Lẹo mắt là tình trạng có thể khiến bạn đau sưng và khó chịu. Bạn thường tìm đến các loại thuốc kháng sinh điều trị lẹo mắt để mong nhanh khỏi? Vậy, bạn đã hiểu hết về tác dụng của các thuốc kháng sinh trị lẹo mắt, cũng như tác dụng phụ và lưu ý khi dùng chưa?
Hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu rõ hơn thông qua bài viết ngay sau đây nhé!
Thuốc kháng sinh trị lẹo mắt có tác dụng gì?
Lẹo mắt có thể tự khỏi sau khoảng từ 1 – 2 tuần mà không cần dùng thuốc điều trị. Tuy nhiên, nếu sau 48 giờ tự chăm sóc mà cơn đau và sưng không thuyên giảm, cũng như tầm nhìn bị ảnh hưởng nghiêm trọng, thì đã đến lúc bạn nên gọi cho bác sĩ để được thăm khám và kê đơn thuốc phù hợp.
Nguyên nhân bị lẹo mắt là khi một tuyến dầu trong nang lông mi hoặc mí mắt bị nhiễm trùng do vi khuẩn xâm nhập. Kháng sinh điều trị lẹo mắt giúp tiêu diệt vi khuẩn gây nhiễm trùng mắt, cải thiện nhanh các triệu chứng lẹo mắt trong vòng một tuần, giảm biến chứng và giảm nguy cơ lây lan sang người khác.
Bác sĩ sẽ kê đơn thuốc kháng sinh nếu tình trạng nhiễm trùng mí mắt không hết và lan rộng ra ngoài mí mắt, bao gồm kháng sinh toàn thân (thuốc đường uống) và kháng sinh tại chỗ (thuốc nhỏ mắt và thuốc mỡ dùng để bôi).
Các loại thuốc kháng sinh điều trị lẹo mắt
Thông thường, bác sĩ nhãn khoa sẽ kê đơn thuốc kháng sinh điều trị lẹo mắt đường uống. Thuốc nhỏ mắt trị lẹo hoặc thuốc mỡ để bôi ngoài da thường ít hiệu quả hơn nhưng vẫn có thể được kê đơn trong một số trường hợp.
Không có một loại kháng sinh điều trị lẹo mắt nào tốt nhất. Bác sĩ sẽ kê đơn tùy theo mức độ nhiễm trùng, khả năng bị dị ứng và tiền sử bệnh của bệnh nhân.
Các loại thuốc kháng sinh điều trị lẹo mắt bao gồm:
Thuốc nhỏ mắt trị lẹo
Nếu bạn thắc mắc bị lẹo mắt nhỏ thuốc gì thì bác sĩ có thể kê đơn các loại thuốc nhỏ mắt trị lẹo chứa các thành phần sau đây:
- Levofloxacin
- Natri sulfamethoxazol
- Ciprofloxacin
- Neomycin
- Polymyxin B
Thuốc mỡ tra mắt để bôi lên mí mắt
Kháng sinh điều trị lẹo mắt cũng có ở dạng mỡ để bôi, có thể bao gồm:
- Chlortetracycline
- Oxytetracycline
- Chloramphenicol
- Tobramycin
- Neomycin, dạng thuốc mỡ
- Polymyxin B, dạng thuốc mỡ
Lẹo mắt uống kháng sinh gì?
Một số loại thuốc kháng sinh điều trị lẹo mắt đường uống có hiệu quả hơn, thường được kê đơn là:
- Erythromycin
- Amoxicillin
- Doxycycline
- Cefalexin
- Cephalosporin.
Mụt lẹo sẽ khỏi sau khoảng 2 ngày sau khi điều trị bằng thuốc kháng sinh. Tuy nhiên, bệnh nhân cần phải uống kháng sinh đủ liều đã được kê đơn, thường là trong 7 ngày để đảm bảo tác dụng.
Liều dùng thuốc chính xác sẽ được bác sĩ chỉ định tùy theo mức độ nhiễm trùng, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân, phản ứng với điều trị và khả năng bị dị ứng.
Tác dụng phụ
Cũng giống như các loại thuốc khác, kháng sinh điều trị lẹo mắt có thể gây ra một số tác dụng phụ. Khoảng 1/15 người sẽ bị dị ứng với thuốc kháng sinh và gặp các phản ứng dị ứng nghiêm trọng.
Thuốc kháng sinh trị lẹo mắt đường uống thường gây khó chịu cho dạ dày, đau bụng, các vấn đề về đường ruột, chẳng hạn như tiêu chảy, buồn nôn và cảm giác chán ăn.
Thuốc kháng sinh dùng tại chỗ (thuốc nhỏ mắt hoặc thuốc mỡ tra mắt) thường gây ra các phản ứng tại chỗ, chẳng hạn như bỏng rát hoặc kích ứng mắt, cảm giác châm chích, phát ban da.
Các loại thuốc khác nhau có các tác dụng phụ khác nhau. Tuy nhiên, đây không phải là danh sách đầy đủ các tác dụng phụ có thể gặp. Bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ để biết các tác dụng phụ có thể xảy ra và tương tác thuốc dựa trên từng trường hợp cụ thể.
Những phương pháp điều trị tại nhà khác
Lẹo mắt đa số trường hợp là nhẹ và thường có thể tự khỏi. Vì vậy, bạn không nên lạm dụng sử dụng kháng sinh điều trị lẹo mắt nếu chưa được bác sĩ kê đơn. Lạm dụng kháng sinh không những có thể gây ra các tác dụng phụ nghiêm trọng mà còn dễ gây lờn thuốc, giảm hiệu quả của thuốc kháng sinh trong tương lai.
Vì vậy, bệnh nhân bị lẹo mắt nên áp dụng các mẹo chăm sóc tại nhà để cảm thấy dễ chịu hơn và thúc đẩy mụt lẹo nhanh lành. Cụ thể như sau:
- Để yên: Đừng cố gắng bóp hoặc nặn mủ từ mụt lẹo bởi có thể khiến nhiễm trùng lan rộng hơn.
- Làm sạch mí mắt thường xuyên: Nhẹ nhàng rửa mí mắt bị ảnh hưởng bằng xà phòng nhẹ và nước sạch.
- Chườm ấm: Hãy dùng khăn sạch thấm nước ấm. Vắt khăn ráp và đắp lên mắt đã nhắm. Làm ướt lại khăn khi khăn đã giảm nhiệt. Tiếp tục, lặp lại điều này trong 5 đến 10 phút để giúp giảm đau.
- Không trang điểm mắt cho đến khi mụt lẹo đã lành: Mỹ phẩm trang điểm mắt có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng.
- Không đeo kính áp tròng:Nếu bạn đeo kính áp tròng, hãy cố gắng không đeo chúng cho đến khi bệnh lẹo mắt biến mất.
- Rửa tay: Thường xuyên rửa tay kỹ lưỡng, đặc biệt là trước khi chạm vào mặt và mắt.
Tóm lại, tuyệt đối không nên lạm dụng kháng sinh điều trị lẹo mắt nếu chưa được sự chỉ định và kê đơn từ bác sĩ. Đừng quá lo lắng khi bị mụt lẹo, tình trạng này có thể khiến bạn khó chịu đôi chút nhưng sẽ nhanh khỏi nếu bạn thực hành việc giữ vệ sinh và ngăn ngừa nhiễm trùng tiến triển.
[embed-health-tool-heart-rate]