backup og meta
Chuyên mục
Công cụ

1

Hỏi bác sĩ
Lưu
Mục lục bài viết

Amip ăn não

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Lê Thị Mỹ Duyên · Đa khoa · Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc


Tác giả: Tố Quyên · Ngày cập nhật: 14/09/2023

Amip ăn não

Từ một số ca công bố xuất hiện ký sinh trùng amip ăn não người, làm nhiều người hoang mang và muốn hiểu rõ hơn về chứng bệnh này. Chủng amip ăn não này thường tồn tại ở đâu? Làm thế nào để nhận biết một người bị nhiễm ký sinh trùng amip ăn não người để có cách đối phó sớm nhất? Hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu ngay nhé!

Tìm hiểu chung

Amip ăn não là bệnh gì?

Amip ăn não là một loài kí sinh trùng thuộc chi naegleria, ngành percolozoa. Amip là sinh vật đơn bào, được phát hiện vào năm 1965. Mặc dù lần đầu tiên được phát hiện tại Úc, amip này được cho là có nguồn gốc tại Mỹ

Chỉ có một loài naegleria lây nhiễm cho người là naegleria fowleri.

Triệu chứng thường gặp

triệu chứng bệnh amip ăn não người

Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh trùng amip ăn não là gì?

Naegleria fowleri gây ra bệnh viêm màng não do amip nguyên phát. Bệnh này gây ra tình trạng viêm não và phá hủy các mô não.

Thường bắt đầu trong vòng 2-15 ngày sau khi phơi nhiễm amip, dấu hiệu và triệu chứng của bệnh amip ăn não có thể bao gồm:

  • Thay đổi cảm giác về mùi hoặc hương vị;
  • Sốt;
  • Nhức đầu đột ngột nghiêm trọng;
  • Cứng cổ;
  • Nhạy cảm với ánh sáng;
  • Buồn nôn và nôn ói;
  • Lú lẫn;
  • Mất thăng bằng;
  • Buồn ngủ;
  • Động kinh;
  • Ảo giác.

Những dấu hiệu và triệu chứng có thể diễn tiến nhanh chóng, thường dẫn đến tử vong trong vòng một tuần.

Bạn có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Bạn cần đến bác sĩ khám nếu đột ngột sốt, nhức đầu, cứng cổ và nôn ói đặc biệt nếu gần đây có tiếp xúc với nước ấm.

Nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nêu trên hoặc có bất kỳ câu hỏi nào, xin vui lòng tham khảo ý kiến bác sĩ. Cơ địa mỗi người là khác nhau. Vì vậy hãy hỏi ý kiến bác sĩ để lựa chọn được phương án thích hợp nhất.

Nguyên nhân gây bệnh

nguyên nhân gây bệnh amip ăn não

Nguyên nhân nào gây ra bệnh amip ăn não?

Nhiễm trùng naegleria là do amip naegleria fowleri, thường được tìm thấy trong vùng nước ngọt và ấm, thường trong những tháng mùa hè. Amip đôi khi cũng được tìm thấy trong đất. Amip đi vào cơ thể thông qua mũi, nước bị ô nhiễm hoặc bụi và đi đến bộ não thông qua các dây thần kinh truyền khứu giác.

Chỉ có một tỷ lệ nhỏ trong hàng triệu người khi tiếp xúc với naegleria fowleri bị mắc bệnh.

Con đường lây truyền kí sinh trùng amip

Amip xâm nhập vào cơ thể người qua đường mũi. Sau đó, nó di chuyển đến nhu mô não và ký sinh tại đây. Nếu bạn bơi, tắm tại các hồ bơi nước ngọt, suối nước nóng, vùng nước ấm như sông, hồ, hoặc nước bẩn vào mũi trực tiếp bằng các con đường khác như sử dụng nước bẩn để rửa mũi,… có thể bị amip xâm nhập. Amip không lây từ người sang người hoặc do uống nước bị ô nhiễm. Bể bơi được làm sạch và khử khuẩn đúng cách sẽ không chứa amip naegleria.

Nguy cơ mắc phải

Những ai thường bị bệnh amip ăn não?

Mặc dù Naegleria fowleri tương đối phổ biến, nhưng chúng hiếm khi gây ra bệnh não. Bệnh viêm màng não do amip nguyên phát xảy ra từ 0-8 lần một năm, hầu như luôn từ tháng bảy đến tháng chín. Nhiều nghiên cứu cho thấy rằng nhiều người có kháng thể chống Naegleria fowleri, do đó khi đã nhiễm amip nhưng hệ thống miễn dịch đã tiêu diệt chúng.

Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc bệnh amip ăn não?

Hàng triệu người tiếp xúc với amip naegleria mỗi năm nhưng chỉ vài người bị bệnh amip ăn não. Một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ nhiễm naegleria gây viêm bao gồm:

  • Bơi ở hồ hay vùng nước ngọt: hầu hết những người bị bệnh từng bơi ở những khu vực nước ngọt trong vòng hai tuần trước đó;
  • Nước ấm: amoeba lớn nhanh trong nước ấm hoặc nóng;
  • Tuổi tác: trẻ em và thanh niên có nhiều khả năng bị mắc bệnh, có thể vì họ thích ở trong nước lâu hơn và hoạt động nhiều hơn trong nước.

Bạn có thể kiểm soát bệnh này bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ. Hãy tham khảo bác sĩ để biết thêm thông tin chi tiết.

Chẩn đoán và điều trị

chẩn đoán và điều trị bệnh amip ăn não

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán bệnh amip ăn não?

Chẩn đoán bệnh này có thể bao gồm những phương pháp sau đây:

  • Chẩn đoán hình ảnh: chụp cắt lớp vi tính (CT scan) hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI) có thể cho thấy vùng não bị sưng và chảy máu;
  • Chọc dò tủy sống: amip naegleria có thể được nhìn thấy dưới kính hiển vi trong dịch não tủy. Bác sĩ sẽ chọc một cây kim giữa hai đốt sống ở lưng đoạn dưới để láy dịch não tủy. Xét nghiệm này cũng có thể đo áp lực dịch não tủy và tìm tế bào viêm.

Những phương pháp nào dùng để điều trị bệnh amip ăn não?

Có ít người sống sót sau nhiễm naegleria ngay cả với điều trị. Vì vậy, việc chẩn đoán và điều trị sớm là rất quan trọng cho sự sống còn. Việc điều trị chính là dùng một loại thuốc kháng nấm, amphotericin B-thường được tiêm vào tĩnh mạch hoặc vào không gian xung quanh cột sống, để diệt các amip.

Một loại thuốc nghiên cứu được gọi là miltefosine để điều trị khẩn cấp nhiễm naegleria. Kết hợp thuốc và kiểm soát phù não sẽ có thể cải thiện khả năng sống còn.

Bệnh nhiễm trùng amip ăn não có nguy hiểm không?

Amip ăn não là căn bệnh nguy hiểm với tỉ lệ tử vong cao. Bệnh có thể dẫn đến các biến chứng như tổn thương nhu mô não gây ảnh hưởng nặng nề đến chức năng não bộ, ý thức, tri thức người bệnh, phù não, tăng áp lực nội sọ gây hậu quả tụt kẹt não,… cuối cùng người bệnh tử vong. Đối với người đã điều trị khỏi bệnh, cũng mắc nhiều di chứng nghiêm trọng như động kinh, nhận thức kém, tình trạng tâm thần thay đổi, liệt vận động,…

Phòng ngừa bệnh

Duy trì lối sống khỏe mạnh có thể giúp bạn giảm nguy cơ mắc bệnh:

  • Không bơi ở hoặc nhảy vào các sông hồ nước ngọt, ấm áp;
  • Bịt chặt mũi khi nhảy hoặc lặn vào vùng nước ngọt ấm áp;
  • Tránh làm xáo trộn các cặn lắng trong khi bơi lội ở vùng nước ngọt cạn, ấm áp.

Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Lê Thị Mỹ Duyên

Đa khoa · Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc


Tác giả: Tố Quyên · Ngày cập nhật: 14/09/2023

advertisement iconQuảng cáo
app promote banner

Bài viết này có hữu ích với bạn?

advertisement iconQuảng cáo
advertisement iconQuảng cáo