnh sẽ bị thu hẹp, thị lực của người bệnh sẽ giảm dần và dẫn đến mù lòa nếu không sớm được điều trị sớm và đúng cách.
Có nhiều cách phân loại bệnh glôcôm. Hiện nay, bệnh glôcôm được chia thành 3 nhóm chính theo cơ chế bệnh sinh:
- Glôcôm nguyên phát bao gồm: glôcôm nguyên phát góc đóng; glôcôm nguyên phát góc mở
- Glôcôm thứ phát bao gồm: glôcôm thứ phát góc đóng; glôcôm thứ phát góc mở; glôcôm thứ phát hỗn hợp
- Glôcôm bẩm sinh bao gồm: glôcôm bẩm sinh nguyên phát; glôcôm thứ phát ở trẻ nhỏ; glôcôm trong các hội chứng bất thường bẩm sinh
Trong đó, glôcôm góc mở thường tiến triển âm thầm nên hầu hết bệnh nhân sẽ không nhận thấy bất kỳ dấu hiệu bất thường nào ở giai đoạn sớm của bệnh.
Nguyên nhân gây glôcôm là gì?
- Người trên 40 tuổi
- Gia đình có người bị bệnh glôcôm
- Bệnh lý nền (đái tháo đường, tăng huyết áp, các bệnh tim mạch, một số hội chứng bẩm sinh…)
- Các vấn đề ở mắt (viễn thị, cận thị, sau chấn thương hoặc phẫu thuật ở mắ….)
- Sử dụng thuốc steroid đường uống hoặc nhỏ mắt
Các triệu chứng của bệnh glôcôm là gì?
Hỏi bệnh
Đối với những trường hợp glôcôm mãn tính (cả góc đóng và góc mở): người bệnh rất khó nhận biết các triệu chứng glôcôm ngay từ giai đoạn đầu do bệnh diễn ra trong thầm lặng. Cũng chính vì vậy, bệnh thường chỉ được phát hiện trong các buổi khám mắt định kỳ hoặc khi bệnh đã tiến triển, ảnh hưởng đến thị lực hoặc thị trường.
Trong trường hợp này có một số dấu hiệu cảnh báo không rõ ràng và không đặc hiệu như:
- Nặng mắt
- Mỏi mắt
- Nhức mắt nhẹ thoáng qua
- Nhìn đèn có quầng xanh đỏ, lóe sáng nhẹ
- Thường phải day dụi mắt
- Thu hẹp tầm nhìn
Tuy nhiên, trong trường hợp cơn glôcôm cấp tính, người bệnh sẽ có các triệu chứng tại mắt và toàn thân rầm rộ của tình trạng tăng nhãn áp như sau:
- Đau một bên đầu và mắt cùng bên dữ dội
- Giảm thị lực, nhìn mờ như có sương mù trước mắt
- Nhìn thấy quầng tán sắc khi nhìn vào đèn ban đêm
- Kích thích chảy nước mắt
- Nôn hoặc buồn nôn
- Người mệt lả
Khám lâm sàng chuyên khoa mắt
- Mí mắt sưng
- Đỏ mắt, cương tụ rìa
- Phù giác mạc
- Tủa sau giác mạc (glôcôm do viêm màng bồ đào, glôcôm sắc tố, hội chứng Posner …)
- Đồng tử giãn, giảm phản xạ đồng tử
- Teo mống, dính mống, mống vồng, tân mạch mống
- Khám gai thị: lõm gai rộng, teo gai, xuất huyết gai và cạnh gai
- Soi góc tiền phòng: Phân loại góc dính hoặc góc áp, phân độ hẹp của góc
Thăm dò chức năng và chẩn đoán hình ảnh
- Đo thị lực: Giảm thị lực
- Đo thị trường: Giảm thị trường, có ám điểm
- Đo nhãn áp: Nhãn áp cao hoặc dao động
- Chụp hình màu đáy mắt: tổn thương đĩa thị, xuất huyết gai, quy luật ISNT
- Chụp cắt lớp OCT: Giảm lớp sợ thần kinh, giảm tế bào hạch
Làm sao để phát hiện sớm bệnh glôcôm?
Cách tốt nhất và hiệu quả nhất để có thể sớm phát hiện các bệnh glôcôm là thường xuyên khám mắt định kỳ, cho dù bạn có hay không có các vấn đề về mắt. Điều này sẽ giúp phát hiện sớm bệnh và điều trị bệnh cườm nước kịp thời để tránh mất thị lực vĩnh viễn.
Nhìn chung, mỗi nhóm đối tượng sẽ có thời gian khám mắt định kỳ khác nhau, chẳng hạn như:
Trẻ nhỏ
Trẻ nhỏ nên được kiểm tra thị lực thường xuyên hơn trong suốt quá trình trưởng thành. Đặc biệt, trẻ bị cận thị cần khám mắt mỗi năm 1 lần.
Người trong độ tuổi 18 – 40
Nếu không gặp vấn đề về thị lực, nhóm đối tượng này chỉ cần khám mắt định kỳ mỗi 1 – 2 năm. Ngược lại, nếu bạn có nguy cơ mắc bệnh glôcôm (như có người thân mắc bệnh glôcôm), hãy đến gặp bác sĩ nhãn khoa khoảng 6 – 12 tháng/lần hoặc thường xuyên hơn.
Người từ 40 tuổi trở lên
Càng lớn tuổi, bạn càng dễ bị cườm nước. Vì vậy, hãy khám mắt mỗi 6 tháng – 1 năm/lần hoặc theo lịch hẹn của bác sĩ để kịp thời phát hiện bệnh và sớm có biện pháp khắc phục hiệu quả.
Các phương pháp giúp điều trị glôcôm là gì?
Mục tiêu hàng đầu của việc điều trị bệnh glôcôm là kiểm soát nhãn áp ở dưới mức gây tổn thương thần kinh thị giác. Trong đó, chữa trị bằng thuốc nhỏ mắt để hạ nhãn áp là lựa chọn đầu tay, bởi vì:
- Glôcôm vẫn có nguy cơ tái phát, kể cả khi phẫu thuật thành công. Lúc này, người bệnh có thể phải làm một cuộc phẫu thuật khác hoặc phải sử dụng tiếp tục thuốc hạ nhãn áp nhỏ mắt để kiểm soát nhãn áp dưới mức gây tổn thương thần kinh thị giác.
- Phù hợp với liệu trình điều trị tình trạng tăng nhãn áp lâu dài.
- Thuốc hạ nhãn áp nhỏ mắt làm hạ nhãn áp bằng cách tăng sự thoát ra khỏi mắt của thủy dịch hay giảm sản xuất thủy dịch hoặc cả hai.
Hiện nay, thuốc nhỏ mắt điều trị bệnh glôcôm có rất nhiều loại. Tuy nhiên, ngoài dựa trên cơ chế của bệnh, bác sỹ còn cân nhắc các tiêu chí khác để tăng sự tuân thủ điều trị của bệnh nhân khi sử dụng lâu dài như:
- Duy trì nhãn áp ổn định trong thời gian dài
- Thời gian tác dụng có thể kéo dài đến 24 giờ
- Đơn giản, dễ sử dụng (ít lần tra)
- Ít tác dụng phụ
- Có chứa các chất bảo quản an toàn
Mặt khác, trong trường hợp bệnh tiến triển nghiêm trọng hoặc người bệnh không đáp ứng tốt với thuốc đặc trị, bác sỹ có thể tiến hành thủ thuật laser hoặc phẫu thuật cắt bè nhằm tăng lượng thủy dịch thoát ra khỏi mắt.
Khám mắt định kỳ để phát hiện sớm bệnh glôcôm.
Thực tế, có đến 50% trường hợp người bị glôcôm không biết bản thân đang mắc bệnh. Do đó, để phát hiện sớm tình trạng này cũng như giảm thiểu rủi ro mất thị lực do bệnh glôcôm, bạn nên:
- Nắm rõ bệnh sử gia đình về các vấn đề liên quan đến thị lực
- Khám mắt định kỳ
Ngoài ra, khi bạn cảm thấy có bất kỳ dấu hiệu nào của bệnh, hãy nhanh chóng đến gặp bác sỹ để được khám và điều trị kịp thời. Tổn thương thị lực và thị trường trong bệnh glôcôm là không thể hồi phục nên việc trang bị kiến thức về bệnh glôcôm giúp bạn nhận biết sớm được bệnh cũng như hiểu được mức độ nghiêm trọng bệnh, từ đó tuân thủ điều trị tốt hơn.