Tiền sản giật là một biến chứng nguy hiểm thường xuất hiện sau tuần 20 của thai kỳ. Trong đó, huyết áp cao và protein trong nước tiểu là hai triệu chứng điển hình của tiền sản giật.
Mặc dù có thể kiểm soát tiền sản giật nhưng biến chứng này luôn có thể gây nguy hiểm cho cả mẹ và thai nhi. Vì vậy, bạn không nên chủ quan mà cần tìm hiểu thông tin về biến chứng này. Song song đó là đảm bảo khám thai đầy đủ để ngăn ngừa rủi ro hiệu quả.
Tìm hiểu chung
Tiền sản giật là gì?
Tiền sản giật là một biến chứng thai kỳ nghiêm trọng do huyết áp tăng cao và có các dấu hiệu tổn thương các cơ quan khác, thường là thận. Phụ nữ mang thai dù có huyết áp bình thường cũng có thể bị tiền sản giật vào tuần thứ 21 của thai kỳ. Huyết áp tăng nhẹ cũng có thể là dấu hiệu của tiền sản giật. Nếu không chữa trị kịp thời, bệnh có thể dẫn đến sản giật gây những biến chứng nguy hiểm cho tính mạng của mẹ và bé.
Triệu chứng thường gặp
Những dấu hiệu và triệu chứng của tiền sản giật là gì?
Các triệu chứng của tiền sản giật có thể là:
- Huyết áp đột ngột tăng cao;
- Có protein trong nước tiểu hay những vấn đề về thận;
- Đau đầu nghiêm trọng;
- Thay đổi thị lực như tạm thời mất thị lực, mắt mờ đi, nhạy cảm với ánh sáng;
- Đau bụng trên; thường là dưới xương sườn bên phải
- Buồn nôn, nôn mửa;
- Đi tiểu ít;
- Giảm lượng tiểu cầu trong máu;
- Chức năng gan suy giảm;
- Khó thở do có dịch trong phổi.
Ngoài ra, tình trạng bất ngờ tăng cân hay tay chân bị phù cũng xuất hiện, nhưng đây là những triệu chứng thường gặp khi mang thai nên không được tính là biểu hiện phổ biến của bệnh tiền sản giật.
Bạn có thể gặp các triệu chứng và dấu hiệu khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.
Có thể bạn quan tâm: 7 dấu hiệu tiền sản giật thường gặp nhất mà mọi mẹ bầu nên biết
Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?
Hãy đến khám bác sĩ ngay lập tức nếu bạn bị đau đầu nghiêm trọng, mờ mắt, đau bụng dữ dội và khó thở. Trao đổi với bác sĩ để có thể kiểm soát huyết áp của bạn. Hãy đi kiểm tra ngay khi xuất hiện các triệu chứng của bệnh, nếu không bạn sẽ bỏ lỡ thời điểm điều trị tốt nhất.
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân nào gây ra tiền sản giật?
Hiện vẫn chưa rõ nguyên nhân chính xác của tiền sản giật. Các chuyên gia cho rằng nguyên nhân có thể xuất phát từ nhau thai – cơ quan nuôi dưỡng thai nhi trong suốt thai kỳ. Trong giai đoạn đầu của thai kỳ, các mạch máu bắt đầu phát triển để đưa lượng máu đầy đủ đến nhau thai. Ở những phụ nữ bị tiền sản giật, các mạch máu ấy dường như phát triển không đầy đủ. Chúng hẹp hơn so với các mạch máu bình thường và đáp ứng không đúng với các kích thích nội tiết tố, từ đó khiến số lượng máu giảm dần. Nguyên nhân gây nên hiện tượng trên có thể là do không đủ lượng máu vào tử cung, tổn thương mạch máu, hệ miễn dịch đang xảy ra vấn đề do ADN của người mẹ.
Nguy cơ mắc phải
Những ai thường mắc phải tiền sản giật?
Khoảng 6-8% phụ nữ mang thai bị tiền sản giật. Bệnh thường xảy ra nếu bạn mang thai lần đầu hoặc sau khi sinh. Bạn có thể hạn chế khả năng mắc bệnh bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ để biết thêm thông tin chi tiết đối với trường hợp của bạn.
Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc tiền sản giật?
Có rất nhiều yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc tiền sản giật, bao gồm:
- Tiền sử bị tiền sản giật: tiền sử bản thân hoặc gia đình mắc tiền sản giật sẽ khiến bạn có nguy cơ cao mắc phải bệnh này;
- Mang thai lần đầu;
- Tuổi tác: việc mang thai khi bạn trên 40 tuổi sẽ có nguy cơ cao bị tiền sản giật;
- Thừa cân hoặc béo phì;
- Mang đa thai: tiền sản giật thường xảy ra ở phụ nữ có thai đôi, thai ba;
- Khoảng thời gian giữa hai lần mang thai: nếu khoảng thời gian giữa hai lần mang thai của bạn là ngắn hơn 2 năm hoặc dài hơn 10 năm, bạn có nguy cơ bị tiền sản giật.
- Tiền sử bệnh tật: bạn sẽ có nguy cơ mắc tiền sản giật nếu bạn bị cao huyết áp, đau nửa đầu, tiểu đường tuýp 1 hoặc tiểu đường tuýp 2, bệnh thận, bệnh lupus,…
Điều trị hiệu quả
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.
Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán tiền sản giật?
Không có phương pháp xét nghiệm tiền sản giật cụ thể để chẩn đoán biến chứng này. Bác sĩ sẽ chẩn đoán dựa trên các triệu chứng như: huyết áp tăng và khó thở. Để xác định bệnh tiền sản giật, bác sĩ sẽ thực hiện xét nghiệm máu và kiểm tra protein trong nước tiểu cho bạn. Các dấu hiệu chính là huyết áp tăng cao và có protein trong nước tiểu. Ngoài ra, siêu âm và kiểm tra nhịp tim khi thai nhi chuyển động cũng sẽ được thực hiện. Dựa vào các dấu hiệu này, bác sĩ sẽ đưa ra kết luận chính xác.
Có thể bạn quan tâm: Xét nghiệm tiền sản giật: Cần thực hiện khi nào để có thai kỳ an toàn?
Những phương pháp nào dùng để điều trị tiền sản giật?
Cách duy nhất để điều trị tiền sản giật là sinh sớm nếu phát hiện tiền sản giật tuần 37 trở lên. Bạn đang có nguy cơ bị co giật, nhau bong non, đột quỵ và chảy máu nghiêm trọng cho đến khi huyết áp trở lại bình thường. Tuy nhiên, nếu bé còn quá nhỏ, đây không phải là phương pháp tốt nhất. Trong trường hợp bác sĩ chẩn đoán bạn bị tiền sản giật, bạn sẽ cần đến khám thai và tiến hành xét nghiệm máu, siêu âm thường xuyên hơn. Nếu bạn được chẩn đoán là bị tiền sản giật nặng, bạn có thể ở lại bệnh viện cho đến khi sinh con.
Trong quá trình chuyển dạ và sau khi sinh, những mẹ bị tiền sản giật thường được truyền magiê trực tiếp vào tĩnh mạch để ngăn ngừa sự phát triển của sản giật (co giật do tiền sản giật).
Chế độ sinh hoạt phù hợp
Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn biến của tiền sản giật?
Để han chế diễn tiến của bệnh tiền sản giật, bạn nên:
- Duy trì chế độ dinh dưỡng theo chỉ dẫn của bác sĩ;
- Giảm cân nếu bạn bị thừa cân/ béo phì (trước khi tăng cân do mang thai).
- Nằm nghỉ tại giường với tư thế nghiêng về phía bên trái;
- Kiểm tra nước tiểu theo chỉ dẫn của bác sĩ;
- Kiểm soát huyết áp và lượng đường trong máu (nếu bạn bị cao huyết áp hoặc tiểu đường trước khi mang thai)
- Duy trì thói quen tập thể dục thường xuyên.
- Ngủ đủ giấc.
- Ăn thực phẩm lành mạnh, ít muối và tránh caffein.
- Báo cho bác sĩ biết bạn bị sưng tay, chân, mặt, hoặc thị lực thay đổi, đau đầu hoặc đau bụng;
- Gọi bác sĩ nếu bạn bị tăng hơn 1,4 kg trong vòng 24 giờ.
Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.
Có thể bạn quan tâm: Tiết lộ 12 giải pháp phòng ngừa tiền sản giật hiệu quả cho mẹ bầu
[embed-health-tool-due-date]