Thai 7 tháng phát triển như thế nào? Bầu 7 tháng em bé nặng bao nhiêu? Ở tháng thứ 7, tốc độ phát triển của bé vẫn đang diễn ra rất nhanh. Đây cũng là lúc kích thước vòng bụng của mẹ bầu tăng lên nhanh chóng cùng với đó là cảm giác háo hức chờ ngày lâm bồn.
Thai 7 tháng tuổi đánh dấu sự bắt đầu của tam cá nguyệt thứ ba. Nhiều mẹ bầu thắc mắc thai 7 tháng là bao nhiêu tuần, câu trả lời thực ra rất đơn giản, thai 7 tháng bắt đầu từ tuần thứ 25 đến tuần 28 của thai kỳ. Ở giai đoạn này của thai kỳ, em bé sẽ phát triển rất nhanh.
Trong bài viết này, Hello Bacsi sẽ giúp các mẹ bầu tìm hiểu sự phát triển của thai nhi 7 tháng tuổi, giúp bạn có thể chăm sóc thai kỳ tốt hơn, để có một thai kỳ an toàn và thoải mái.
Sự phát triển của thai nhi 7 tháng tuổi
Khi chạm mốc 7 tháng tuổi, thai nhi sẽ có những sự phát triển sau:
1. Những thay đổi của bé ở tháng thứ 7
- Não và hệ thần kinh: Phát triển nhanh hơn, bắt đầu nhạy cảm với tiếng động, mùi vị và âm thanh
- Phổi: Bắt đầu hoạt động
- Ngủ và thức dậy: Thời gian bé ngủ và thức trở nên rõ ràng hơn
- Mắt: Đã có phản ứng với ánh sáng và bóng tối
- Lông tơ: Bắt đầu biến mất
- Da: Đỏ và nhăn nheo, cơ thể bé đã bắt đầu tích tụ mỡ
- Lưỡi: Các gai vị giác phát triển hơn giúp bé có thể phân biệt được các vị khác nhau có trong nước ối
- Hệ tiêu hóa: Bắt đầu hoạt động
- Xương: Trở nên cứng cáp hơn
- Hộp sọ: Vẫn còn mềm.
2. Bầu 7 tháng em bé nặng bao nhiêu, dài bao nhiêu?
Nhiều mẹ bầu thường quan tâm thai nhi 7 tháng nặng bao nhiêu hay mang bầu 7 tháng em bé nặng bao nhiêu? Theo các chuyên gia, thai nhi 7 tháng có thể nặng khoảng 900 – 1.350g và dài 38cm.
3. Những chuyển động của thai nhi 7 tháng tuổi mẹ cần biết
Trong thời gian này, bạn có thể sẽ được trải nghiệm thường xuyên những “cú đá” và “vươn vai” của bé. Mang thai tháng thứ 7 em bé đạp nhiều hoặc thai nhi đạp ít ở tháng thứ 7 cũng không phải là điều quá đáng lo, đây có thể là dấu hiệu cho thấy bé hiếu động hoặc bé đang nghỉ ngơi. Tuy nhiên, nếu bé đạp nhiều đột ngột, cử động nhiều hơn 20 lần và liên tục hoặc đạp ít hơn 10 lần/ngày, bạn nên đi khám.
4. Vị trí của bé tại thời điểm này
Bé sẽ nằm thẳng và hướng đầu về phía tử cung của mẹ để chuẩn bị cho sự chào đời của chính mình. Vị trí này được xem là vị trí an toàn nhất của bé để mẹ bầu có thể vượt cạn bình thường.
Mang thai 7 tháng, mẹ bầu thường gặp phải tình trạng gì?
Nhiều mẹ bầu thường thắc mắc mang thai tháng thứ 7 cần chú ý những gì để đảm bảo sức khỏe cho mẹ bầu và sự phát triển của bé. Giai đoạn thai 7 tháng, bụng của bạn bắt đầu to hơn, điều đó sẽ khiến bạn cảm thấy bất tiện và dẫn đến một số tình trạng sau:
- Đau thắt lưng
- Khó khăn khi đi lại
- Luôn cảm thấy nóng bức
- Tâm trạng của bạn rất dễ thay đổi và hay cảm thấy lo lắng
- Tình trạng đau bụng dưới khi mang thai tháng thứ 7 cũng rất thường gặp do giai đoạn này, các cơ tử cung bắt đầu giãn ra và thai nhi chèn ép nhiều hơn lên các bộ phận trong cơ thể, vì vậy bà bầu 7 tháng hay thấy đau bụng lâm râm râm ở vùng bụng dưới
- Thai nhi càng phát triển thì trọng tâm của cơ thể bạn càng dịch chuyển xuống phía dưới, áp lực gây ra lên bàng quang có thể khiến bạn đi tiểu thường xuyên hơn
- Một số mẹ bầu còn có thể bị thiếu máu, trĩ, đau bụng, ợ nóng thường xuyên và các cơn co thắt sinh lý Braxton-Hicks diễn ra khi mang thai 7 tháng
Những thay đổi của cơ thể mẹ bầu khi mang thai tháng thứ 7
Khi thai nhi được 7 tháng tuổi, cơ thể của mẹ bầu sẽ có những thay đổi đáng kể để chuẩn bị cho quá trình lâm bồn:
- Ngực: Trở nên mềm mại hơn, nặng hơn, các mạch máu xuất hiện dày đặc hơn và núm vú trở nên sẫm màu hơn. Ở giai đoạn này, bầu ngực cũng bắt đầu sản xuất sữa nên đôi khi bạn có thể bị rỉ sữa non. Bạn nên mặc áo ngực thoải mái, vừa vặn để được bảo vệ và hỗ trợ tốt nhất
- Dáng đi: Sự phát triển không ngừng của vòng bụng khiến dáng đi của bạn thay đổi ít nhiều và đôi chân sẽ trở thành phần chịu lực chính
- Sưng (phù): Việc tăng cung cấp máu có thể gây phù và sưng ở tay
- Mệt mỏi: Kích thước bụng bầu 7 tháng thường bắt đầu “quá khổ” nên có thể làm bạn bất tiện trong một vài hoạt động nhất định, khiến bạn rất dễ mệt mỏi, khó thở khi mang thai tháng thứ 7…
- Giãn tĩnh mạch: Việc tăng cung cấp máu cho cơ thể sẽ làm bạn gặp phải tình trạng suy giãn tĩnh mạch khi mang thai.
Bà bầu tháng thứ 7 nên ăn gì?
Theo các chuyên gia, chế độ dinh dưỡng khi mang thai 7 tháng gồm:
- Thực phẩm giàu axit béo omega-3: Trứng, hải sản và quả óc chó rất có lợi cho sự phát triển của bé trong giai đoạn này.
- Thực phẩm giàu vitamin C: Cải bó xôi, trứng, thịt bò và các loại rau xanh…
- Thực phẩm giàu magie: Hạnh nhân, cám yến mạch, đậu đen, lúa mạch, atisô, hạt bí ngô…
- Thực phẩm giàu canxi: Trứng, phô mai, sữa chua…
- Thực phẩm giàu axit folic: Các loại ngũ cốc như bột yến mạch, nhãn hoặc rau và trái cây có lá sẫm màu như dâu tây và cam.
- Thực phẩm giàu chất xơ: Táo, trái cây, các loại đậu và ngũ cốc nguyên hạt…
Ngoài ra, bà bầu thai 7 tháng nên uống nhiều nước để giúp hệ tiêu hóa cũng như cả cơ thể hoạt động hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, mẹ cũng chú ý một số vấn đề dinh dưỡng khi mang thai tháng thứ 7:
- Tránh ăn những món nhiều dầu mỡ.
- Hạn chế ăn thực phẩm đóng hộp, nước xốt, tương cà, khoai tây chiên và các món muối chua vì chúng chứa nhiều muối. Điều này sẽ giúp bạn tránh được tình trạng tích nước và sưng
- Tránh các thức ăn cay, có tính axit và có nhiều chất béo vì chúng có thể gây khó tiêu và ợ nóng.
Mang thai tháng thứ 7 cần chú ý những gì?
Vì đã bước sang quý thứ ba của quá trình mang thai, mẹ bầu cần đặc biệt cẩn thận với chế độ ăn cũng như lối sống của mình.
Nên làm gì khi mang thai 7 tháng?
- Cân nhắc về việc đi bộ thường xuyên, có thể nghỉ ngơi giữa những quãng đường đi. Ngoài ra, mẹ bầu cần tránh đứng và ngồi một tư thế quá lâu. Hãy giữ cho cơ thể bạn hoạt động và linh hoạt.
- Tiếp tục tập thể dục đều đặn với sự tư vấn của bác sĩ. Bạn có thể đi bộ, tập yoga, bơi hoặc bất kì hình thức luyện tập nào khác mà bạn thích. Việc có một lối sống năng động sẽ giúp bạn dễ sinh hơn và phục hồi nhanh hơn sau khi sinh. Những bài tập giãn cơ cơ bản cũng rất hiệu quả đấy.
- Thực hiện các hoạt động theo sở thích như đọc sách, vẽ tranh, hát hoặc làm vườn. Những sở thích này sẽ giúp bạn giảm bớt căng thẳng, thư giãn và tránh xa khỏi những suy nghĩ cũng như lo lắng không cần thiết.
- Nghỉ ngơi càng nhiều càng tốt. Tư thế nằm ngửa có thể sẽ khá khó khăn vì bụng bạn bắt đầu to dần, do vậy hãy thử nằm nghiêng sang một bên. Bạn có thể dùng gối chữ U cho bà bầu hay đặt một miếng đệm nhỏ dưới bụng hoặc giữa hai chân sẽ làm bạn cảm thấy thoải mái hơn.
- Mặc quần áo bằng cotton vì chúng khá thoáng khí, giúp bạn thoải mái hơn khi nhiệt độ cơ thể tăng. Bạn có thể sử dụng thêm các dung dịch khử mùi có thành phần tự nhiên.
- Mẹ bầu hãy nhớ đi xét nghiệm máu định kì để kiểm tra nồng độ hemoglobin, đặc biệt nếu bạn có nhóm máu Rh-.
Những điều kiêng kỵ khi mang thai 7 tháng
- Nếu bạn có thói quen hút thuốc và uống rượu, hãy dừng hoàn toàn việc này lại. Ngoài ra, bạn cũng hãy tránh xa những người hút thuốc vì việc hút thuốc lá thụ động cũng có thể gây nguy hiểm đến bạn và em bé trong bụng.
- Ở giai đoạn này, bạn rất khó để cúi xuống vì bụng đã khá to. Đừng cố gắng làm điều đó và hãy luôn duy trì tư thế đúng.
- Không bưng bê vật nặng vì nó có thể gây áp lực lên bụng và ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi.
- Khi chọn nhạc cho thai nhi tháng 7 tháng, bạn nên tránh chọn những bài có tiếng nhạc hoặc tiếng ồn quá lớn. Thính giác của bé bây giờ đã hoàn chỉnh và bất kì tiếng động lớn nào cũng có thể khiến bé giật mình.
Bạn cần làm gì khi đi khám thai định kì?
Bà bầu mang thai tháng thứ 7 cần chú ý những gì? Bắt đầu khi bước sang giai đoạn thai nhi 7 tháng tuổi, bạn nên đi khám thai định kỳ 2 lần mỗi tháng. Mẹ bầu phải tuân thủ nghiêm ngặt lời khuyên cũng như hướng dẫn của bác sĩ. Bạn có thể phải thực hiện các kiểm tra sau:
- Khám lâm sàng: Trước hết, bạn sẽ được đo cân nặng và huyết áp. Thêm vào đó, bụng bầu và âm đạo của bạn cũng có thể sẽ được kiểm tra để đánh giá về tuổi thai, độ xóa mở của cổ tử cung.
- Siêu âm: Bác sĩ tiến hành siêu âm nhằm phân tích và đánh giá sự phát triển của thai nhi.
- Nhịp tim: Siêu âm Doppler sẽ được bác sĩ sử dụng để kiểm tra nhịp tim của em bé.
- Tiêm Rhogam: Nếu bạn thuộc nhóm máu hiếm Rh-, bạn sẽ phải tiêm globulin miễn dịch Rh trong tháng thứ 7 này của thai kỳ. Việc này sẽ giúp xây dựng kháng thể để chống lại yếu tố Rh.
Siêu âm khi mang thai 7 tháng
Thời gian tối ưu để tiến hành siêu âm là từ tuần 24 – 26, khi các bộ phận của thai nhi đã bắt đầu hình thành rõ nét và có thể nhìn thấy được. Siêu âm giúp chúng ta theo dõi được sự phát triển của em bé, kiểm tra mức độ nước ối, xác định vị trí của thai và đánh giá tình trạng của nhau thai.
Khi nào nên đi khám?
Nếu bạn gặp phải những tình trạng dưới đây hoặc những triệu chứng bất thường khác khiến bạn khó chịu và đau đớn, hãy đi khám ngay:
- Áp lực quá lớn hoặc đau nhiều vùng thắt lưng
- Dịch tiết âm đạo có màu nâu đỏ
- Nướu bị chảy máu
- Mệt mỏi và chóng mặt quá mức
- Bị táo bón hoặc các vấn đề về đường tiêu hóa
- Bị ợ nóng liên tục và trĩ
Hello Bacsi hi vọng rằng qua những thông tin được chia sẻ trong bài, bạn đã rõ về sự phát triển của thai 7 tháng cùng những thay đổi của cơ thể mẹ bầu, để từ đó chăm sóc thai kì tốt hơn.
[embed-health-tool-pregnancy-weight-gain]