backup og meta

Bà bầu bị bệnh tim: Cẩn tắc vô ưu!

Bà bầu bị bệnh tim: Cẩn tắc vô ưu!

Liệu những bà bầu bị bệnh tim có ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống thường nhật? Làm thế nào để trẻ sinh ra có sức khỏe tốt và không bị các di chứng từ mẹ?

Mang thai tạo áp lực lớn lên tim và hệ tuần hoàn, nhưng thực tế nhiều phụ nữ bị bệnh tim vẫn có thể sinh con hoàn toàn khỏe mạnh. Phụ nữ mắc bệnh tim cần tìm hiểu và biết trước những rủi ro, làm thế nào để ngăn ngừa các biến chứng có thể gặp phải khi mang thai.

Nếu bạn bị bệnh tim, bạn sẽ cần được chăm sóc đặc biệt trong thời gian bạn mang thai. Dưới đây là những kiến thức bạn cần biết liên quan đến việc mang thai khi mắc bệnh tim.

Mang thai ảnh hưởng đến hoạt động của tim như thế nào?

Mang thai tạo áp lực lên tim và hệ tuần hoàn. Trong thời gian mang thai, thể tích máu bạn cần tăng từ 30 đến 50% để đủ nuôi dưỡng thai nhi trong bụng phát triển. Lượng máu tim bơm mỗi phút cũng tăng từ 30 đến 50%. Nhịp tim của bạn theo đó cũng tăng theo. Để bắt kịp những thay đổi này của cơ thể, trái tim bạn phải làm việc chăm chỉ hơn để cung cấp máu nuôi cơ thể.

Thời gian bạn chuyển dạ và sinh con cũng tạo thêm áp lực và trái tim của bạn hoạt động nhiều hơn. Trong thời gian chuyển dạ, đặc biệt khi bạn rặn đẻ, lưu lượng máu và áp suất trong khoang ổ bụng sẽ thay đổi đột ngột. Khi em bé được sinh ra, lưu lượng máu qua tử cung bị mất đi cũng sẽ dồn về tim, tạo áp lực bắt tim phải hoạt động nhiều hơn.

Bà bầu bị bệnh tim có thể gặp phải rủi ro gì?

Tùy thuộc vào tính chất và mức độ nghiêm trọng của bệnh tim mạch, mẹ bầu có thể gặp phải một vài rủi ro sau:

  • Các vấn đề về nhịp tim: Trong thai kỳ, thai phụ thường gặp phải những bất thường nhỏ về nhịp tim. Những bất thường này không đáng quan tâm.
  • Van tim có vấn đề: Nếu đã từng thay van tim nhân tạo hay tim hoặc van tim bị sẹo hoặc bị dị tật, bạn có nguy cơ cao gặp phải nhiều biến chứng trong thai kỳ. Nếu van tim không hoạt động tốt, tim của bạn sẽ không thể chịu đựng được lượng máu tăng lên trong cơ thể suốt quá trình mang thai.
  • Tăng nguy cơ viêm nội tâm mạc nhiễm trùng: Bệnh nhiễm trùng các lớp lót bên trong của tim (màng trong tim) và van tim, thường xảy ra với những người có van nhân tạo và van tim dị thường có khả năng đe dọa đến tính mạng. Hầu hết các loại van tim nhân tạo cơ học đều gây ảnh hưởng xấu đến phụ nữ mang thai và thai nhi. Nguyên nhân là do các mẹ bầu thường phải sử dụng các chất kháng đông kèm theo dẫn đến ảnh hưởng đến khả năng đông máu có thể đe dọa tính mạng.
  • Suy tim sung huyết: Khi khối lượng máu tăng, tình trạng bệnh suy tim sung huyết có thể trở nên nặng hơn.
  • Khuyết tật bẩm sinh tim: Nếu mẹ bầu bị dị tật tim bẩm sinh, thai nhi cũng có nguy cơ mắc phải một số loại khuyết tật tim. Hơn nữa, nguy cơ sinh non của những mẹ bầu bị bệnh tim cũng cao hơn.

Bệnh tim gây ra thêm các vấn đề và biến chứng nào?

Một số dạng bệnh tim, bao gồm cả các bệnh tim liên quan đến van hai lá hoặc van động mạch chủ đều có nguy cơ đe dọa đến tính mạng cho cả mẹ và bé. Tùy thuộc vào tình trạng bệnh, một số bệnh nhân bị bệnh tim có thể cần phải được điều trị nhiều hơn – chẳng hạn như phải thực hiện phẫu thuật tim – trước khi muốn mang thai.

Những phụ nữ mắc hội chứng bẩm sinh hiếm gặp Eisenmenger hoặc bị huyết áp cao trong các mạch máu phổi không nên mang thai vì áp lực máu ở các động mạch ở phổi cũng như phía bên phải của tim (tăng huyết áp động mạch phổi) thường tăng quá cao đến nỗi không thể mang thai được.

Bạn nên dùng các loại thuốc nào?

Bất kỳ loại thuốc nào bạn dùng trong thời kỳ mang thai đều ảnh hưởng đến thai nhi trong bụng. Thường thì những lợi ích khi bạn dùng thuốc sẽ lớn hơn những rủi ro bạn có thể gặp phải. Nếu bạn cần dùng thuốc để điều trị và kiểm soát bệnh tình của bạn, các bác sĩ sẽ kê toa thuốc ở liều thích hợp nhất để đảm bảo an toàn cho bạn.

Bạn nên uống thuốc đúng theo quy định, không được tự ý ngưng dùng thuốc hoặc tự ý điều chỉnh liều dùng thuốc.

Cần chuẩn bị gì trước khi mang thai?

Trước khi cố gắng thụ thai, bạn nên sắp xếp một cuộc hẹn trước với bác sĩ tim mạch. Bác sĩ sẽ đánh giá tình trạng bệnh tim và xem xét để điều chỉnh cách điều trị bệnh trước khi bạn mang thai.

Một số loại thuốc thường được sử dụng để điều trị bệnh tim không được sử dụng trong thai kỳ. Tùy thuộc vào từng trường hợp tình trạng bệnh khác nhau, bác sĩ có thể điều chỉnh liều dùng hoặc dùng các loại thuốc thay thế khác và tư vấn cho bạn trước những rủi ro có thể gặp phải.

Kiểm tra và chăm sóc sức khỏe như thế nào trước khi sinh?

Trong thời gian mang thai, bạn nên thăm khám thường xuyên hơn. Bác sĩ sẽ kiểm tra trọng lượng và huyết áp thường xuyên ở mỗi lần thăm khám. Ngoài ra, bạn cũng cần xét nghiệm máu và nước tiểu.

Các bác sĩ chăm sóc sức khỏe của bạn có thể dùng nhiều xét nghiệm khác nhau để đánh giá và xem xét hoạt động và tình trạng tim của bạn, bao gồm:

  • Siêu âm tim: Xét nghiệm này sử dụng sóng âm thanh để tạo ra hình ảnh tim của bạn
  • Điện tâm đồ: Xét nghiệm này ghi lại hoạt động và nhịp đập của tim bạn
Bà bầu bị bệnh tim cần thăm khám thường xuyên hơn
Bà bầu bị bệnh tim cần thăm khám thường xuyên hơn

Làm thế nào chắc chắn rằng thai nhi trong bụng vẫn phát triển khỏe mạnh và bình thường?

Các bác sĩ sẽ theo dõi chặt chẽ quá trình phát triển của thai nhi trong suốt thai kỳ. Bác sĩ sẽ siêu âm thường xuyên cho bạn để theo dõi quá trình phát triển của em bé và siêu âm chuyên dụng để phát hiện các bất thường về tim thai. Em bé nên được theo dõi hoặc điều trị ngay cả sau khi bạn đã sinh bé.

Ngăn ngừa các biến chứng trong thai kỳ

Để đảm bảo sự phát triển của thai nhi cũng như sức khỏe mẹ bầu, bạn nên lưu ý những điều sau:

  • Khám sức khỏe đầy đủ trước khi sinh.
  • Dùng thuốc theo đúng chỉ dẫn.
  • Nghỉ ngơi nhiều hơn. Bạn nên ngủ trưa hàng ngày, nếu có thể và tránh các hoạt động thể chất nặng. Trong một số trường hợp đặc biệt, bác sĩ có thể khuyên bạn nên nghỉ ngơi tại giường.
  • Theo dõi cân nặng thường xuyên. Tăng cân nặng với số lượng phù hợp là dấu hiệu cho thấy quá trình tăng trưởng và phát triển của bé bình thường. Tuy nhiên, nếu bạn tăng cân quá nhiều, tim sẽ càng phải chịu nhiều áp lực hơn.
  • Giảm bớt căng thẳng và lo lắng. Tìm hiểu trước những kiến thức về các biến chứng có thể gặp phải khi bạn chuyển dạ và sinh nở. Nếu biết rõ trước chuyện gì có thể xảy ra giúp bạn cảm thấy thoải mái hơn.
  • Tránh hút thuốc lá, uống rượu và dùng ma túy bất hợp pháp.

Bạn cần liên hệ ngay với các bác sĩ chăm sóc sức khỏe của bạn nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng đặc biệt nào dưới đây:

  • Khó thở
  • Thở dốc khi gắng sức
  • Tim đập nhanh hoặc đập bất thường
  • Đau tức ngực
  • Ho ra máu hoặc ho vào ban đêm.

[embed-health-tool-due-date]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Waksmonski CA, et al. Acquired heart disease and pregnancy. http://www.uptodate.com/home. Ngày truy cập 06/05/2014

Bonow RO, et al. Braunwald’s Heart Disease: A Textbook of Cardiovascular Medicine. 9th ed. Philadelphia, Pa.: Saunders Elsevier; 2012. http://www.clinicalkey.com. Ngày truy cập 06/05/2014

Iung B. Heart disease in pregnant women: Recent ESC guidelines. Archives of Cardiovascular Disease. 2012;105:57.

Otto CM, et al. Valvular heart disease: A companion to Braunwald’s Heart Disease. 4th ed. Philadelphia, Pa.: Saunders Elsevier; 2014. http://www.clinicalkey.com. Ngày truy cập 06/05/2014

Regitz-Zagrosek V, et al. Management of cardiovascular diseases during pregnancy. Currents Problems in Cardiology. 2014;39:85.

Gabbe SG, et al. Obstetrics: Normal and Problem Pregnancies. 6th ed. Philadelphia, Pa.: Saunders Elsevier; 2012. http://www.clinicalkey.com. Ngày truy cập 06/05/2014

Impact on females. American Heart Association. http://www.heart.org/HEARTORG/Conditions/CongenitalHeartDefects/TheImpactofCongenitalHeartDefects/Impact-on-Females_UCM_307113_Article.jsp. ngày truy cập 06/05/2014

Prenatal care. Department of Health and Human Services. http://womenshealth.gov/publications/our-publications/fact-sheet/prenatal-care.html. ngày truy cập 06/05/2014

 

Phiên bản hiện tại

15/11/2019

Tác giả: Thinh Ta

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh


Bài viết liên quan

Thai quá ngày: Nguyên nhân, giải pháp và những điều mẹ bầu cần biết

Tim thai: Dấu hiệu sức khỏe bé yêu mẹ cần đặc biệt lưu ý


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Thinh Ta · Ngày cập nhật: 15/11/2019

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo