Việc cảm nhận được thai máy là một trong những trải nghiệm thú vị nhất của các mẹ bầu. Vậy thai máy có nhói bụng không? Bà bầu bị nhói bụng khi mang thai là do đâu?
Trước khi đi tìm câu trả lời cho thắc mắc “thai máy có nhói bụng không?”, “bà bầu bị nhói bụng khi mang thai là do đâu?”, hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu thai máy là gì.
Thai máy là gì?
Thai máy là thuật ngữ dùng để chỉ cử động của thai nhi bên trong tử cung mà mẹ bầu có thể cảm nhận được. Các cử động này có thể là những cú đạp, cú thúc cùi chỏ, vung tay, vươn người hay lộn nhào và cả những lần nấc của thai nhi … Thai máy cũng là cách thai nhi phản ứng lại với những tác động từ môi trường bên ngoài như tiếng ồn, ánh sáng hoặc thức ăn mà mẹ ăn vào.
Thông thường, ở lần mang thai thứ 2 trở đi, do đã quen với các cử động của thai nhi ở lần mang thai trước nên các mẹ bầu sẽ bắt đầu cảm nhận được những cử động của thai nhi vào khoảng tuần thứ 16 trở đi của thai kỳ. Với các mẹ bầu mang thai con so, việc cảm nhận thai máy có thể diễn ra muộn hơn, tầm tuần 20 của thai kỳ. Ngoài ra, thời điểm cảm nhận thai máy còn phụ thuộc vào vị trí bánh nhau của mẹ nằm ở mặt trước hay mặt sau và thành bụng của mẹ có dày không.
Theo các chuyên gia sản phụ khoa, thai máy là dấu hiệu cho thấy bé yêu đang phát triển hoàn toàn bình thường và khỏe mạnh.
Thai máy có nhói bụng không? Tại sao bị nhói bụng khi mang thai?
Nhiều mẹ bầu thường thắc mắc thai máy có nhói bụng không? Tại sao bị nhói bụng khi mang thai? Câu trả lời sẽ có ở phần này, bạn đừng bỏ lỡ.
1. Thai máy có nhói bụng không, có đau không?
Câu trả lời cho thắc mắc “thai máy có nhói bụng không, có đau không?” là có.
Theo các chuyên gia sản phụ khoa, việc mẹ bầu cảm thấy đau hoặc khó chịu khi thai máy là điều hoàn toàn bình thường. Bạn có thể cảm thấy đau ở xương sườn và bụng khi thai máy. Một số mẹ bầu lại cho biết họ cảm thấy đau nhói ở âm đạo hoặc vùng háng khi em bé vận động mạnh.
Cảm giác khi thai máy ở mỗi mẹ bầu là khác nhau, thậm chí là khác ở các lần mang thai. Những gì mẹ bầu cảm nhận được phụ thuộc vào việc em bé và nhau thai ở vị trí nào trong tử cung, bé di chuyển như thế nào và đang ở giai đoạn nào của thai kỳ. Vào cuối thai kỳ, việc em bé phát triển lớn khiến không gian trong tử cung dần hẹp lại. Lúc này, bé sẽ đạp ít hơn mà thay vào đó là những cử động như trườn người hay gồng mình trong bụng mẹ nhiều hơn.
2. Tại sao bị nhói bụng khi mang thai?
Theo các chuyên gia, nếu mẹ bầu chỉ cảm thấy đau hoặc khó chịu khi bé yêu cử động thì đây không phải là dấu hiệu cần lo lắng. Tuy nhiên, cần lưu ý là nếu cơn đau không biến mất khi con bạn ngừng cử động hoặc nếu cơn đau trở nên nghiêm trọng hoặc nếu bạn có bất kỳ triệu chứng nào khác, hãy đi khám ngay. Nguyên do là bởi triệu chứng đau nhói bụng khi mang thai có thể là dấu hiệu cảnh báo các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng sau:
2.1 Tiền sản giật
Tiền sản giật là một rối loạn tăng huyết áp trong thai kỳ, biểu hiện bởi tình trạng tăng huyết áp và protein trong nước tiểu (protein niệu) có thể có hoặc không kèm theo phù và cũng có thể gây ra những cơn đau bụng dữ dội đặc biệt vùng gan. Tình trạng này có thể đe dọa đến sức khỏe của cả mẹ và bé. Do đó, mẹ bầu cần đi khám sớm nếu nghi ngờ mình bị tiền sản giật.
2.2 Nhau bong non
Nhau bong non là một biến chứng của thai kỳ xảy ra khi nhau thai tách ra khỏi tử cung của mẹ bầu trước khi em bé được sinh, thường xảy ra ở 3 tháng cuối của thai kỳ. Tình trạng này có thể đe dọa tính mạng của mẹ bầu lẫn thai nhi.
Nhau bong non có thể xảy ra khi mẹ bầu bị chấn thương, bị va chạm mạnh hoặc mẹ bị tiền sản giật nhưng không phải trường hợp nào, các bác sĩ cũng có thể xác định được nguyên nhân.
2.3 Vỡ tử cung
Trong một số tình trạng hiếm gặp việc mẹ bầu bị đau nhói ở bụng khi thai máy, cường độ cơn đau tăng lên khi thai cử động có thể là dấu hiệu cho biết tử cung bị vỡ.
2.4 Chuyển dạ sinh non
Việc mẹ bầu chuyển dạ sinh non trước 37 tuần của thai kỳ cũng có thể là nguyên nhân gây đau nhói ở bụng.
2.5 Các nguyên nhân khác
Ngoài các nguyên nhân kể trên cùng với hiện tượng đau dây chằng tròn và chuột rút khi mang thai, nhiều chị em bầu bí còn có thể bị đau nhói bụng do:
- Chướng bụng, đầy hơi
- Táo bón
- Khó tiêu
- Nhiễm trùng đường tiết niệu ( UTI )
- Sỏi thận
Đau nhói bụng khi mang thai: Khi nào cần đi khám?
Nếu bạn đang bị đau nhói bụng dữ dội, hãy đi khám càng sớm càng tốt. Ngoài ra, bạn nên đi khám nếu có các dấu hiệu cảnh báo sau:
- Cơn đau diễn ra liên tục
- Sốt
- Đau kèm theo buồn nôn hoặc nôn
- Chảy máu nhiều hoặc liên tục
- Thay đổi dịch tiết âm đạo
- Đau dữ dội gây khó khăn khi đi lại, nói hoặc thở…
Làm thế nào để có thể cảm thấy thoải mái hơn khi thai máy?
Mặc dù thai máy liên tục có thể gây khó chịu nhưng điều này thường không phải là dấu hiệu cho thấy có điều gì đó không ổn. Trên thực tế, việc thai máy diễn ra thường xuyên có thể là dấu hiệu cho thấy bé đang khỏe mạnh.
Nếu cảm thấy bị đau xương sườn khi thai máy, hãy đưa tay lên qua đầu và vươn vai hoặc điều chỉnh tư thế để có thể kéo dài lưng. Bạn cũng có thể thử đứng lên đi lại nhẹ nhàng. Hãy thử nghiệm bất kỳ điều gì làm cho bạn cảm thấy tốt hơn.
Hãy cố gắng nhớ rằng cảm nhận của bạn về mỗi lần mang thai đều khác nhau. Đừng lo lắng nếu các mẹ bầu khác chia sẻ rằng họ không cảm thấy đau nhói khi thai máy hoặc nếu bạn cảm thấy những cú đá mạnh hơn so với lần mang thai trước. Thay vào đó, hãy đếm cử động thai và quan sát cách bé yêu chuyển động để đảm bảo con vẫn khỏe mạnh.
Hello Bacsi tin rằng thông qua những thông tin được chia sẻ trong bài, các mẹ bầu đã có câu trả lời thật rõ ràng cho thắc mắc thai máy có nhói bụng không, tại sao bị nhói bụng khi mang thai. Từ đó có thể nhận diện được các dấu hiệu cảnh báo để kịp thời đi khám sớm.
[embed-health-tool-due-date]