backup og meta

Sử dụng kính áp tròng chưa bao giờ là chuyện dễ dàng!

Sử dụng kính áp tròng chưa bao giờ là chuyện dễ dàng!

Kính áp tròng được rất nhiều người ưa chuộng nhờ sự tiện ích của đặc tính tiếp xúc trực tiếp với mắt. Tuy nhiên, cũng chính vì vậy, bạn nên hết sức thận trọng khi sử dụng kính áp tròng để tránh những biến cố không đáng có.

Kính áp tròng (hay lens mắt) đã trở nên vô cùng phổ biến trong vòng một thập kỷ qua với mẫu mã cũng như tính năng ngày một đa dạng, chẳng hạn như:

  • Cải thiện tầm nhìn (Kính áp tròng có độ cận)
  • Đổi màu mắt (Kính áp tròng màu)

Tuy nhiên, việc sử dụng kính áp tròng chưa bao giờ dễ dàng khi mà bạn cần phải chú ý đến rất nhiều điều bởi đặc trưng của loại kính này là tiếp xúc trực tiếp với nhãn cầu.

Cách đeo kính áp tròng

Bạn có thể sử dụng kính áp tròng trong bao lâu?

Hiện nay, bạn có thể chọn đeo kính áp tròng với nhiều kiểu mẫu cũng như thời hạn sử dụng khác nhau, thông thường sẽ là:

  • Một ngày
  • Một tuần
  • Ba tháng
  • Sáu tháng
  • Một năm

Bạn chỉ nên sử dụng kính áp tròng mỗi ngày nếu bác sĩ khuyến nghị như vậy. Ngoài ra, bạn cũng cần thay kính áp tròng thường xuyên, thời gian tùy vào hạn sử dụng của kính, kể cả khi bạn không sử dụng hàng ngày. Ví dụ như:

  • Đối với loại kính chỉ sử dụng trong một ngày (một lần): bạn nên bỏ chúng đi ngay sau khi sử dụng xong, dù cho kính vẫn còn rất mới.
  • Đối với kính áp tròng có hạn sử dụng từ một tuần trở lên: bạn cần cẩn thận khi sử dụng cũng như bảo quản chúng để hạn chế nguy cơ nhiễm trùng mắt, một trong nhiều tác hại của kính áp tròng.

Nếu bạn nghĩ rằng bản thân sẽ gặp khó khăn trong việc đổi kính đúng thời hạn, hãy hỏi bác sĩ nhãn khoa về biểu đồ theo dõi lịch trình của mình. Nếu bác sĩ không có nó, bạn có thể tự trang bị cho bản thân.

Bạn có thể quan tâm: Tác hại của việc đeo kính áp tròng quá lâu.

Trước khi sử dụng kính áp tròng

Rửa tay là bước đầu tiên cũng như quan trọng nhất mà bạn bắt buộc phải làm khi sử dụng kính áp tròng. Trước khi để tay tiếp xúc với lens mắt, bạn nên vệ sinh tay thật sạch với xà phòng. Hãy chắc chắn xà phòng không chứa tinh dầu hay bất kì loại nước thơm nào. Các loại hợp chất này có thể vẫn còn sót lại một lượng nhỏ trên tay sau khi bạn đã rửa lại với nước sạch. Nếu chúng dính lên kính áp tròng, mắt bạn có khả năng bị kích ứng hoặc tầm nhìn sẽ mờ đi khi đeo kính.

Khi dùng tay đeo kính áp tròng lên mắt, lens có thể bám vào tay ướt, nên bạn cũng đừng quên lau khô tay bằng khăn sạch sau khi đã vệ sinh đôi tay của mình nhé.

Nếu có nhu cầu sử dụng kem dưỡng ẩm, bạn nên thực hiện nó sau khi đã đeo kính áp tròng, vì dư lượng từ loại kem này có thể vẫn còn dính lại trên đầu ngón tay bạn và vô tình dính lên lens mắt. Lúc này, kính áp tròng có khả năng khiến mắt bị kích ứng.

Ngược lại, nếu có thói quen dùng keo xịt tóc, hãy thực hiện nó trước rồi mới bắt đầu sử dụng kính áp tròng. Các tia xịt từ chai keo xịt tóc không có lợi cho mắt, đặc biệt khi có sự xuất hiện của kính áp tròng.

Ngoài ra, một lưu ý nhỏ dành cho người sử dụng kính áp tròng là không nên để móng tay dài, sắc nhọn để tránh làm rách lens hoặc tổn thương giác mạc trong lúc đeo hay gỡ kính.

Đeo kính áp tròng lên mắt

Bạn có thể đeo kính áp tròng lên mắt theo các bước sau:

Sử dụng kính áp tròng

  • Sử dụng ngón trỏ để lấy lens mắt ra khỏi hộp và đặt vào lòng bàn tay
  • Dùng dung dịch vệ sinh kính áp tròng đã được chuyên gia nhãn khoa chỉ định rửa sạch lens mắt
  • Đặt kính áp tròng lên đầu ngón trỏ
  • Kéo và giữ mí mắt dưới xuống bằng ngón giữa của tay đang giữ kính áp tròng, đồng thời kéo và giữ mí mắt trên lên bằng tay còn lại
  • Đặt lens mắt vào cẩn thận nhất có thể
  • Nhẹ nhàng buông mí mắt ra và chớp mắt

Mỗi lần sử dụng kính áp tròng, bạn nên bắt đầu cùng một bên mắt để tránh lấy nhầm kính đã đeo vào mắt trái cho mắt phải. Bạn cần lưu ý việc nhầm lẫn này vì nó có nguy cơ khiến một số vấn đề nhãn khoa, chẳng hạn như đau mắt đỏ (viêm kết mạc), xảy ra ở cả hai mắt.

Bạn có thể muốn đọc thêm: Hiện tượng đau mắt đỏ sẽ kéo dài bao lâu

Gỡ kính áp tròng sau khi dùng

Tương tự trước khi sử dụng kính áp tròng, bạn cần rửa tay sạch và lau khô trước khi để chúng tiếp xúc với mắt và lens mắt.

Để gỡ kính áp tròng ra dễ dàng, bạn cần:

  • Kéo và giữ mí mắt dưới xuống.
  • Hướng mắt lên trên hoặc về một phía, nhẹ nhàng dùng ngón trỏ di chuyển kính áp tròng sang tròng trắng của mắt.
  • Phối hợp ngón cái và ngón trỏ để nhấc kính áp tròng ra khỏi mắt. Bạn nên lưu ý rằng chỉ sử dụng phần thịt chỗ đầu ngón tay để gỡ lens mắt. Tuyệt đối không dùng móng tay để gỡ, tránh làm rách kính hoặc vô tình gây tổn thương cho giác mạc.

Vệ sinh và bảo quản kính áp tròng

Sau khi sử dụng kính áp tròng, điều đầu tiên bạn cần làm là vệ sinh và bảo quản chúng. Bạn có thể lựa chọn một trong hai cách sau để thực hiện:

  • Nếu là người bận rộn, bạn có thể yêu cầu chuyên gia nhãn khoa cung cấp cho bạn một dung dịch đa năng có công dụng vệ sinh, khử trùng và bảo quản lens mắt.
  • Nếu kỹ tính, bạn có thể mua từng loại dung dịch riêng, ví dụ như dung dịch khử trùng, thuốc nhỏ mắt và chất tẩy rửa bằng enzyme được bác sĩ khuyên dùng. Bạn cần lưu ý rằng một số sản phẩm thuốc nhỏ mắt không an toàn cho người đeo kính áp tròng sử dụng.

Bạn có thể muốn biết: Tất tần tật những điều bạn cần biết về thuốc nhỏ mắt.

Không để nước dính vào kính áp tròng

Ngoài những dung dịch chuyên dụng cho lens mắt, bạn không thể dùng bất kỳ loại nước nào khác tiếp xúc với kính. Nước máy hay thậm chí là nước cất đều có khả năng chứa vi khuẩn gây nhiễm trùng mắt và tổn thương thị lực nghiêm trọng. Đây cũng là nguyên nhân bạn không được sử dụng kính áp tròng khi đi bơi hoặc tắm.

Vệ sinh khay đựng lens mắt

Vệ sinh khay đựng lens mắt

Vệ sinh khay đựng kính áp tròng cũng quan trọng như vệ sinh kính. Bạn nên rửa sạch khay bằng dung dịch khử trùng và lau sạch nó bằng khăn giấy không bụi tiệt trùng để loại bỏ những vi khuẩn còn sót lại. Khay đựng lens cần thay mới sau ba tháng hoặc sớm hơn.

Một số lưu ý khi sử dụng kính áp tròng

Lens mắt tiếp xúc trực tiếp với nhãn cầu. Do đó, khi sử dụng kính áp tròng, bạn cần lưu ý một số điều sau:

  • Trẻ vị thành niên vẫn có thể đeo kính áp tròng, chỉ cần trẻ sử dụng và vệ sinh cũng như bảo quản kính đúng cách.
  • Nên sử dụng kính áp tròng dùng trong ngày (một lần) vì bạn không cần thực hiện bất kỳ bước vệ sinh hay bảo quản liên quan nào.
  • Làm việc tích cực với bác sĩ nhãn khoa để tìm ra loại lens mắt phù hợp nhất.
  • Tuyệt đối không đeo kính áp tròng của người khác, đặc biệt là nếu chúng đã được sử dụng. Dùng chung kính áp tròng làm tăng nguy cơ mắc phải virus hoặc vi khuẩn gây nhiễm trùng mắt không đáng có từ người ngoài.
  • Kính áp tròng bạn đeo cần phù hợp với mắt cũng như tình trạng thị lực của bạn.
  • Không đeo kính áp tròng khi ngủ. Khi mắt nhắm lại, nước mắt không thể cung cấp đủ oxy cần thiết dẫn đến tình trạng mắt thiếu oxy.
  • Đừng để đầu nhỏ giọt của các chai dung dịch chuyên dụng chạm vào bất kỳ thứ gì, kể cả ngón tay, mắt hoặc kính áp tròng. Nếu làm như vậy, các dung dịch này có nguy cơ bị nhiễm khuẩn rất cao.
  • Sử dụng nước muối sinh lý hoặc bất kỳ dung dịch chuyên dụng nào mà chuyên gia nhãn khoa khuyến nghị để giữ ẩm cho mắt.
  • Nếu bạn vô tình đeo kính áp tròng ngược, điều này sẽ không gây tổn thương đến mắt. Tuy nhiên, thực tế bạn cũng sẽ không cảm thấy dễ chịu gì. Để tránh trường hợp này, bạn có thể đặt lens mắt lên đầu ngón tay và quan sát từ dưới lên trên. Nếu nó trông có dạng chữ “U”, bạn đã đặt lens mắt đúng mặt.
Sử dụng kính áp tròng đúng cách
Nguồn: Allaboutvision.com
  • Nếu mắt bị kích ứng, bạn cần gỡ kính áp tròng ra ngay lập tức. Đồng thời, bạn không được phép tái sử dụng kính áp tròng cho đến khi các chuyên gia nhãn khoa hoàn thành công tác đánh giá tình trạng mắt bạn. Lúc này, nếu vẫn tiếp tục đeo lens mắt, bạn sẽ có nguy cơ bị nhiễm trùng mắt. Khi đã được phép sử dụng kính áp tròng lại, hãy đảm bảo tuân theo hướng dẫn từ bác sĩ nhằm phòng ngừa nhiễm trùng.

Cảm thấy khó chịu khi sử dụng kính áp tròng

Nguyên nhân khiến bạn cảm thấy khó chịu ở mắt khi đeo kính áp tròng có thể là:

  • Có vật thể lạ bám trên lens mắt
  • Bạn đeo kính áp tròng chưa đúng vị trí

Lúc này, bạn nên gỡ kính ra và vệ sinh chúng bằng dung dịch chuyên dụng không chứa peroxide nhằm loại bỏ bụi bẩn. Bên cạnh đó, bạn cũng đừng nên sử dụng kính áp tròng liên tục nếu chúng khiến mắt bạn khó chịu. Mắt đang gặp vấn đề như đau mắt đỏ hay kích ứng cũng không nên đeo kính áp tròng. Trong trường hợp bạn đã ngừng đeo lens mắt nhưng tình hình vẫn không cải thiện, hãy đến gặp chuyên gia nhãn khoa càng sớm càng tốt.

Mẹo trang điểm khi sử dụng kính áp tròng

Các cô gái có thói quen trang điểm thường xuyên nên chú ý một số vấn đề sau khi sử dụng kính áp tròng:

  • Đeo kính áp tròng trước khi trang điểm
  • Gỡ lens mắt ra trước khi tẩy trang
  • Hạn chế dùng mỹ phẩm có chứa thành phần gây kích ứng
  • Tránh dùng phấn mắt và chì kẻ mắt kim loại hoặc lấp lánh, mascara làm dài lông mi hoặc không thấm nước. Những dụng cụ này có thể gây kích ứng hoặc làm bẩn lens mắt
  • Không dùng chì kẻ mắt cho viền trong
  • Thay mới dụng cụ trang điểm cũng như mỹ phẩm mắt ít nhất ba tháng một lần.

Sử dụng kính áp tròng khi chơi thể thao

Các vận động viên hoặc người thích chơi thể thao rất ưa chuộng lens mắt, đặc biệt là những người bị tật khúc xạ như cận thị. Khi hoạt động thể chất, bạn sẽ không sợ lens mắt rơi ra ngoài. Thêm vào đó, chúng giúp bạn nhìn tốt hơn hẳn so với kính đeo mắt thông thường.

Tuy nhiên, nếu môn thể thao ưa thích của bạn là bơi lội thì đó lại là một vấn đề khác. Kính áp tròng tuyệt đối không được tiếp xúc với nước hồ bơi, kể cả bạn có trang bị sẵn kính bơi, nếu bạn không muốn bị nhiễm trùng mắt.

Kết hợp kính đeo mắt và kính áp tròng

Ngay cả khi bạn đang đeo lens mắt, đôi khi bạn vẫn sẽ cần dùng đến kính đeo mắt. Chẳng hạn như khi lái xe hoặc đi dưới trời nắng, bạn sẽ cần một chiếc kính mát để bảo vệ mắt khỏi tác hại của tia UV từ ánh sáng mặt trời.

Bên cạnh đó, sẽ có lúc mắt bạn cần nghỉ ngơi hoặc bạn không thể dùng kính áp tròng vì một số lý do như bị viêm kết mạc hoặc tăng nhãn áp. Do đó, giữ lại cặp kính theo toa của bác sĩ là điều cần thiết.

Bạn có thể muốn tìm hiểu: Khi nào bạn cần đến kính đeo mắt

Kính áp tròng màu

Đối với những người thích đổi màu mắt tạm thời vì đẹp và “độc”, kính áp tròng màu là sự lựa chọn hàng đầu. Tuy nhiên, để đảm bảo sức khỏe của mắt, hãy chắc chắn là bạn chọn mua chúng theo toa thuốc của bác sĩ ở cơ sở uy tín. Hiện nay, trên thị trường Việt Nam có rất nhiều nơi bán kính áp tròng màu với mẫu mã cũng như giá cả vô cùng đa dạng. Bạn cần cân nhắc cẩn thận trước khi chọn mua kẻo “tiền mất tật mang”.

Kính áp tròng màu

Kính áp tròng và màn hình thiết bị điện tử

Ngày nay, thanh thiếu niên và thanh niên dành hàng giờ trước máy tính, tivi và điện thoại di động. Tiếp xúc với màn hình thiết bị điện tử trong thời gian dài như vậy sẽ dẫn đến tình trạng khô mắt và thị lực mệt mỏi. Để cải thiện tình trạng này, bạn hãy thử quy tắc 20–20–20 gồm phóng tầm mắt vào khoảng không với khoảng cách 20 feet (tầm 6m) trong 20 giây sau 20 phút tập trung trước màn hình vi tính, tivi hoặc điện thoại.

Tham vấn cùng chuyên gia nhãn khoa

Nếu bạn đang cân nhắc về việc mua một cặp kính áp tròng, hãy đến gặp bác sĩ nhãn khoa trước. Các chuyên gia có thể tư vấn cho bạn tìm đúng loại kính áp tròng phù hợp với mắt thay vì tùy tiện mua.

Ngoài ra, hãy đến gặp các chuyên gia nhãn khoa để được khám mắt ngay lập tức nếu thị lực của bạn giảm đột ngột, kèm theo các triệu chứng như mờ mắt kéo dài, thấy ánh sáng nhấp nháy, đau mắt, nhiễm trùng, mắt sưng đỏ bất thường hoặc kích ứng.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Tips for Contact Lens Wearers at Every Age. https://www.webmd.com/eye-health/ss/slideshow-contact-lens-tips. Ngày truy cập 14/03/2019.

Caring for Your Contact Lenses and Your Eyes. https://www.webmd.com/eye-health/caring-contact-lens. Ngày truy cập 14/03/2019.

Tips For Contact Lens Wearers. https://www.allaboutvision.com/contacts/contact-lens-tips.htm. Ngày truy cập 14/03/2019.

Phiên bản hiện tại

04/01/2022

Tác giả: Ngọc Vũ

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: [email protected]


Bài viết liên quan

Phẫu thuật mí mắt: Quy trình, rủi ro và cách hồi phục nhanh chóng

Nhức 1 bên mắt là bị gì? Điểm danh những nguyên nhân thường gặp


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngọc Vũ · Ngày cập nhật: 04/01/2022

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo