backup og meta

U xơ tử cung khi mang thai có gây rủi ro cho mẹ và thai nhi?

U xơ tử cung khi mang thai có gây rủi ro cho mẹ và thai nhi?

U xơ tử cung là những khối u lành tính (không phải ung thư) phát triển ở trong tử cung với các vị trí và kích thước khác nhau. Căn bệnh này phổ biến đối với phụ nữ trong độ tuổi sinh sản và có thể ảnh hưởng đến cơ hội thụ thai. Tuy nhiên, thực tế vẫn có một số trường hợp phát hiện u xơ tử cung khi mang thai. Nguyên nhân không rõ nhưng có thể liên quan đến sự thay đổi hormone trong thai kỳ. Tỷ lệ mới mắc bệnh chiếm khoảng 2 đến 12% và có thể lên đến 25% thai kỳ ở những thai phụ xin trứng nên nhiều chị em lo lắng, thắc mắc rằng u xơ tử cung có ảnh hưởng đến thai kỳ không?

Mặc dù các khối u nhỏ có thể không đáng lo ngại nhưng mẹ bầu vẫn không nên chủ quan. Tùy thuộc vào số lượng, vị trí và kích thước mà khối u vẫn có thể gây một số ảnh hưởng xấu đến thai kỳ. Do đó, bạn cần tìm hiểu, trang bị những thông tin cần thiết về vấn đề này để đi khám và có kế hoạch kiểm soát bệnh hiệu quả.

U xơ tử cung khi mang thai có thể gây ra những rủi ro gì cho thai nhi?

Nhìn chung, việc bị u xơ tử cung khi mang thai thường ít gây ra biến chứng nguy hiểm cho thai kỳ của bạn. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là mẹ bầu được chủ quan. Một số nghiên cứu vẫn cho thấy mẹ bầu bị u xơ tử cung vẫn có nguy cơ “đối mặt” với những rủi ro sau đây:

1. Hạn chế sự phát triển của thai nhi

Mẹ bầu lo ngại các khối u lớn có thể khiến tử cung trở nên chật chội hơn và ngăn cản thai nhi phát triển. Tuy nhiên, bằng chứng cho thấy u xơ tử cung hầu như không hoặc rất ít ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của thai nhi. Những u lớn >200ml có thể liên quan với cân nặng lúc sinh nhỏ hơn so với tuổi thai đặc biệt ở vị trí nhau bám

Vì vậy, bạn đừng quá lo lắng mà cần đảm bảo đi khám thai đầy đủ và  đúng lịch. Bác sĩ sẽ kiểm tra kích thước khối u qua siêu âm để theo dõi và đánh giá chính xác sự phát triển của em bé.

2. U xơ tử cung khi mang thai có thể gây nhau bong non

U xơ tử cung khi mang thai có thể gây ra vấn đề liên quan đến nhau tiền đạo (bánh nhau bám ở cổ tử cung) và nhau bong non đặc biệt là các u xơ tử cung tại vị trí sau bánh nhau Trong đó, nếu các khối u khiến bánh nhau tách một phần ra khỏi thành tử cung có thể làm giảm nghiêm trọng lượng oxy và chất dinh dưỡng truyền cho thai nhi. 

3. Tăng nguy cơ sinh non

u xơ tử cung khi mang thai có nguy hiểm không

Áp lực từ các khối u có thể gây căng thẳng cho tử cung, dẫn đến các cơn co thắt bất thường gây sinh non. Các nghiên cứu cho thấy u xơ tử cung càng lớn và nhiều thì càng tăng nguy cơ sinh non. Do đó, nếu bạn nghi ngờ nước ối bị rò rỉ thì cần nhanh chóng nhập viện để được bác sĩ xử lý kịp thời.

4. Chảy máu và sảy thai

Các nghiên cứu cho thấy vị trí và số lượng u xơ tử cung là yếu tố tiên lượng liên quan đến sẩy thai. U xơ tử cung ở vị trí trong niêm mạc hoặc dưới niêm mạc có nguy cơ sẩy thai, xuất huyết tử cung bất thường cao hơn ở vị trí khác. U xơ ở trong cơ không lớn hoặc dưới thanh mạc…thường không gây sẩy thai.

5. Ngôi thai bất thường

Nếu các khối u “chiếm chỗ” trong tử cung, thai nhi thường gặp khó khăn trong việc xoay đầu xuống cổ tử cung trước khi chào đời. Điều này đồng nghĩa với việc thai nhi sẽ ở ngôi không thuận (ngôi ngang, ngôi mông). Vì vậy, trong quá trình khám thai và siêu âm, bác sĩ sẽ theo dõi ngôi thai của bé khi sắp đến ngày sinh. Nếu trẻ không thể xoay đầu về ngôi thuận thì bác sĩ có thể đề xuất cho mẹ sinh mổ.

U xơ tử cung khi mang thai có thể gây ra những rủi ro gì cho mẹ bầu?

Tùy thuộc vào kích thước và vị trí của khối u mà phụ nữ bị u xơ tử cung khi mang thai có thể gặp phải các biến chứng khác nhau khi chuyển dạ, sinh nở chẳng hạn như:

1. U xơ tử cung khi mang thai làm tắc đường sinh

Sự phát triển dày đặc của các khối u ở vùng dưới tử cung có thể làm thay đổi cấu trúc giải phẫu bình thường của cổ tử cung hoặc trở thành có các khối u tiền đạo cản trở đường ra của thai. Trong trường hợp này, sự tắc nghẽn do khối u xơ có thể làm tăng nguy cơ sinh mổ.

2. Tử cung co bóp kém

u xơ tử cung khi mang thai có nguy hiểm không

U xơ tử cung khi mang thai có thể phá vỡ mô tử cung bình thường dẫn đến các cơn co thắt yếu hoặc bất thường. Điều này khiến cổ tử cung khó giãn nở hoàn toàn khi chuyển dạ. Do đó, mẹ thường có nguy cơ sinh mổ nếu tử cung co bóp kém vì u xơ.

3. Nhiễm khuẩn hoặc băng huyết sau sinh

Các khối u có thể khiến tử cung co bóp kém hoặc rối loạn co bóp. Trong đó, nếu tử cung không thể co lại sau sinh, các mạch máu tử cung nuôi nhau thai có thể tiếp tục chảy máu dẫn đến băng huyết. Đây là tình trạng cần được bác sĩ xử lý khẩn cấp để tránh rủi ro tử vong cho mẹ sau sinh. Ngoài ra, tử cung co bóp kém còn có thể dẫn đến bế sản dịch sau sinh, gây nhiễm khuẩn trong thời kỳ hậu sản nên mẹ cần hết sức lưu ý.

Điều trị u xơ tử cung khi mang thai như thế nào?

Hiện nay quan điểm điều trị của u xơ tử cung nói chung là theo dõi vì đây là khối u lành tính, đa số không có triệu chứng lâm sàng. Trong trường hợp cần điều trị, nội khoa được ưu tiên hơn ngoại khoa

Thông thường, việc điều trị u xơ tử cung khi mang thai bằng thủ thuật cắt bỏ khối u thường sẽ không được tiến hành trong thai kỳ. Bởi vì hoạt động này sẽ làm xáo trộn môi trường tử cung gây rủi ro cho mẹ lẫn thai nhi. Thay vào đó, giải pháp tốt hơn là mẹ bầu nên đi khám thai đầy đủ để được bác sĩ theo dõi chặt chẽ và tư vấn cách kiểm soát phù hợp. Bên cạnh đó, mẹ cũng cần nghỉ ngơi nhiều và uống đủ nước. Nếu u xơ gây ra những cơn đau dữ dội và mẹ muốn dùng thuốc giảm đau thì nên hỏi ý kiến bác sĩ để được kê đơn thuốc phù hợp.

Mặt khác, nếu muốn điều trị u xơ tử cung dứt điểm thì lời khuyên là bạn nên đợi ít nhất 6 tháng sau sinh để thực hiện thủ thuật cắt bỏ khối u. Các chuyên gia đưa ra khuyến nghị này thường vì hai lý do:

  • Thứ nhất, tử cung của bạn sẽ cần thời gian để co lại và phục hồi. Khi đã phục hồi sau sinh, bạn mới có thể đánh giá được mức độ ảnh hưởng của khối u đến sức khỏe và cuộc sống hàng ngày. Từ đó, bạn sẽ cung cấp được những thông tin quan trọng cho bác sĩ để thảo luận và lựa chọn phương pháp điều trị u xơ tử cung phù hợp.
  • Thứ hai, mẹ sau sinh vừa trải qua cuộc “vượt cạn” sẽ cảm thấy đau đớn, mệt mỏi và cần nhiều thời gian nghỉ ngơi, đặc biệt là với mẹ sinh mổ. Nếu mẹ chọn phẫu thuật u xơ tử cung ngay sau khi sinh thì có thể cảm thấy căng thẳng hoặc gặp các vấn đề sức khỏe ngoài ý muốn. Hơn nữa, việc bóc u xơ tử cung cùng lúc với cuộc mổ lấy thai cũng không được tiến hành thường quy vì nhiều nguy cơ, trong một số trường hợp bác sĩ có thể cân nhắc. Riêng đối với việc cắt bỏ khối u sau sinh, mẹ nên thận trọng và thảo luận kỹ càng trước với bác sĩ nhé!

Nhìn chung, u xơ tử cung khi mang thai thường phát triển trong 3 tháng đầu. Thế nhưng, phần lớn các khối u thường không thay đổi kích thước và sẽ thu nhỏ lại trong thời kỳ hậu sản nên bạn đừng quá lo lắng. Điều quan trọng là bạn cần đi khám thai đầy đủ để được bác sĩ theo dõi và hướng dẫn cách kiểm soát bệnh phụ khoa khi mang thai một cách hiệu quả và an toàn.

[embed-health-tool-due-date]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Can uterine fibroids harm my pregnancy?

https://utswmed.org/medblog/fibroids-options-pregnancy/ Truy cập ngày 12/04/2022

Contemporary Management of Fibroids in Pregnancy

https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC2876319/ Truy cập ngày 12/04/2022

Fibroids and Fertility

https://www.reproductivefacts.org/news-and-publications/patient-fact-sheets-and-booklets/documents/fact-sheets-and-info-booklets/fibroids-and-fertility/ Truy cập ngày 12/04/2022

Uterine fibroids

https://www.womenshealth.gov/a-z-topics/uterine-fibroids Truy cập ngày 12/04/2022

Uterine myomas in pregnancy

https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/6384226/ Truy cập ngày 12/04/2022

How Do Fibroids Affect Pregnancy and Fertility?

https://www.healthline.com/health/womens-health/fibroids-pregnancy Truy cập ngày 12/04/2022

Phiên bản hiện tại

17/04/2022

Tác giả: Hoàng Oanh Nguyễn

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Lê Văn Thuận

Cập nhật bởi: Hoàng Oanh Nguyễn


Bài viết liên quan

Mang thai với tử cung một sừng: Những điều bạn cần biết

Ra máu khi mang thai tháng thứ 6: 5 nguyên nhân và cách xử lý


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Lê Văn Thuận

Sản - Phụ khoa · Bệnh viện Đồng Nai - 2


Tác giả: Hoàng Oanh Nguyễn · Ngày cập nhật: 17/04/2022

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo