Nhiễm ký sinh trùng ở mắt không phải là bệnh lý phổ biến nhưng lại là một trong những nguyên nhân chính gây mù lòa trên toàn thế giới. Bài viết sẽ giúp bạn nhận biết sớm triệu chứng nhiễm ký sinh trùng ở mắt và cách phòng ngừa.
Ký sinh trùng là từ dùng để gọi các sinh vật sống trong hoặc trên cơ thể sinh vật khác. Mục đích của chúng là thu nhận những lợi ích từ vật bị ký sinh (vật chủ). Theo thống kê, trên thế giới hiện có 3 loại ký sinh trùng phổ biến nhất là: động vật nguyên sinh, giun sán, ngoại ký sinh.
Một số vật ký sinh có thể lây nhiễm cho con người, gây ra tình trạng nhiễm trùng. Phương thức xâm nhập của chúng thường sẽ qua đường ăn uống và qua da. Khi đã vào được bên trong cơ thể vật chủ, những vật ký sinh này sẽ di chuyển đến các cơ quan khác, bao gồm mắt.
Triệu chứng nhiễm ký sinh trùng ở mắt thường gặp
Thực tế cho thấy tình trạng nhiễm ký sinh trùng ở mắt không phải lúc nào cũng có những biểu hiện rõ ràng. Tuy nhiên, bạn có thể đã mắc bệnh nếu có cùng lúc trên ba triệu chứng dưới đây:
- Mắt có cảm giác đau rát thường xuyên
- Hay bị chảy nước mắt
- Nhạy cảm với ánh sáng
- Quanh mí mắt và lông mi bị tróc da thành những vảy mỏng
- Vùng da quanh mắt chuyển sang màu đỏ hồng, ngứa ngáy
- Có sẹo ở vùng võng mạc
- Tầm nhìn bị hạn chế đáng kể
- Mất thị lực tạm thời, thậm chí mù lòa
Thậm chí một số người có thể nhìn thấy triệu chứng có sán trong mắt hoặc giun trong mắt, biểu hiện bằng những đường vằn đỏ trên lòng trắng.
Tám loại ký sinh trùng ký sinh trong mắt
Qua quá trình nghiên cứu, các nhà khoa học đã xác định được có tám loại ký sinh trùng thường chọn mắt nơi làm ký sinh.
1. Bệnh Acanthamoebiasis
Đây là một loại amip đơn bào, thường sống trong môi trường nước (cả nước ngọt và nước mặn). Mặc dù không phổ biến nhưng nếu bị nhiễm ký sinh trùng ở mắt do loại amip này, thị lực có thể bị hỏng.
Amip này sẽ xâm nhập trực tiếp vào giác mạc. Sử dụng kính áp tròng không hợp vệ sinh là yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
2. Bệnh Toxoplasmosis
Bệnh toxoplasmosis do một dạng ký sinh trùng đơn bào Toxoplasma gondii gây ra, thường được tìm thấy trong chất thải động vật, đặc biệt là mèo.
Loại ký sinh trùng này có thể xâm nhập vào cơ thể vật chủ khi ăn uống phải chúng và truyền từ mẹ sang con khi mang thai. Người bị nhiễm Toxoplasma gondii sẽ không phát triển bất kỳ bệnh nào về mắt. Nhưng nếu có hệ miễn dịch yếu, trẻ sơ sinh thì nguy cơ phát triển bệnh toxoplasmosis sẽ cao hơn.
Nếu không được điều trị kịp thời, mắt của người bệnh sẽ bị sẹo vĩnh viễn.
3. Bệnh Loiasis
Loại giun chỉ này lây nhiễm trùng bởi vết đốt của ruồi mang mầm bệnh.
Khi đã vào được bên trong cơ thể, ký sinh trùng này sẽ tiếp tục di chuyển đến các mô, đồng thời sinh ra ấu trùng gọi là microfilariae. Dấu hiệu nhận biết có giun trong mắt là nhìn thấy những con giun di chuyển trong mắt, gây đau mắt, suy giảm thị lực, giảm chuyển động của mắt và khiến mắt bạn cực kỳ nhạy cảm với ánh sáng.
4. Nhiễm ký sinh trùng ở mắt do giun đầu gai (Gnathostomiasis)
Bệnh gây ra bởi một loại giun sán có tên là giun đầu gai, chủ yếu sống ở châu Á, đặc biệt là vùng Đông Nam Á và Nhật Bản.
Ăn thịt, cá sống là con đường chính dẫn giun vào trong mắt và cơ thể. Từ hệ tiêu hóa, chúng sẽ di chuyển đến khắp nơi, bao gồm cả mắt. Nếu điều này xảy ra, ký sinh trùng sẽ khiến cho mắt người bệnh bị mù một phần hoặc nghiêm trọng hơn là mù hoàn toàn.
5. Bệnh mù sông (Onchocerciasis)
Tình trạng nhiễm ký sinh trùng ở mắt này do loài giun chỉ Onchocerca gây ra.
Một con ruồi đen bị nhiễm giun đũa sẽ là vật trung gian lý tưởng. Ấu trùng của chúng đào lỗ qua da của bạn, ở lại đó rồi phát triển thành giun trưởng thành. Những con giun sau đó tiếp tục sinh ra nhiều ấu trùng và di chuyển khắp cơ thể của vật chủ. Nếu chúng di chuyển đến mắt, bạn sẽ có nguy cơ mù rất cao.
6. Bệnh Toxocariasis – Nhiễm ấu trùng giun đũa tròn ở mắt
Trứng của loại giun sán này thường được tìm thấy trong phân chó mèo nên còn có tên gọi là bệnh giun đũa chó mèo.
Nếu trứng của chúng đi vào được trong cơ thể bạn, khi đến ruột, chúng sẽ nở ra và bắt đầu hành trình ký sinh lâu dài. Tuy mắt không phải là nơi ưa thích của loại ký sinh trùng này, nhưng khi có giun ở mắt, chúng hoàn toàn có thể gây mất thị lực của bạn.
7. Nhiễm ký sinh trùng ở mắt do rận mu
Một trong những bệnh ngoại ký sinh thường thấy nhất trên thế giới là rận mu. Chúng được biết đến là một loại côn trùng rất nhỏ sống ở phần lông của bộ phận sinh dục. Thậm chí, rận mu cũng không ít lần được tìm thấy ở tóc, lông mi.
Quan hệ tình dục, vệ sinh kém, sử dụng chung quần áo hoặc khăn tắm là những con đường giúp rận mu lây lan sang vật chủ khác.
8. D. folliculorum
Loài ve này sinh sống trong nang lông của con người, bao gồm lông mi, những con ve này có thể gây tình trạng kích ứng quanh lông mi, rụng sạch lông mi, viêm kết mạc và khiến thị lực giảm nhanh.
Ngoài ra, gần đây cũng ghi nhận một số trường hợp mắc sán mắt do ấu trùng sán lợn gây ra. Chúng thường chỉ khu trú ở duy nhất một bên mắt, gây viêm mắt. Triệu chứng có sán trong mắt là mắt xuất hiện cục u đầu tròn hoặc bầu dục, di động hoặc cố định vào mống mắt.
Điều trị nhiễm ký sinh trùng ở mắt
Những trường hợp bị sán mắt hoặc giun trong mắt, người bệnh sẽ được sử dụng thuốc để tiêu diệt ký sinh trùng và ấu trùng của chúng. Thuốc bao gồm cả thuốc uống và thuốc bôi. Trong một số trường hợp, giun sán trưởng thành sẽ cần phải được làm tiểu phẫu để loại bỏ khỏi mắt để tránh tình trạng mất thị lực vĩnh viễn.
Phòng ngừa bệnh nhiễm ký sinh trùng ở mắt
Bạn hãy ghi nhớ những điều dưới đây để giảm nguy cơ bị nhiễm ký sinh trùng mắt.
Giữ vệ sinh cá nhân
Hãy hình thành thói quen rửa tay thường xuyên. Đặc biệt là trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh và sau khi tiếp xúc với các chất thải. Điều này sẽ ngăn cản ký sinh trùng xâm nhập vào cơ thể bạn.
Bên cạnh đó, bạn cũng không nên dùng chung các vật dụng cá nhân như quần áo, khăn tắm, mền gối… để tránh bị lây lan ngoại ký sinh từ người khác.
Ăn chín uống sôi
Một lưu ý chưa bao giờ lỗi thời dành cho bạn là hãy chắc chắn những gì bạn đưa vào dạ dày đều đã nấu chín. Đặc biệt khi đi du lịch, bạn càng phải cẩn thận hơn. Bên cạnh đó, khi xử lý thực phẩm tươi sống, bạn cần phải đeo găng tay và rửa sạch tay ngay sau đó.
Ngăn côn trùng đốt
Nếu bạn dự định có một chuyến đi chơi cả ngày ngoài trời, hãy chắc chắn rằng bạn đã bôi/xịt thuốc chống côn trùng lên toàn bộ vùng da hở hoặc bạn có thể mặc quần áo bảo hộ. Chỉ một vết cắn của côn trùng cũng có thể khiến bạn bị nhiễm ký sinh trùng ở mắt.
Vệ sinh kính áp tròng đúng cách
Sử dụng các sản phẩm chuyên dụng để vệ sinh kính áp tròng thường xuyên, rửa tay trước khi đeo kính là những điều bạn cần phải lưu ý. Nhiều loại ký sinh trùng có thể xâm nhập trực tiếp và ở lại trong mắt của bạn thông qua kính áp tròng. Ngoài ra, bạn nên tránh đeo kính áp tròng khi đi ngủ và đặc biệt là ngay sau khi tiếp xúc với nước ở bể bơi.
Cuối cùng, bạn nên trao đổi với bác sĩ ngay khi nhận thấy những bất thường ở mắt, một số tình trạng nhiễm ký sinh trùng ở mắt có thể khiến bạn bị mù vĩnh viễn.
[embed-health-tool-heart-rate]