Hầu hết các trường hợp có sạn vôi ở mắt đều là lành tính, rất hiếm khi gây ra biến chứng. Tuy nhiên, trong mắt có hạt trắng gây cộm mắt, gây đau khiến cho người bệnh rất khó chịu, thường phải dụi mắt thường xuyên. Thậm chí sạn vôi đủ lớn có thể cọ xát và khiến giác mạc bị tổn thương.
Vì vậy, dù sạn vôi không làm giảm thị lực, trừ khi có biến chứng, nhưng các bác sĩ nhãn khoa đều khuyên nên loại bỏ chúng, tránh về lâu dài sẽ gây ảnh hưởng tới sức khỏe của mắt. Cụ thể hơn về sạn vôi mắt, mời bạn đọc cùng theo dõi bài viết dưới đây.
Tìm hiểu chung
Sạn vôi ở mắt là gì?
Đây là tình trạng canxi bị kết tinh và lắng đọng lại ở phía bên dưới lớp kết mạc sụn mi. Trong mắt có hạt trắng có thể xuất hiện ở một hoặc cả hai bên mắt, số lượng không cố định.
Sạn vôi trong mắt có thể gặp phải ở tất cả mọi người, nhưng phổ biến hơn ở người cao tuổi (có số liệu thống kê cho thấy có 40% người bệnh trên 50 tuổi). Nó còn được gọi là sỏi kết mạc.
Triệu chứng
Triệu chứng sạn vôi ở mắt là gì?
Sạn vôi có thể xuất hiện ở cả mí trên và mí dưới mắt, nhưng do mí dưới dễ quan sát hơn nên nhiều người có thể quan sát thấy triệu chứng nổi mụn trắng ở mí mắt dưới. Hạt vôi mắt này đôi khi sẽ ngả sang màu vàng. Kích thước trung bình của một sạn vôi là khoảng 1 – 2mm, nhưng cũng có thể nhỏ hoặc lớn hơn.
Sạn vôi có gây ra triệu chứng ở mắt hay không tùy thuộc vào kích thước và vị trí của nó.
Nếu trong mắt có hạt trắng nhỏ, người bệnh hầu như không thấy dấu hiệu khác thường nào mà chỉ được phát hiện tình cờ khi khám nhãn khoa. Khi sạn vôi có kích thước to hoặc có nhiều sạn trong mắt, bệnh nhân sẽ thấy cộm mắt liên tục, rất khó chịu. Họ buộc phải liên tục chớp và dụi mắt.
Bên cạnh đó, khi sạn nổi lên trên kết mạc sụn mi sẽ gây cảm giác đau nhức, cộm xốn cho bệnh nhân.
Các triệu chứng khác bao gồm chói, chảy nước mắt liên tục.
Nguyên nhân
Nguyên nhân gây sạn vôi trong mắt là gì?
Hiện các chuyên gia vẫn chưa tìm được chính xác nguyên nhân vì sao có sự lắng đọng canxi tại kết mạc sụn mi. Nhưng qua quan sát thấy sạn vôi thường xuất hiện ở những người có cơ địa dễ bị dị ứng, mắt thường xuyên phải tiếp xúc với khói bụi, ánh mặt trời trực tiếp, hóa chất…, hay bị lẹo mắt, chắp mắt và viêm kết mạc mãn tính (đau mắt hột, viêm kết mạc dị ứng).
Những ghi nhận gần đây cũng cho thấy sạn vôi có liên quan đến chứng khô mắt.
Một số người lớn tuổi bị sạn vôi mắt vô căn.
Chẩn đoán và điều trị
Chẩn đoán sạn vôi ở mắt
Bác sĩ sẽ căn cứ vào triệu chứng để chẩn đoán tình trạng này.
Sạn vôi ở mắt có tự khỏi không? Điều trị sạn vôi mắt bằng cách nào?
Sạn vôi ở mắt có tự khỏi được không thì câu trả lời là không. Nếu sạn vôi không gây kích ứng, bạn có thể điều trị bằng cách nhỏ nước mắt nhân tạo vào ban ngày và thuốc mỡ tra mắt vào ban đêm. Khi sạn to gây kích ứng cho mắt, bạn buộc phải tiểu phẫu lấy sạn vôi ra ngoài. Nếu để lâu dài, sạn vôi mắt có thể rụng ra, rơi vào trong mắt gây trầy xước giác mạc, dẫn tới viêm giác mạc.
Tại bệnh viện, các bác sĩ sẽ gây tê vùng kết mạc có sạn, sử dụng một kim chích có mặt vát để nạo và lấy những sạn vôi này ra ngoài. Nhìn chung quá trình này diễn ra rất nhanh và ít gây đau đớn. Sau đó, bệnh nhân về nhà và được kê đơn thuốc nhỏ mắt kháng sinh và kháng viêm.
Nhiều người quan tâm đến cách điều trị sạn vôi ở mắt tại nhà, tuy nhiên tất cả các chuyên gia đều khuyên không nên tự lấy sạn vôi vì dễ dẫn đến nhiễm trùng hay chấn thương mắt. Lúc này sẽ khó điều trị và tăng nguy cơ tổn thương mắt.
Phòng ngừa
Có cách nào phòng ngừa sạn vôi mắt không?
Sạn vôi mắt là lành tính và rất hiếm khi gây ra biến chứng. Tuy nhiên, cũng không thể loại trừ 100% rủi ro có viêm, sẹo giác mạc và loạn thị; sạn vôi cũng dễ tái phát trở lại. Vì vậy, bạn nên áp dụng những biện pháp phòng ngừa tình trạng này như sau:
- Đeo kính bảo vệ mắt khi ra đường hoặc làm việc trong môi trường khói bụi nhiều
- Nên rửa mắt bằng nước muối sinh lý khi về nhà
- Bỏ thói quen dụi mắt
- Khám mắt ngay khi có dấu hiệu khác thường
Nhìn chung sạn vôi ở mắt là tình trạng rất phổ biến và lành tính, việc điều trị cũng đơn giản, nhanh chóng. Nếu phát hiện những triệu chứng của sạn vôi, bạn nên sắp xếp thời gian thăm khám và xử lý sớm, đồng thời luôn chăm sóc mắt hằng ngày để đôi mắt luôn sáng khỏe.