Suy thai là tình trạng nguy hiểm, cần được can thiệp y tế ngay để hạn chế những ảnh hưởng xấu đến em bé trong bụng. Xem tiếp bài viết của Hello Bacsi để biết suy thai là gì, dấu hiệu suy thai và hướng xử lý!
Hiện tượng suy thai là gì?
Suy thai là tình trạng thai nhi không được khỏe, xảy ra khi em bé không nhận đủ oxy qua nhau thai. Nếu không được điều trị, tình trạng suy thai có thể khiến em bé phải thở trong nước ối có chứa phân su.
Điều này có thể khiến bé yêu khó thở sau khi sinh, thậm chí có thể ngừng thở. Hiện tượng suy thai đôi khi có thể xuất hiện trong thai kỳ nhưng phần lớn xảy ra ở quá trình chuyển dạ.
Nguyên nhân gây suy thai
Một số nguyên nhân chính khiến bé yêu gặp phải hiện tượng suy thai là:
- Dây rốn bị chèn
- Nhau bong non
- Nhiễm ối phân su
- Nhiễm trùng bào thai
- Bệnh di truyền từ người mẹ
- Do tư thế nằm của người mẹ gây áp lực lên các mạch máu lớn, làm mất oxy của em bé.
5 dấu hiệu suy thai mà mẹ bầu nên biết
Một số dấu hiệu suy thai thường gặp nhất là:
1. Thai nhi ít cử động
Chuyển động của thai nhi trong bụng mẹ là một trong những phần thú vị nhất của thai kỳ cũng như đóng vai trò như một chỉ số quan trọng, phản ánh sức khỏe bé yêu.
Trong ngày, đôi khi có những thời điểm thai nhi ngừng vận động, có thể do bé đang ngủ nhưng không kéo dài quá 90 phút. Vì vậy, nếu nhận thấy em bé trở nên ít hoạt động hơn hoặc hoàn toàn không cử động, đây có thể là dấu hiệu suy thai tháng cuối hoặc dấu hiệu thai nhi thiếu oxy đáng nghi ngờ
2. Chảy máu âm đạo
Chảy máu âm đạo một lượng nhỏ là tình trạng khá phổ biến trong thai kỳ. Tuy nhiên, mẹ bầu không nên chủ quan bởi điều này có thể ngầm báo hiệu rằng bạn đang bị bong nhau thai. Tình trạng này khiến em bé bị thiếu oxy và dẫn đến suy thai nếu không phát hiện, điều trị kịp thời.
3. Đau bụng
Đau bụng râm ran là điều tương đối bình thường trong thai kỳ. Hiện tượng này xảy ra khi em bé dần lớn lên trong tử cung. Tuy nhiên, trong một số trường hợp nhất định, đau bụng là dấu hiệu của một điều gì đó nghiêm trọng hơn. Chẳng hạn như sẩy thai, nhau bong non, tiền sản giật, nhiễm trùng đường tiết niệu, chuyển dạ sinh non hay thậm chí là biểu hiện của suy thai.
4. Nhịp tim thai bất thường
Một số kiểu nhịp tim cho thấy tình trạng suy thai và đây cũng là dấu hiệu suy thai 3 tháng đầu và dấu hiệu suy thai tháng cuối phổ biến. Để xác định nhịp tim của thai nhi, các chuyên gia y tế có thể sử dụng thiết bị theo dõi thai nhi bên ngoài hoặc bên trong nhằm phát hiện các bất thường có thể diễn ra.
5. Nước ối bất thường
Lượng nước ối thấp bất thường có thể dẫn đến thiếu oxy và các chấn thương khi sinh như bệnh não thiếu oxy cục bộ và bại não. Hiện tượng giảm nước ối cũng có thể cảnh báo thai nhi bị thiếu nước ối và cần được theo dõi chặt chẽ.
Mặt khác, khi gặp phải tình trạng đa ối, mẹ bầu cũng không thể chủ quan nhằm hạn chế nguy cơ em bé thiếu oxy dẫn đến suy thai.
Biện pháp điều trị và kiểm soát tình trạng suy thai
Để điều trị, bước đầu tiên các bác sĩ thường cho mẹ bầu thở oxy và truyền dịch. Đôi khi, tư thế vận động của mẹ bầu, chẳng hạn như xoay người sang một bên, có thể giảm bớt áp lực cơ thể lên em bé.
Nếu bạn đã được bác sĩ cho dùng thuốc giục sinh thì có thể cần tạm ngưng sử dụng thuốc. Trong trường hợp chuyển dạ tự nhiên, mẹ bầu sẽ được dùng thuốc để làm chậm các cơn co thắt.
Đôi khi thai nhi cần được chào đời một cách nhanh chóng bằng sự hỗ trợ của bác sĩ như: sinh giúp (kềm, hút), sinh mổ.
Hiện tượng suy thai có ảnh hưởng lâu dài đến em bé không?
Những em bé bị rơi vào tình trạng này, chẳng hạn như nhịp tim bất thường hoặc đi ngoài phân su khi mẹ đang trong quá trình chuyển dạ, sẽ có nhiều nguy cơ bị biến chứng hơn sau khi sinh.
Tình trạng thai nhi bị thiếu oxy trong khi sinh có thể dẫn đến các biến chứng rất nghiêm trọng cho bé, bao gồm chấn thương não, bại não và thậm chí là thai chết lưu.
Thai nhi bị suy thường phải sinh bằng phương pháp mổ đẻ. Mặc dù đây là hình thức sinh con an toàn nhưng vẫn tiềm ẩn rủi ro cho cả mẹ và con, bao gồm mất máu, nhiễm trùng hoặc chấn thương khi sinh, chậm phục hồi sau sinh.
Trẻ sinh ra bằng phương pháp đẻ mổ cũng có thể có nhiều nguy cơ mắc các vấn đề ngắn hạn như vàng da và gặp một số khó khăn khi bú. Tuy nhiên, việc cho bé tiếp xúc da kề da với mẹ ngay sau khi sinh và cho bé bú mẹ trong thời gian sớm nhất có thể giúp giảm thiểu những nguy cơ này.
Mặt khác, theo các chuyên gia, mỗi lần mang thai đều sẽ khác nhau. Cho nên, dù bạn từng gặp hiện tượng suy thai thì cũng không đồng nghĩa với việc sẽ lặp lại ở lần mang thai tiếp theo. Điều quan trọng bạn cần giữ tinh thần thoải mái, không lo lắng để trải qua thai kỳ an toàn nhé!
[embed-health-tool-due-date]