Cục máu đông hay còn gọi là huyết khối, hình thành khi máu chuyển từ thể lỏng sang thể rắn. Trong một số trường hợp, cục máu đông bất thường có thể ngăn chặn một phần hoặc hoàn toàn dòng chảy của máu trong mạch máu và gây nguy hiểm. Bất cứ ai cũng có thể gặp tình trạng này nhưng nguy cơ rối loạn đông máu khi mang thai và sau sinh thường cao hơn.
Có thể bạn chưa biết, cục máu đông thường gây ra một số biến chứng cho thai kỳ nên không thể chủ quan. Thế nhưng, điều may mắn là vấn đề này có thể được ngăn ngừa và điều trị nếu phát hiện sớm. Do vậy, điều quan trọng là mẹ nên chủ động trang bị thông tin về rối loạn đông máu khi mang thai để nhận biết vấn đề và thông báo cho bác sĩ khi cần!
Vì sao mẹ bị rối loạn đông máu khi mang thai?
Mẹ bầu là nhóm đối tượng có nguy cơ xuất hiện cục máu đông cao gấp 5 lần so với phụ nữ không mang thai. Sau đây là một số nguyên nhân chính gây rối loạn đông máu khi mang thai mà bạn cần biết:
- Cơ chế của cơ thể nhằm hạn chế mất máu khi sinh nở: Trong thai kỳ, máu của bạn dễ đông lại hơn nhằm mục đích giúp giảm nguy cơ mất máu trong quá trình chuyển dạ và sinh nở trong tương lai.
- Thai nhi đè lên mạch máu quanh khung xương chậu: Khi mang thai ở những tháng cuối, em bé của bạn ngày càng lớn và đè lên các mạch máu xung quanh khung xương chậu của bạn. Điều này khiến lưu lượng máu chảy đến chân có thể ít đi và tăng nguy cơ tắc nghẽn mạch máu.
- Mẹ bầu ít vận động: Đa số mẹ bầu thường có xu hướng nghỉ ngơi nhiều và ít vận động trong thai kỳ hoặc sau sinh. Điều này cũng góp phần gây rối loạn đông máu khi mang thai hoặc sau khi sinh con.
Các yếu tố làm tăng nguy cơ đông máu khi mang thai hoặc sau sinh
Bên cạnh những nguyên nhân kể trên, mẹ cũng có nguy cơ rối loạn đông máu khi mang thai hoặc sau sinh nếu có một trong những yếu tố rủi ro sau:
- Mẹ bầu trên 35 tuổi, mang thai hai em bé trở lên hoặc đã sinh nhiều lần.
- Mẹ mắc bệnh máu khó đông trước khi mang thai hoặc gia đình có người bị đông máu.
- Một số tình trạng sức khỏe của thai phụ có thể tăng nguy cơ bị rối loạn đông máu khi mang thai, bao gồm huyết áp cao, tiểu đường, thừa cân hoặc béo phì.
- Mẹ bầu hút thuốc hoặc thường xuyên tiếp xúc với khói thuốc lá.
- Mẹ bầu đi du lịch xa trong thai kỳ. Việc ngồi một chỗ quá lâu trên tàu xe hoặc máy bay có thể tăng nguy cơ bị rối loạn đông máu khi mang thai.
- Mẹ bị mất nước. Khi không có đủ nước trong cơ thể, các mạch máu sẽ thu hẹp và máu của bạn đặc lại gây đông máu.
- Không chỉ rối loạn đông máu khi mang thai mà trong 6 tuần đầu sau sinh, các mẹ cũng có nhiều nguy cơ đông máu. Tình trạng này thường dễ xảy ra ở mẹ sinh mổ và ít vận động sau sinh.
Dấu hiệu nhận biết rối loạn đông máu khi mang thai
Việc tìm hiểu thông tin sẽ giúp bạn nhận biết sớm các dấu hiệu đông máu để đi khám và điều trị kịp thời. Với mẹ bầu, cục máu đông thường xuất hiện ở tay hoặc chân với các triệu chứng bao gồm:
- Sưng ở chi bị ảnh hưởng bởi đông máu
- Đau hoặc nhức ở chân, đặc biệt là khi đi bộ dù mẹ không có bất kỳ chấn thương nào
- Da ở vùng bị ảnh hưởng thường ấm khi chạm vào
- Mẹ cũng có thể thấy vùng da bị ảnh hưởng đỏ lên, đặc biệt là vùng da phía sau đầu gối.
Cục máu đông ở tay chân cũng có thể vỡ ra và di chuyển đến phổi gây thuyên tắc phổi (Pulmonary embolism – PE). Các triệu chứng của thuyên tắc phổi bao gồm:
- Khó thở
- Đau ngực, có thể trầm trọng hơn khi hít thở sâu hoặc ho
- Ho ra máu
- Nhịp tim nhanh hơn bình thường hoặc rối loạn nhịp tim.
Biến chứng thai kỳ của rối loạn đông máu khi mang thai
Rối loạn đông máu khi mang thai không được điều trị kịp thời có thể nguy hiểm với cả mẹ và bé. Các biến chứng có thể xảy ra bao gồm:
- Cục máu đông trong nhau thai: Tình trạng này có thể ngăn máu truyền đến thai nhi và gây hại cho em bé.
- Đau tim: Nếu cục máu đông chặn dòng máu và oxy đến tim, điều này khiến tim không thể bơm máu tốt. Cơ tim bị ảnh hưởng có thể ngừng hoạt động, dẫn đến những cơn đau tim, thậm chí là gây tử vong.
- Thai chậm tăng trưởng trong tử cung (IUGR): Điều này nghĩa là thai nhi phát triển kém so với tuổi thai.
- Thiểu năng nhau thai: Đây là tình trạng mà nhau thai hoạt động không tốt khiến em bé nhận được ít oxy và dinh dưỡng hơn.
- Sảy thai: Sảy thai là khi em bé chết trong bụng mẹ trước tuần 20 của thai kỳ.
- Thai chết lưu: Tình trạng thai nhi, thường trên 20 tuần, chết trong bụng mẹ trước khi sinh.
- Tiền sản giật: Thường xảy ra sau tuần 20 của thai kỳ hoặc ngay sau khi mang thai. Các dấu hiệu bao gồm huyết áp cao và có protein trong nước tiểu (thông qua kết quả xét nghiệm).
- Thuyên tắc phổi: Cục máu đông vỡ ra và di chuyển đến phổi. Đây là tình trạng nguy hiểm vì thuyên tắc khiến mức oxy trong máu bị hạ thấp và có thể gây tử vong.
- Đột quỵ: Xảy ra khi cục máu đông chặn một mạch máu đưa máu đến não hoặc khi một mạch máu trong não bị vỡ. Đột quỵ khi mang thai hiếm khi xảy ra. Thế nhưng, nếu đột quỵ xảy ra có thể gây tổn thương lâu dài cho bạn hoặc gây tử vong.
Phương pháp chẩn đoán
Để ngăn ngừa rủi ro, việc nhận biết sớm các triệu chứng của rối loạn đông máu khi mang thai rất quan trọng. Bạn cũng nên thông báo cho bác sĩ càng sớm càng tốt nếu có triệu chứng hoặc khi bạn thuộc nhóm có nguy cơ cao để được theo dõi và điều trị kịp thời.
Bác sĩ có thể đề nghị siêu âm hoặc chụp cộng hưởng từ MRI để tìm hiểu xem bạn có bị tắc nghẽn mạch máu, đông máu hay không. Các xét nghiệm này thường không gây đau và an toàn trong thai kỳ. Nếu bị rối loạn đông máu khi mang thai, mẹ có thể cần đi khám thai thường xuyên hơn. Trong quá trình này, bác sĩ sẽ kiểm tra huyết áp của bạn và sử dụng thêm các xét nghiệm khác, chẳng hạn như xét nghiệm máu, để theo dõi sức khỏe mẹ bầu kỹ càng hơn.
Bên cạnh đó, bác sĩ cũng kiểm tra sức khỏe thai nhi trong bụng mẹ qua những xét nghiệm như:
- Siêu âm: Kiểm tra sự tăng trưởng và phát triển của bé. Mẹ cũng có thể cần được siêu âm Doppler để kiểm tra lưu lượng máu của động mạch trong dây rốn.
- Theo dõi nhịp tim thai nhi: Kiểm tra nhịp tim của thai nhi trong bụng mẹ và xem nhịp tim của bé thay đổi như thế nào khi bé chuyển động. Xét nghiệm này được thực hiện nhằm kiểm tra em bé có nhận đủ oxy hay không.
Điều trị rối loạn đông máu khi mang thai
Hiện nay, các trường hợp rối loạn đông máu khi mang thai thường được điều trị bằng thuốc chống đông máu dạng tiêm thay vì sử dụng thuốc dạn viên nén.
Nếu mẹ bị loạn đông máu khi mang thai, bác sĩ có thể kê đơn thuốc chống đông máu cho mẹ bầu, thường là thuốc heparin trọng lượng phân tử thấp. Thuốc này được tiêm dưới da để ngăn ngừa hoặc điều trị cục máu đông khi mang thai hoặc sau sinh.
Phòng ngừa nguy cơ đông máu trong thai kỳ
Rối loạn đông máu khi mang thai rất nguy hiểm. Do đó, việc chủ động phòng ngừa là điều cần thiết. Sau đây là một số bí quyết phòng ngừa mà bạn có thể tham khảo:
- Tìm hiểu và nhận biết sớm các triệu chứng của cục máu đông như sưng tay, chân, da đỏ/ đổi màu… Mẹ cần thông báo ngay cho bác sĩ nếu phát hiện những triệu chứng này để được điều trị kịp thời.
- Mẹ nên thận trọng hơn nếu thuộc nhóm đối tượng có nguy cơ cao bị đông máu và thông báo sớm điều này cho bác sĩ để được theo dõi, kiểm tra thường xuyên.
- Cố gắng vận động nhiều hơn trong thai kỳ, chẳng hạn như dành thời gian mỗi ngày để đi bộ nhẹ nhàng. Nếu đi du lịch xa và bạn phải ngồi hơn 4 giờ trên các phương tiện thì hãy cố gắng cử động chân thường xuyên, chẳng hạn như duỗi chân ra, xoay cổ chân hoặc cử động các ngón chân.
- Duy trì một số thói quen giúp giảm nguy cơ đông máu như uống nhiều nước và mặc quần áo rộng rãi.
- Nếu phải điều trị rối loạn đông máu khi mang thai, mẹ cần đảm bảo tuân theo các hướng dẫn về điều trị từ bác sĩ và chỉ nên dùng thuốc chống đông máu được kê đơn.
Hy vọng những thông tin trên đã giúp bạn hiểu rõ về tình trạng rối loạn đông máu khi mang thai.
[embed-health-tool-due-date]