Bệnh khô mắt khá phổ biến nhưng không phải ai cũng hiểu rõ đây là bệnh gì, nguyên nhân do đâu, cách phòng ngừa và chữa trị hiệu quả. Mời bạn cùng Hello Bacsi cùng tìm hiểu nhé!
Tìm hiểu chung
Khô mắt là gì?
Bệnh khô mắt là một tình trạng phổ biến xảy ra khi nước mắt của bạn không thể cung cấp đủ chất bôi trơn cho mắt. Nước mắt có thể không đủ và không ổn định vì nhiều lý do. Ví dụ, khô mắt có thể xảy ra nếu bạn không sản xuất đủ nước mắt hoặc nếu bạn sản xuất nước mắt kém chất lượng. Sự mất ổn định của nước mắt này dẫn đến viêm và tổn thương bề mặt của mắt.
Triệu chứng
Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh khô mắt
Triệu chứng khô mắt sẽ khiến bạn cảm thấy rất khó chịu. Nó thường gây đau mắt và tạo cảm giác bỏng rát. Bạn có thể bị khô mắt trong khoảng thời gian ngắn khi đang đi máy bay, trong phòng máy lạnh hoặc sau khi nhìn vào ánh sáng xanh của màn hình điện thoại, máy tính trong vài giờ. Trong một số trường hợp, khô mắt có thể trở thành tình trạng mạn tính.
Những triệu chứng đi kèm khô mắt thường ảnh hưởng đến cả hai bên mắt, bao gồm:
- Cảm giác châm chích, nóng rát hoặc khó chịu trong mắt
- Thường có màng nhầy xung quanh mắt
- Nhạy cảm với ánh sáng hoặc sợ ánh sáng
- Đỏ mắt
- Cảm giác cộm như có vật gì đó trong mắt
- Khó đeo kính áp tròng
- Khó khăn khi lái xe vào ban đêm
- Mờ mắt hoặc mỏi mắt
- Chảy nước mắt thường xuyên vì đó là phản ứng tự nhiên của cơ thể để chống lại tình trạng khô mắt.
Nếu những triệu chứng khô mắt kéo dài quá 2 tuần, đặc biệt là khi mắt có những biểu hiện như khô rát, đỏ mắt, mệt mỏi, đau đớn, bạn cần đến bệnh viện để bác sĩ thăm khám. Bác sĩ sẽ xác định tình trạng mắt hoặc đưa ra những lời khuyên điều trị phù hợp.
Nguyên nhân
Nguyên nhân gây khô mắt là gì?
Khô mắt xảy ra do mắt không sản xuất đủ nước mắt hoặc chất lượng nước mắt không tốt.
Chất lượng nước mắt không tốt
Nước mắt là một hỗn hợp phức tạp của nước, chất béo và chất nhầy. Hỗn hợp này giúp cho bề mặt của mắt mịn màng hơn để cải thiện tầm nhìn rõ ràng hơn. Đồng thời, nó cũng có chức năng bảo vệ mắt khỏi các yếu tố gây nhiễm trùng.
Nếu nước mắt không chứa đủ những thành phần này, mắt sẽ bị mất cân bằng trong việc cung cấp và tiếp nhận chất bôi trơn để hoạt động bình thường. Có rất nhiều lý do gây rối loạn chức năng các thành phần trong nước mắt, bao gồm thay đổi nội tiết tố, bệnh tự miễn dịch, viêm tuyến mí mắt hoặc bệnh dị ứng mắt.
Giảm sản xuất nước mắt
Khô mắt có thể xảy ra khi bạn không thể sản xuất đủ nước mắt lỏng, còn gọi là thủy dịch. Thuật ngữ y tế cho tình trạng này là viêm kết giác mạc sicca. Nguyên nhân phổ biến của giảm sản xuất nước mắt bao gồm:
♥ Lão hóa
Cũng giống như nhiều bộ phận cơ thể khác, mắt và các tuyến, tế bào, mạch máu… cũng sẽ bị lão hóa theo thời gian.
♥ Bệnh lý
Một số tình trạng bệnh lý bao gồm hội chứng Sjogren, bệnh mắt dị ứng, viêm khớp dạng thấp, lupus, xơ cứng bì, bệnh ghép so với vật chủ, bệnh sacoit, rối loạn tuyến giáp hoặc thiếu vitamin A…làm giảm khả năng sản xuất nước mắt.
♥ Tác dụng phụ của thuốc
Một số loại thuốc có tác dụng phụ làm giảm lượng nước mắt bao gồm thuốc kháng histamine, thuốc thông mũi, liệu pháp thay thế hormone, thuốc chống trầm cảm, thuốc trị cao huyết áp, thuốc ngừa thai, thuốc trị mụn hoặc thuốc điều trị bệnh Parkinson.
♥ Phẫu thuật mắt
Các loại phẫu thuật mắt, đặc biệt là phẫu thuật bằng tia laser, thường khiến mắt bị giảm khả năng sản xuất nước mắt. Tuy nhiên, triệu chứng khô mắt do phẫu thuật này thường chỉ tồn tại trong thời gian ngắn.
♥ Tổn thương tuyến lệ
Tuyến lệ là nơi đảm nhiệm chức năng chính trong việc sản xuất nước mắt. Tình trạng viêm tuyến lệ hoặc tổn thương tuyến lệ do hóa chất, bức xạ khiến nó hoạt động kém đi.
Tăng bốc hơi nước mắt
Màng dầu do các tuyến nhỏ ở rìa mí mắt (tuyến meibomian) tạo ra có thể bị tắc. Các tuyến meibomian bị chặn phổ biến hơn ở những người mắc bệnh hồng ban hoặc các rối loạn da khác.
Các nguyên nhân phổ biến làm tăng sự bốc hơi nước mắt bao gồm:
- Viêm bờ mi sau (rối loạn chức năng tuyến Meibomian)
- Không chớp mắt thường xuyên do một số tình trạng nhất định, chẳng hạn như bệnh Parkinson; hoặc khi bạn đang tập trung trong một số hoạt động nhất định, chẳng hạn như khi đọc, lái xe hoặc làm việc với máy tính
- Các vấn đề về mí mắt, chẳng hạn như mí mắt hướng ra ngoài (ectropion) và mí mắt hướng vào trong (quặm)
- Dị ứng mắt
- Chất bảo quản trong thuốc nhỏ mắt tại chỗ
- Gió, khói thuốc lá hoặc không khí khô
- Thiếu vitamin A.
Các yếu tố nguy cơ
Có nhiều yếu tố nguy cơ từ lối sống, tuổi tác hoặc môi trường bên ngoài làm tăng nguy cơ mắc triệu chứng khô mắt, bao gồm:
1. Trên 50 tuổi
Quá trình sản xuất nước mắt có xu hướng giảm khi bạn già đi. Vì thế, khô mắt và các triệu chứng đi kèm khô mắt thường xảy ra phổ biến ở người trên 50 tuổi.
2. Phụ nữ
Phụ nữ dễ bị khô mắt hơn đàn ông. Nguyên nhân là do cơ thể họ thường xuyên phải thay đổi nội tiết tố khi mang thai, uống thuốc tránh thai hoặc mãn kinh.
3. Chế độ ăn uống bị thiếu hụt dưỡng chất
Các loại dưỡng chất như omega-3, vitamin A, C, kẽm… rất cần thiết để bạn có được đôi mắt khỏe mạnh. Thiếu hụt một trong những chất dinh dưỡng này là yếu tố nguy cơ khiến bạn mắc khô mắt và các vấn đề ở mắt.
Ngoài ra, đeo kính áp tròng hoặc có tiền sử phẫu thuật khúc xạ cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
Biến chứng
Khô mắt có nguy hiểm không?
Nếu được can thiệp y tế kịp thời, triệu chứng khô mắt sẽ nhanh chóng được kiểm soát. Ngược lại, nếu tình trạng này không được chữa trị, nó có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm sau:
Các thành phần trong nước mắt có chức năng bảo vệ mắt khỏi nhiễm trùng. Vì thế, không có đủ nước mắc đồng nghĩa với việc bạn sẽ tăng nguy cơ nhiễm trùng mắt.
2. Tổn thương trên bề mặt mắt
Nếu không được điều trị, khô mắt nghiêm trọng sẽ dẫn đến viêm mắt, trầy xước bề mặt giác mạc, loét giác mạc hoặc các vấn đề thị lực khác, chẳng hạn như giảm thị lực.
3. Giảm chất lượng cuộc sống
Triệu chứng khô mắt kéo dài sẽ khiến bạn gặp khó khăn trong cuộc sống thường ngày, chẳng hạn như khi làm việc, đọc sách. Thậm chí, tình trạng khô mắt còn khiến bạn khó ngủ. Từ đó, chất lượng giấc ngủ cũng bị giảm sút kéo theo nhiều hậu quả xấu cho sức khỏe.
Chẩn đoán và điều trị
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.
Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán bệnh khô mắt?
Các xét nghiệm và quy trình có thể được sử dụng để xác định nguyên nhân gây khô mắt bao gồm:
- Khám mắt toàn diện
- Kiểm tra để đo lượng nước mắt
- Kiểm tra để xác định chất lượng nước mắt
- Kiểm tra thẩm thấu nước mắt
- Lấy các mẫu để tìm các dấu hiệu của bệnh khô mắt, bao gồm tăng metallicoproteinase-9 nền hoặc giảm lactoferrin.
Những phương pháp nào dùng để điều trị bệnh khô mắt?
Phương pháp điều trị khô mắt có thể giúp bạn dễ chịu hơn. Những phương pháp điều trị này có thể bao gồm thay đổi lối sống và thuốc nhỏ mắt.
Đối với hầu hết những người thỉnh thoảng có các triệu chứng khô mắt hoặc nhẹ, chỉ cần thường xuyên sử dụng thuốc nhỏ mắt không kê đơn, còn gọi là nước mắt nhân tạo là đủ. Nếu các triệu chứng kéo dài và nghiêm trọng hơn, bạn có điều trị tùy thuộc vào nguyên nhân gây khô mắt.
Một số phương pháp điều trị tập trung vào việc chữa khỏi hoặc kiểm soát tình trạng hoặc yếu tố gây khô mắt. Các phương pháp điều trị khác có thể cải thiện chất lượng nước mắt hoặc ngăn nước mắt nhanh chóng chảy ra khỏi mắt.
Điều trị nguyên nhân cơ bản của khô mắt
Trong một số trường hợp, điều trị một vấn đề sức khỏe tiềm ẩn có thể giúp loại bỏ các dấu hiệu và triệu chứng khô mắt. Ví dụ, nếu một loại thuốc gây khô mắt, chuyên gia chăm sóc mắt của bạn có thể đề nghị một loại thuốc khác không gây ra tác dụng phụ đó.
Nếu bạn có một mí mắt, chẳng hạn như mí mắt của bạn hướng ra ngoài (lệch mi), bác sĩ phẫu thuật mắt chuyên về phẫu thuật tạo hình mí mắt (bác sĩ phẫu thuật tạo hình mắt) sẽ thực hiện phẫu thuật để cải thiện khô mắt.
Thuốc men
Một số loại thuốc được dùng để điều trị khô mắt, bao gồm:
- Thuốc kháng sinh giảm viêm mí mắt
- Thuốc nhỏ mắt để kiểm soát viêm giác mạc
- Miêngs chèn mắt hoạt động như nước mắt nhân tạo
- Thuốc kích thích tăng tiết nước mắt
- Thuốc nhỏ mắt làm từ máu của chính bạn (giọt huyết thanh tự thân)
- Thuốc xịt mũi để tăng tiết nước mắt.
Các thủ thuật khác
- Đóng ống dẫn nước mắt để giảm mất nước mắt
- Sử dụng kính áp tròng đặc biệt
- Thông tắc các tuyến dầu
- Sử dụng liệu pháp ánh sáng và massage mí mắt.
Phòng ngừa
Những biện pháp giúp phòng ngừa và kiểm soát bệnh khô mắt
Bạn có thể sẽ cần phải thực hiện các biện pháp này vô thời hạn để kiểm soát các triệu chứng khô mắt. Chúng bao gồm:
Tránh không khí thổi trực tiếp vào mắt
Bạn đừng để mắt phải hứng chịu trực tiếp các luồng không khí kém lành mạnh từ máy sấy tóc, khói thải xe máy, máy điều hòa hoặc gió từ quạt máy.
Tia UV từ ánh nắng mặt trời cũng gây ra nhiều bất lợi cho mắt. Vì thế, bất cứ khi nào đi ngoài trời nắng, bạn hãy sử dụng kính râm hoặc mũ rộng vành.
Cho mắt thời gian nghỉ ngơi
Nếu bạn phải đọc sách hoặc làm một công việc nào đó đòi hỏi sự tập trung thị giác cao độ, hãy cho mắt có thời gian nghỉ ngơi và thư giãn.
Chỉ bằng cách nhắm mắt trong vài phút hoặc chớp mắt liên tục trong vài giây, nước mắt sẽ được tiết ra, bôi trơn đều trên mắt để mắt được phục hồi.
Chú ý đến điều kiện sống
Không khí ở độ cao hoặc trong máy bay thường rất khô. Điều này rất dễ ảnh hưởng đến mắt. Vì thế, khi bạn ở trong những điều kiện như thế, hãy thường xuyên nhắm mắt trong vài phút hoặc tăng số lần chớp mắt. Mỗi lần làm như vậy, bạn sẽ giảm thiểu được sự bay hơi của nước mắt để ngăn ngừa khô mắt.
Điều chỉnh màn hình máy tính
Nếu máy tính đặt xa hoặc cao hơn tầm nhìn, bạn sẽ phải điều tiết mắt nhiều hơn để xem màn hình. Điều này diễn ra trong thời gian dài sẽ làm ảnh hưởng không nhỏ đến mắt.
Vì thế, bạn cần điều chỉnh vị trí màn hình máy tính phù hợp với thị lực và tầm nhìn của bản thân. Điều này sẽ giúp mắt thoải mái và dễ chịu hơn khi sử dụng.
Ngừng hút thuốc và tránh xa khói thuốc lá
Thuốc lá và khói thuốc lá không chỉ ảnh hưởng đến mắt mà còn gây ra vô số vấn đề sức khỏe khác. Nếu muốn có một đôi mắt khỏe mạnh và ngăn ngừa các bệnh tật khác, bạn hãy cố gắng cai thuốc lá và tránh xa khói thuốc càng sớm càng tốt.
Thường xuyên sử dụng nước mắt nhân tạo
Nước nhỏ mắt hoặc nước mắt nhân tạo sẽ giúp bôi trơn đôi mắt. Vì thế, bạn hãy thường xuyên sử dụng chúng ngay cả khi cảm thấy vẫn ổn.
Nếu bạn từng bị khô mắt và đã chữa trị xong, hãy chú ý tránh xa những tình huống hoặc điều kiện khiến tình trạng này tái phát.
Khô mắt là tình trạng phổ biến trong xã hội ngày nay. Việc nhận biết sớm các triệu chứng khô mắt và cách ngăn ngừa tình trạng này sẽ giúp bạn nhanh chóng lấy lại đôi mắt khỏe mạnh.
[embed-health-tool-heart-rate]