Nhức 1 bên mắt có thể xảy ra với bất kỳ ai, nhưng bạn tuyệt đối đừng chủ quan với tình trạng này. Đôi khi, nó lại là dấu hiệu cảnh báo một vấn đề sức khỏe tiềm ẩn hoặc chấn thương mắt nghiêm trọng cần được điều trị ngay.
Vậy, nguyên nhân đau nhức mắt ở 1 bên là gì? Cùng Hello Bacsi tìm hiểu về những thủ phạm thường gặp nhất.
Tại sao bị nhức 1 bên mắt?
Hãy nghĩ đến những nguyên nhân có thể sau đây:
1. Chấn thương mắt
Chấn thương va đập hoặc xuyên thủng vào mắt là tình huống cần cấp cứu. Chấn thương có thể gây ra cơn đau nhức mắt từ nhẹ đến trung bình, hoặc nặng tùy theo tính chất và mức độ tổn thương ở mắt. Người bệnh cảm thấy nhức bên trong, xung quanh và ở hốc mắt. Các triệu chứng khác bao gồm:
- Sưng mí mắt
- Bầm tím
- Sung huyết và xuất huyết dưới kết mạc, khiến tròng trắng mắt chuyển sang màu đỏ.
Chấn thương mắt có thể chỉ xảy ra ở bề mặt, nhưng cũng có thể nghiêm trọng hơn, bao gồm: rách kết mạc, rách giác mạc, rách củng mạc và vỡ nhãn cầu. Trong trường hợp chấn thương xuyên thủng hoặc có phù, bong võng mạc, tổn thương thần kinh thị giác thì thị lực sẽ bị suy giảm.
Nhức 1 bên mắt do chấn thương rất dễ nhận biết. Khi có vật xuyên thủng mắt thì người bệnh đã cấp cứu ngay, không cần quan tâm nhức 1 bên mắt là bệnh gì. Còn lại, bạn chỉ cần nhớ lại xem mình có bị va đập vào 1 bên mắt vài ngày gần đây khiến mắt bị nhức hay không. Nếu có, mắt sẽ nhức khi cử động.
2. Nhiễm trùng mắt
Nhiễm trùng mắt có thể xảy ra khi bạn mang kính áp tròng qua đêm, sử dụng kính áp tròng không đảm bảo vệ sinh, dụi mắt với tay bẩn, dùng đồ trang điểm mắt nhiễm khuẩn, lau rửa mặt với khăn bẩn… Tác nhân gây bệnh là vi khuẩn, virus hoặc nấm.
Triệu chứng thường gặp là đau hoặc nhức mắt ở bên bị ảnh hưởng, sưng đỏ, chảy nước mắt, ngứa hoặc kích ứng, chảy mủ, sợ ánh sáng, mờ mắt, sốt.
3. Đau mắt đỏ gây nhức 1 bên mắt
Đau mắt đỏ có thể gây tiết dịch nhẹ, đỏ mắt, khi nghiêm trọng mới gây nhức mắt.
Đau mắt đỏ do virus là phổ biến nhất, nó gây đau nhức, bỏng đỏ, chảy nước mắt và rất dễ lây lan từ mắt này sang mắt khác, người này sang người khác. Vì vậy, bạn bị nhức mắt 1 bên sau đó nhanh chóng lây sang mắt còn lại kèm theo triệu chứng trên thì hãy thử nghĩ đến nguyên nhân này.
Đau mắt đỏ do vi khuẩn đi kèm với mủ ở mắt và thường chỉ ảnh hưởng tới 1 bên mắt.
Ngoài ra, còn một dạng đau mắt đỏ do dị ứng nhưng hầu như xảy ra ở cả 2 mắt vì chúng cùng tiếp xúc với tác nhân gây dị ứng (phấn hoa, bụi, lông động vật,…).
4. Dị vật giác mạc
Nếu bạn thấy nhức 1 bên mắt kèm theo cảm giác cộm, rõ ràng nhất khi chớp mắt thì rất có thể trong mắt có dị vật. Chúng bám vào và cọ xát làm tổn thương giác mạc, bao gồm mảnh kim loại, cát, hạt đá nhỏ, mùn cưa,…
Một số người gặp thêm triệu chứng nhìn mờ, nhạy cảm với ánh sáng.
Đây cũng là tình huống cần được điều trị khẩn cấp vì dị vật sẽ nhanh chóng gây nhiễm trùng mắt. Bác sĩ sẽ lấy dị vật ra ngoài, kê đơn thuốc nhỏ mắt kháng sinh.
Bên cạnh đó, trầy xước giác mạc cũng có thể làm bạn bị nhức mắt. Dù hầu hết trường hợp là không nghiệm trọng nhưng lại gây khó chịu, nhạy cảm với ánh sáng và chảy nước mắt. Chúng có thể tự lành sau 24 giờ nếu chỉ bị trầy nhẹ. Trong trường hợp nặng, trầy xước sâu có thể dẫn đến nhiễm trùng mắt nghiêm trọng, thậm chí loét giác mạc nếu không điều trị.
Bạn sẽ khó lòng biết được tình trạng nhức mắt 1 bên của mình là do trầy xước nhỏ, trầy xước sâu hay dị vật giác mạc nên cần đi khám để bác sĩ xem xét càng sớm càng tốt nếu nghi ngờ đau nhức mắt do nguyên nhân này.
5. Nhức 1 bên mắt do zona thần kinh ở mắt
Zona thần kinh là một bệnh nhiễm trùng do virus herpes gây ra. Nó gây phát ban dọc theo một dây thần kinh bị ảnh hưởng. Nếu đây là dây thần kinh ở một bên mắt, zona sẽ gây nhức nhối, đau rát, ngứa 1 bên mắt. Zona có thể phát triển ở nhiều bộ phận khác nhau của mắt như mí mắt, bề mặt mắt và các phần sâu hơn của mắt.
Triệu chứng khác bao gồm đau, chảy nước, đỏ, nhạy cảm với ánh sáng,…
Bạn cần đi khám để được điều trị phù hợp, bởi một số trường hợp bị zona thần kinh ở mắt có thể dẫn tới suy giảm thị lực, thậm chí mù lòa.
6. Bong võng mạc
Võng mạc là một trong số ít cấu trúc không có cơ quan tiếp nhận cảm giác đau ở mắt. Do đó, khi bị bong hoặc rách võng mạc cũng thường không gây đau. Tuy nhiên, 40% người bị bong võng mạc có thiếu máu cục bộ tại mắt bị đau nhức âm ỉ, có thể lan từ vùng quanh ổ mắt lên mặt và đầu. Cơn nhức 1 bên mắt nặng hơn khi đứng thẳng.
Bong võng mạc có thể xảy ra ở mắt trái hoặc mắt phải.
Khi nào nhức 1 bên mắt cần đi khám?
Bạn cần gọi cấp cứu ngay nếu như tình trạng nhức 1 bên mắt nghiêm trọng bất thường hoặc xảy ra cùng với:
- Đau đầu, sốt, nhạy cảm bất thường với ánh sáng
- Tầm nhìn thay đổi đột ngột
- Buồn nôn, nôn
- Nguyên nhân nhức mắt là do có vật lạ hoặc hóa chất bắn vào mắt
- Đột nhiên thấy hào quang, giống quầng sáng quanh bóng đèn
- Sưng trong hoặc xung quanh mắt
- Khó khăn khi di chuyển mắt hoặc không thể mở mắt
- Mắt chảy máu và mủ.
Bạn cũng nên đi khám lại với bác sĩ phẫu thuật mắt nếu đã từng phẫu thuật mắt hoặc tiêm vào mắt. Bên cạnh đó, hãy đi khám nếu như:
- Bạn có đeo kính áp tròng mềm
- Bạn thuộc nhóm người suy giảm miễn dịch, chẳng hạn như có bệnh ung thư, đang điều trị ung thư, ghép tạng, dùng corticoid, tiểu đường,…
- Cơn đau nhức 1 bên mắt không cải thiện sau 2-3 ngày dùng thuốc giảm đau thông thường.
Nhức 1 bên mắt có thể do nhiều nguyên nhân thường gặp hoặc một số nguyên nhân hiếm gặp khác gây ra. Bài viết trên đây chỉ đề cập đến những nguyên nhân thường gặp hơn. Ngoài chấn thương mắt, bạn sẽ rất khó để tự chẩn đoán triệu chứng mình gặp phải là do đâu. Vì vậy, khi bị đau nhức mắt ở 1 bên, hãy nhanh chóng đi khám để bác sĩ tìm kiếm nguyên nhân và điều trị kịp thời.